Kay Nguyen: Tôi chỉ là người… không bỏ cuộc

(TGĐA) - 19 tuổi viết kịch bản điện ảnh đầu tiên 1735km, 15 năm sau (2018), đoạt giải Biên kịch xuất sắc nhất với phim xuất sắc nhất Cô Ba Sài gòn, và 'lận lưng' không ít những kịch bản điện ảnh đã và sắp ra rạp. Nhìn bề ngoài, cô gái trẻ mũm mĩm ấy có vẻ rất…phơi phới, nhưng…coi chừng, nội tâm nàng cũng có lắm chiều sâu đấy! Nhanh nhẹn, nhạy bén, là những ấn tượng ban đầu về Kay Nguyen khi tiếp xúc.  

kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc Diễm My 9x diện đúng chất Helen trong 'Cô Ba Sài Gòn' đi sự kiện
kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc Cô Ba Sài Gòn ra mắt trọn bộ Album trữ tình diễm lệ nhạc phim
kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc S.T & Jun Phạm mang ca khúc nhạc phim 'Cô Ba Sài Gòn' khuấy động Liên hoan phim Việt Nam
kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc Ngô Thanh Vân: 'Cô Ba Sài Gòn' dành cho những ai trót yêu tà áo dài…

Từng viết kịch bản cho khá nhiều phim điện ảnh, bạn có thể cho biết niềm đam mê viết kịch bản đến với bạn từ đâu không, khi được biết bạn từng tốt nghiệp mỹ thuật tại Mỹ?

Mình yêu thích điện ảnh từ nhỏ, khi được học bổng đại học tại Mỹ, mình mong muốn được tiếp tục theo đuổi việc học điện ảnh ở đây, nhưng các bạn chuyên ngành phim trong trường quá mạnh, một số bạn đã làm phim ngắn từ 10-11 tuổi trong khi điều kiện Việt Nam lúc bấy giờ hoàn toàn không có chuẩn bị gì. Tư duy câu chữ và mỹ thuật vốn là thế mạnh từ bé, nên mình chọn biên kịch để có thể tìm được chỗ đứng trong thế giới khắc nghiệt đó và làm từ những vị trí nhỏ nhất trong đoàn phim để học hỏi thêm.

kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc
Kay Nguyen -Biên kịch xuất sắc nhất với phim xuất sắc nhất Cô Ba Sài gòn

Bạn viết 1735km lúc bạn chỉ mới vừa bước vào ngưỡng cửa tuổi đôi mươi. Bạn có gặp khó khăn gì khi khởi nghiệp không?

Đây là kịch bản đầu tay của mình, làm phim là làm chung với một ekip. Mình may mắn được học hỏi anh Tuan Andrew Nguyen (thạc sĩ tại Cal Art, một trong những trường điện ảnh giỏi nhất của Mỹ và là đạo diễn của phim).

Hiện anh đã trở thành một trong những nhà làm phim tầm cỡ quốc tế về mảng phim tài liệu và video installation, với nhiều tác phẩm được các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới mua bản quyền trình chiếu. Có thể nói những giai đoạn khó khăn trong nghề của mình đều ở Mỹ, chứ tại Việt Nam các dự án đều khá suôn sẻ, may mắn, mình nhận được nhiều sự ủng hộ, tin tưởng của nhà sản xuất, đạo diễn.

Tính đến nay, bạn đã hoàn thành bao nhiêu kịch bản và với bạn, kịch bản nào gây khó cho bạn nhất? Vì sao?

Nếu viết mà chất đống trong kho thì mình và Tilo có nhiều lắm. Thậm chí có những kịch bản được option (chọn độc quyền để xem xét sản xuất) ở Hollywood nhưng bán được thì chắc còn lâu. Còn ở Việt Nam, điều kiện sản xuất còn có yếu tố thị trường can thiệp nhiều nên những phim ra được rạp từ kịch bản trong nhà chắc chỉ khoảng 7-8 phim. Hy vọng trong tương lai, tụi mình có những đề tài gần gũi, mang tính địa phương hơn để đóng góp vào làng phim giải trí Việt Nam

Tuổi đời bạn còn rất trẻ, bạn lấy kinh nghiệm từ đâu để có thể viết nên những kịch bản có vẻ giàu chất “trải nghiệm” như thế?

