Liên hoan phim Việt Nam 18: Hoạt hình Việt Nam vẫn thiếu chất hài hước

(TGĐA) - LHP Việt Nam lần thứ 18 đã khép lại với những chủ nhân mới của giải Bông sen vàng, bông sen bạc. Tạp chí TGĐA đã có bài phỏng vấn đạo diễn, NSND Phương Hoa – Chủ tịch Ban giám khảo hoạt hình về chất lượng giải và những vấn đề của phim hoạt hình Việt Nam hôm nay.

B__vang_-_Bng_sen_vang_LHP_18

Bò vàng - Bông sen Vàng LHP VN 18

Thưa đạo diễn, NSND Phương Hoa, ở cương vị Chủ tịch Ban giám khảo phim hoạt hình chị đánh giá thế nào về chất lượng phim hoạt hình tham dự trong LHP lần này?

Tôi thấy chất lượng nhìn chung tương đối tốt. Có nhiều đổi mới từ dung lượng, độ dài, cách chọn lựa đề tài, hình thức thể hiện… Ví dụ ngoài những phim được làm theo cách truyền thống với độ dài trung bình 10 phút, năm nay, trong số các phim dự thi đã có những phim có độ dài lên tới 30, thậm chí 60 phút. Về đề tài, ngoài những phim hướng tới thiếu nhi còn có phim tâm lý, lịch sử, phim triết lý hướng tới nhiều tầng lớp, lứa tuổi khác nhau. Về hình thức thể hiện cũng có nhiều đổi mới, một số phim áp dụng kỹ thuật mới, sử dụng kỹ thuật số trong nhiều phim. Nhiều bộ phim có chất lượng hình ảnh khá tốt từ mầu sắc tới chuyển động…

Năm nay, ngoài phim của hãng phim hoạt hình, hãng phim Giải Phóng, những đơn vị có truyền thống làm hoạt hình thì lần đầu tiên có sự tham gia tranh tài của một đơn vị làm phim tư nhân. Chị đánh giá thế nào về cụm phim này?

Đây quả là điều đáng mừng. Năm nay, lần đầu tiên mảng phim hoạt hình có thêm đối thủ cạnh tranh là đơn vị tư nhân. Tuy có tới 9 phim nhưng chúng giống như một seri phim. Nói chung, đó là loạt phim xinh xắn, nhẹ nhàng với nội dung, diễn xuất sinh động, cách thể hiện tương đối ổn.

Nhưng ngoài một giải về thiết kế âm thanh thì các giải chính đều rơi vào phim của các đơn vị Nhà nước?

o_din_NSND_Phng_Hoa_trong_bui_hp_bo_LHP_Vit_Nam_18

Đạo diễn NSND Phương Hoa trong buổi họp báo LHP Việt Nam 18

Tôi xin đính chính là không hề có sự phân biệt giữa phim Nhà nước hay tư nhân. Vấn đề là khép theo tiêu chí của LHP là Dân tộc, sáng tạo, nhân văn, hội nhập thì các phim đó chưa đạt. Ở một số phim, từ đề tài đến cách tạo hình nhân vật, phối cảnh khi xem không biết của Việt Nam hay nước ngoài, đôi chỗ giống như quảng cáo. Tuy nhiên, cách làm cũng khá sinh động. Theo tôi nên khuyến khích các hãng tư nhân tham gia vào mảng phim này và mọi thứ sẽ điều chỉnh dần. Theo thời gian, họ sẽ dần dần tìm được tiếng nói riêng.

Trước khi tham dự LHP, một số phim đã giành được giải thưởng tại LHP quốc tế Hà Nội lần thứ II, giải cánh diều… Vậy các giải thưởng đó có ảnh hưởng tới đánh giá, kết quả của Ban giám khảo?

Mỗi LHP có một tiêu chí đánh giá và diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Giải Cánh diều tổ chức cho các tác phẩm được làm trong khoảng thời gian từ năm trước tới năm sau. LHP có quãng thời gian dài gấp đôi với lượng phim cũng nhiều hơn vì thế sự cạnh tranh, so sánh sẽ nhiều hơn, khác hơn. Chúng tôi chấm theo tiêu chí của LHP và những giải thưởng trước đó chỉ để tham khảo.

Với 5 thành viên thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề, Ban giám khảo hoạt hình có vấp phải những ý kiến trái chiều hay sự không đồng thuận về giải thưởng?

Ngược lại, tính đồng thuận lại rất cao trong thành phần Ban giám khảo hoạt hình ở LHP lần này. Những bộ phim được đánh giá cao đạt được sự thống nhất tuyệt đối từ mọi thành viên. Trong quá trình chấm giải cũng có những tranh luận nhưng không nhiều. Những phim đạt giải có chất lượng khá tốt so với mặt bằng chung nên dễ nhận ra và đạt được sự nhất trí và đồng thuận cao.

