Lối đi nào cho điện ảnh Việt Nam?

(TGĐA) - Tại Oscar lần thứ 88, giải thưởng Phim xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc dành cho Spotlight và giải nữ diễn viên chính xuất sắc (phim Room)… một lần nữa cho thấy những tác phẩm điện ảnh không phải bom tấn, không quảng bá rầm rộ, không gây đình đám ngoài rạp chiếu vẫn tạo nên sức công phá hết sức mạnh mẽ. Đây cũng là một trải nghiệm mà điện ảnh Việt Nam nên tham khảo để tự tin tìm lối đi cho mình.

Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Một nền điện ảnh mạnh là một nền điện ảnh đa dạng

Nhìn một cách tổng quát, bức tranh điện ảnh Việt Nam hiện nay đang bắt đầu có sự đa dạng. Sự đa dạng thể hiện ở các dòng phim, thể loại phim và đề tài mà các bộ phim đề cập đến. Trước tiên, phải kể đến dòng phim giải trí thương mại, chủ yếu do các công ty tư nhân đầu tư sản xuất, nhằm mục đích đưa ra thị trường để kinh doanh kiếm lời. Dòng phim này với nhiều thể loại như tâm lý xã hội, tình cảm, hài, phim kinh dị, phim dã sử, phim hành động. Những cái tên tiêu biểu được xem là “bảo chứng phòng vé” hiện nay trên cả “mặt trận” đạo diễn, nhà sản xuất và diễn viên là Victor Vũ, Thái Hòa, Trương Ngọc Ánh… Kế đến là một dòng phim của các nhà làm phim trẻ với những tìm tòi mới mẻ. Họ, với lợi thế của tuổi trẻ, nên đã được thỏa sức sáng tạo trong quá trình sáng tác và định hình phong cách riêng. Từ đó họ kêu gọi tiền đầu tư từ nước ngoài thông qua các quỹ hỗ trợ, liên hoan phim để có kinh phí sản xuất bộ phim sau đó hoặc phát hành trong nước hoặc gửi tham dự LHP Quốc tế hoặc đồng thời cả hai cách. Vũ Hòang Điệp là một ví dụ tiêu biểu cho lực lượng trẻ và nhanh nhạy này. Cuối cùng là dòng phim được coi là khởi thủy của điện ảnh Việt Nam, một dòng phim có bề dày lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của điện ảnh dân tộc. Đó là dòng phim lịch sử, chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc với các bộ phim do Nhà nước đặt hàng, tài trợ. Nắm trong tay các dự án suýt soát triệu đô này là những gương mặt gạo cội của các hãng phim Nhà nước.

Phim Trên đỉnh bình yên

Phim Trên đỉnh bình yên

Không thể phủ nhận những mảng màu của điện ảnh tư nhân đã làm phong phú bức tranh điện ảnh Việt Nam. Từ những bộ phim “mì ăn liền” một thời đến những bộ phim tâm lý, hài, kinh dị… đã và đang xuất hiện trên thị trường phim chiếu rạp trong nhiều năm qua đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Thậm chí, hiện nay, chính những bộ phim do các hãng phim tư nhân đầu tư sản xuất mới thực sự là những “chiến binh” dũng cảm trên thương trường trong nỗ lực giành lại thị phần phim chiếu rạp đã bị điện ảnh nước ngoài thao túng – vốn là một điều tất yếu của quy luật cạnh tranh thương mại khi Việt Nam hội nhập quốc tế.

Nói một cách khác, tương lai của nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam sẽ phụ thuộc vào dòng phim do điện ảnh Tư nhân sản xuất. Việc Nhà nước đồng ý cho các hãng phim tư nhân ra đời và hoạt động là một sự khai sinh lần hai, để đời sống điện ảnh nước nhà thêm sôi động dù cho không hẳn bộ phim tư nhân nào cũng tốt, cũng được khán giả và báo chí khen ngợi. Sự hiện diện của họ rất được ghi nhận và tôn trọng. Và sẽ luôn là như thế! Cũng như vậy, việc duy trì dòng phim do nhà nước đặt hàng là điều Cần. Bởi ai cũng hiểu rõ về một nền điện ảnh trong quá khứ, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, đã từng khiến công chúng yêu nghệ thuật thứ bảy tự hào ra sao?

