Đi & trải nghiệm:

Istanbul: Dưới cánh hải âu

(TGĐA) - Đặt chân tới Istanbul lúc nửa đêm, thấy nó thở gấp gáp như người bệnh thiếu oxy, mệt mỏi. Đèn đường sáng trưng, đèn xe sáng loáng, bóng người chập choạng, liên mạch liên hồi. Tôi không thấy Istanbul giản đơn chỉ đen và trắng. Istanbul đa sắc, nhộn nhạo. Nằm giữa 2 lục địa Âu Á, thành phố này gồm 3 phần đất liền tách biệt: phần Tây Âu, Đông Âu và phần châu Á hay vẫn gọi là Anatolian, ngoài ra còn vô số đảo lớn bé, như hệ thống 7 đảo Hoàng Tử.

istanbul duoi canh hai au Cuộc sống ở quảng trường
istanbul duoi canh hai au London - Sự ám ảnh hình ống
istanbul duoi canh hai au Cape Town - Bão tố và hy vọng
istanbul duoi canh hai au
Istanbul - dưới cánh hải âu

Lên tàu từ Beşiktaş chừng 45 phút dập dềnh thì cập đảo lớn nhất Buyukada. Đảo che phủ phần lớn bởi đồi thông xanh rì rào. Trên cao có tiếng nhảy cầu, phía dưới có tiếng trẻ em cười đùa í ới. Lên đảo Hoàng tử, cô gái nào cũng mua vòng hoa đội đầu làm công chúa duyên dáng. Thuê xe đạp tôi chạy lòng vòng lên trên xuống dưới, vào rừng, ghé biển, mát thấu tim gan. Người cho thuê xe bảo “Mày Việt Nam nên tao mới cho thuê giá 3e/ngày đấy”. Tôi hí hửng, dân ở đây có vẻ thích người Việt, cũng đưa tay lên pằng pằng kiểu Rambo, họ khoái chí lắm. Sau mới biết đó là giá thuê chung của cả đảo. Đạp lên xuống, lượn vòng quanh, thưởng thức dưa hấu và biển thì mệt nhoài, ngủ một giấc trên tàu trong tiếng hát của cô bé người Thổ, thật trong và khỏe, cuối cùng tôi bò về đất liền mà chẳng tìm được chàng hoàng tử nào.

Đất liền, biển vẫn ở khắp nơi, biển chia rẽ các vùng đất, khiến 1 thành phố mà tưởng là 3. Biển Marmare xanh ngắt, sóng sánh, ngửi chẳng thấy vị mặn mòi lại cứ ngỡ là sông dài hun hút trong phố. Tháng 7, nắng như đổ lửa, mồ hôi rịn kẽ tay, thấy nước vây quanh tứ bề chỉ thèm lao xuống, nhưng nước sâu như lòng người lại chẳng dám bơi. Bãi biển chẳng thấy, chỉ đầy những bến cảng chen chúc những người, xe ngô luộc, và hải âu. Hải âu nhiều vô kể, tung cánh trong ánh chiều đẹp ngỡ ngàng. Nhìn những cánh chim nhỏ bé trên bầu trời thênh thênh, mặt nước dềnh dàng thuyền xe tấp nập, mới thấy hết cái to lớn của Istanbul.

istanbul duoi canh hai au
Tác giả đạp xe ở đảo Buyukada

Ở Istanbul, xe bus có, metro có mà lằng nhằng. Hoặc bạn phải mua một tấm card, nạp tiền vào dùng dần, hoặc mỗi lần lại phải mua 1 token giá 1e, đi được đúng 1 lần duy nhất. Metro chỉ có 2 đường, chẳng thể đưa tới hết những nơi mình muốn. Nhảy khỏi metro đi dọc thành phố thì đã hơn nhiều. Nhưng phương tiện nhanh nhất vẫn là các mini bus, vốn là các xe 6-8 chỗ, có thể dừng ở bất kì chỗ nào mình muốn, nhanh gọn nhẹ, giá cả phải chăng từ 2.5e - 5e. Nhiều khi cả xe chỉ mình mình và bác tài, ghế bóc xờn, cửa xe hỏng, gió nóng thổi táp vào mặt nhễ nhại. Bên khu Anatolian, thì mini bus đúng là loại hình lí tưởng, chạy dọc biển, hay lên lòng chợ.

