In a better world - Hi vọng hồi sinh từ đau khổ

(TGĐA) - Bộ phim đoạt giải Oscar năm 2011 cho Phim nói nước ngoài hay nhất của nữ đạo diễn Đan Mạch Susanne Bier In a better world (tạm dịch: Trong một thế giới tốt đẹp hơn) đã có buổi chiếu ra mắt vào chiều ngày 22/11 vừa qua tại Hà Nội Cinematheque, 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội. Buổi chiếu phim là hoạt động “hâm nóng” Tuần lễ phim Đan Mạch sẽ diễn ra từ 1-6/12 tại TP. HCM và từ 2-7/12 tại Hà Nội. Và hãy cùng TGĐA nhìn lại bộ phim này…

Tôi muốn khám phá thế giới thông qua mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ em cùng những góc khuất yếu ớt của làng quê Đan Mạch thôn dã…” Đó chính là lời tâm sự chân thành, giản dị của nữ hoàng Oscar 2011 khi nói về đứa con tinh thần tuyệt vời In a better world – chiến thắng hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất” của mình. Một bộ phim hiện đại, pha trộn nhiều yếu tố và khiến cho khán giả hoàn toàn chìm ngập trong những cảm xúc lạ lùng, mê đắm…In a better world chính là một câu chuyện điện ảnh được kể bằng giọng điệu của một tác giả nữ đầy nội lực, mạnh mẽ.

Phụ nữ làm phim vốn đã luôn ít hơn đàn ông và những người có thể được gọi là tác giả, có khả năng mang đến một góc nhìn cũng như không khí riêng cho phim lại càng hiếm và ít ỏi. Thành công của Susanne Bier tại Oscar 2011 như một ngọn lửa thắp sáng lên hi vọng của điện ảnh thế giới về một thế hệ những đạo diễn nữ tài năng, thổi vào môn nghệ thuật thứ bảy một diện mạo mới. Cùng với những: Sophia Coppola, Katherine Bigelow…Susanne Bier chính là người đã viết tiếp cuốn sách lịch sử của nghề đạo diễn nữ.

Là một người con của Đan Mạch, Susanne Bier thấu hiểu việc đưa một tác phẩm điện ảnh mà ngôn ngữ chính chỉ có 5, 5 triệu người biết tới vượt qua biên giới lãnh thổ, gặt hái thành công vang dội là điều bất khả kháng. Tuy nhiên cũng giống như một số các giải thưởng điện ảnh danh tiếng trên thế giới, Oscar luôn muốn tôn vinh những tác phẩm mà dù bạn nói ngôn ngữ nào hay ở bất cứ đâu thì người ta vẫn hiểu một thứ ngôn ngữ chung duy nhất: ngôn ngữ điện ảnh.

2010_in_a_better_world_014

In a better world đưa khán giả vào một cuộc phiêu lưu cảm xúc đặc biệt với nhiều yếu tố. Một bộ phim được định hình là phản ứng kết tủa giữa hai thể loại: Tâm lý – li kỳ. Trường hợp của Susanne Bier không phải là “của hiếm” của điện ảnh đương đại thế giới khi không chỉ bám sát, nắm vững tiêu chí, lý thuyết của từng thể loại mà còn kết hợp, dán nhãn chúng lại với nhau để tạo nên khúc xạ độc đáo cho đứa con tinh thần của mình. Khai thác những xung đột tâm lý, đi vào ngõ ngách bên trong thế giới tinh thần của các thành viên trong hai gia đình hiện đại tại Đan Mạch. Bên cạnh việc đạo diễn thể hiện những lát cắt nội tâm phức tạp trong cuộc sống riêng của mỗi người, nó còn khiến khán giả thực sự bị chìm vào không khí hồi hộp, hấp dẫn từ yếu tố gay cấn trong chuỗi sự kiện được đạo diễn gài đặt hết sức khéo léo. Phim không khiến người ta giật bắn mình bởi hình ảnh ghê sợ từ những màn giết người tại khu vực chất chứa nhiều bất ổn như Châu phi hay kích thích thị giác khán giả một cách thông thường theo hướng tả chân hiện thực. Nó khéo léo dừng lại ở mức thực tế đa số khán giả có thể chấp nhận được.

