Kỹ xảo điện ảnh trong mắt các nhà làm phim Việt Nam

Với tư cách là những đạo diễn đã từng có ý thức tìm tòi sử dụng yếu tố kỹ xảo trong tác phẩm điện ảnh của mình, các ông có thể đưa ra nhận định về tầm quan trọng của kỹ xảo trong nền công nghiệp điện ảnh nói chung?

(TGĐA) - Những bộ phim Việt Nam đã sử dụng kỹ xảo cả trong và ngoài nước: Hà Nội 12 ngày đêm (Đạo diễn Bùi Đình Hạc), Trò đùa của Thiên Lôi (đạo diễn Nguyễn Quang), Khi đàn ông có bầu (đạo diễn Phạm Hoàng Nam)…


Sử dụng kỹ xảo trong điện ảnh đang là điều mà các nhà làm phim Việt Nam quan tâm bên cạnh nhiều yếu tố quan trọng khác như chất lượng kịch bản, lựa chọn diễn viên… Những bộ phim Việt Nam đã sử dụng kỹ xảo cả trong và ngoài nước: Hà Nội 12 ngày đêm (Đạo diễn Bùi Đình Hạc), Trò đùa của Thiên Lôi (đạo diễn Nguyễn Quang), Khi đàn ông có bầu (đạo diễn Phạm Hoàng Nam)… là những ví dụ tiêu biểu trong cuộc tiên phong hướng tới xu thế chung của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới. Dưới đây là tâm sự của ba đạo diễn Bùi Đình Hạc, Nguyễn Quang và Phạm Hoàng Nam về vấn đề này.

Phác thảo bối cảnh phim Hà Nội 12 ngày đêm

Đd Bùi Đình Hạc: Tôi cho rằng, kỹ xảo hay hiệu quả đặc biệt là một phần làm nên sức hấp dẫn của một bộ phim ăn khách. Điện ảnh có ba đặc tính nổi bật, thứ nhất đó là nghệ thuật, thứ hai nó là ngành công nghiệp và cuối cùng nó mang tính thương mại. Muốn điện ảnh Việt Nam hội nhập với thế giới, chúng ta cần phải có những phương tiện làm việc hiện đại. Quan trọng nhất là đưa vào sản xuất những bộ phim sử dụng kỹ xảo và âm thanh surround.

Đd Phạm Hoàng Nam: Phim ảnh, muốn hấp dẫn khó có thể thiếu được kỹ xảo. Trong kỷ nguyên mà công nghệ thông tin và thế giới của ảo giác ngày càng chiếm ưu thế thì kỹ xảo là thành phần quan trọng, chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong mỗi bộ phim. Nhất là phim hướng tới đối tượng khán giả trẻ.

Đd Nguyễn Quang: Đối với một phim giả tưởng thì việc xuất hiện những cảnh quay sử dụng kỹ xảo là điều dễ hiểu, để đảm bảo sức hấp dẫn đối với khán giả. Qua đó cũng phần nào lột tả được những vấn đề mà các nhà làm phim muốn đề cập trong những tác phẩm của họ.

Phác thảo bối cảnh phim Hà Nội 12 ngày đêm

Được biết, Hà Nội 12 ngày đêm, Khi đàn ông có bầu được làm kỹ xảo tại nước ngoài, cụ thể là Australia và Thailand, đạo diễn có thể cho biết lý do chọn các đối tác này?

Đd Bùi Đình Hạc: Hà Nội 12 ngày đêm là bộ phim đầu tiên của Việt Nam cần làm kỹ xảo vi tính. Đầu năm 1999, Hội đồng liên Bộ đồng ý cấp kinh phí cho Viện kỹ thuật mua máy quay Silicon Graphic để phục vụ làm kỹ xảo. Nhưng cuối năm đó, Viện kỹ thuật trả lời Bộ là không làm được. Nhân chuyến thăm của Đoàn điện ảnh Trung Quốc tại Việt Nam, Hãng phim truyện Việt Nam cử tôi sang Trung Quốc tìm cơ sở làm kỹ xảo. Nhưng Hãng phim Thượng Hải đòi cái giá cao ngất, hơn 2 tỷ đồng nên tôi từ chối. Sau đó, đoàn làm phim nhờ một số bạn bè giới thiệu với Trường điện ảnh Úc. Ông hiệu trưởng của trường rất nhiệt tình giúp đỡ, với tiêu chí “toàn bộ tiền sử dụng máy móc nhà trường sẽ miễn phí, phía Việt Nam chỉ phải trả 600 triệu đồng cho các cán bộ làm kỹ thuật và trong thời điểm cách đây dăm bảy năm, khi Việt Nam còn chưa xuất hiện đơn vị có khả năng làm kỹ xảo nào, tôi đành chọn giải pháp này.

