LHPVN lần thứ 17 nhìn lại: Phim tài liệu: Bệnh nhân người Việt

(TGĐA) - Tôi xin mượn tên một bộ phim rất hay là Bệnh nhân người Anh(The English Patient) của đạo diễn Anthony Minghella làm nhan đề cho bài viết này. Gọi phim tài liệu là bệnh nhân bởi trong cơ thể của thể loại này có một số bệnh. Của đáng tội, những điều này, nhiều người biết, nhưng họ không nói. Hoặc cũng có nhiều người nói, nhưng ít người nghe. Cuối năm, ngồi một mình, tự nghĩ, nếu mình nói dăm ba câu phải trái, cốt để làm vừa lòng mọi người thì quá dễ. Song vẫn thấy lấn cấn trong lòng, nếu mình không nói thật, tương tự như câu chuyện Công chúa và hạt đậu của Andersen.


Căn bệnh nói nhiều

RungCaMaukechuyen

Cảnh trong phim Rừng Cà Mau kể chuyện

Các chuyên gia điện ảnh thế giới đã chỉ ra tỷ lệ thích hợp giữa hình ảnh và âm thanh (bao gồm âm nhạc, tiếng động, lời nói) trong một bộ phim thường là 75/25. Tỷ lệ đó cho thấy sự quan trọng của hình ảnh. Và hình ảnh ở đây không có nghĩa là các cảnh được sắp xếp liền nhau theo kiểu 1+1=2, mà là các hình ảnh có tính tổ chức cao, tính hệ thống chặt chẽ. Tỷ lệ đó cũng cho thấy các nhà làm phim cần phải kiệm lời thế nào. Song ở nước ta hiện nay, trong phim tài liệu, có một vấn nạn là lời bình. Nếu bạn xem phim tài liệu, bạn không cần nhìn lên màn ảnh, bạn chỉ cần nhắm mắt và nghe lời bình, bạn vẫn hiểu hết bộ phim (thậm chí còn hiểu sâu hơn). Vậy thì hình ảnh đóng vai trò gì trong phim? Chắc không đóng vai trò gì. Khi không cần hình ảnh mà vẫn hiểu bộ phim thì phim đó có còn gọi là phim nữa hay không? Hay là chuyển bộ phim đó sang một thể loại khác là báo chí (báo nói chẳng hạn!). Chưa ai công phu tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh này, song qua tìm hiểu ở các đồng nghiệp, tôi xin sắp xếp ra đây:

Thứ nhất, do các nhà làm phim tài liệu cố gắng tiếp cận với truyền hình nên tự họ đã bỏ sở trường của mình mà sử dụng sở đoản của TV. Hậu quả là hình ảnh trở thành thứ minh họa cho lời nói.

Thứ hai là, có thể do các đài truyền hình địa phương là sự gộp lại của hai phương tiện phát thanh – truyền hình nên các nhà làm phim tài liệu ở các đài địa phương đã làm một công đôi việc là vừa làm phim tài liệu để truyền hình vừa viết lời bình của đài phát thanh. Hậu quả là tạo ra một thứ phim tài liệu có lời bình dùng để phát thanh cũng rất được.

Căn bệnh không kịch tính

BuomContrung_canhvay

Bướm - côn trùng cánh vẩy - bộ phim đoạt giải BSV LHPVN lần thứ 17

Ai cũng hiểu bản chất của điện ảnh là xung đột. Người làm phim tài liệu nên khảo sát vấn đề, phân tích các yếu tố để tạo ra kịch tính. Nhưng hầu hết các phim tài liệu của ta, từ nhiều năm nay, yếu tố kịch tính hầu như bị lãng quên. Thay vì đặt nhân vật vào tình huống, phân tích mâu thuẫn để tìm xem nhân vật xử lý thế nào thì các nhà làm phim chỉ liệt kê theo trình tự thời gian xem nhân vật làm gì. Bao nhiêu tình huống đòi hỏi nhân vật phải đấu tranh, bao nhiêu khó khăn yêu cầu nhân vật phải vật lộn, đương đầu, bao nhiêu giây phút khiến nhân vật ngỡ đã tuyệt vọng v.v... tất cả đều triệt tiêu. Người xem muốn được chia sẻ với nhân vật, muốn tìm hiểu xem nhân vật vượt qua thử thách đó thế nào v.v... tất cả đều bị lướt qua dưới giọng kể đều đều và lời bình tham lam. Cả cuộc đời dài đặc của nhân vật mà không hề có một trường đoạn hay một cảnh nhấn mạnh nào, tất cả lướt qua theo cùng nhịp điệu buồn tẻ. Dù nhân vật có số phận ấn tượng thế nào đi chăng nữa, song cách làm phim kiểu tác giả nói hộ nhân vật, nói hộ hết thảy mọi thứ theo quan điểm của mình, vô hình trung đã biến các nhân vật, các vấn đề thành một thứ “ăn theo” tác giả. Người xem không thấy nhân vật và số phận của họ mà chỉ thấy người làm phim và lời bình oang oang của mình tràn ngập màn ảnh với bao động tác múa may quay cuồng.

Căn bệnh cấu trúc

Mienmansongvo

Cảnh trong phim Miên man sóng vỗ

Chính vì việc không xây dựng được kịch tính nên các phim tài liệu thường rơi vào tình trạng không cấu trúc. Việc liệt kê sự việc theo thời gian khiến các phim làm theo cùng một cung cách, nghĩa là phim dự thi khoảng 70 thì chỉ cần xem 1 phim cũng đoán được các phim còn lại làm như thế nào. Căn bệnh thiếu cấu trúc còn sinh ra một số nhược điểm sau:

Tư liệu phim sử dụng bừa bãi. Cảnh tư liệu miền Bắc đưa vào miền Nam, thời Pháp đưa vào thời chống Mỹ v.v...

Các thước phim tư liệu sử dụng qua nhiều lần, quá cũ,đặt cạnh những thước phim mới quay, gây nên sự phản cảm.

Các thước phim tư liệu được các nhà làm phim sử dụng mà thiếu sự phân tích, so sánh dẫn đến tình trạng minh họa sơ lược, thậm chí gây hậu quả tai hại cho những thế hệ sau nếu họ tái sử dụng những thước phim này.

Căn bệnh thiếu cấu trúc dẫn đến tình trạng là bộ phim có nhiều đoạn thừa, nhiều cảnh thừa và ngược lại, thiếu nhiều đoạn cảnh quan trọng. Cấu trúc tạo ra sự cân đối của tác phẩm. Thiếu cấu trúc nên nhiều phim kể câu chuyện đều đều, không tìm được cao trào hoặc nếu có, bị lướt qua.

Trên đây là một số căn bệnh trong phim tài liệu của ta. Ai cũng có thể nhận thấy nhưng điều quan trọng là, anh có dám sửa chữa không? Điều này đòi hỏi một sự dũng cảm, dám mổ xẻ bản thân để có thể tiếp cận với dòng phim tài liệu quốc tế và hội nhập với khu vực.

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn