Một thế kỷ điện ảnh Nga

Trước năm 1907, tại các “nhà hát điện“ (cách gọi rạp chiếu phim thời đó) người ta chỉ trình chiếu các bộ phim nước ngoài. Nhưng rồi chủ các rạp chiếu phim và các nhà phát hành nhận thấy rằng sẽ có nhiều khán giả đến xem hơn, nếu trong chương trình xuất hiện những bộ phim về đề tài bản địa. Vậy là, mùa thu năm 1907, khán giả Nga được xem những bộ phim tài liệu như: “Viện Đuma quốc gia thứ ba”, “Cuộc duyệt binh tại Hoàng thôn”, “Cuộc duyệt binh trước cung điện mùa Đông”, “Đám rước long trọng ở Kiev ngày 15 tháng 6 năm 1907”, “Những người Kozak vùng sông Đông”… Các bộ phim đã mang lại thu nhập tốt.

(TGĐA) - Ngay từ buổi đầu điện ảnh Nga đã là mang tính chất một nền điện ảnh đa dân tộc. Ví dụ, Ivan Perestiani đã quay bộ phim “Những con quỷ đỏ” ở Tbilisi (thủ đô Gruzia), nhưng trước cách mạng ông đã từng là diễn viên và đạo diễn.


100 năm trước, ngày 15 tháng 10 năm 1908, tại Saint-Peterburg đã diễn ra buổi trình chiếu công cộng bộ phim nghệ thuật đầu tiên của Nga với nhan đề “Stenka Razin”. Hôm nay chúng ta không thể hình dung được nền điện ảnh thế giới thiếu những bộ phim của Eizenshtein, Kalatozov, Tarkovsky, German, Mikhalkov…

Poster phim Đàn sếu bay qua

Vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của L. N. Tolstoy nhà làm phim Aleksandr Drankov đã cho phát hành bộ phim tài liệu, trong đó nhân vật chính là nhà văn vĩ đại . Bộ phim kể về chuyến đi của nhà văn từ điền trang Yasnaya Polyana tới Moskva.

Aleksandr Drankov là nhà sản xuất kiêm quay phim. Tác giả kịch bản là Vasily Goncharov. Chỉ đạo nghệ thuật kiêm phụ trách các cảnh quay tập thể là đạo diễn Vladimir Romashkov. Âm nhạc do nhạc sĩ Mikhail Ippolitov – Ivanov sáng tác theo đơn đặt hàng của Drankov.

Cũng cần nhắc tới bộ phim tài liệu - nghệ thuật màn ảnh rộng của Nga “Phòng thủ Sevatopol” (1911) của đạo diễn Vasily Goncharov. Đây là bộ phim màn ảnh rộng đầu tiên ở Nga và một trong những bộ phim màn ảnh rộng đầu tiên trên thế giới. Phim kết thúc bằng những cảnh quay tư liệu cực kỳ cảm động hình ảnh các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Krym. Như vậy, lần đầu tiên nghệ thuật điện ảnh chứng minh rằng nó có thể là một sợi dây nối liền không gian và thời gian. Nền điện ảnh Nga có quyền tự hào về đạo diễn Vladislav Starevich, tác giả của những bộ phim búp bê năm 1912, đây là những bộ phim hoạt hình đầu tiên trên thế giới. Nhưng dù sao những phát minh chủ yếu trong ngôn ngữ điện ảnh được nền nghệ thuật điện ảnh thế giới thừa nhận xuất hiện vào những năm 1920. “Đó là nguồn cảm hứng của cuộc cách mạng. Nguồn cảm hứng của cái mới mang tính cách mạng. Là lòng căm thù đối với giai cấp tư sản. Và một niềm tự hào to lớn cùng với niềm khao khát “đào mồ chôn” giai cấp tư sản ngay cả trên mặt trận điện ảnh” - đạo diễn vĩ đại Sergey Eizenshtein đã định nghĩa bản chất của nền điện ảnh cách mạng như vậy.

Ngay từ buổi đầu điện ảnh Nga đã là mang tính chất một nền điện ảnh đa dân tộc. Ví dụ, Ivan Perestiani đã quay bộ phim “Những con quỷ đỏ” ở Tbilisi (thủ đô Gruzia), nhưng trước cách mạng ông đã từng là diễn viên và đạo diễn tại nhiều nhà hát Nga – ở thủ đô và các tỉnh lẻ. Ông đã vào vai trong hai chục bộ phim tại hãng phim Moskva của Khanzhonkov. Vậy thì “Những con quỷ đỏ” thuộc dân tộc nào? Bộ phim đã giữ một vị trí ổn định trong chương trình phim của nước Nga Xôviết suốt giai đoạn phim câm. Được lồng tiếng trong những năm Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nó lại xuất hiện trên màn ảnh, và năm 1960 đã trở thành bộ phim được mến mộ với sự cải biên của đạo diễn Edmon Keosayan.

