Khám phá “Hollywood” của CHDCND Triều Tiên

(TGĐA) - Tuần này, cả thế giới cùng dồn sự chú ý về Việt Nam – nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Nếu như nước Mỹ là quốc gia đa dạng về văn hóa, cởi mở và thông thoáng thì ngược lại CHDCND Triều Tiên lại được biết đến như một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới. Cũng như vậy, kinh đô điện ảnh Hollywood của Mỹ - nơi sản xuất những bộ phim nổi tiếng vốn rất quen thuộc với khán giả toàn cầu thì nền điện ảnh CHDCND Triều Tiêu lại ẩn chứa những điều thú vị riêng. Bài viết dưới đây được đăng tải trên tờ The Sun cho thấy bỏ qua các yếu tố về chính trị, điện ảnh rõ ràng có một sức hấp dẫn đặc biệt với con người, dù họ là ai? Hãy cùng khám phá một góc“Hollywood” của CHDCND Triều Tiêu.

kham pha hollywood cua chdcnd trieu tien
Một Poster phim trên đường phố

Chủ tịch quá cố Kim Jong Il là một người rất hâm mộ cinema, vì vậy do ảnh hưởng của ông, người dân CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) cũng trở thành những tín đồ trung kiên của phim ảnh. Lãnh đạo quá cố Kim Jong Il (Dear Leader) rất xem trọng điện ảnh, gọi phim ảnh là “công cụ mạnh nhất để giáo dục công chúng”. Thậm chí ông còn viết một tiểu luận có tựa “Học thuyết nghệ thuật điện ảnh” (Theory of Cinematic Art) có câu: “Bổn phận của điện ảnh là biến nhân dân thành những người cộng sản đích thực”. Đối với ông, phim ảnh có khả năng xoá đi những thành tố của chủ nghĩa tư bản. Nghe nói, Kim Jong Il có hàng ngàn bộ phim trong thư viện riêng và có nhiều nhà hát được xây dựng riêng cho ông tại thủ đô Pyongyang. Ngoài hãng phim chính (Korean Film Studio), còn có các studio khác được xây dựng ở ngoại vi Peongyang nhờ vào sự quan tâm mạnh mẽ đối với những bộ phim do chính Kim thực hiện. Kim Jong Il có quay một bộ phim nói về cha ông, nhà sáng lập Triều Tiên Kim Il-Sung và ông tự xem mình là “thiên tài điện ảnh”. Các diễn viên nổi tiếng của Triều Tiên được đưa lên tranh tường khắp thủ đô và có mặt cả trên đồng nội tệ. Những bộ phim của Triều Tiên thường có chủ đề cách mạng và chủ nghĩa cộng sản, ca ngợi những tử sĩ, các nhà ái quốc và các anh hùng chiến đấu chống lại những kẻ thù hàng đầu như Nhật Bản, Mỹ …. Nhưng cũng có những bộ phim nói về những sự kiện đương đại. Khi cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Pyongyang năm 2009 để vận động trả tự do cho hai nhà báo Mỹ Laura Ling và Euna Lee, Triều Tiên nhanh chóng làm một bộ phim về sự kiện này để cho thấy sức mạnh và quyền lực của chế độ. Dĩ nhiên, có sự pha trộn giữa những thước phim thật và thước phim dàn dựng để mô tả một sự kiện có thật.

kham pha hollywood cua chdcnd trieu tien
Máy quay phim được mua từ một trong những nhà máy sản xuất nổi tiếng nhất thế giới tại Đức
kham pha hollywood cua chdcnd trieu tien
Một diễn viên đang được hóa trang làm tóc và râu giả

Tất cả những bộ phim lịch sử và cách mạng chiếu trên kênh truyền hình trung ương DPRK TV đều được quay tại studio Korean Film Studio ở Pyongyang. Một tấm biển cỡ lớn đặt tại lối vào của các phim trường Chollima giới thiệu các diễn viên xuất sắc nhất trong năm, một kiểu Oscar của Triều Tiên. Khác biệt là ở chỗ, tất cả diễn viên tại Triều Tiên đều là viên chức nhà nước. Du khách có thể thăm Korean Film Studio, nơi có những phim trường mô phỏng cuộc sống văn hoá của các nước khác và các giai đoạn lịch sử như cottage kiểu Anh, quán bar kiểu Nhật Bản và khu phố Tàu. Bên trong các phim trường Chollima có những poster Mỹ và Nhật Bản nhái, thậm chí cả một rạp chiếu phim nhái.

kham pha hollywood cua chdcnd trieu tien
Studio Korean Film Studio ở Pyongyang
kham pha hollywood cua chdcnd trieu tien
Studio Korean Film Studio ở Pyongyang

Sau cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến việc sụp đổ bức tường Berlin năm 1989, một số hãng phim Triều Tiên không còn đủ kinh phí để quay phim tại các phim trường của Korean Film Studio. Phim thường được quay bằng video camera lớn Arriflex ARRI 5.35 giá 85.000 bảng Anh, được mua từ một trong những công ty sản xuất camera tốt nhất thế giới. Sau một thời gian dài, phim Triều Tiên được quay bằng camera dùng cuộn phim, nay đã chuyển sang quay bằng camera kỹ thuật số. Mỗi nông trang gồm 300 gia đình đều có rạp chiếu phim đủ chỗ cho mọi người, và các phim đều được đưa giới thiệu tới khán giả ở mọi nơi trên đất nước. Thường thì người dân được xem phim miễn phí, và không ai để lỡ cơ hội được thưởng thức một buổi chiếu phim hiếm hoi. Một bộ phim có thể được xem hàng trăm lần. Tại những ngôi làng hẻo lánh, các poster phim được vẽ trên tường và yên vị ở đó trong nhiều năm. Được xem nhiều nhất là các bộ phim The Blood Stained Route Map, The Road of Happiness, The Flower Girl, Sea of Blood, A True Daughter of the Party Urban Girl Comes to Get Married. Tầng lớp thượng lưu của Triều Tiên thường du lịch ra nước ngoài để xem phim và mang về những đĩa DVD hay ổ USB phim. Hành động đưa lậu sản phẩm văn hoá vào nước đã trở thành vấn đề chính cho chính quyền Triều Tiên.

Lê Tây Sơn (dịch)