Kết hợp tính hiện đại và tính dân tộc con đường dẫn đến thành công của điện ảnh Việt Nam (Phần 1)

Song song với việc “quốc tế hóa vấn đề dân tộc”, các nhà làm phim cần đổi mới tư duy sáng tác như đã bàn ở trên, nhằm tạo cho tác phẩm điện ảnh một sự cập nhật, bắt nhịp với xu thế phát triển của thời đại. Những vấn đề mang tính toàn cầu như lên án chiến tranh và khủng bố, cảnh báo những hiểm họa đe dọa cuộc sống của loài người như phá hủy môi sinh, căn bệnh thế kỷ AIDS…phấn đầu vì một thế giới hòa bình, vì sự bình đẳng về quyền con người, về một hành tinh xanh cần có sự đồng vọng trong các bộ phim Việt Nam. Điều quan trọng là phải có sự chắt lọc và thẩm thấu các vấn đề qua cuộc sống và con người trong xã hội Việt Nam chứ không phải là sự vay mượn, gán ghép những câu chuyện, những số phận xa lạ vào phim cốt cho có vẻ hiện đại. Nghĩa là cần có một sự “dân tộc hóa” thực sự những vấn đề mang tính quốc tế, mang tính nhân loại trong phim, chứ không cần một “lớp váng” lai căng từ nước ngoài!

(TGĐA) - Câu khẩu hiệu “Vì một nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhiều năm qua đã trở thành mục tiêu, nỗi trăn trở của nhiều nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam. Với mong muốn trao đổi với các nghệ sĩ để cùng tìm ra một con đường đi tới thành công của điện ảnh nước nhà, nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan đã gửi tới một chuyên luận công phu. Thế giới điện ảnh xin trân trọng giới thiệu để các nghệ sĩ điện ảnh và bạn đọc tham khảo.


Tiến sĩ nghệ thuật học Ngô Phương Lan

KẾT HỢP TÍNH HIỆN ĐẠI VÀ TÍNH DÂN TỘC TRONG NỘI DUNG TÁC PHẨM ĐIỆN ẢNH


1.Đổi mới tư duy sáng tác phù hợp với tinh thần thời đại
Tư duy của người sáng tác quyết định tầm nhìn thế giới,nhận thức về cuộc sống và những vấn đề được phản ánh trong tác phẩm.Vì vậy, tư duy liên quan trực tiếp đến tính hiện đại của tác phẩm.


Thập kỷ thế giới Văn hóa vì sự phát triển (1987-1997) do Liên hiệp quốc và tổ chức UNESCO khởi xướng đã coi văn hóa “ vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển”. Tinh thần khoan dung (khát vọng hướng tới một thế giới tiến bộ,nhân ái,chung sống hài hòa chấp nhận sự khác biệt của các nền văn hóa…) xu hướng văn hóa hòa bình ( theo đuổi nguyên tắc “đối thoại chứ không đối đầu”) chứng tỏ sự tiến bộ và sức mạnh của văn hóa ngày nay. Tinh thần khoan dung lại rất phù hợp với nét đặc trưng của tính dân tộc Việt Nam là tinh thần nhân đạo. Xu thế văn hóa hòa bình rất gần gũi với truyền thống yêu chuộng hòa bình, khát khao cuộc sống độc lập của người Việt Nam.


Bối cảnh quốc tế đang xoanh quanh xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Chính vì vậy việc phát huy bản sắc dân tộc để bảo vệ và tận dụng sức mạnh nội lực, đồng thời lựa chọn hướng đi phù hợp để phát triển theo xu thế hiện đại và tiến bộ của nhân loại là mục tiêu của Việt Nam. Nhưng cũng cần thấy rằng cùng với những mặt tích cực thì những xu hướng trên cũng có nhiều mặt trái mà phần thiệt thòi (trong kinh tế, thương mại, văn hóa xã hội…) lại rơi vào những nước nghèo, những nước thuộc thế giới thứ 3 như Việt Nam. Chính vì vậy mà điện ảnh cần phản ánh với một tư duy cập nhật những vấn đề mang tính toàn cầu như đấu tranh vì quyền bình đẳng giữa các dân tộc, lên án sự bất công giàu nghèo, chống chiến tranh, xung đột sắc tộc và tôn giáo, chống bạo lực và khủng bố, đấu tranh với những tệ nạn xã hội và căn bệnh thế kỷ AIDS, bảo vệ môi trường sinh thái… Đây là tiền đề để tạo nên tính hiện đại trong nội dung phim.


Mặc khác, cần nhận thức rõ rang cho dù phản ánh những vấn đề chung mang tính toàn cầu vẫn phải xuất phát từ chỗ đứng và góc nhìn của dân tộc mình, thông qua hiện thực xã hội mình thì tác phẩm mới có sức sống, sức thuyết phục. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của UNESCO khuyến khích sự đa dạng văn hóa của các dân tộc.


Tư duy của người sáng tác điện ảnh chỉ có thể bắt nhịp với thời đại khi hấp thụ được tinh thần tiến bộ của văn hóa thế giới. Dân tộc Việt Nam cần được đặt trong mối liên hệ với khu vực và quốc tế. Không thể chỉ “dương dương tự đắc” với hào quang quá khứ và cho rằng mình là “nhất” trong thiên hạ, mà cần phải thấy những hạn chế, những thử thách dân tộc mình đang phải đối mặt. Con người Việt Nam cần được đặt trong mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại. Những phẩm chất truyền thống nào anh ta cần phải giữ gìn và phát huy, những phẩm chất nào của xã hội hiện đại anh ta thiếu hụt và cần vượt lên bản thân mình để đạt được.


Đã có giai đoạn các nhà điện ảnh Việt Nam nặng nề lối tư duy một chiều: chỉ khẳng định, chỉ cổ động, chỉ quan tâm đến tính giáo dục của bộ phim. Tư duy hiện đại cần một sự đa diện, sâu sắc và hài hòa. Biết khẳng định ánh sáng trong sự tương phản với bóng tối nhưng cũng cần khắc họa cả những khoảng “tranh tối tranh sáng” một cách có ý nghĩa. Vừa cổ vũ cái tốt nhưng cũng cần biết phê phán đến tận gốc rễ nơi những cái xấu nảy mầm. Cần tạo một sự hài hòa giữa tính giáo dục của tác phẩm (cả khía cạnh đạo đức lần khía cạnh nhận thức) với tính thẩm mỹ và tính giải trí. Chính tính thẩm mỹ và tính giải trí sẽ làm cho phim Việt Nam có sức hấp dẫn và sức thuyết phục, tránh được “căn bệnh” khô cứng hay áp đặt vẫn tồn tại lâu nay.
Thời đại ngày nay là thời đại tin học. Bởi vậy, các tác phẩm điện ảnh trước hết phải có lượng thông tin bổ ích cho khán giả. Cao hơn một bước, tác phẩm cần phải là sự khái quát cuộc sống, khái quát những vấn đề xã hội và những điều mà con người đang quan tâm. Người Việt Nam thiên về cách tư duy cụ thể mà thiếu sức khái quát. Các nhà làm phim cần phải nâng tầm nhận thức và mở rộng tầm nhìn mới có thể bắt kịp được với thời đại. Khi tác phẩm không dừng lại ở sự miêu tả hiện tượng cụ thể mà đi đến sự khái quát hiện thực thì tác phẩm ấy mới có sức lan tỏa rộng lớn và sức sống bền lâu. Hơn nữa, tính dự báo của tác phẩm – điều mà những bộ phim “tầm cỡ quốc tế” thường đạt được – bắt nguồn từ sức khái quát cao độ cuộc sống bằng mầu sắc của dân tộc mình.


Các mảng đề tài rộng lớn như quá khứ, hiện tại và tương lai đều có thể tạo nên tính hiện đại trong tác phẩm điện ảnh. Nhưng tư duy của người sáng tác mới quyết định được sự hiện đại hay lỗi thời trong nội dung phim.

Câu chuyện về Thời xa vắng vẫn chưa hẳn là chuyện đã xa...


Đối với đề tài quá khứ cần có sự tái hiện theo cách nhìn mới của ngày hôm nay, sâu sắc và công bằng. Các nhà điện ảnh Việt Nam cần “trả nợ quá khứ gần” bằng những bộ phim ngang tầm với sự vĩ đại của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ đất nước. “Quá khứ xa” về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc còn là sự thách đố lớn, không biết bao giờ nhà làm phim mới có khả năng và điều kiện để đưa lên màn ảnh.


Đối với đề tài đương đại cần có sự nhập cuộc thực sự mới có thể phản ánh cuộc sống một cách nhạy bén và khái quát các vấn đề xã hội cả về chiều rộng và chiều sâu. Những thử thách đối với toàn xã hội nói chung, mỗi gia đình và mỗi con người Việt Nam nói riêng đang chuyển đổi trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa từ một đất nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, chứa đựng vô vàn những vấn đề, xung đột có thể chuyển tải vào phim. Các mối quan hệ, cách sống, tình yêu, mơ ước, nhu cầu và khát vọng…của con người thời công nghiệp hóa – hiện đại hóa khác xa thời bao cấp và đó chính là chất liệu đa dạng để tạo nên mầu sắc hiện đại cho phim.


Tính hiện đại cũng được tạo nên từ những dự báo và hình dung của nhà làm phim về tương lai đất nước và con người Việt Nam, nhưng không phải là sự mơ tưởng viển vông, hão huyền mà cần xuất phát từ cái nền hiện thực. Đây là mảnh đất trống mà các nhà làm phim Việt Nam hầu như chưa khai phá.


Nhờ vào sức mạnh đặc biệt của ngôn ngữ thể hiện và kỹ thuật – kỹ xảo, điện ảnh trở thành một bộ môn nghệ thuật có khả năng lớn nhất để chuyển tải sống động và nguyên vẹn trí tưởng tượng của nhà làm phim đến khán giả, bất chấp trí tưởng tượng đó kì lạ và phi thường đến đâu. Trí tưởng tượng đã tạo nên sức cuốn hút của tác phẩm và sự lớn mạnh của ngành công nghiệp điện ảnh.

Trí tưởng tượng và kỹ xảo khiến giới trẻ đón nhận Giải cứu thần chết năm nay


Phim Việt Nam cho thấy trí tưởng tượng của các nhà sáng tác Việt Nam chưa phong phú. Đành rằng chất thơ, chất trữ tình trong nhiều bộ phim phần nào khiến cảm xúc của người xem được bay bổng, nhưng chưa có bộ phim nào cho người xem thỏa trí tưởng tượng (chẳng hạn như về cuộc sống của người Việt Nam từ khi tổ tiên ta sinh cơ lập nghiệp 3000 năm trước hay vào 3000 năm sau). Đương nhiên điều kiện vật chất và cơ sở kĩ thuật là rào cản rất lớn việc “màn ảnh hóa” trí tưởng tượng, nhưng điều quan trọng là nhà sáng tác điện ảnh cần phải tập cách tư duy hiện đại: thả cho trí tưởng tượng bay bổng trong những tình huống mà bản thân anh ta có thể “nhìn thấy – nghe thấy” và diễn tả được cho người khác. Bởi vì ngành điện ảnh Việt Nam đã được đầu tư đáng kể về phương tiện kĩ thuật, kĩ xảo nhưng các nàh làm phim chưa có khả năng khai thác được hết sức mạnh của máy móc. Mặc khác, cũng có thể thuê làm gia công thể hiện ở nước ngoài những cảnh phim khác thường theo ý thích của nhà làm phim với yêu cầu hiệu quả cao về kỹ thuật – kỹ xảo. Nhưng trước tiên bản thân nhà làm phim phải có ý tưởng và phải “hình ảnh hóa trong đầu” ý tưởng đó của mình.


Nói tóm lại đổi mới tư duy sáng tác để bắt nhịp với thời đại là cở sở để đưa tính hiện đại vào tác phẩm điện ảnh.

2. Đi từ cội nguồn truyền thống dân tộc đến bản chất cuộc sống hôm nay.
Xu thế toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của thời đại. Vấn đề giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trở nên quan trọng là điều đã rõ ràng. Một nền điện ảnh muốn tìm được vị trí của mình trên trường quốc tế cần phải có những tác phẩm đậm mầu sắc dân tộc. Mầu sắc dân tộc có đủ sức thuyết phục hay không phụ thuộc vào bộ phim có phản ánh được những vấn đề cốt lõi của xã hội, có khơi được đến tận cùng bản chất của cuộc sống hay không?


Truyền thống dân tộc không phải là khái niệm trừu tượng mà tồn tại (với những mức độ đậm nhạt khác nhau) trong phong tục tập quán, trong quan niệm đạo đức, cách ứng và các mối quan hệ xã hội, trong nếp sống, tâm hồn, tình cảm con người… Đó là nền tảng tinh thần của một dân tộc.


Cuộc sống hôm nay một mặt thừa hưởng những nền tảng tinh thần của truyền thống dân tộc, mặc khác được phát triển phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại của một đất nước đang từng ngày từng giờ đổi mới và đi lên. Có nhiều điểm đồng thuận giữa truyền thống và cuộc sống hiện đại. Đây là trường hợp lý tưởng nhất trong việc tiếp thu và phát huy truyền thống trong cuộc sống hôm nay. Có những “nếp cũ” từng là chuẩn giá trị trong một xã hội thuần nông không còn phù hợp, thậm chí cản trở bước đi lên của công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Đây là lúc cần có sự lựa chọn tỉnh táo, sáng suốt để tiếp thu những điểm phù hợp, khắc phục những điểm lạc hậu và lỗi thời. Ngược lại, có những trường hợp chạy theo cái được gọi là “hiện đại”, “thời thượng” trong cách sống, trong quan hệ ứng xử… mà phá vỡ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Đối với trường hợp này cần có sự phân tích, phê phán đích đáng những biểu hiện lệch lạc, nông cạn, thực dụng… sẽ dẫn đến nguy cơ mất gốc.


Điện ảnh cần khái quá những vấn đề xã hội gay gắt của Việt Nam hôm nay – một đất nước đang phát triển sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở nền kinh tế thị trường dưới sự quản lí của nhà nước nhưng còn ngổn ngang nhiều việc phải giải quyết. Đó là sự cảnh tỉnh trước những thay đổi lệch lạc về nếp sống của một xã hội nông nghiệp nặng về các mối quan hệ mà “nhẹ” về luật pháp, dẫn đến sự hoành hành của nạn tham nhũng, của các tệ nạn xã hội. Đó là sự bảo về công bằng xã hội, đạo lí dân tộc ,phẩm chất đạo đức và nề nếp gia phong trước cơn lốc của cách sống thực dụng, chạy theo đồng tiền… Đây chính là ngọn nguồn để các nhà làm phim khơi dòng chảy vô tận của tính dân tộc trong mối liên hệ hữu cơ với tính hiện đại.
Nhà sáng tác điện ảnh cần nhìn thấu từ truyền thống dân tộc đến bản chất cuộc sống hôm nay bởi những hình tượng nghệ thuật đỉnh cao trong những bộ phim thành công đều được bắt nguồn từ nền tảng tinh thần dân tộc để khái quát những vấn đề, những số phận phản ánh bản chất của hiện thực cuộc sống. Những bài học rút ra từ các táp phẩm điện ảnh của các đạo diễn châu Á nổi tiếng như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Abbas Kiarostami đã chứng minh điều này.

Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh in đậm tính dân tộc


Đã có những bộ phim Việt kết hợp thành công nét truyền thống trong sự hài hòa với hiện thực cuộc sống hôm nay, nhưng số phim ấy không phải là nhiều. Ngay cả trong những bộ phim này, sự thể hiện tính dân tộc, mầu sắc Việt Nam dường như cũng tự phát, xuất phát từ cảm xúc tự nhiên của nhà sáng tác chứ không phải là từ sự đúc kết công phu và toàn diện. Hiện thực cuộc sống trong phim chưa có sức thuyết phục mạnh mẽ, chưa đạt tầm khái quát cao bởi nhà sáng tác còn thiếu vốn sống, chưa thực sự lăn lộn, nếm trải cuộc sống của nhân dân – hay chí ít là những đối tượng anh ta thể hiện trong phim.


Các nhà làm phim Việt Nam cần có sự chủ động đào xới, tìm hiểu truyền thống dân tộc để có cái nhìn xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Họ cũng cần có sự thâm nhập thực tế nghiêm túc để nắm bắt những vấn đề xã hội, thấu hiểu những nỗi niềm, tình cảm và khát vọng của người dân để từ đó đúc kết, khái quát hiện thực bằng những hình tượng màn ảnh sống động và có sức thuyết phục cao.

3. Quốc tế hóa những vấn đề mang tính dân tộc, dân tộc hóa những vấn đề của nhân loại.

Một nhà sáng tác chỉ có thể dốc hết tâm lực và nhiệt huyết vào tác phẩm khi anh ta sáng tạo trên cơ sở những gì gần gũi, thân thuộc, máu thịt đối với bản thân mình. Điều này có nghĩa những câu chuyện, những vấn đề của bản thân, của gia đình, của cộng đồng xung quanh… nói khái quát là những vấn đề mang tính dân tộc – là mảnh đất mầu mỡ nhất để những nhà sáng tác khai thác và sáng tạo. Đặc biệt, tác phẩm điện ảnh là nơi mọi câu chuyện, mọi số phận, mọi ý tưởng được diễn tả cụ thể nhất bằng hình ảnh và âm thanh trên màn ảnh thì nhà làm phim dễ có điều kiện nhất để tái tạo những gì quan hệ đến bản thân mình, dân tộc mình.

Nhưng có một mâu thuẫn là nhiều bộ phim đề cập đến những câu chuyện, những vấn đề đáng quan tâm và dễ cảm thông đối với dân tộc này lại khiến người xem ở quốc gia khác, dân tộc khác dửng dưng, không quan tâm, không chấp nhận… Nguyên nhân của “độ vênh” trong cách tiếp cận tác phẩm điện ảnh này là do những vấn đề đặt ra trong phim mang tính cá biệt của một nhóm người, một dân tộc mà chưa đủ sức thuyết phục mọi người tin và cảm thông. Lấy một ví dụ: dân tộc Việt Nam nhỏ bé nghèo nàn và lạc hậu đánh bại hai đế quốc hùng mạnh là Pháp và Mỹ là một thực tế lịch sử không gì lay chuyển được. Thắng lợi phi thường của Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh giữ nước khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng. Nhưng thực tế đáng buồn là rất nhiều phim nêu cao chủ nghĩa anh hùng của ta không thuyết phục được người xem nước ngoài mà bị họ “liệt” vào loại phi tuyên truyền.

Chính vì vậy mà các nhà làm phim cần khai thác sâu sắc và ấn tượng bí quyết để dân tộc ta làm được những điều phi thường, để trở thành dân tộc anh hùng. Đó là biết bao sự hi sinh bình dị của mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi xóm làng… suốt chặng đường 30 năm trường kì kháng chiến. Trường hợp phim Cánh đồng hoang chinh phục mạnh mẽ người xem nước ngoài bởi các nhân vật được khắc họa như những con người bằng xương bằng thịt, họ có những tình cảm và khát vọng như bất cứ một người nào sống trên trái đất này. Từ đó, sự hy sinh của họ mới có sức nặng và khiến người xem tin vào cuộc sống và chiến đấu đầy nghịch lý của dân tộc Việt Nam: cái bình dị tạo nên cái phi thường; chủ nghĩa anh hùng tiềm ẩn trong cuộc sống đời thường của mỗi một người dân. Đạt được hiệu quả này có nghĩa là phim đã “quốc tế hóa” thành công chủ đề Việt Nam. Theo cách triển khai này thì các nhà làm phim Việt Nam còn có thể tái hiện và “quốc tế hóa” biết bao vấn đề, câu chuyện, số phận suốt những năm tháng đầy biến động lịch sử của dân tộc ta.

Diễn viên Lâm Tới (vai Ba Đô) trong Cánh đồng hoang

Cần phải có sự mở rộng tầm nhìn cho các nhà điện ảnh Việt Nam bằng những sự gia lưu, hội nhập thường xuyên với điện ảnh quốc tế để họ tận mắt nhìn thấy và cảm nhận được điện ảnh thế giới đang đi về đâu, điện ảnh ta đang ở vị trí nào, cần gì gìn cái gì và thay đổi điều gì trong sáng tác. Môi trường tốt nhất để mở rộng tầm nhìn quốc tế cho các nhà điện ảnh là tham dự các LHPQT, các hoạt động giao lưu và hội thảo quốc tế, học kinh nghiệm trực tiếp từ các bộ phim ta hợp tác sản xuất với nước ngoài…

Song song với hướng đi này, có thể rút ra điều bổ ích qua các bộ phim đề tài Việt Nam của đạo diễn Trần Anh Hùng. Đó là nên thu hút các nhà làm phim gốc Việt có tài ở nước ngoài cùng làm điện ảnh. Bởi vì bản thân sự gián cách với cuộc sống Viêt Nam đã cho họ thấy cái gì là riêng biệt, độc đáo của dân tộc ta, trên cơ sở đó có thể “quốc tế hóa” mầu sắc Việt Nam dễ dàng hơn những người chỉ sống ở trong nước. Đồng thờiv họ là những người trực tiếp tiếp xúc với những nền văn hóa khác, trực tiếp trải nghiệm nhiều vấn đề của xã hội khác mà các nhà làm phim trong nước không có điều kiện tiếp cận. Từ đó, tác phẩm của họ dễ có khả năng bắt trúng thị hiếu và đắp ứng nhu cầu của khán giả nước ngoài. Hơn nữa, tác phẩm của họ có khả năng phổ biến rộng rãi, liên tục hơn nhiều so với những hoạt động giao lưu hạn hẹp do ta tổ chức.

Điểm yếu của các nhà làm phim ở nước ngoài khi khai thác đề tài Việt Nam là sự phiến diện trong cách nhìn, sự hạn chế về hiểu biết thực tế xã hội Việt Nam và sự thiếu hụt trong việc thẩm thấu vào cội nguồn truyền thống dân tộc. Nhưng điểm mạnh của họ là sự tận dụng đến cùng và sáng tạo ngôn ngữ điện ảnh (hình ảnh, âm thanh, montage…) để tạo những hình tượng màn ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ và “đúng thị hiếu” khán giả nước ngoài. Vì vậy, điều mấu chốt là chúng ta tạo điều kiện cho những người con sống xa quê hương thấu hiểu và nhìn nhận đúng đắn thực tế xã hội Việt Nam đang trong hướng đổi mới và đi lên, khơi gợi được hồn dân tộc, trách nhiệm đối với đất nước của họ.

Là phim nước ngoài, nhưng The lover đầy chất Việt Nam

Ngược lại, các đạo diễn ở trong nước gắn bó máu thịt với xã hội Việt Nam, cuộc sống của họ được “sinh sôi nảy nở” từ cội nguồn dân tộc. Điều họ đang cần bổ khuyết là hướng đi và cách làm để có thể chuyển tải lên màn ảnh một cách sâu sắc, tinh tế, hấp dẫn và tinh tế nhất hình ảnh Việt Nam. Ngoài những biện pháp kết hợp tính hiện đại và tính dân tộc trong nội dung tác phẩm, cần có sự chuyển biến lớn trong hình thức thể hiện như sau.

(Còn tiếp)

Ngô Phương Lan