Làm lại phim - xu hướng của các nền điện ảnh

Với các nước châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Phillipin, Hồng Kông, Trung Quốc… thường xuyên nhìn ngó các phim truyền hình của nhau. Nếu một bộ phim của nước nào gây được tiếng vang thì ngay lập tức các nhà làm phim nước khác sẽ lên kế hoạch mua bản quyền sản xuất lại. Đầu năm 2009 khắp cả châu Á lên “cơn sốt” với bộ phim truyền hình làm lại của Hàn Quốc Boys Over Flowers. Tác phẩm gây ra làn sóng hâm mộ khổng lồ mà đến tận bây giờ vẫn chưa dứt. Hàng loạt các sản phẩm ăn theo phim bán chạy rất nhanh, thổi bùng nhiều diễn viên vô danh thành người nổi tiếng. Đây có thể nói là bộ phim làm lại thành công nhất của điện ảnh châu Á từ trước đên nay. Trước đó bộ phim này cũng đã được sản xuất hai lần, lần đầu tiên là phiên bản của Nhật, sau đó là Đài Loan. Nếu kể đến phiên bản của Trung Quốc và Phillipin mới được làm lại thì tổng cộng là sáu phiên bản, nhưng Boys Over Flowers của Hàn Quốc vẫn là bộ phim làm lại thành công nhất cho đến thời điểm này. Xu hướng sản xuất đi sản xuất lại phim truyền hình lẫn nhau của các nước châu Á hầu như chưa có dấu hiệu thoái trào. Hiện tại nó vẫn là trào lưu gây nhiều ảnh hưởng nhất đối với nhiều nền sản xuất phim truyền hình ở các nước châu Á.  

(TGĐA Online) - Hiện nay khán giả yêu điện ảnh thường nghe rất nhiều các thuật ngữ đã trở nên quen thuộc trên các phương tiện thông tin như “phim làm lại”, “phim xây dựng lại”, “phim sản xuất lại” hay “làm lại phim”… Những thuật ngữ này không hề xa lạ, chúng biểu thị cho một dòng phim đã xuất hiện khá lâu ở nhiều nền điện ảnh trên thế giới, đó là dòng phim làm lại.


Những năm gần đây dòng phim làm lại đang trở thành một trào lưu nóng hổi trên toàn thế giới và ở nhiều nền điện ảnh khác nhau, kể cả điện ảnh Việt Nam vốn chậm tiến về nhiều mặt cũng “nhảy” vào làm lại phim. Phim làm lại vốn xuất thân từ một bộ phim gốc đã sản xuất trước đó cho nên bản thân nó chứa đựng ít nhiều “dư âm” từ phim mẹ. Nó có thể hoàn toàn bị lệ thuộc vào phim mẹ, mang nhiều đặc điểm về nội dung, tính cách nhân vật… y hệt như phim mẹ hoặc nó cũng có thể tách ra trở thành một tác phẩm độc lập. Điều đó có nghĩa là một bộ phim làm lại xuất phát từ việc nhào nặn từ kịch bản của một bộ phim đã ra đời từ trước và được biến đổi sao cho hợp lý nhất trong phiên bản phim mới.

Cơ sở đầu tiên cho một bộ phim gốc được nhào đi nhào lại, đấy là bản thân nó phải là tác phẩm đã được khẳng định về thành công nghệ thuật lẫn doanh thu phòng vé. Có như vậy thì các nhà sản xuất mới chịu bỏ tiền ra “xào nấu” lại. Vì thế phim làm lại muốn đạt đến độ hay hoặc muốn vượt mặt phim gốc là điều không hề dễ dàng gì. Có thể nói phim gốc là một phần quảng bá và bảo chứng thành công cho phim làm lại, nhưng đồng thời nó cũng là chướng ngại vô cùng khó khăn nếu phim làm lại không đủ sức vượt qua nó.

