I am Cuba: Mối duyên điện ảnh Cuba – Xô viết

Bộ phim không được biết đến một cách phố biến trên toàn thế giới cho tới khi nó được "phát hiện" bởi các nhà làm phim Mĩ vào khoảng 30 năm sau đó. Những đạo diễn nổi tiếng Hollywood như Martin Scorsese (từng đạo diễn các phim Người lái tắc-xi , Casino , Phi công , Người quá cố …) bắt đầu chiến dịch phát hành lại bộ phim vào đầu những năm 90.

(TGĐA) - I'm Cuba (Tôi là Cuba) được hoàn thành năm 1964 bởi đạo diễn người Nga Mikhail Kalatozov (nổi tiếng với bộ phim Khi đàn sếu bay qua năm 1957) tại Mosfilm (một xưởng phim lớn nhất và lâu đời nhất nước Nga cũng như ở Châu Âu).


Đây là sản phẩm hợp tác sản xuất đầu tiên bởi hai nền điện ảnh Cuba và Xô Viết. Đồng tác giả kịch bản là nhà thơ Nga Yevgeny Yevtushenko và nhà văn Cuba Carlos Farinas.

Năm 1992, nhà tiểu thuyết Guillermo Cabrera Infante người Cuba đã trình chiếu bộ phim này tại Liên hoan phim Telluride để tưởng nhớ tới đạo diễn Kalatazov. Bộ phim tiếp tục xuất hiện tại Liên hoan phim quốc tế San Francisco năm 1993. Hãng Milestone (New York) đã liên hệ với Mostfilm để có được bản quyền phân phối, phát hành. I am Cuba được chính thức công chiếu tại Diễn đàn phim New York vào năm 1995.

Bộ phim bao gồm 4 câu chuyện riêng biệt về nỗi thống khổ của người dân Cuba và những phản ứng của họ từ bị động, bột phát cho tới cuộc nổi dậy có tổ chức để giành chính quyền. Câu chuyện đầu tiên (nhân vật trung tâm Maria) cho thấy sự tương phản lớn giữa số đông người dân Cuba nghèo khó với những sòng bạc xa hoa của người Mĩ ở Havana. Câu chuyện tiếp theo về một người nông dân (Pedro) đã đốt cháy cánh đồng mía của mình khi biết rằng toàn bộ đất đai hoa màu sẽ rơi vào tay một công ty Mĩ. Câu chuyện thứ ba miêu tả cuộc nổi dậy của sinh viên Cuba cầm đầu bởi nhân vật Enrique ở trường đại học Havana. Câu chuyện cuối cùng là của Mariano, một người nông dân điển hình đã tham gia vào những cuộc nổi dậy ở vùng núi Sierra Maestra (do chủ tịch Fidel Castro lãnh đạo.

Kết nối những câu chuyện trên là giọng của một phụ nữ, biểu trưng cho linh hồn Cuba, ngân nga những đoạn thơ của Yevtushenko:

Đừng ngoảnh mặt đi!

Nhìn đây! Tôi là Cuba!

Với các anh, tôi là sòng bạc, quán bar, khách sạn và nhà chứa.

Nhưng những cánh tay trẻ thơ và bàn tay người già kia cũng là tôi…

…Cuba cũng là của nhân dân!

Âm nhạc trong phim tiếp tục theo "mô-tip" này, những giai điệu dân ca và nhịp điệu Châu Phi đối nghịch với âm thanh chát chúa của nhạc Rock thập niên 60, nhạc jazz và những bản nhạc khiêu vũ trong các hộp đêm…

Kalatozov đã sử dụng công nghệ làm phim mới, ví dụ như phủ chất chống thấm đặc biệt lên ống kính máy quay, nhờ vậy máy quay có thể được cho lặn xuống nước và ngoi lên mà không bị bám lại giọt nước nào trên ống kính. Ảnh hưởng của điện ảnh Làn sóng mới cũng biểu hiện ở một số lần quay phim sử dụng máy quay cầm tay di chuyển. Cảnh quay trong đó máy quay xoay tròn, gấp gáp trên sàn nhảy của hộp đêm gợi nhớ rõ nét về bộ phim Cuộc sống tươi đẹp (La Dolce Vita) của Fellini. Bên cạnh đó, sự tương phản hai màu đen-trắng, sáng-tối cũng được chú trọng khai thác tối đa hiệu quả để làm nổi bật tư tưởng của bộ phim.

Bộ phim nổi tiếng nhất bởi những cú máy dài không gián đoạn. Nhà quay phim Sergei Urusevsky đã làm được những điều phi thường với kỹ thuật này. Đầu tiên phải kể đến là cảnh quay dài 3 phút quay từ trên cao lấy khung cảnh vùng nông thôn miền nhiệt đới rồi đột ngột chuyển qua tầng thượng của một khách sạn, nơi đang diễn ra một cuộc thi sắc đẹp với tiếng nhạc ồn ào. Máy quay đã sử dụng ống kính góc rộng, lướt qua những người dự thi, dịch chuyển ra khỏi toà nhà, lia xuống dưới rồi bắt đầu vào câu chuyện thứ hai diễn ra trong một câu lạc bộ. Lướt qua những người pha chế rượu sau đó máy quay hướng tới phía bể bơi và không hề cắt cảnh, người quay phim lặn hẳn xuống nước để quay tiếp những động tác của người đang bơi, cảnh quay kết thúc ở đó.

Trên thực tế, cú máy gốc còn kéo dài hơn nữa: người quay phim tiếp tục từ dưới mặt nước ngoi lên (kĩ thuật đặc biệt giúp tự động làm sạch nước bám trên ống kính khiến cho hình ảnh thu được vẫn rõ nét, trong sáng), nhưng Kalatozov quyết định cắt cảnh đó để cho vào đoạn cuối của bộ phim. Chắc chắn việc thực hiện nó không hề dễ dàng. Cảnh phim này đã được Paul Thomas Anderson (đạo diễn, tác giả kịch bản của There will be blood- ứng cử viên nặng ký cho giải Oscar lần thứ 80) sử dụng cho phim Boogie Nights (1997).

Có một cảnh đáng chú ý khác kéo dài 4 phút quay cảnh đồng mía và nhà cửa bị cháy tiếp tục gây ấn tượng bởi kỹ thuật quay và đặc biệt lã kỹ thuật về ánh sáng. Cảnh này sau đó cũng được sử dụng bởi Tarkovsky (đạo diễn Tuổi thơ của Ivan) trong phim The Sacrifice (1986). Với những cảnh quay như thế này, nghệ thuật quay phim của I am Cuba đã được đặt ngang hàng với bộ phim kinh điển Citizane Kane (đạo diễn Orson Welles), được coi là một ví dụ bậc thầy về nghệ thuật làm phim với những cảnh quay phức tạp, táo bạo.

Phương Thu