Không có bộ phim đen trắng “Muối Svaneti” sản xuất năm 1930, Mikhail Kalatozov (Kalatozishvili) chưa chắc đã có thể thực hiện được bộ phim “Đàn sếu bay qua” sau đó ở Moskva hay phim “Tôi – Cuba” - bộ phim mà sinh viên các trường điện ảnh Mỹ bắt buộc nghiên cứu. Tiếp đến là những bộ phim của Dovlyatin và Armen Dzhigarkhanyan nhiều năm liền được chiếu đi chiếu lại ở Erevan và Moskva. Năm 1981, nữ nghệ sĩ Elena Solovei đã đoạt một trong những giải thưởng diễn viên có uy tín nhất tại Cannes với vai diễn trong phim “Sự kiện” của đạo diễn người Litva Algimantas Grikyavichyus. Và còn hàng ngàn những ví dụ tiêu biểu khác trong nền điện ảnh lớn của một đất nước lớn.

Cảnh trong phim Người mẹ

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu 12 bộ phim Nga xuất sắc nhất trong 100 năm qua do Báo “Tin tức” bình chọn:

1. Phim “Đôi cận vệ trẻ” của đạo diễn Sergey Gerasimov ,1948. Tham gia bộ phim có gần 40 sinh viên Trường Điện ảnh quốc gia (VGIK), trong đó có những tên tuổi lớn sau này như: Nonna Mordyukova, Nina Makarova, Klara Luchko, Luydmila Shagalova, Vyacheslav Tikhonov, Sergey Bondarchuk, Tatyana Lioznova …

2. Phim “Ngôi nhà nơi tôi sống” của đạo diễn Lev Kulidzhanov và Yako Segel,1957. Đây là bản anh hùng ca về cuộc sống của một số gia đình Moskva vào những năm trước và trong chiến tranh.

3. Phim “Andrey Rublyov” của đạo diễn Andrey Tarkovsky, 1966. Một bức tranh hoành tráng về nước Nga, về vị trí của người nghệ sĩ trong thời đại những cuộc đụng độ lịch sử. Nhân vật chính do diễn viên Anatoly Solonitsyn thể hiện, đây là vai diễn đầu tay của anh.

4. Phim “Chiến tranh và hoà bình” của đạo diễn Sergey Bondarchuk, 1965-1967. Có 120.000 diễn viên phụ tham gia các cảnh quay tập thể. Phim được ghi vào sách “Các kỷ lục Guiness mới”, và nhận được giải “Quả cầu vàng” và “Oscar” trong đề cử “Phim bằng tiếng nước ngoài xuất sắc nhất”. Vyacheslav Tikhonov và Luydmila Savelyeva được độc giả tạp chí “Màn ảnh Liên Xô” tặng giải thưởng diễn viên xuất sắc nhất của năm.

5. Phim “Hai người bạn trong quân ngũ” của đạo diễn Evgeny Karelov, 1968. Một bức tranh đầy bi thảm của cuộc Nội chiến được tái hiện bởi các nghệ sĩ Oleg Yankovsky, Rolan Bykov và Vladimir Vysotsky.

6. Phim “Những người sĩ quan” của đạo diễn Vladimir Rogovoy, 1971. Đây là câu chuyện của đất nước được kể lại thông qua số phận của sĩ quan Trofimov (do Georgy Yumatov đóng) và gia đình của anh.

7. Phim “Ivan Vasilyevich đổi nghề” của đạo diễn Leonid Gayday, 1973. Một bộ phim hài được xây dựng theo môtíp vở kịch của nhà văn Mikhail Bulgakov.

8. Phim “Bệnh câm” của đạo diễn Georgy Danelya, 1975. Đây là một bộ phim Nga của đạo diễn tài năng người Gruzia, một trí thức Moskva bênh vực cho quyền lợi của người thợ nguội.

9. “Phim “Số phận trớ trêu” của đạo diễn Eldar Ryazanov, 1975. Nói một cách nghiêm túc đây là phim truyền hình, tuy nhiên sẽ là một tội ác đối với chân lý nếu không xếp nó vào danh sách của chúng ta.

10. Phim “Hai mươi ngày không có chiến tranh” của đạo diễn Aleksey German, 1976. Một câu chuyện tình đầy lãng mạn trên nền cuộc chiến tranh do Lyudmila Gurchenko và Yury Nikulin thể hiện.

11. Phim “Moskva không tin những giọt nước mắt” của đạo diễn Vladimir Menshov, 1980. Phim được giải “Oscar” của Viện hàn lâm nghệ thuật Mỹ trong đề cử “Phim bằng tiếng nước ngoài xuất sắc nhất..