Lấy bối cảnh tại một thị trấn nhỏ của Đan Mạch và một khu tị nạn của người dân Châu Phi ở Sudan để tịnh tiến câu chuyện bạo lực từ nhà trường đến các quốc gia, các vùng lãnh thổ. Tác phẩm cho người xem một cái nhìn bao quát về một chủ đề sâu rộng rất hợp với khẩu vị của các nhà làm phim Hollywood và có ý nghĩa thời sự trong giai đoạn hiện nay. Sự lật giở giữa các châu lục trong phim: châu Phi và châu Âu dễ dàng đưa tới cho người xem những so sánh, liên tưởng thú vị về cuộc sống, về con người trong một xã hội mà bất ổn và hiểm nguy luôn luôn rình rập, đeo bám.

Anton – bác sĩ (nam viễn viên Mikael Persbandt thủ vai) sinh ra, lớn lên tại một thị trấn nhỏ của Đan Mạch nhưng công việc lại chủ yếu là ở trại tị nạn của Sudan – Châu Phi. Thường xuyên tiếp xúc với những bi kịch, những nỗi đau thể xác, sự suy sụp tinh thần của những người dân nơi đây do nội chiến, do sự cầm đầu của một số cá nhân liều lĩnh, quái gở…luôn luôn lấy việc hành hạ thân xác người khác làm trò vui. Nhưng, dù cuộc sống bị bao phủ bởi gam màu đen tối nhưng Anton vẫn luôn nhìn đời với con mắt lạc quan, vẫn yêu thương gia đình nhỏ ở Đan Mạch của mình hết mực và trân trọng từng phút giây quý giá mà cuộc đời đã ban tặng. Khác với Anton, Claus – một doanh nhân lại trở nên lạnh lùng, câm lặng sau cái chết vì bệnh ung thư của người vợ. Anh và con trai chuyển từ Thụy Điển về Đan Mạch sinh sống với mẹ. Không quan tâm tới cậu con trai đang bước vào giai đoạn trưởng thành, tình cảm cha con giữa họ ngày càng xa cách và hay xảy ra bất đồng. Christian (con trai Claus) và Ilias (con trai Anton) hai cậu bé thông minh, hay bị bắt nạt tại trường trung học gắn kểt với nhau bởi tình cảm bạn bè thân thiết và xu hướng bạo lực trỗi dậy mạnh mẽ từ bản thân. Cũng từ những trò nghịch ngợm và ý nghĩ trả thù người đã tấn công cha Ilias mà hai cậu bé đã bị dẫn dắt vào một trò chơi nguy hiểm.

Với ý tưởng chủ đạo tạo ra một bộ phim với nhiều trải nghiệm hoàn toàn độc đáo, mới mẻ. Tái sinh chủ đề rất cổ điển, mang tính toàn cầu và không còn quá xa lạ trong giới hạn của ngôn ngữ kể chuyện điện ảnh: sự trả thù và tha thứ. Thế nhưng “remake” một vấn đề muôn thuở ấy bằng cách tân khiến khán giả hoàn toàn bị hấp dẫn lại là điều không hẳn bất cứ đạo diễn nào có thể thực hiện. Với những lợi thế nhất định của đạo diễn nữ: sự tinh tế và tính “nữ” – điểm phân biệt giữa nam giới làm phim với nữ giới làm điện ảnh đã khiến tác phẩm này có hương vị, sắc vóc hoàn toàn khác biệt. Khai thác dòng phim tâm lý nhưng rõ ràng sự cầu kỳ, nắn nót và cẩn trọng trong việc đưa yếu tố ly kỳ vào trong tác phẩm đã tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ. Không coi bạo lực là trung tâm của câu chuyện nội tâm giữa các nhân vật nhưng người xem đều cảm nhận thấy rõ ràng In a better world đã khoác một tấm áo choàng đắt hơn với các tác phẩm khác cùng chủ đề. Đạo diễn bày tỏ: “Tha thứ là cách làm tốt hơn trả thù. Bộ phim này giải đáp khái niệm trả thù và ngụ ý nó theo cách thú vị, lôi cuốn”.

