Một thời làm phim trên đất nước Chùa Tháp

Hôm đầu mới sang, bác An dẫn chúng tôi đến chào “ra mắt” các nhà lãnh đạo điện ảnh nước bạn. Bác An giới thiệu chúng tôi với các bạn bằng tiếng Pháp. Bác An và ông Cục trưởng Cục điện ảnh Campuchia là lớp trí thức từ thời Đông Dương thuộc Pháp. Họ gặp nhau như có sự đồng cảm, trò chuyện với nhau như đôi bạn thân thiết.

(TGĐA) - Nói đến Việt Nam làm phim ở Campuchia từ 1979 đến 1989, suốt mười năm có rất nhiều đoàn của các Hãng phim đã sang PhnômPênh thực hiện nhiều bộ phim tài liệu nói về sự đổi thay của đất nước này từ sau ngày nhân dân Campuchia đánh đổ bọn Pôn Pốt.


Lần thứ hai tôi đến Phnôm Pênh làm phim sau hơn bốn năm Campuchia thóat khỏi nạn diệt chủng. Lần trước sang đây còn nghe tiếng súng trận, đường phố thủ đô vắng ngắt, nay phố phường đã đông vui, cuộc sống đang hồi sinh đổi mới từng ngày. Chúng tôi ở nhà khách của Cục Điện ảnh bạn ngay sát cơ quan. Một góc phố nhỏ yên tĩnh với những biệt thự xinh xắn. Ngôi nhà chúng tôi ở ba tầng, năm người chiếm một phòng rộng trên tầng thượng. Mùa xuân cũng là mùa khô ở xứ này, còn nóng hơn mùa hè ở Việt Nam. Ở Phnôm Pênh, người làm việc trực tiếp hàng ngày với chúng tôi là chuyên gia điện ảnh Việt Nam, ông Vũ Năng An. Bác An sang công tác đã được vài năm rồi từ ngày bác thôi chức Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam để nghỉ hưu. Bác ở phòng nhỏ dưới tầng hai gần gũi với chúng tôi.

Đạo diễn Văn Yên tại Phnôm Pênh

Đoàn chúng tôi lần này sang nước bạn thực hiện một bộ phim tài liệu hợp tác Việt Nam – Campuchia nói về đất nước Campuchia hồi sinh sau họa diệt chủng. Nhiệm vụ thứ hai là giảng dạy kèm cặp một nhóm làm phim bạn, gồm đạo diễn, quay phim, thu thanh, chủ nhiệm phim. Thế là suốt cả một mùa khô nắng cháy chúng tôi sống trên tầng ba sát trần của ngôi nhà đẹp nhưng nóng nực lại hiếm nước, ban ngày không có điện, muỗi thì nhiều, có đêm mất ngủ nằm nghe tiếng tắc kè điểm suốt năm canh! Bác An thường động viên chúng tôi: mình thông cảm với bạn còn nhiều khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bên nước bạn thì đó là niềm vui và vinh dự của chúng mình.

Nói đến Việt Nam làm phim ở Campuchia từ 1979 đến 1989, suốt mười năm có rất nhiều đoàn của các Hãng phim đã sang PhnômPênh thực hiện nhiều bộ phim tài liệu nói về sự đổi thay của đất nước này từ sau ngày nhân dân Campuchia đánh đổ bọn Pôn Pốt. Chỉ riêng Hãng phim tài liệu Trung ương cũng có đến hàng chục phim như Nỗi kinh hoàng và sự hồi sinh, Chúng tôi đến Phnôm Pênh, Ngày về, Tên em là gì, Cămpuchia năm thứ 5.

Về Tông Lê Sáp, Quốc khánh Campuchia, Thốt nốt nở hoa… Sự kiện lịch sử đất nước bạn ngày đó đã được đội quân làm phim tài liệu góp tiếng nói mạnh mẽ tố cáo trước thế giới tội ác diệt chủng của bọn Pôn Pốt. Trăm nghe không bằng một thấy, đó là thế mạnh của điện ảnh tài liệu.