Mình nhìn như 18 vậy thôi chứ cũng 35 tuổi rồi, nửa đời người rồi (cười) Còn giàu chất trải nghiệm thì quả là một lời khen mình không dám nhận. Mình chỉ nghĩ là mình thích đọc, nhớ dai, có may mắn đi lại nhiều nơi gặp gỡ nhiều thành phần, chưa kể một số đúc kết cũng đến từ những người bạn vong niên trải đời đã từng có hân hạnh được gặp gỡ. Còn lại là kỹ thuật viết phim giải trí của Hollywood hết. Đó là một loại ngôn ngữ khác hẳn ngôn ngữ phim nghệ thuật, hay các loại hình nghệ thuật khác. Đó là một cái sườn tốt để làm nền cho các sáng tạo, để đi được đường dài.

Bạn hoàn thành Cô Ba Sài gòn trong bao lâu?

Mình vào dự án khá trễ với vai trò “bác sĩ” kịch bản thôi. Thấy đề tài của nhà sản xuất hay quá nhưng kịch bản cũ thì chưa thể hiện được hết, mình xin phép được làm một cái mới. Mình chỉ có 2 tháng để hoàn tất kịch bản, nhưng nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của nhà sản xuất (một người trong số họ trở thành đồng đạo diễn), mình đã hoàn thành cả hai vai trò kịch bản và đạo diễn. Như đã nói, đó là một cái duyên và là một sự hân hạnh. Được làm việc chung với một ekip tuyệt vời.

Làm đạo diễn cho chính “con đẻ” của mình, theo bạn, đó là áp lực hay thuận lợi?

Đúng vậy. Thực ra về chuyên môn, công việc chính của đạo diễn có 3 thứ: 1. Phân tích kịch bản, 2. Chỉ đạo diễn xuất, 3. Hình ảnh (bao gồm hình ảnh quay dựng và mỹ thuật…) Nếu như đó là kịch bản tự tay mình viết, mình đã nhẹ được 1/3 công việc. Với background mỹ thuật thì mình cũng thuận tay hơn trong việc thể hiện ra hình ảnh. Nhưng quan trọng nhất, vì có nhà sản xuất tốt nên mình được làm việc với ekip có chuyên môn đầu ngành, điều đó giúp rất nhiều trong việc thể hiện ý tưởng thành hiện thực.

kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc
Kay Nguyen với 1735km

Dường như các tác phẩm của bạn, từ 1735km, Cô Ba Sài Gòn đến Người bất tử đều có chất “hoài niệm”. Phải chăng đây là cách mà bạn muốn tỏ bày cái gì đó còn chất chứa trong lòng?

Trải nghiệm hình thành cá tính một con người. Mình gọi đó là di sản cá nhân của mỗi người, di sản đó riêng nhất và độc đáo ở mỗi người. Làm sáng tạo, mình cần phải ý thức về di sản cá nhân đó, làm cho nó sắc sảo hơn. Bất kỳ sự học hiểu vun đắp có ý thức khi đã trưởng thành đều chỉ là ngoại lai nếu như không được dung nạp vào di sản cá nhân đó, để nó thành chữ ký riêng của mình.

Nếu vậy, có thể nói “hoài niệm” là một phần nào đó đã sẵn có trong người của mình, và đương nhiên… dễ sáng tạo nhất, dễ xoay trở nhất. Đó là lý do dù hầu hết các dự án của mình đều là đặt hàng nhưng mình luôn có khoảng không gian và sự tự tin để giới thiệu về “sự hoài niệm” của mình trong đơn đặt hàng đó, chẳng hạn vậy. Không hiểu sao từ nhỏ đến lớn, mình luôn thân thiết gần gũi với những người lớn tuổi hơn mình rất nhiều, có khi là người trong gia đình, hoặc bạn vong niên, vô hình chung, những thứ xem nghe đọc mà có chọn lọc đều là những thứ của họ mang lại. Mà những người đó thì lúc nào cũng đầy ắp “sự hoài niệm”.