Để bản hòa tấu được cất lên trong sự mãn nguyện của tất cả mọi người

Như đã nói ở trên, sự đa dạng của một nền điện ảnh chính là cơ sở, tiền đề để nền điện ảnh đó trở nên lớn mạnh. Sự xuất hiện của các nhà làm phim trẻ thường gắn liền với tìm tòi, thể nghiệm cái mới và tất cả những thể nghiệm đó đều cần được tôn trọng, nhìn nhận và khích lệ.Dòng phim thị trường là cơ sở để điện ảnh Việt Nam trở thành một nền công nghiệp phim ảnh. Nó đã đang phát triển tốt đẹp và sẽ còn tốt đẹp hơn theo đà hiện tại. Nhưng dòng phim do Nhà nước đặt hàng,nếu muốn tiếp tục là dòng chủ lưu, là mạch nguồn chính cho sự tồn tại của điện ảnh nước nhà, thì cần phải được thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh. Tất cả các nhà làm phim đến với công việc làm phim nhờ niềm đam mê và tình yêu mà họ dành cho nghệ thuật thứ bảy. Không ai dám khẳng định các đạo diễn của các hãng phim tư nhân không phải trần mình đổ mồ hôi, căng mắt vắt óc mỗi ngày để suy nghĩ và lo lắng về công việc của mình. Sự trăn trở thậm chí đã trở thành nỗi lo lắng thường trực đối với họ. Rằng làm sao để phim hay, phim ăn khách mà vẫn có chất lượng nghệ thuật? Bên cạnh đó, những nhà làm phim được giao nhiệm vụ thực hiện các bộ phim do nhà nước đặt hàng cũng đang đau đáu tìm tòi những cách thể hiện mới cho một bộ phim mới. Đó là những bộ phim về nhân tình thế thái, về số phận con người, về ký ức lịch sử cụ thể là về chiến tranh và những câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Đó không chỉ là khía cạnh chính trị mà còn là văn hóa, truyền thống bản sắc dân tộc Việt Nam. Đây cũng sẽ là những đề tài mà nhà nước luôn hướng đến và phải bỏ tiền đầu tư sản xuất phim cũng như đầu tư cho các loại hình nghệ thuật khác “nếu muốn người Việt Nam thực sự mang hồn cốt Việt Nam, nếu muốn người trẻ Việt Nam không vong quốc ngay trên đất nước mình…” như lời nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận định. Vấn đề còn lạilà cách làm cộng với cơ chế điều hành, quản lý từ phía Nhà nước phải thay đổi ra sao cho phù hợp. Chẳng hạn cần phải có chiến lược kịch bản cụ thể cho những năm kỷ niệm chẵn, cần có những cuộc hội thảo, trại sáng tác từng thời điểm cụ thể để điện ảnh biết nhà nước đang muốn gì… Đổi lại là trách nhiệm của người nghệ sỹ. Họ cần phải dũng cảm phá bỏ cấu trúc ai cũng giống ai,cần phải có thời gian chuẩn bị cho mỗi dự án, cần học hỏi, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp để rút ra phương án tốt nhất của mình. Họ cần phải trưởng thành sau mỗi lần làm phim. Và cần nhất là làm phim sau phải tốt hơn phim trước còn nếu cứ bàn mãi về những khó khăn trong quá trình làm phim, câu chuyện về kinh phí thì tất yếu điện ảnh sẽ vẫn đi theo con đường mòn đã cũ...

Phim Đập cánh giữa không trung

Phim Đập cánh giữa không trung

Năm 2015, sự xuất hiện của “cơn bão” Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – bộ phim do Nhà nước đặt hàng hãng phim Thiên Ngân sản xuất – một sự kết hợp hài hòa về mọi mặt của cả các nhà quản lý điện ảnh, của những người làm phim và những người kinh doanh điện ảnh đã mang lại tín hiệu tích cực cho Dòng phim do Nhà nước đặt hàng, tài trợ. Nó thay đổi cái nhìn về số phận của các bộ phim này. Đó là: Chỉ chiếu trong những đợt kỷ niệm, tuyên truyền và… cất vào kho. Nó chứng minh một điều: Ở bất cứ đề tài nào,cho dù là đề tài truyền thống, nếu các nhà làm phim tìm được phong cách thể hiện riêng thì họ cũng sẽ thành công. Bởi, công nghệ có thể mua được. Tiền, bằng cách này hay cách khác có thể huy động, nhưng kịch bản chỉ có thể phụ thuộc vào con người mà thôi.

Hơn 60 năm qua, điện ảnh Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng với những biến động của lịch sử dân tộc. Từ ý nghĩa của sự ra đời, được hiểu là do Nhà nước khai sinh, nền điện ảnh Việt mặc nhiênphải thực hiện sứ mệnh cao cả: phục vụ công tác tuyên truyền, cổ vũ lòng yêu nước. Nói cách khác, điện ảnh có chức năng phục vụ nhà nước, đảm nhiệm các công việc mà nhà nước giao. Và cũng vì thế, dòng phim do Nhà nước đặt hàng đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong tiến trình phát triển của điện ảnh Việt Nam. Và không nên yêu cầu các bộ phim thuộc dòng phim này phải làm nhiệm vụ kiếm tiền. Tuy nhiên, cùng với những biến chuyển về mặt thời gian, điện ảnh Việt cần phải được hiểu rộng hơn theo nghĩa là một ngành công nghiệp giải trí và vì thế nó cần tìm cho mình một hướng đi thích hợp…

Thủy Tiên