Làm phim kiểu "tay không bắt giặc"

Từ không thành có

Thị trường phim truyền hình Việt đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của nhiều hãng sản xuất, nhưng theo lời một nhân vật tên tuổi trong giới sản xuất phim phía Nam, trong số đó chỉ rất ít đơn vị đủ thực lực làm phim.


Nhà sản xuất này cho biết, không thiếu hãng phim mang dự án “chào hàng” các nhà đài để mua giờ phát sóng, dân trong nghề gọi là “chạy quota”, sau đó thuê đơn vị khác sản xuất, thậm chí mời 100% đội ngũ làm phim nhà nước thực hiện. Các hãng này chỉ tồn tại trên danh nghĩa, không có máy móc, nhân sự, chưa nói tới đạo diễn hay biên kịch.

Phim Acappella, Trò chơi sinh tử do Cát Tiên Sa sản xuất

Giám đốc một hãng phim lớn ở TP HCM bức xúc: “Không đủ lực nhưng lại muốn giành hợp đồng, một số hãng phim sử dụng cách “bán tống, bán tháo sản phẩm khiến thị trường mua bán bản quyền phim rơi vào cảnh lộn xộn, phá giá ầm ĩ”. Vị giám đốc này phân tích: theo thỏa thuận với nhà sản xuất, nhà đài tính một tập phim khi lên sóng khoảng 200 triệu đồng, tương đương 10 spot quảng cáo.

Việc phát sóng nhà đài phụ trách, việc mời bán quảng cáo sẽ do nhà sản xuất tự lo. Tuy nhiên khi mời quảng cáo, để thu hút nhiều nhãn hàng quảng cáo, nhà sản xuất phim phá giá bằng cách thông báo chỉ còn khoảng 150 triệu đồng một tập, đồng nghĩa với giá quảng cáo giảm theo. Trên thực tế, chi phí để làm một tập phim truyền hình dao động từ 80 đến 100 triệu đồng. Và con số 150 của nhà sản xuất đưa ra dù chênh lệch với số 200 nhà đài tiên liệu, cũng đủ giúp ê kíp làm phim có lãi.

Việc tồn tại những đơn vị làm phim kiểu “tay không bắt giặc”, như ví von của đạo diễn Khải Hưng, khiến các hãng phim nhà nước điêu đứng. Theo lời đạo diễn Khải Hưng, vì không phải nuôi đội ngũ làm phim và mua sắm thiết bị, máy móc, dự án nào quyết toán dự án đó nên thù lao cho các thành phần làm phim tư nhân luôn ở thế cạnh tranh với phim nhà nước.

“Cạnh tranh phải có thực lực, dùng cách phá giá là một kiểu giành giật”, đạo diễn Khải Hưng nói. Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc công ty Cát Tiên Sa, đơn vị sản xuất Acappella, Trò chơi sinh tử đưa ý kiến: “Nên có quy định cụ thể cho việc thành lập hãng phim. Phải đáp ứng đủ các yêu cầu về số lượng đạo diễn, cơ sở vật chất…, hãng đó mới được cấp phép”.

Chất lượng có ảnh hưởng?

Vì sao nhà đài không lựa chọn hợp tác với các đơn vị sản xuất có thương hiệu mà chấp nhận bắt tay với những công ty nhỏ, mới thành lập và không có thiết bị máy móc? Trả lời thắc mắc này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Quyền Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình VN cho biết, VTV đã có quy chế về hợp tác sản xuất phim, gồm hai bước: thẩm định kịch bản và thẩm định sản xuất. Ở khâu thẩm định, hãng phim phải thuyết trình trước hội đồng thẩm định của đài về kế hoạch, năng lực sản xuất..., rồi mới tiến tới ký hợp đồng chính thức.

Âm tính, Câu chuyện pháp trường đã được công chiếu cho cộng đồng Việt ở nước ngoài

Cũng theo đạo diễn này, nếu chỉ vì hãng phim không có năng lực thực tế mà nhà đài từ chối hợp tác, sẽ bị tiếng không tạo điều kiện cho những tên tuổi mới. “Không nên đánh giá tính khả thi của dự án chỉ dựa vào chuyện thuê mướn máy móc hay mời nhân sự từ đơn vị khác. Quan trọng là hãng phim đảm bảo chất lượng sản xuất như đã cam kết”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhấn mạnh.

Tuy nhiên, thị trường phim truyền hình phá giá, “mạnh ai người ấy chạy”, thiếu điều tiết hợp lý và “bảo ban” giữa các nhà sản xuất có thể kéo theo chất lượng tác phẩm rơi vào cảnh phập phù. Nói như lời của một đại diện hãng sản xuất phim truyền hình nổi tiếng Lasta, sự đua chen mà không quan tâm đến yếu tố “đầu vào” như tài trợ, lịch phát sóng nhà đài... mở ra nguy cơ phá sản của nhiều hãng phim sau sự ra mắt của một vài, thậm chí chỉ một bộ phim.

Theo Đất Việt