Có một tác giả nhiều lần sang Phnôm Pênh làm phim thời sự, phóng sự, tài liệu, ông như một nhà làm phim chuyên đề Campuchia thời đó: đạo diễn – quay phim Nguyễn Văn Yên. Ông đã đến nhiều tỉnh ở Campuchia, cả những vùng còn nhiều tàn quân PônPốt ẩn trú. Ông nhớ lần chết hụt khi đi làm phim về Tông Lê Sáp trong chuyến đi quay ở cảng Công Pông xom dài 230 cây số là con đường huyết mạch nối thủ đô với cảng biển lớn nhất, quân địch còn ẩn náu nhiều, thường phục kích đáng xe của ta. An ninh cho biết, từ năm 1982 có thể đi lại an toàn vì đã có bộ đội ta và bạn bảo vệ suốt tuyến đường. Ông Lam Lách – chánh văn phòng Cục điện ảnh, nói thạo tiếng Việt trực tiếp dẫn đoàn quay phim đi trên một chiếc xe trắng do UNICEP viện trợ. Xe phóng nhanh trên con đường dài dặc và vắng ngắt đến rợn người. Thấp thoáng phía trước có một xe, sau mới biết đó là xe công vụ của đoàn chuyên gia Nga. Có bạn đường nên cảm thấy yên lòng. Đến một quãng có chợ, xe trước dừng, xe quay phim vẫn phóng nhanh trên đường vắng. Anh bạn Campuchia nói phải chạy nhanh mới tránh được đạn địch. Bỗng tự nhiên thấy xe chao đảo, chạy vài trăm mét nữa xe mới bị lật, lốp văng ra ngoài, đồ đạc đè lên người. Văn Yên ôm lấy một bên mặt đầy máu! “Có ai trúng đạn không?”. Không ai bị đạn nhưng đau điếng vì xe đang chạy nhanh bị lật nhào. Chỉ có Văn Yên rách tai, rách mặt máu chảy nhiều. Địch phục kích bằng loạt đạn AK nghe tiếng nổ đanh rít trong gió. May quá phía sau có đoàn xe quân sự Việt Nam vừa chạy tới, họ dừng lại băng bó cho Văn Yên. Địch chỉ rình bắn lén những xe đơn lẻ, thấy đòan xe quân sự thì không dám làm gì. Bộ đội cho đoàn quay phim lên xe của họ đi tiếp đến cảng Công pông xom. Văn Yên đầu bịt băng trắng nhưng vẫn quay được những cảnh theo ý đồ cho phim của mình.

Cảnh trong phim Về Tông Lê Sáp

Bộ phim Về Tông Lê Sáp nói về cuộc sống mới ở vùng sông nước của người dân Campuchia. Sông Tông Lê Sáp và Biển Hồ khi mùa mưa tới nước mênh mông cũng là mùa cá, mùa của các loại thủy sản, người dân đi đánh bắt cá cầu may như là ngày hội theo phong tục và họ mong muốn một mùa ấm no hạnh phúc. Để quay được những toàn cảnh lớn vùng sông nước Văn Yên đã xin lên máy bay trực thăng của bộ đội ta, quay được nhiều cảnh đẹp cho phim (Nghe Văn Yên nói đi quay bằng máy bay trực thăng tôi lại nhớ chuyện ông Mai Lê Yên và Đức Kim cũng đã từng ngồi trên trực thăng và bị lính Pôn Pốt bắn lên, máy bay chỉ bị ba lỗ thủng đạn súng AK, may không bị rớt.)

Đạo diễn Văn Yên đã làm ba bộ phim về Campuchia. Với phim về Tông Lê Sáp ông đã dành nhiều thời gian tâm trí, phim vừa lên án tội ác của kẻ địch vừa khai thác mặt trữ tình, vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước và con người Campuchia. Ở vào thời điểm lịch sử của dân tộc Campuchia, nhiều phim Việt Nam và các nước khác làm về đề tài này nên không tránh khỏi sự trùng lặp về ý tứ, nội dung nên không tạo đựng được một cấu tứm ý tưởng độc đáo. Phim của Văn Yên có nét riêng, có tiếng nói riêng của tác giả.