Tất nhiên, có những thứ thuộc về văn hoá phổ thông, văn hoá đương đại, sau này lớn, làm giải trí, mình buộc phải tìm hiểu một cách có ý thức, có hệ thống, mới bắt đầu nghe nhạc trẻ, xem truyện tranh… để cập nhật. Mình chỉ mới đọc Tiến sĩ Slump7 Viên Ngọc Rồng gần đây, cảm thấy rất thú vị. Mình có một người bạn thân, nay đã qua đời.

Bạn đó cách đây vài năm bắt buộc mình phải đọc Tiến sĩ Slump. Mình cứ nói bận bận xong xí xoá, nay quyết tâm đọc trọn bộ đó, như một cách nhớ về bạn. Bạn hay chọc mình có “tuổi thơ bị zú khí đá”. Bạn đã chỉ cho mình nhiều thứ hay lắm, giờ hồi tưởng lại rất cảm động. Mình có số “nhờ vả bạn bè”. Là thử thách trong sáng tạo, đôi khi cũng phải biết đi ra vùng thoải mái của mình và biết lôi những “của lạ” bên ngoài về ráp vào được di sản của mình. Mình mong muốn có những dự án… “bớt hoài niệm” hơn chẳng hạn, được cộng tác với những người trải nghiệm hoàn toàn khác mình, để họ chỉ vẽ thêm, cập nhật thêm về tính giải trí phổ thông, mà mình vẫn đưa được di sản cá nhân mình vào dự án đó. Ví dụ, mình không biết gì về video game.

Trò mà hồi nhỏ mình có thể hiểu và chơi được quá 15’ duy nhất là Super Mario, mà không hề biết là có bà công chúa trong đó cho đến mãi gần đây làm nghiên cứu dự án mới biết, vì hồi xưa chơi dở quá có bao giờ lên đến được màn cứu công chúa đâu. Nhưng mình muốn được làm một phim về video game, về thời hoàng kim của game online năm 2005-2006 tại Việt Nam, nhưng cũng là về tình anh em, bạn bè trên ghế học đường, vốn là những thứ tình cảm hoài niệm trong trẻo.

Điều gì bạn hài lòng và chưa hài lòng về Cô Ba Sài Gòn?

Trong ngành giải trí có câu, “you’re only as good as your next project” – bạn chỉ giỏi bằng dự án tiếp theo. Lúc Cô Ba là “dự án tiếp theo” trong sự nghiệp mình, mình đã cố gắng hết sức, thì sau khi mọi thứ khép lại, không có gì gọi là hài lòng hay không hài lòng. Chỉ cảm thấy có may mắn và có duyên vì được cộng tác với những người tuyệt vời, mình học hỏi được nhiều.

Còn ý tưởng Người bất tử đến với bạn trong trường hợp nào?

Năm 2015, mình với anh Victor lúc đó đang bàn StatusMắt biếc. Status thì bị kẹt lại. Mắt biếc thì… cho tới giờ vẫn còn đang bàn. Ảnh đưa cho mình một phần của câu chuyện Người bất tử, vốn đã có trước đó 8 năm, hỏi thích không. Mình quá thích. Chủ đề Việt Nam thời Đông Dương luôn có một hấp lực đáng kể với mình. Mình và ảnh cùng bàn bạc và cuối cùng sau hơn 30 lần chỉnh sửa kịch bản, giờ đã quay xong, đang dựng, sắp ra rạp. Có lúc trong khi viết, mình đùa tại tên kịch bản nó là “Bất tử” nên nó sống dai dễ sợ, có khi phải đổi tên thì nó mới từ kịch bản giấy hoá kiếp thành phim được! Coi như một bộ phim mà hơn 10 năm sau anh Victor mới được thoả lòng mong ước. Đó cũng là hạnh phúc của mình.

kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc

Giữa biên kịch và đạo diễn hay có xung đột về “đứa con chung” khi kịch bản một đằng, đạo diễn một nẻo. Bạn có gặp trường hợp này chưa? Kịch bản nào của bạn khi ra hiện trường phim bị chỉnh sửa nhiều nhất? Cảm giác của bạn thế nào?