istanbul duoi canh hai au
Một góc ở đảo Buyukada

Nói tới chợ, lại nghĩ tới Bazaar. Bazaar thường là các khu mua bán sầm uất, có thể bán tạp pí lù như Grand Bazaar hay bán 1 sản phẩm như Fish Bazaar, Flower Bazaar. Đi ăn tối ở các bazaar là một nét ẩm thực ở Istanbul. Bạn tôi, Gozde, dẫn tôi vào Flower Bazaar nhưng giờ chẳng còn thấy bán hoa. Gozde kể xưa kia đây là khu chợ nhỏ với các gian hàng bán hoa tươi tuyệt đẹp, nhưng sau đó chiến tranh nên bỏ không, giờ họ biến nơi này thành các nhà hàng. Bazaar này thực chất giống như 1 khu nhà cao tầng, xây kiểu chữ U với khoảng sân, giếng trời ở giữa. Ở khoảng sân, các nhà hàng bày bàn ghế ra sát sạt, giống y chang nhau, từ cách bày trí sang trọng tới món ăn tinh tế. Ghế đỏ trắng, hoa trắng đỏ. Mái vòm của khoảng sân này được phủ kính và các họa tiết hoa văn cầu kì. Gozde kéo ghế cho tôi rồi bắt đầu ba hoa về những thứ phải ăn. Anh bồi bàn đẩy 1 xe đầy những đĩa nhỏ xíu màu sắc khai vị. Gozde nhanh tay lựa pho mát khô, dưa vàng, sữa chua, loại sốt vàng ươm từ quả cà tím xay nhuyễn, loại khác là hỗn hợp trộn cà tím nướng băm nhỏ với pho mát tươi để quyệt lên bánh mì, và dĩ nhiên cùng 1 ly Raki. Raki có vị hồi nồng nặc, 45 độ, uống tới đâu biết tới đó. Khi uống không ai dám nếm thẳng, mà thường đổ vào 1 ly nước trắng, Raki từ màu trong như vodka chuyển sang đục ngầu như rượu nếp cái. Tôi nhắm mắt nhắm mũi uống vài hớp, mùi hồi hăng hắc, vị rượu ngọt lợ làm tôi rùng mình, nhớ lại thứ rượu Hy Lạp. Gozde nhăn mũi “tụi Hy Lạp bắt chước”. Tôi cười “Hy Lạp không ngon bằng”. Gozde vỗ tay “tao yêu mày lắm”. Rồi cô ấy lấy menu hứng khởi gọi đĩa mực cắt khoanh chiên xù, một đĩa bánh cuộn phô mai, một đĩa tôm nấu rau củ, rắc phô mai bỏ lò, khi mang ra còn nóng bỏng, pho mát xì xèo, mỡ nổ lốp bốp. Raki làm tôi nóng ran người, tay chân đỏ rần, đầu lâng lâng, phải gọi ly Ayran dịu mát. Bàn bên cạnh có tốp ca sĩ đang đàn hát cho khách, Gozde nói đó mới là cách ăn tối ở Istanbul. Sau này khi dọc con đường ở Fish bazaar nhìn quanh thấy ai cũng ăn như vậy, 1 đĩa hải sản, 1 ly Raki, 1 đêm Thổ.

istanbul duoi canh hai au
Một mặt hàng tại Grand Bazaar
istanbul duoi canh hai au
Một góc tại Grand Bazaar

Gozde chỉ tôi con đường nhỏ với các bậc thang, hàng quán bầy xen kẽ, thực khách ngồi ăn lốnhố, màu sắc chen lẫn “đây là nơi tao thích nhất, nhưng không phải quán tao yêu nhất”. Quán cô ấy yêu nhất nằm trong 1 hẻm nhỏ, có lẽ đâu đó trên đường tới tháp Galata, quán phải đi lên thật cao, rồi đi xuống thật thấp qua dãy cầu thang bé tẹo. Những tưởng quán sẽ bé xíu như các quán ở phố cổ, nhưng hóa ra lại to bất ngờ như khi vào Vô thường ở Hà Nội, ẩn sau cái ngõ sâu hun hút là một mảnh vườn khế ngọt, còn ở đây là một vườn chanh vàng thơm mát. Hai đứa vào, giả bộ ăn, kiếm một cái bàn đẹp đẹp tán chuyện rồi chuồn, để lại hương chanh dịu mát. Chúng tôi lộivào đêm trênđường phố đông nghẹt Istiklal. Hàng quán 10h đêm vẫn sáng rực, người tấp nập, nhạc xập xình. Những đám đông ngồi bệt uống bia dưới chân tháp Galata, khiến người qua lại phải len lỏi. Galata là công trình cao nhất ở Istanbul, xây dựng từ thời Ottoman để làm đài quan sát, giờ thì vác nguyên 1 vũ trường trong lòng. Len lỏi một hồi không tìm được quán trà Thổ nào ở Beyoglu, thì chân 2 đứa cũng cuống khi hàng đã quán đóng hết, Gozde nói không thôi “nơi này an toàn tuyệt vời, khu Anatolian mới đáng sợ”.