Đạo diễn Phạm Thành Liêu và quay phim Lê Văn Long có mặt sớm vào những ngày đầu PhnômPênh giải phóng. Bộ phim Nỗi kinh hoàng và sự hồi sinh ghi lại được nhiều tư liệu quý dựng thành một bộ phim mang tính khái quát tổng hợp mà nội dung thể hiện như tựa đề của phim. Một tên phim to tát có tầm bao quát quá lớn chắc rằng khó có thể thành bộ phim hay. Nghệ thuật rất cần những suy tư từ những hiện tượng cuộc sống dù nhỏ cũng có thể có cái nhìn khái quát được những sự kiện lớn. Bộ phim Tên em là gì? Của Mai Lê Yên và Đắc Kim, cái tên phim bé nhỏ chỉ là một câu hỏi bình thường giản dị nhưng lạ, tự nhiên gợi lại cho người xem muốn nhòm ngó xem phim nói gì. Trước khi làm phim này nhà biên kịch Mai Lê Yên đã có kịch bản Ngày về , đạo diễn Lưu Xuân Thư thực hiện. Nhìn những em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ đã đọng lại trong tâm can nhà biên kịch những cảm xúc và ấn tượng sâu đậm. Các em đi về đâu mà từng đàn từng lũ thất thểu khổ sở. Hỏi quê hương, cha mẹ, tên em là gì? Cảm hứng sáng tạo đã lóe sáng, được nuôi dưỡng cho đến khi ông làm phim này. Bộ phim thành công vì tác giả đã biết khai thác từ những nét nhỏ của hiện thực cuộc sống với cảm xúc dồn nén của nghệ sỹ. Ông Vũ Năng An đi dự Liên hoan phim quốc tế Matcơva năm 1981 báo tin mừng về nước: phim Tên em là gì? Dự thi được giải Huy chương Vàng của LHP quốc tế lớn này. Ông cũng rất vui mừng vì là người đã theo dõi giúp đỡ cho sự thành công của bộ phim. Hàng chục bộ phim của Hãng phim Tài liệu làm về Campuchia, có được một giải quốc tế lớn là niềm vui chung động viên cho cả Hãng và những nghệ sỹ đã sang nước bạn làm phim với tinh thần hữu nghị quốc tế cao cả. Chúng tôi sang PhnômPênh làm phim hợp tác Việt Nam – Campuchia theo kịch bản viết lần đầu của phía bạn, kịch bản có tên là Thốt nốt nở hoa. Nhà biên kịch Lâm Quang Ngọc chấp bút viết lại giữ nguyên tên như thế, được lãnh đạo điện ảnh hai nước thông qua. Campuchia là đất sống của cây thốt nốt, cây thốt nốt như là biểu tượng của đất nước chùa Tháp. Cây thốt nốt không ai trồng, quả rụng xuống lăn khắp nơi trên đất, đất nuôi dưỡng mọc thành cây thành rừng thốt nốt. Cây thốt nốt dáng khỏe cao đẹp, ép hoa được nước uống ngọt mát có hương vị riêng và nấu thành đường thốt nốt, đặc sản của xứ này. Kịch bản lấy hình tượng cây thốt nốt làm điểm tựa để nói về một dân tộc bất diệt, sự trường tồn của một quốc gia trong lịch sử, hiện tại và mãi mãi. Phim quay nhiều cảnh đẹp, thiên nhiên đất nước và con người Campuchia, khắc họa nhiều nhân vật đã được đổi đời sau họa diệt chủng. Phim chưa đạt tới một tác phẩm xuất sắc như mong muốn của các tác giả.

Những bộ phim tài liệu về đất nước Campuchia một thời cách đây đã trên hai chục năm của Hãng phim tài liệu, nay nhiều anh em làm phim ngày ấy đã được tặng huy hiệu Vì sự nghiệp quốc tế ghi nhận công sức của các chuyên gia và nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam. Chúng tôi lại nhớ về đất nước và nhân dân Campuchia, nhớ đến các nhà điện ảnh nước bạn còn quá nhiều khó khăn. Ước gì chúng tôi được trở lại thăm hoặc làm phim về đất nước Chùa Tháp thanh bình tươi đẹp hôm nay.

Võ Kim Môn