Đd Phạm Hoàng Nam: Do thường xuyên làm phim quảng cáo nên nhiều năm nay tôi có cơ hội được làm quen với kỹ xảo, cả ở Việt Nam và nước ngoài, nơi mà hiệu quả đặc biệt thường chiếm phần quan trọng nhất. Lý do tôi nhận làm đạo diễn phimKhi đàn ông có bầu một phần cũng là để thỏa mãn ý tưởng thể nghiệm làm kỹ xảo trên phim nhựa tại nước ngoài, để tự tay thực hiện toàn bộ các công đoạn, từ đưa ra ý tưởng cho đến kết quả cuối cùng. Qua đó tôi đã học hỏi được rất nhiều điều mà bản thân chưa từng được biết trên lý thuyết.

Hai ông có thể đánh giá một cách cụ thể hiệu quả công việc mà phía bạn đã làm cho phim của mình?

Đd Phạm Hoàng Nam: Thái Lan cũng như mọi nước khác tôi đã từng tham quan đều có phương tiện máy móc, nhân lực làm hậu kỳ và kỹ xảo chuyên nghiệp. Vấn đề là “tiền nào của đấy”. Thái cũng là nơi rẻ nhất và gần nhất về mặt địa lý nên hay được giới làm phim Việt Nam chọn làm hậu kỳ. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ làm kỹ xảo giỏi. Trình độ cá nhân họ không hơn gì Việt Nam, nhưng tác phong làm việc chuyên nghiệp và thân thiện hơn rất nhiều. Đã từng làm kỹ xảo tại Thái hơn 10 năm nay, theo tôi trình độ làm kỹ xảo của phía bạn cohỉ dừng ở mức trung bình thấp trong khu vực và trên thế giới.

Đd Bùi Đình Hạc: Hà Nội 12 ngày đêm có những cảnh phải sử dụng tới công nghệ của hiệu quả hình ảnh nhưng không được làm lộ để khán giả biết được đấy là kỹ xảo. Tôi cũng cho rằng, trong một bộ phim, chỉ những cảnh thật cần thiết mới sử dụng kỹ xảo, không nên lạm dụng quá nhiều. Điều quan trọng là nó phải tạo ra được hiệu quả cảm xúc cho khán giả.

Phác thảo bối cảnh phim Hà Nội 12 ngày đêm

Với riêng đạo diễn Nguyễn Quang, tại sao ông lại chọn một đơn vị làm kỹ xảo trong nước khi thực hiện Trò đùa của thiên lôi?

Dd Nguyễn Quang: Do kinh phí hạn hẹp, ngay khi biết tổng dự toán chính xác cho bộ phim, tôi đã nghĩ tới việc phải làm kỹ xảo trong nước. Trong khi đó, thực tế, thực hiện kỹ xảo trên máy vi tính 3D là vấn đề không khó đối với các chuyên gia trong nước, nhất là đội ngũ trẻ rất năng nổ, chịu khó học hỏi và tìm tòi. Và tôi bắt đầu đi tìm hiểu các công ty 3D. Chúng tôi đã phải tiến hành thử nghiệm ở nhiều nơi, nhiều khi không tính đến vấn đề kinh tế vì ai nấy đều mong muốn làm sao có thể thực hiện tốt vấn đề khó khăn này, tiếp cận được công nghệ làm kỹ xảo

Và kết quả có được như ông mong muốn?

