Hình tượng người phụ nữ Việt Nam từ trang sách đến màn ảnh

(TGĐA) - Cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ kéo dài hơn ba mươi năm của dân tộc đã kết thúc thắng lợi. Để có “Một trời yên ả xanh không tưởng, mặt đất bình yên giấc trẻ thơ ” (Tố Hữu, Việt Nam, máu và hoa), biết bao thế hệ người Việt Nam phải chiến đấu để gìn giữ bảo vệ quê hương. Trong đó có sự đóng góp rất lớn của những người phụ nữ. Họ không chỉ động viên chồng con đi chiến đấu mà còn trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù. Văn học đã khắc họa lại biết bao những chân dung sáng ngời của các mẹ, các chị, các em gái, và để lại những tình cảm yêu thương, kính trọng trong lòng độc giả. Từ những nguyên mẫu của văn học, các tác giả điện ảnh đã dựng thành những bộ phim và được người xem đón nhận nồng nhiệt.

Dien_vien_Nhu_Quynh_trong_phim_Ben_khong_chong

NSND Như Quỳnh

Hình tượng người phụ nữ trong chiến tranh

Bộ phim Chị Tư Hậu, một biểu tượng ngời sáng của người phụ nữ trong chiến tranh qua ngôn ngữ điện ảnh. Đã gần 60 năm trôi qua, kể từ ngày bộ phim ra đời (1963), hình ảnh người phụ nữ có mái tóc dài mượt mà, đôi mắt đen thăm thẳm chất chứa bao nỗi niềm đã in đậm vào ký ức của nhiều người. Phim Chị Tư Hậu đã trở thành tác phẩm kinh điển để nghiên cứu học tập trong các trường nghệ thuật.

Thành công đầu tiên của phim nằm ở giá trị văn học của tác phẩm. Phim được chuyển thể từ truyện dài Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái. Từ nguyên mẫu một người phụ nữ tên Nguyễn Thị Huỳnh, có chồng tập kết ra Bắc, bị địch bắt và giác ngộ trở thành cán bộ cách mạng, nhà văn đã viết thành tác phẩm. Đường dây văn học của truyện cơ bản sát với cuộc đời thật của nhân vật ngoài đời (đã mất tháng 1/2009, thọ 83 tuổi ). Khi được mời viết kịch bản văn học, nhà văn Anh Đức đã chuyển từ câu chuyện văn học dài gần 200 trang thành kịch bản 80 trang. Kịch bản cô đọng với những tình tiết chân thực, sinh động về quá trình trưởng thành của người phụ nữ trẻ trong vùng địch tạm chiếm.

Qua ngôn ngữ điện ảnh, đạo diễn Phạm Kỳ Nam và êkíp làm phim đã diễn tả thật chân thực những ý tưởng cốt lõi từ tác phẩm văn học. Sự phát triển tính cách của nhân vật chính được các tác giả triển khai, xử lí rất hợp lý, tinh tế đem lại cảm xúc sâu lắng cho khán giả. Đó là cảnh chị Tư Hậu bị giặc làm nhục ở bãi Sao, cảnh chồng chị hy sinh ngoài mặt trận, chị đau đớn nhưng không gục ngã. Điều này được tô đậm ở trường đoạn chị chấp nhận đi đỡ đẻ cho vợ Mười Hợi (một cơ sở cách mạng), trong nỗi đau vừa nhận tin chồng hy sinh. Từ thái độ tiêu cực, âm thầm chịu đựng mọi bất hạnh, chị cố gắng vượt qua và tự nguyện tham gia công tác. Hai Báu, tên ác ôn khét tiếng trong làng đốt nhà, giết bố chồng chị, để buộc chị phải đầu hàng. Nhưng chị nuốt nước mắt vào trong, gửi con cho bà con và quyết tâm tham gia hoạt động cách mạng. Trong trận diệt đồn, chị bị thương rồi được đưa ra miền Bắc điều trị. Chị dần hồi phục sức khỏe và hạnh phúc bên đứa con đã trưởng thành. Số mệnh nghiệt ngã và khổ đau đã bị đẩy lùi trước nghị lực kiên cường của người phụ nữ Nam bộ bình thường.