in_a_better_world03

Từ câu chuyện trong môi trường học đường. Câu chuyện bạo lực dường như đã được trải dài vượt qua biên giới. Bắt đầu từ châu Âu, những cú đấm, thương tích và máu…chạm tới châu Phi theo sự tăng cấp. Một châu Phi nghèo nàn, hoang sơ và nhầu nhĩ tàn tích hiện lên qua những góc máy, cảnh quay đầy ẩn ý. Trên nền nhạc hoang hoải, đậm chất dân dã rất Tây Phi, những con người, số phận của Sudan hiện lên như mảnh ghép không hoàn hảo, thiếu sót và thui chột đầy bi kịch. Những đứa trẻ đói khát ngóng chờ cái ăn từ những chiếc xe cứu trợ, hoài vọng những con chữ từ lớp học tình thương… Những người đàn ông hoang mang, ủ dột, đọa đày thân xác bên ngoài khu tị nạn. Những ca bệnh khác thường khiến người xem không khỏi khắc khoải rơi nước mắt. Cuộc sống tiềm tàng những nguy hiểm chỉ trực chờ đổ ập khiến sống – chết trở thành ranh giới mong manh.

Biên độ câu chuyện trong phim chuyển sang một bước ngoặt đặc biệt khi Anton – người hồi sinh sự sống từ đau khổ cho nhiều con người nơi đây cứu giúp chính kẻ thù – nguyên nhân khiến những người phụ nữ chết một cách đáng thương, uất ức. Anh đã dằn vặt trước lương tâm của người bác sĩ và vị trí của một vị quan tòa khi đứng trước kẻ liều lĩnh to béo đáng sợ. Từ sự lưỡng lự khi chứng kiến tội ác của kẻ mà mình đã cứu sống ngay tại trại tị nạn, Anton xử tội kẻ đã gây đau khổ cho người dân đáng thương nơi đây bằng cách ra tay hạ sát kẻ thù.

Câu chuyện giữa hai châu lục khép lại bằng sự đổ máu. Sự đổ máu đã hóa giải và hồi sinh sự sống từ đau khổ cho nhiều cuộc đời, nhiều kiếp người. Trên thung lũng của những đồng cỏ vùng núi Scandinavi xanh thẳm hai cậu bé đã nhận ra nhiều bài học sau những phút giây bồng bột, hiếu động. Tình yêu của cha mẹ sau vấp ngã đầu đời của con trẻ là sự nâng đỡ tinh thần vô giá, vực dậy niềm tin cho hai cậu bé Ilias và Christian. Phía bên kia mảnh đất gió cát, cái chết của kẻ thù đáng sợ có thể không giúp đói nghèo, đau khổ biến mất nhưng có thể làm ấm lòng những thân phận đáng thương đang lay lắt níu giữ sự sống bằng chút hi vọng mong manh. Susanne Bier đã giúp hoàn thành khát vọng sống cho nhiều con người trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Dùng bạo lực để nói về tình thương, khẳng định tình yêu thương là liều thuốc quý giá cứu chuộc mọi tâm hồn lầm lạc. In a better world là tiếng hát vút bay từ dưới thẳm sâu mọi hi vọng tưởng chừng bị đánh cắp đang dần dần được nhóm lên trở lại.

Câu chuyện bạo lực nhưng thấm đẫm tính nhân văn đã được đạo diễn gửi gắm thông qua diễn xuất hết sức tuyệt vời của dàn diễn viên Đan Mạch. Mọi yếu tố khác trong phim như: âm nhạc, quay phim, lời thoại…cũng đều được Susanne Bier cố gắng thể hiện trọn vẹn và có sự tiết chế hợp lý. Một tác phẩm được làm theo cấu trúc elip hài hòa và không hề bị lên gân bởi những thông điệp mang tính toàn cầu được kết nối qua lớp hình ảnh đầy cảm xúc.

Hương Giang