Đd Nguyễn Quang: Tôi thực hiện cảnh quay thử đầu tiên để làm kỹ xảo với cảnh nhân vật chính (Minh Tiệp đóng) tự đấu tranh với bản thân, soi gương và thò tay qua gương tóm lấy ngực mình. Đây là sự phân thân hai mặt tốt và xấu trong cùng một con người. Lúc làm thử, theo đánh giá của chúng tôi là còn tốt hơn khi quay thật ở khâu 3D nhưng khi chuyển đổi lại không đạt hiệu quả bằng. Thời gian không cho phép để làm lại toàn bộ (sẽ phải mất tiếp hàng tháng) vì sự kết hợp giữa 3D và các cảnh quay thật phải được tính toán rất kỹ lưỡng và chính xác, từ vị trí đứng, vị trí tay, chân của nhân vật… mới tạo hiệu quả cho khán giả. Cũng vì là lần đầu tiên làm kỹ xảo nên đến khi quay thật, do thời gian gấp rút, bối cảnh thật không phải là trường quay, tâm lý của mọi người chưa ổn định nên hiệu quả không cao như ban đầu. Nhưng tuy thế, hai cảnh làm kỹ xảo trong phim đều được đánh giá thành công, mặc dù mức độ đầu tư vốn không nhiều.

Với những bộ phim sắp tới, nếu vì kinh phí không cho phép, các đạo diễn có lựa chọn đơn vị làm kỹ xảo trong nước hay không?

Đd Phạm Hoàng Nam: Tôi chưa được cung cấp thông tin mới nhất về một đơn vị làm kỹ xảo chuyên nghiệp và hoàn chỉnh cho phim nhựa tại Việt Nam, vì vậy chưa thể đưa ra ý kiến gì cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, khoan hãy nói đến điều vĩ mô đó, muốn phát triển điện ảnh, trước hết chúng ta cần một bộ Luật Điện ảnh chính xác, một nền Điện ảnh được cổ phần hóa, có trình độ và chuyên nghiệp. Có CƠ CHẾ đúng và CON NGƯỜI giỏi thì mọi chuyện tiếp theo đâu sẽ vào đấy. Tương lai của kỹ xảo trong nước cũng vậy!

Đd Bùi Đình Hạc: Tôi mong muốn chúng ta sớm có một cơ sở kỹ xảo vi tính thành thạo, có đầy đủ máy móc, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố con người. Chúng tôi sẽ chọn các đơn vị làm kỹ xảo trong nước, đó là ưu tiên hàng đầu. Tôi cũng mong Việt Nam sớm có những Hãng phim làm được kỹ xảo vi tính và đặc biệt là có những đội ngũ kỹ thuật được đào tạo đến nơi đến chốn để có thể làm kỹ xảo vi tính một cách thành thạo.

Đd Nguyễn Quang: Với bộ phim Trò đùa của thiên lôi, tôi cảm thấy hài lòng khi hợp tác với công ty IDS Media Việt Nam. Trong thời gian tới, nếu có làm một phim nào đó về kỹ xảo thì tôi sẵn sàng tiếp tục cộng tác với họ. Đối với phim nhựa thì sắp tới đây tôi chưa có kế hoạch cụ thể gì, nhưng đối với phim truyền hình (cổ tích, thần thoại, hay lịch sử) cần có kỹ xảo vi tính thì tôi nghĩ các công ty làm kỹ xảo trong nước như IDS có đủ khả năng để thực hiện được. Theo tôi được biết họ cũng đang tự mày mò, tìm cách để thực hiện những cảnh giống như trong các phim nước ngoài đã làm. Tôi cũng đã từng bàn bạc với họ về những cảnh quay phối hợp với cảnh thật (nếu như định làm kỹ xảo trong phim chiến tranh, cảnh máy bay ném bom…). Họ cũng rất tự tin, nếu tôi đặt hàng, phía họ sẽ nghiên cứu để làm.Có thể các công ty làm kỹ xảo của Việt Nam còn thua kém nhiều so với nước ngoài, nhưng nếu chúng ta không bắt tay kết hợp với họ như vậy thì biết đến bao giờ kỹ xảo trong nước mới phát triển. Khai thác được nguồn lực trong nước, giá thành lại rẻ (kinh phí làm kỹ xảo trong nước trong tương lai có nâng lên gấp 10 lần thì cũng không thể bằng nước ngoài). Do vậy trước hết hãy tự làm kỹ xảo trong nước (nếu có thể). Hiện nay, bản thân đội ngũ nghệ sỹ điện ảnh chưa đặt kỹ xảo thành một yêu cầu bức thiết , nhưng khi nghệ thuật thứ bảy phát triển chắc chắn sẽ có những trung tâm chuyên kỹ xảo điện ảnh “made in VN”, sau IDS tiếp tục ra đời.

Thảo Kim