Kim Ki Duk - Tìm kiếm sự cứu rỗi với Pieta

(TGĐA) - Bấm máy ngày 15/2/2012 và kết thúc ghi hình vào tháng 3/2012, Pieta được hoàn thành trong thời gian tương đối ngắn so với tiến độ quay trung bình của một bộ phim điện ảnh. Có được điều này một phần do đạo diễn Kim Ki Duk đã chuẩn bị rất kỹ càng trong suốt 4 năm qua, kể từ khi ông giới thiệu Dream vào năm 2008. Khi duyệt phim để công chiếu, Ủy ban xếp hạng truyền thông Hàn Quốc đã xếp Pieta vào danh sách phim không dành cho khán giả dưới 19 tuổi vì có cảnh bạo lực và tình dục quá mạnh.

Được mệnh danh là ông vua phim nghệ thuật của Hàn Quốc, Kim Ki Duk đã giới thiệu tới khán giả các quốc gia châu Á và phương Tây một bức tranh khác về nền điện ảnh xứ kim chi. Trong các bộ phim của Kim Ki Duk, người ta thường thấy những câu chuyện không bình thường với các nhân vật được coi là điển hình của sự bất bình thường. Bộ phim mới của Kim, Pieta, thực sự khiến người xem phải tròn mắt khi ông đặt tôn giáo và tình dục bên cạnh nhau, trong một nơi tôn nghiêm của nhà thờ thiên chúa giáo Seoul. Kim nói, với Pieta, ông muốn làm rõ thêm thêm về “sự khởi đầu của sự sống theo một cách cao quý”.

5._Lee_Jung_Jin

Pieta, tiếng Italia có nghĩa là sự cứu rỗi, lấy theo tên của tác phẩm điêu khắc của nhà điêu khắc nổi tiếng Michelangelo, là bộ phim thứ 18 của đạo diễn Kim Ki Duk. Phim có sự tham gia của hai diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc là Jo Min Su và Lee Jung Jin. Trong đó, Lee Jung Jin vào vai Gang Do – một kẻ máu lạnh, không biết gốc gác của mình - kiếm sống bằng việc đòi nợ thuê cho nhóm bất lương chuyên cho vay nặng lãi. Một ngày, một người phụ nữ (Jo Min Soo đóng) xuất hiện, tự nhận là mẹ của anh ta và cầu xin được tha thứ vì đã bỏ rơi con mình. Vốn đã dửng dưng trước những lời cầu xin của các con nợ, Gang Do chưa bao giờ biết đến hai chữ khoan dung, nhưng cũng từ đây, cuộc sống của tên bất nhân rơi vào khủng hoảng trong sự hỗn loạn giữa tội ác, dục vọng và đớn đau

Phim của Kim Ki Duk chưa bao giờ là bản tình ca nhẹ nhàng và vắng bóng những điều thường bị né tránh. Đi theo con đường riêng mạnh bạo đó, Piate chứa đầy những biểu tượng của Cơ đốc giáo và những cảnh làm tình nóng bỏng. Lý giải về sự trộn lẫn giữa hai yếu tố tôn giáo và tình dục trong Pieta, Kim nói rằng ông nhìn nhận tôn giáo, tình yêu, chính trị, triết học và khoa học giống như các yếu tố tồn tại trong cuộc sống của con người và ông không hạn chế bản thân để chỉ nói tới một khía cạnh trong các bộ phim của mình. Với suy nghĩ, tôn giáo quá ư là gần gũi với con người nên Kim đã chọn cách thể hiện yếu tố đó thông qua tình yêu. Và trong Pieta, qua lăng kính của Kim, tình dục, theo một cách nào đó là một hình thức cầu nguyện

