Kịch bản phim hoạt hình trông đợi cây viết trẻ

Kịch bản nhận giải thưởng khá nhiều nhưng số chuyển thành phim chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số lượng phim trình làng mỗi năm đếm trên đầu ngón tay, kéo theo tình cảnh những nhà biên kịch tâm huyết rơi vào trạng thái hoang mang, không biết kịch bản của mình có được sản xuất hay không.

Số lượng phim trình làng mỗi năm đếm trên đầu ngón tay, kéo theo tình cảnh những nhà biên kịch tâm huyết rơi vào trạng thái hoang mang, không biết kịch bản của mình có được sản xuất hay không.


Viết nhiều, dùng được bao nhiêu?

18.jpg
Báu vật của nhái hoa- bộ phim hoạt hình bị phê phán bởi những hình vẽ không bắt mắt

Chị Bùi Thu, Hãng phim hoạt hình Việt Nam cho biết, hiện hãng không trả lương cho các nhà biên kịch mà chỉ thanh toán chi phí trọn gói khi họ có tác phẩm dựng thành phim. “Trung bình một năm, mỗi nhà biên kịch có một kịch bản được dựng phim, tiền thù lao cho tác phẩmtrở thành nguồn thu nhập chính. Vì thế, khi viết xong, ai cũng hồi hộp chờ cái gật đầu từ phía hãng phim và Cục điện ảnh”.

Thường họ phải chờ trong khoảng thời gian khá dài, một, hai năm hoặc… vô hạn. Nhưng chưa hết, sau khi tác phẩm được duyệt, tác giả vẫn phải “sửa lên, chữa xuống”, khiến đứa con tinh thần khác xa so với “ngày sinh ra”.

Vì nhiều lẽ, quá trình từ viết kịch bản đến dựng thành phim trở nên ngày càng gian khó. Sự bấp bênh khiến nhiều biên kịch hoạt hình nghĩ tới bỏ nghề mà không quá đắn đo. Nhà văn Viết Linh, tác giả của nhiều phim hoạt hình từng được trao giải Bông sen vàng, Cánh diều vàng thổ lộ, ông viết chỉ để vui và đỡ nhớ nghề, “chứ cơ hội để kịch bản được chọn làm phim rất mong manh, nếu không muốn nói là vô vọng”.

Biết thế, song nhà văn cao tuổi này vẫn miệt mài tìm kiếm ý tưởng mới và cặm cụi “xếp chữ” thành câu chuyện thiếu nhi yêu thích. Hầu như năm nào ông cũng gửi tác phẩm tham gia các trại sáng tác phim hoạt hình, đồng thời tham dự các cuộc thi viết kịch bản thể loại này. Nhưng ngay cả khi trại sáng tác đã nghiệm thu kịch bản, thậm chí kịch bản được trao giải tại cuộc thi, ông vẫn không nhận được câu trả lời chắc chắn khi nào sẽ được chuyển thành phim. “Mấy chục năm theo đuổi công việc, viết nhiều, song số kịch bản được dựng của tôi chỉ dừng lại ở con số 6”, tác giả nói.

Quá đạo mạo nên khó hút khách

Ông Đặng Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh, Hội điện ảnh, cho biết, năm nào Hội và Hãng phim hoạt hình Việt Nam cũng tổ chức trại sáng tác kịch bản, tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu cho các tác giả yêu mến thể loại phim hoạt hình. “Kết thúc đợt sáng tác, khoảng hơn 10 kịch bản được nghiệm thu, song chỉ 1 đến 2 tác phẩm có khả năng đưa vào sản xuất”.

Kịch bản hoạt hình được dựng thành phim đã ít, song khi ra mắt, tác phẩm chưa hẳn đã nhận được lời khen, thậm chí bị chê lên chê xuống. So với bộ phim hoạt hình đầu tiên ra đời năm 1959 Đáng đời thằng cáo, những tác phẩm sau này không mấy khác về công nghệ dựng hình, trong khi các nước khác đã đi nhiều bước dài.

Phim Bốn thám tử do Viết Linh viết kịch bản bị nhà văn thiếu nhi Lê Phương Liên nhận xét thẳng thắn: “Tôi không tin các em thích bộ phim này, câu chuyện không mới, cốt truyện đơn giản, cách làm còn thủ công”.

Nhà biên kịch Phạm Sông Đông, Trưởng phòng nội dung Hãng phim hoạt hình Việt Nam cho rằng, phim hoạt hình Việt mắc căn bệnh kinh niên là quá nghiêm túc, đạo mạo mà thiếu những kịch bản mang hơi thở mới, tươi vui của lớp trẻ.

Chị cũng không giấu nỗi buồn trước sự khan hiếm lực lượng viết trẻ. “Một số bạn rất nhiệt tình cộng tác, nhưng sau vài lần kịch bản không được dựng phim, họ rẽ hướng khác. Để thực hiện một phim hoạt hình không dễ, vì thế chỉ những ai yêu nghề và thực sự tâm huyết mới gắn bó lâu dài”, chị tâm sự. Tuy vậy, nữ biên kịch không trách các cây viết trẻ “bởi họ cần đất sống trong khi làm phim hoạt hình khá khắc nghiệt”. Chị nói hiện tại vẫn chờ đợi người viết trẻ đam mê tự tìm đến để “so bó đũa chọn cột cờ”, có được một kịch bản hay giữa muôn vàn kịch bản được gửi đến.

TheoĐất Việt