12. Phim “Mệt mỏi vì mặt trời” của đạo diễn Nikita Mikhalkov, 1994. Tình yêu và sự ghen tuông, ánh sáng và bóng tối, hạnh phục và cơn ác mộng của năm 1936. Phim được giải Gran prix của Liên hoan phim Cannes và giải “Oscar” trong đề cử “Phim bằng tiếng nước ngoài xuất sắc nhất”, giải thưởng quốc gia của Liên bang Nga, giải phim xuất sắc nhất của báo chí Nga.

Cùng với danh sách 12 bộ phim xuất sắc nhất, báo, “Tin tức” còn bình chọn 10 tên tuổi chủ chốt của điện ảnh Nga 100 năm qua:

1. Vladimir Gardin - diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, nhà tổ chức, hiệu trưởng đầu tiên của Trường điện ảnh quốc gia, được khai giảng ở Moskva ngày 1 tháng 9 năm 1919. Lần đầu tiên trên thế giới, các đạo diễn, quay phim, diễn viên, họa sĩ được học các kỹ năng chuyên môn. Năm 1930 Trường điện ảnh quốc gia đươc cải tổ thành Trường đại học điện ảnh quốc gia (VGIK).

2. Lev Kuleshov là người đầu tiên trên thế giới viết sách giáo khoa về đạo diễn điện ảnh. Các học trò của ông , trong đó có Vsevolod Pudovkin, nói rằng Kuleshov đã tạo ra nền điện ảnh Nga.

3. Sergey Eizenshtein – tác giả lý thuyết “sắp đặt các tiết mục biểu diễn”. Các cảnh, các đoạn có ấn tượng cần phải trở thành “những tác nhân kích thích” đối với khán giả và góp phần khám phá tư tưởng cách mạng của tác phẩm. Phim “Chiến hạm “Potyomkin”” (1925) đã được ghi vào danh sách những bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh thế giới, còn cảnh chiếc xe nôi lăn trên thang gác đã trở thành kinh điển.

4. Dziga Vertov đã đề xuất với thế giới các hình thức quay chậm và nhan khác nhau trong phim hoạt hình. Nhà thực nghiệm cho rằng máy quay - “con mắt điện ảnh” – hoàn thiện hơn con mắt người.

5. Vsevolod Pudovkin đi vào lịch sử điện ảnh như là tác giả của một trong những bộ phim khoa học thường thức thành công nhất của điện ảnh câm – “Hành vi của con người” (“Cơ học của đại não”). Ông là tác giả các công trình khoa học như: “Kịch bản điện ảnh”, “Đạo diễn điện ảnh và tư liệu điện ảnh”, “Diễn viên trong phim”. Các công trình lý luận của nhà đạo diễn Liên Xô được các nhà nghiên cứu điện ảnh tất cả các nước thừa nhận như là những công trình cơ bản. Ông là đạo diễn chuyển thể điện ảnh tiểu thuyết “Người mẹ” của văn hào Maxim Gorky (1926).

6. Aleksandr Dovzhenko được mệnh danh là nhà thơ của điện ảnh. Môtip chủ đạo trong tác phẩm của Dovzhenko là các mối quan hệ đầy kịch tính của con người và thiên nhiên. Những thử nghiệm của ông trong lĩnh vực dựng phim trong khuôn hình đã có ảnh hưởng tới sự phát triển của điện ảnh thế giới.

7. Mark Donskoy là tác giả bộ phim ba tập chuyển thể tác phẩm tự truyện của Maxim Gorky: “Thời thơ ấu của Gorky” (1938), “Vào đời” (1939) và “Các trường đại học của tôi” (1940). Ông đã kết hợp một cách hài hoà chất thơ với sự mô tả đời sống thông tục, chính nhờ những bộ phim này mà các nhà siêu thực Ý tôn vinh Donskoy là bậc thầy của mình.

8. Mikhail Kalatozov đoạt giải “Cành cọ vàng” của Liên hoan điện ảnh Cannes năm 1958 với bộ phim “Đàn sếu bay qua”, có thể nói đây là bộ phim huyền thoại nhất trong lịch sử điện ảnh Nga.

9. Andrey Tarkovsky - đạo diễn của những bộ phim được thế giới công nhận là sự thể hiện tâm hồn Nga huyền bí.

10. Nikita Mikhalkov - đạo diễn Nga nổi tiếng nhất thế giới, người đoạt hai giải “Sư tử vàng” của Liên hoan điện ảnh Venice và ba lần được đề cử giải “Oscar”. Đã đoạt một giải “Oscar” với phim “Mệt mỏi vì mặt trời” (1994).

Trần Hậu

(Theo www.izvestia.ru)