Vào vai người mẹ trong phim, nữ diễn viên Jo Min Soo, người vốn luôn cảm thấy không thoải mái khi xem phim của Kim Ki Duk, mới đầu đã lưỡng lự trước lời đề nghị làm phim. Min Soo cho biết: “Khi gặp anh ấy, trái với tưởng tượng của tôi, Kim rất cởi mở và do vậy ngày hôm sau, khi đọc xong kịch bản, tôi quyết định đồng ý tham gia bộ phim”. Nói về quyết định chọn Lee Jung Jin vào vai nam chính, kẻ côn đồ máu lạnh, Kim Ki Duk bày tỏ rằng ông cảm thấy nam diễn viên này giống như một tảng đá trống rỗng. Không cần phải nói nhiều về Lee Jung Jin, hiện là thần tượng của rất nhiều khán giả trẻ. Tài tử điển trai xuất thân là người mẫu đã góp mặt trong nhiều bộ phim truyền hình mà những cảnh nam nữ nắm tay thậm chí còn có thể đếm trên đầu ngón một bàn tay như Chuyện tình Harward, Kế hoạch B... đã nhảy lên sung sướng trước cơ hội làm việc với đạo diễn nổi tiếng. Trong Pieta, đạo diễn Kim Ki Duk đã vẽ lên tảng đá trống rỗng Lee Jung Jin hình ảnh một tên cướp, một kẻ tàn ác bên lề xã hội nhưng bên trong thì cô độc và yếu đuối giống như một đứa trẻ.

Kim_Ki-Duk_3

Cảm nhận về nhân vật của mình, Lee nói: “Mọi người đều được sinh ra bởi tình yêu của cha mẹ, các anh chị em và họ sống với cuộc sống đã được chọn lựa đó. Nhưng nhân vật kẻ cướp trong phim chưa bao giờ được ai chọn lựa trong suốt 30 năm cuộc đời của hắn”. Cũng theo Lee thì chính bởi thế, ngày mà người phụ nữ tự nhận là mẹ anh ta xuất hiện, Gang Do bắt đầu cảm thấy nỗi đau đớn từ những vết thương. Nỗi đau ấy ngày một lớn và không thể dừng lại, một cách lạ lẫm, kỳ quặc

Về tựa phim, với dòng tagline “have mercy on us” (Tạm dịch: Thương xót chúng con), Kim Ki Duk nói rằng ông chọn cái tên đó để hy vọng thấy loài người, gồm cả chính ông, nhận được nhiều lòng thương và sự khoan dung hơn nữa. Poster của bộ phim cũng mô phỏng theo bức tượng Pieta.

Có thể nói, Pieta khắc họa tương đối rõ nét thảm kịch của chủ nghĩa tư bản khi những thứ như tiền bạc và danh tiếng là nguồn gốc gây nên sự thù địch trong mối quan hệ giữa con người với con người. Ở một mức độ nhỏ thì hậu quả sẽ là một cuộc ẩu đả giữa những người hàng xóm với nhau, còn ở cấp lớn hơn đó là một cuộc chiến tranh. Nói như đạo diễn Kim thì mọi người trong xã hội hiện đại ngày nay đều có tội và đồng lõa với tội ác. Vì thế, tất cả chúng ta đều cần đến lòng khoan dung của chúa

Pieta sẽ công chiếu vào tháng 8 này và cách đây 1 tuần, bộ phim đã nhận được lời mời tham dự LHP Venice, tranh giải Sư tử Vàng. Kim Ki Duk vốn là người quen của các LHP Quốc tế nổi tiếng như Cannes, Berlin, Venice và đã có 3 bộ phim tham gia LHP Venice là The Isle (2000), Address Unknow (2001), 3-Iron (2004). Ông đã nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất vào năm 2004 cho bộ phim bi 3- Iron.Tháng 5/2011, tại LHP Cannes, Kim Ki Duk tránh báo giới tuyệt đối vì thế đã không có bất cứ thông tin nào về Pieta cho tới đầu năm nay. Thậm chí hiện tại, Pieta mới chỉ tổ chức họp báo giới thiệu và công bố đoạn trailer tuy chỉ khoảng 1 phút nhưng đủ khiến người xem ngừng thở. Tất nhiên, các fans của Kim Ki Duk và Lee Jung Jin đang mong ngóng từng ngày Pieta công chiếu. Sự trở lại của một ông vua và một con quái vật, trước sau đều có nhiều điều đáng nói.

Hồng Nhật