Mình có may mắn được đội nhiều mũ, làm nhiều vị trí khác nhau trong đoàn. Mỗi người trong đoàn có một nhiệm vụ, nếu mình hiểu rõ nhiệm vụ của từng người, mình sẽ được đóng góp tối ưu nhất, và công việc suôn sẻ nhất. Khi mình đội mũ “biên kịch”, nhiệm vụ của mình sẽ là vận dụng kỹ thuật viết, ngôn ngữ phim giải trí để hoàn thành tốt nhất một kịch bản, theo đường hướng của đạo diễn, hoặc của nhà sản xuất.

Đó là công việc, không có cảm tính trong đó. Nhiệm vụ của đạo diễn sau khi có kịch bản, là làm director’s treatment, phải xử lý kịch bản. Nếu công đoạn đó họ tự làm, dẫn đến thay đổi hoàn toàn ý đồ của biên kịch, đó là director’s idea (chủ ý đạo diễn), biên kịch cần phải hiểu đến đó họ phải chuyển nhượng toàn bộ dự án lại cho đạo diễn vì đạo diễn vẫn là tiếng nói cuối cùng về mặt sáng tạo trong một bộ phim.

Nếu họ muốn mình thay họ xử lý kịch bản theo ý họ, mình cũng sẵn sàng làm. Nếu họ có một kịch bản ở đâu đó cần mình “chạy chữa” lại, mình cũng sẽ lắng nghe và cứu “con bệnh” theo yêu cầu, tiến độ của họ. Khi mình làm đạo diễn hoặc sản xuất, mình cũng phải kết hợp với biên kịch. Lúc này, mình cũng sẽ biết quyền hạn và trách nhiệm của mình ở đâu để khơi gợi được hợp tác tốt nhất từ biên kịch. Mình nghĩ tựu trung là chữ tôn trọng. Tôn trọng chuyên môn của chính mình, để luôn không ngừng đầu tư phát triển nó, để trở thành người có thẩm quyền trong lãnh vực đó. Và tôn trọng chuyên môn của người khác, tôn trọng không gian hoạt động của họ, để mình có được hợp tác tốt đẹp nhất từ họ. Vì phim giải trí là phải hợp tác làm chung với nhau. Giải trí mà. Cùng nhau vui thì mới vui chứ!

Theo bạn, phụ nữ làm phim có vất vả hơn nam không?

Mình nghĩ ở đời này làm gì đàng hoàng và lâu dài thì đều cũng vất vả cả, nên vấn đề giới tính, thậm chí tuổi tác, sắc tộc không liên quan gì ở đây. Nếu có so sánh vui, thì mình thấy ở Mỹ, Nhật, là hai chỗ mình đã làm việc, họ vẫn rất trọng nam khinh nữ, chưa kể vấn đề phân biệt sắc tộc. Xu hướng thế giới hiện tại, và tình hình xã hội đặc thù ở Việt Nam với nhiều năm chiến tranh, vai trò phụ nữ trong xã hội cũng được nhìn nhận khá bình đẳng. Bản thân mình đã cố gắng hết sức phần mình, để được ngồi chung chiếu với những người lớn tầm hơn mình, giỏi việc hơn mình, thì những người đó đều là những người hiểu chuyện, họ luôn làm công việc mình bớt vất vả hơn, không phải vì mình là nữ hay nam, mà vì mình chỉ là một người không bỏ cuộc. Mình cũng chưa từng nghĩ những người lớn đó họ là nam hay là nữ, họ đạt được tầm cỡ đó là do bản lĩnh cá nhân họ, còn giới tính của họ không có đóng góp gì nhiều.

Dự án nào bạn đang ấp ủ, chưa thực hiện hoặc sắp thực hiện?

Mình luôn muốn làm phim về bối cảnh Việt Nam thời cũ, hoặc các ngành nghề mang tính văn hoá bản địa. Phim ảnh có tính phổ cập rất cao. Kể một câu chuyện hấp dẫn thú vị đủ quảng đại mọi người lắng nghe, mà vẫn lồng ghép vào được những yếu tố văn hoá bản địa “khó nuốt” là cách duy nhất mình nghĩ có thể đóng góp, lưu giữ được gì đó trong dòng chảy cuồn cuộn của văn hoá phổ thông (pop culture).

Bạn có định đạo diễn cho phim nào nữa không?

Đã là người làm phim, đã đánh đổi quá nhiều để được sự tự do theo đuổi đam mê này, thì mình luôn mong muốn được tiếp tục với nhiều dự án, dù là vai trò đạo diễn, hay biên kịch, sản xuất, thậm chí chỉ là trợ lý đạo diễn… mình đều mong muốn được làm. Mình có những ý tưởng, những kịch bản yêu thích mong muốn được làm chủ khâu sáng tạo, nên chắc chắn sẽ còn tiếp tục làm đạo diễn nữa.

kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc
Tokyo NHK(khi làm việc ở Nhật)

Tình hình chung là phim Việt ngày càng nhiều nhưng ít có kịch bản hay. Bạn nhận xét thế nào về hiện trạng này?

Mình nghĩ ở đâu người ta cũng sẽ nói câu này. Ở Hollywood người ta cũng than phiền là ít có kịch bản hay mà. Một kịch bản hay cần phải có thời gian cho nó, đó là phải mặc định biên kịch khi chắp bút đã có đầy đủ khả năng vận dụng ngôn ngữ phim giải trí và một viễn tượng sáng tạo khác biệt. Còn kịch bản đặt hàng thì ít khi có thời gian thoải mái rồi đó. Thực ra một kịch bản hay cũng không phải công sức dồn hết về biên kịch, bản thân đạo diễn, nhà sản xuất, họ đóng góp vào cũng nhiều, thậm chí biến một kịch bản vớ vẩn thành một cái mỏ vàng, hoặc giả ai cũng có ý tưởng như thế, nhưng qua bàn tay phù phép của đạo diễn, nhà sản xuất, trở nên có xương có thịt, chi tiết cụ thể sống động. “God is in the detail - Thượng đế ở trong từng chi tiết”. Mình xin đính chính lại là nên đổi câu hỏi thành: ở Việt Nam đã có ekip làm phim ăn ý hay chưa. Những phim được đánh giá cao về mặt kịch bản, nhìn kỹ lại đi, toàn là do có ekip nhà sản xuất, đạo diễn, cả đoàn phim phải phối hợp ăn ý, chứ một mình biên kịch làm sao làm nổi mùa xuân!

Con đường nghệ thuật của bạn có trải qua những thăng trầm gì không?

Làm phim từ 19 tuổi, nhưng sau đó có nhiều lúc mình phải làm nhiều nghề khác để sống, vì ngành này ở xứ sở nào cũng bấp bênh cả - nhưng những năm gần đây khi đã ổn định để vào guồng thì mình thấy chỉ cần tập trung làm tốt chuyện của mình, mọi thứ khác tự khắc sẽ suôn sẻ. Còn thăng trầm trong nghệ thuật thì mình định nghĩa bằng áp lực sáng tạo. Mình có tác phẩm công bố, tác phẩm cũng là một phần của mình, trong ruột mình. Nhạt nhẽo rỗng tuếch hay đầy ắp sự hứng khởi tin yêu, tự khắc sẽ tạo nên cái thăng trầm trong nghề. Tác phẩm khó nói dối được - “Bạn chỉ giỏi bằng dự án tiếp theo của mình.

Cảm tưởng của Kay khi Cô Ba Sài Gòn được giải Biên kịch xuất sắc nhất và Phim xuất sắc nhất?

Mình cảm thấy rất vinh dự. Xin được gửi lời cảm ơn trân trọng nhất đến ban giám khảo Giải thưởng Cánh Diều, đến giám đốc sản xuất là chị Ngô Thanh Vân và chị Thuỷ Nguyễn - hai người phụ nữ tài năng tuyệt vời luôn thấu suốt các vấn đề về sáng tạo, nhà sản xuất và đồng đạo diễn Trần Bửu Lộc - một người luôn nhẫn nại và hết mình vì công việc, “thánh hốt” Nguyễn Trần Thảo Nguyên (Sam) là giám đốc dự án của Studio 68, không có em Sam thì không có tên Kay Nguyen trong dự án tuyệt vời này, và xin cảm ơn nhà phát hành BHD đã mang phim đến các liên hoan phim quốc tế để khán giả khắp mọi nơi có dịp thấy “tà áo dài gói trong câu chuyện trưởng thành của một người trẻ” chứ không còn nhìn về Việt Nam như một đất nước chiến tranh lạc hậu nữa.

Được làm việc chung với những chuyên gia, nhân sự đầu ngành như giám đốc hình ảnh Hà Phúc Phù Nam, hoạ sĩ thiết kế Nguyễn Minh Đương, chủ nhiệm phim Lê Văn Định, điều hành sản xuất và phó đạo diễn Giang Hồ... và hàng trăm những nhân sự chuyên nghiệp, dày kinh nghiệm đằng sau ống kính khác, cùng với dàn diễn viên tên tuổi do chính nhà sản xuất lựa chọn, đó chính là vinh dự của mình. Nhóm cộng sự có mạnh thì bộ phim mới thành công như một tổng hoà tròn trịa, chứ khó lòng tách riêng cá nhân đơn lẻ thuộc một hạng mục riêng biệt nào đó được. Niềm vui này cuối cùng xin được chia sẻ cùng người bạn đồng hành Tilo Nguyen và cả team A Type Machine vì tất cả những cố gắng thầm lặng. Quả thật đây là một động viên tuyệt vời cho Kay trong quá trình làm nghề, sáng tạo ở chính quê hương mình.

kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc
Kay và Tilo Nguyen

Kay Nguyen sinh năm 1984 tại Sài gòn. Cô theo học cử nhân mỹ thuật tại Mỹ và tham gia nhiều khoá học biên kịch, đạo diễn, sản xuất với các bậc thầy của Hollywood.

Năm 19 tuổi, Kay góp mặt trong dự án điện ảnh đầu tiên 1735km với vai trò là biên kịch và trợ lý đạo diễn.

Cô sống và làm việc một thời gian tại Mỹ và Nhật với các vai trò khác nhau trong sản xuất điện ảnh lẫn truyền hình. Dự án Tèo Em (2013) với vai trò biên kịch đã giúp Kay tự tin quay lại điện ảnh tại Việt Nam.

Sau đó là một loạt những dự án như Chung cư ma (2014), Kungfu Phở (2015), Lôi Báo (2017), Người bất tử (2018). Đặc biệt với Cô Ba Sài Gòn (2017), Kay Nguyen đã đảm nhận cả biên kịch và đồng đạo diễn.

Cùng với Tilo Nguyen, tiến sĩ Toán Cornell (Mỹ), Kay thành lập nhóm sáng tạo A Type Machine để theo đuổi những dự án điện ảnh tại Mỹ và Việt Nam một cách chuyên nghiệp. Cặp bài trùng Tilo-Kay sẽ là cặp đôi nữ đạo diễn-nhà sản xuất phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam.

kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc Những chủ nhân giải thưởng Cánh diều Vàng: Họ nói gì?
kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc Vượt qua ‘Em chưa 18’, ‘Cô Ba Sài Gòn’ giật giải Cánh diều 2017
kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc Á hậu Vân Anh & con gái nhỏ duyên dáng với hình ảnh 'Cô Ba Sài Gòn'
kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc Buổi công chiếu đầu tiên của 'Cô Ba Sài Gòn' tại Hàn Quốc thu hút gần 1.000 khán giả
kay nguyen toi chi la nguoi khong bo cuoc Áo dài 'Cô Ba Sài Gòn' tung bay trên thảm đỏ LHP Busan

Minh Tuyền