Đối với một tác phẩm điện ảnh được xây dựng lại từ một bộ phim truyền hình thì các nhà sản xuất và êkip thực hiện sẽ gặp rất nhiều chướng ngại và khó khăn. Vì về cơ bản phim truyền hình kéo dài về thời gian, không gian, sự kiện, tình huống, bối cảnh, nhân vật khá lớn… Do vậy trong một bộ phim nhựa vài ba tiếng đồng hồ các nhà làm phim không thể bê nguyên dung lượng khổng lồ ấy vào phim của mình. Họ phải biết lựa chọn bối cảnh hợp lý nhất, sự kiện cần thiết nhất, các chi tiết và tình huống đắt nhất, những nhân vật thực sự nổi bật và ấn tượng… trong phim truyền hình để đưa vào phim của mình. Trong quá trình làm lại bộ phim các tác giả cũng có thể lược bỏ bớt hoặc thêm thắt quá trình diễn biến trong phim truyền hình sao cho hợp lý nhất trong bản phim điện ảnh. Do đó phim điện ảnh làm lại không sao chép một cách y nguyên từ phim truyền hình mà chỉ lấy một phần ý tưởng, bối cảnh, nhân vật và phần cốt chính của phim. Chúng ta đã từng biết đến những bộ phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng của Mỹ như Wild Wild West (Miền Tây hoang dã), Mission Impossible (Nhiệm vụ bất khả thi), Charlie’s Angels (Những thiên thần của Charlie), Sex and the city (Tình dục là chuyện nhỏ), Hanna Montana… đã từng làm công chúng Mỹ và khán giả yêu điện ảnh thế giới rất ngưỡng mộ và say sưa ngồi trước máy thu hình dõi theo từng tập. Khi các nhà làm phim Hollywood biến chúng thành các tác phẩm điện ảnh thì chúng cũng thu được thành công vang dội không kém phiên bản phim truyền hình. Thậm chí những phim điện ảnh làm lại này còn thành công hơn so với nguyên tác phim truyền hình về chất luợng nghệ thuật và gây sức hút lớn đối với khán giả.

Bên cạnh những phim truyền hình nổi tiếng được xây dựng lại thì cũng có rất nhiều các tác phẩm điện ảnh gốc (kể cả nguồn phim trong nước và ngoài nước) được tái sản xuất. Hollywood là đại diện tiêu biểu cho việc thực hiện lại các phiên bản phim điện ảnh. Có thể kể đến các tác phẩm phim nhựa nổi tiếng một thời được kinh đô điện ảnh thế giới làm lại và thu được nhiều thành công vang dội, chẳng hạn như bộ phim kinh điển Seven Samurai của đạo diễn Nhật Bản A.Kurosawa là cội nguồn ý tưởng cho bộ phim cao bồi miền Tây The Magnificent Seven sản xuất năm 1960, The Women năm 2008 của Diane English làm lại từ phiên bản cùng tên năm 1939 của đạo diễn George Cukor, The Mummy (1999) làm lại phim cùng tên năm 1932, Planet of Apes (2001) làm lại phiên bản gốc năm 1968, The day the Earth stood still (2008) của đạo diễn Scott Derrickson làm lại từ phim cùng tên do Robert Wise thực hiện năm 1951, King Kong phiên bản 2005 của đạo diễn Peter Jackson làm lại từ phim cũ 1976… Sự thành công của các phiên bản phim mới này là nhờ vào sự triển khai và cách tân một cách sáng tạo độc lập dựa trên cơ sở phim gốc. Nó không quá lệ thuộc vào phiên bản phim cũ, mà chỉ dựa vào đó để khai thác theo một hướng khác. Trong quá trình thực hiện công việc chuyển thể kịch bản phim gốc các nhà làm phim đã thêm sự mới lạ, sự cách tân đáng kể trong nội dung và ý nghĩa vào trong phiên bản phim mới. Đặc biệt là bối cảnh của phim mới phải có sự sáng tạo hợp với thời đại, xã hội từng nơi, từng vùng và từng thời điểm. Trong bộ phim The Women năm 2008 của đạo diễn Diane English lấy bối cảnh xã hội Mỹ hiện đại hoàn toàn khác với bối cảnh những năm 30 của thế kỷ trước mà bộ phim cũ phản ánh. Tương tự như vậy, bộ phim Seven Samurai của Akira Kurosawa lấy bối cảnh tại đất nước Nhật Bản, khi đạo diễn John Sturges làm lại thành bộ phim The Magnificent Seven thì ông cũng biến đổi nó phù hợp với bối cảnh xã hội Mỹ, tính cách con người Mỹ… Vì vậy nó trở thành một tác phẩm hoàn toàn độc lập, có chỗ đứng riêng biệt.

Bên cạnh những phim điện ảnh làm lại thành công, Hollywood cũng phải nếm trải nhiều thất bại nặng nề khi sản xuất lại những phim tên tuổi của các đạo diễn danh tiếng hoặc các bộ phim mua bản quyền từ nước ngoài. Chúng ta có thể kể ra hàng loạt các bộ phim thực hiện lại gặp phải thất bại như Psycho phiên bản mới của Gus Van Stant làm lại từ phim cùng tên của ông trùm phim kinh dị Alfed Hitchcock, The Wicker Man – 2006 thất bại khi làm lại phim cùng tên công chiếu năm 1974, The Pink Panther phiên bản mới cũng thất bại khi làm lại phim của đạo diễn Peter Seller công chiếu năm 1963, Swept Away(2002) thất bại khi làm lại phim gốc 1974, The Fog (2005), The Hitcher (2006), The longest yard, The Texas Chainsaw Massacre, Dark Waterlàm lại cũng thất bại... Điều tệ hại là các phim phiên bản mới này nhạt nhẽo về ý tưởng, quá bám sát vào nội dung và hình thức thể hiện của phim cũ. Vì thế nó chưa thực sự có sự sáng tạo, hấp dẫn đáng ghi nhận để bứt phá trở thành một tác phẩm độc lập. Và chúng thất bại là điều dĩ nhiên.

Một xu hướng khác của Hollywood trong việc khai thác phim làm lại hiện nay, chính là việc mua bản quyền tái sản xuất từ phim gốc nước ngoài. Không riêng gì những năm gần đây Mỹ mới mua phim từ nước ngoài về để làm lại mà nó đã xuất hiện từ rất lâu, tiêu biểu có bộ phim The Magnificent Seven (1960) của John Sturges sản xuất lại từ bộ phim Seven Samurai (1954)của A.Kurosawa. Thời gian gần đây chúng ta có thể kể đến sự thành công vang dội của bộ phim đoạt bốn giải Oscar The Departed của Martin Scorsese. Tác phẩm này làm lại từ phim Vô gian đạo của Hồng Kông đã giúp M.Scorsese và đoàn làm phim của ông bội thu tại các giải Quả Cầu Vàng, BAFTA, Oscar và nhiều giải thưởng quốc tế danh giá khác vào năm 2006. Những bộ phim nổi tiếng khác của châu Á như Chuyện tình tháng mười của Hàn Quốc được làm lại dưới cái tên mới The lake house (Ngôi nhà bên hồ) với sự tham gia diễn xuất của Sandra Bullock và Keanu Reeves, The Ring của Nhật Bản, … cũng đã từng được Hollywood sản xuất lại đạt doanh thu khá cao. Họ cũng đã từng mua bản quyền làm lại các phim Old boy, Cô nàng ngổ ngáo,Vợ tôi là Gangster,Vinh quang gia tộc, Sympathy for Lady Vengeance, One missed call, The grudge, Dark Water, The eyes… của Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản để đưa vào bản dự thảo tái sản xuất trong phiên bản mới đặc tính Mỹ của mình. Có thể nói xu hướng này của Hollywood đã từng xuất hiện với tần suất dày đặc. Bất kể bộ phim nào của châu Á thu được thành công vang dội đều lọt vào tầm ngắm của các nhà làm phim Hollywood. Các nhà sản xuất Mỹ sẵn sàng bỏ tiền ra mua lại bản quyền phim với giá đắt và tiếp tục sản xuất lại, pha trộn kịch bản sao cho hợp lý dưới phiên bản mới đặc tính Mỹ của mình. Phiên bản mới này hoàn toàn có thể có chỗ đứng trong lòng công chúng yêu điện ảnh Mỹ nếu nó đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của họ. Thêm nữa nếu bộ phim thành công về mặt nghệ thuật và được giới công luận đánh giá cao, nó sẽ trở thành một tác phẩm độc lập có chỗ đứng riêng biệt so với tác phẩm gốc, The lake house, The Departed, The Magnificent Seven… là những bằng chứng tiêu biểu cho xu hướng này.