Nhìn vào lớp chủ nhân mới của giải Bông sen vàng, Bông sen bạc năm nay có cảm giác đang nổi lên một lớp đạo diễn mới như Trần Khánh Duyên, Phùng Văn Hà, Trịnh Lâm Tùng… dần thay thế cho những đạo diễn đã thành danh. Từng là đạo diễn kỳ cựu của hoạt hình Việt Nam, chị đánh giá sao về lứa đạo diễn trẻ này?

Đó là một lớp đạo diễn trẻ, có năng lực, khá vững về tay nghề, có kỹ năng và mở ra nhiều hy vọng. Điểm mạnh của các bạn là say nghề. Có tư duy mới mẻ, nắm bắt nhanh kỹ thuật mới, với nhiều ý tưởng táo bạo. Nhìn vào danh sách đoạt giải thì rõ, những tác phẩm như Bò vàng, Bù nhìn rơm, Khoảng trời… đã tiếp cận được với ngôn ngữ mới của hoạt hình. Kết quả của giải thưởng cũng chứng minh điều đó với cái nhìn chính xác, động viên và khích lệ.

Không phải qua LHP lần này mà nhìn vào cả một quá trình tôi thấy các bạn ấy đủ tư chất và khả năng để thay thế lớp đạo diễn đi trước. Tuy nhiên, nói như vậy không phải để chủ quan mà vẫn cần cố gắng nhiều bởi lớp trẻ bây giờ đang mạnh lên ở nhiều lĩnh vực trong đó có hoạt hình. Nghệ thuật lại là quá trình đào thải đầy khắc nghiệt nên nếu giậm chân tại chỗ thì sẽ có ngay lớp trẻ thế chỗ. Cá nhân tôi luôn mong muốn có thêm nhiều lớp đạo diễn trẻ tâm huyết và yêu thích công việc làm phim hoạt hình.

Tr_n_Khnh_DuyOn_o_tr_ng_nh_n_gi_i__o_di_n_xu_t_s_c_nh_t

Đạo diễn Trần Khánh Duyên - phim Bò vàng nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất

Khép lại mùa giải thưởng, nếu có điều gì còn luyến tiếc hay băn khoăn ở cương vị một người làm nghề, hiểu nghề thì điều đó sẽ là…?

Đó là nội dung các kịch bản vẫn quá già. Hoạt hình là loại hình nghệ thuật có biên độ đề tài, đối tượng tương đối rộng mở khi có thể làm phim cho thiếu nhi, phim cho người lớn hoặc kết hợp nhiều lớp đối tượng, khán giả. Nhưng cứ nhìn vào các phim hoạt hình của Việt Nam thì thấy phần nội dung vẫn nặng nề, thiên về giáo dục thiếu chất tươi mát, dí dỏm, ngây thơ, sự cường điệu, phóng đại. Phần lớn các phim vẫn mang theo bài học nặng nề, với nội dung lồng ghép quá nhiều. Dù hình ảnh đã được cải thiện nhiều về mầu sắc, chuyển động nhưng phim vẫn chưa thực sự hấp dẫn khán giả.

Vấn đề chị đặt ra dường như đã được nói đến, biết đến từ khá lâu khi nói đến phim hoạt hình như tính giáo điều, sự khô cứng, tính răn dạy… Nhưng tại sao bao năm qua vẫn khó thay đổi?

Điều này có nhiều nguyên nhân. Có thể xuất phát từ định hướng, sự dẫn dắt của hãng phim, hệ thống duyệt kịch bản, quan niệm của người viết… Nếu phải truy tìm căn nguyên sâu xa hơn thì có lẽ bản tính của người Việt hơi ít chất hoạt náo, cường điệu và hài hước chăng? Trong khi phim hoạt hình Việt đã cải tiến nhiều về kỹ thuật thì những hạn chế về nội dung đang tạo ra sức cản, lực ỳ kéo lùi hoạt hình Việt. Hoạt hình không chỉ làm cho trẻ con, nó có mọi tầng ngữ nghĩa để khám phá và cảm nhận. Trong slogan của LHP là Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập thì yếu tố hội nhập còn kém. Đó cũng là lý do BGK đồng thuận trao giải cao nhất cho phim Bò vàng. Nhiều bộ phim có nội dung tốt nhưng vấn đề vẫn mang tính địa phương, dân tộc với cách thể hiện thiên về miêu tả. Để hoạt hình vươn lên và phát triển không thể thiếu tính hội nhập. Đây cũng có thể xem là thế mạnh của loại hình này.

Xin cảm ơn chị.

Tôn Quế