Anatolian nằm phía bên kia biển. Theo thuyền từ Beşiktaş tới Kadıkoy, tôi lên mini bus đi dọc 1 đường cơ bản khu châu Á. Trời nóng tới kinh khủng, tôi mệt rã từng thớ cơ. Đợi Gozde tan tầm, hai đứa vào quán bar làm vài cốc bia với hạt rang muối. Lại Efes nhé, tôi ừng ực như chết khô, Gozde hào hứng “tao mừng vì mày thích bia Thổ”. Ừ tôi thích bia Thổ, thích nơi đây nơi bar pub túm tụm, giới trẻ quy tụ, không khí tươi trẻ như sự trỗi mình không nghỉ của Châu Á. Quán Waffle mở cửa thật muộn, đầy hoa quả, socola, nutella, thơm nồng bơ sữa, mỗi đứa 1 cái vẫn thòm thèm, còn ngon hơn cả Waffle Bỉ.

istanbul duoi canh hai au
Nhớ làm sao những quán hàng xinh xắn ở Istanbul
istanbul duoi canh hai au
Một ngôi nhà trên đảo Buyukada
istanbul duoi canh hai au

Dưới cánh hải âu là mái nâu của những ngôi nhà Istanbul, là chóp nhọn của tòa lâu đài Topkapı, của Ayasofya (Hagia Sophia) vốn là thánh đường chính thống, sau thành nhà thờ hồi giáo. Với màu hồng nhạt nhẹ nhàng, mái vòm màu bạc, 4 tháp cao, Hagia Sophia khẳng định vị trí vững chắc của mình trong nghệ thuật kiến trúc Byzantine. Cả 1000 năm, nơi đây giữ chức danh thánh đường lớn nhất thế giới, cho tới khi Seville ra đời. Dưới cánh hải âu là 6 tháp cao cùng vô số tháp nhỏ của Blue Mosque xanh xám, đây là nơi cầu nguyện và là mộ của người sinh ra nó. Từ xa, Blue mosque là điểm nhất quan trọng nhất của Istanbul, khiến người đi trên biển đều nhận được từ xa. Bên trong Blue Mosque đẹp hơn ở Hagia bởi trần nhà cũng được điểm tô và những tấm thảm dài vô tận, nhưng không khí linh thiêng ấm cùng và dàn đèn lại không bằng. Dưới cánh hải âu, Medusa nằm câm lặng làm bệ đỡ cho 2 cây cột trong nhà nguyện Yerebatan Sarnıcı (Basilica Cistern), Mọi người bảo thế là đáng kiếp mụ đàn bà ác độc, có người lại bảo bà ta bị oan. Chỉ Cistern mới biết bí mật trong lòng nó. Dưới cánh hải âu, sự nhộn nhạo của chợ Kapalı Çarşı (Grand bazaar) làm ồn ào cả bên khu cổ kính. Dưới cánh hải âu, có Taksim, có uy nghi tháp Galata, có lâu đài Beşiktaş Dolmabahçe, pháo đài Rumeli Hisarı (Rumelian Castle) nơi châu Âu mới. Dưới cánh hải âu, người ta buôn bán lạo nhạo châu Á. Dĩ nhiên, dưới cánh hải âu, tàu bè xé nước nối những vùng đất tưởng như riêng biệt, trên cây cầu nối lục địa Á Âu, xe cộ vẫn chạy, vẫn tắc liên miên. Và dưới cánh hải âu, tôi, Gozde ngồi đó, uống bia, vui sướng với sự ngẫu nhiên gặp nhau trong đời. Bạn bè là cái duyên không thể tránh…

istanbul duoi canh hai au
Thánh đường Hagia Sophia
istanbul duoi canh hai au
Dưới chân tháp Galata
istanbul duoi canh hai au
Bên trong thánh đường Hagia Sophia
istanbul duoi canh hai au
istanbul duoi canh hai au Những Venice của Pháp
istanbul duoi canh hai au Côte d'azur: Phía bên kia màu xanh
istanbul duoi canh hai au Ba bảo tàng nghệ thuật đương đại nổi tiếng nhất châu Âu
istanbul duoi canh hai au Siena của tôi...

Mai Thanh Nga