Đối với các nước châu Á có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông… phim làm lại của họ cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể đặc biệt là phim truyền hình làm lại. Có thể kể đến các tác phẩm điện ảnh làm lại đình đám những năm gần đây, như phim Đầu danh trạng (2007) của Trần Khả Tân làm lại từ phim Thích mã phiên bản 1973 của đạo diễn Hồng Kông Trương Triệt, The Connected của Trần Mộc Thắng làm lại từ phim Cellular của Hollywood, Ông bà Smith của điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc cũng đã tái sản xuất dưới phiên bản tiếng Hàn với cái tên Nữ thám tử xinh đẹp… Phim điện ảnh làm lại ở các nền điện ảnh châu Á xuất hiện rất ít không ồ ạt như Hollywood, nhưng phim truyền hình thì được tái sản xuất rất nhiều. Chúng ta đều đã quen thuộc với những bộ phim kiếm hiệp chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung như Anh hùng xạ điêu, Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Ỷ thiên đồ long ký, Lộc đỉnh ký… hay các phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Tây du ký, Hồng lâu mộng, Tam quốc diễn nghĩa… được các nhà làm phim Trung Quôc, Hồng Kông nhào đi nhào lại và thu được những thành công đáng kể. Và có lẽ các nhà chế tác phim Trung Quốc, Hồng Kông chưa có ý định ngừng nghỉ tái sản xuất các phim này.

Vài năm trước đây phim làm lại ở Việt Nam còn là một khái niệm xa lạ nhưng gần đây nó đã trở thành một xu hướng quen thuộc của nhiều hãng phim. Thậm chí các hãng còn đang đua tranh gay gắt và ồ ạt cho ra đời hàng loạt bộ phim làm lại từ phim gốc nước ngoài. Chúng ta có thể điểm tên một vài bộ phim truyền hình “nổi đình nổi đám” làm lại từ phim gốc nước ngoài thời gian gần đây nhưHoa dã quỳ, Có lẽ nào ta yêu nhau hay Cô gái xấu xí làm lại theo phiên bản phim của Colombia, Người mẹ nhí làm lại từ phim cùng tên của Tây Ban Nha, Những người độc thân vui vẻ sản xuất dựa vào phim gốc của Trung Quốc…sắp tới có bộ phim truyền hình làm lại Đừng đùa với thiên thần do đạo diễn Nguyễn Minh Chung thực hiện, Ngôi nhà hạnh phúc của Vũ Ngọc Đãng “ăn theo” phim gốc của Hàn Quốc dự định phát sóng vào ngày 6 tháng 11, Anh em nhà bác sĩ cũng đã được mua bản quyền và dự định sẽ sản xuất trong năm nay… Các phiên bản phim tuyền hình làm lại này thành công hay phim thất bại còn là cuộc tranh cãi chưa dứt, nhưng ít nhiều chúng thu hút được sự chú ý của công chúng hâm mộ theo dõi qua màn ảnh nhỏ. Chúng là những tín hiệu đầu tiên dự báo xu hướng phát triển tất yếu của phim làm lại tại Việt Nam.

Tổng kết lại chúng ta có thể thấy phim làm lại ra đời là sản phẩm của sự ăn theo đối với phim gốc. Bên cạnh đó với các nền điện ảnh túng thiếu đề tài (đặc biệt là Hollywood) phim làm lại là một hướng đi có nhiều khả quan. Đó là nguyên nhân vì sao mà Hollywood tái sản xuất phim gốc nhiếu nhất thế giới. Với Việt Nam chúng ta điện ảnh - truyền hình vốn chậm phát triển, thiếu kịch bản hay hoặc các kịch bản thiếu chuyên nghiệp thì mua bản quyền làm lại phim là một lựa chọn có nhiều hy vọng.

Hiện tại trào lưu làm lại phim ở Holywood đang bão hoà thậm chí có chiều hướng đi xuống do liên tiếp “bội thu” những thất bại nặng nề. Có rất nhiều dự án phim được mua lại từ nước ngoài đang nằm kho tại các hãng phim ở Hollywood. Song những con “kền kền” (những nhà sản xuất phim) vẫn chưa bao giờ thôi khát khao làm lại những bộ phim gốc nổi tiếng nhằm thu lợi nhuận. Với các nền điện ảnh lớn của châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc… phim làm lại của họ đang gặt hái nhiều thành công lớn, The Connected của Trần Mộc Thắng, Nữ thám tử xinh đẹp của đạo diễn Hàn Quốc Shin Ta Rae và hàng loạt các bộ phim truyền hình làm lại ăn khách khác là những ví dụ tiêu biểu. Và điện ảnh Việt Nam cũng đang vận động theo xu hướng này, mặc dù chúng ta mới thử sức ở thể loại phim truyền hình làm lại từ phim gốc nước ngoài. Vì vậy, có thể nói xu hướng phát triển phim làm lại là điều tất yếu không chỉ ở một nền điện ảnh riêng biệt nào đó mà còn ở rất nhiều nền điện ảnh khác nhau thế giới.

Lê Trương Công