Bộ phim là sự thăng hoa của nhiều bộ môn nghệ thuật trong một bộ phim truyện, công đầu thuộc về cố NSND Phạm Kỳ Nam, ông là đạo diễn duy nhất lúc đó được đào tạo tại trường IDHEC ở Pháp.

Thành công nổi bật nhất của đạo diễn là chuyển tải được ý tưởng của văn học sang điện ảnh một cách trọn vẹn. Qua miêu tả của nhà văn về tính cách, diện mạo của các nhân vật trong truyện, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã lựa chọn được dàn diễn viên hợp vai. Đặc biệt đạo diễn đã phát hiện ra Trà Giang để đưa vào vai diễn lớn. Nghệ sĩ Trà Giang lúc đó mới 20 tuổi, chưa lập gia đình, nhưng nhờ sự phối hợp tốt của các thành phần sáng tác, chị đã lột tả được những giây phút căng thẳng nhất, tâm trạng phức tạp nhất đối với người phụ nữ có con thơ, chồng đi chiến đấu xa, nên chiếm trọn niềm tin yêu của người xem. Trên phim có hai trường đoạn phim thể hiện sâu sắc ý nghĩa từ văn học: hoàn cảnh tạo nên tính cách nhân vật.

NSND_Tra_Giang_voi_vai_dien_Chi_Tu_Hau_-_mot_dien_hinh_cua_nguoi_phu_nu_trong_chien_tranh

NSND Trà Giang trong vai chị Tư Hậu

Trường đoạn chị Tư Hậu rơi vào hoàn cảnh bị giặc hãm hiếp, được xử lí trong căn chòi cá chật chội, cá khô vứt ngổn ngang dưới sàn và treo lủng lẳng tạo một không khí bức bối. Khoảng không gian tranh tối tranh sáng và những vết hằn đen trắng của liếp tre càng làm tăng thêm sự căng thẳng của tình huống, tâm trạng hoảng loạn của nhân vật. Khi bị đẩy vào sự tuyệt vọng tận cùng chị Tư Hậu tức thì phản ứng lao xuống biển tự vẫn. Nhưng tiếng con khóc khát sữa đã kéo chị lại, tình mẫu tử không cho phép chị “ra đi”, chị nén nỗi đau tủi nhục trở về với đứa con thơ.

Trường đoạn chia tay trên cây cầu gãy ở bến phà Ròn (Quảng Bình) mặc dù trước đó, đạo diễn đã định chọn quay ở chân đèo Ngang có bãi biển rất đẹp, nhưng với tư duy nhạy cảm về hiệu quả hình ảnh, đạo diễn quyết định chọn cảnh cây cầu gãy. Trên phim, cảnh người đàn bà bế con tất tả chạy theo chiếc xuồng chở người chồng mỗi lúc một xa dần. Rồi chị phải đứng khựng lại trên cây cầu gãy cụt, trong khi chiếc xuồng vẫn tiến ra xa, mỗi lúc một nhỏ dần và khuất hẳn. Hình ảnh người đàn bà bế con trên cây cầu cụt như một điềm báo trước sự chia lìa khó lòng tái hợp. Nó chuẩn bị cho khán giả linh cảm sự ra đi vĩnh viễn của người chồng. Cảnh quay đã lột tả sâu sắc hoàn cảnh và tâm trạng phải chia lìa người thân của nhân vật.

Để chọn cho được một rừng đước như miêu tả của nhà văn Anh Đức trong tác phẩm văn học, đạo diễn Phạm Kỳ Nam phải đi rất nhiều nơi và ông đã dừng chân ở làng Cảnh Dương, Quảng Bình. Từ những bối cảnh này, các tác giả đã xây dựng thành công hai trường đoạn phim trên và những tình huống chân thực thấm đẫm nước mắt và máu của đồng bào miền miền Nam, tạo nên những xung đột mang kịch tính cao độ.

Bằng ngôn ngữ điện ảnh ấn tượng, giàu cảm xúc, các tác giả đã lí giải một cách tự nhiên và đầy thuyết phục cội nguồn sức mạnh giúp chị Tư Hậu từ một người đàn bà đau khổ tuyệt vọng, đã vượt lên số phận của mình để trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Thắng lợi có tính quyết định của phim Chị Tư Hậu nằm ở sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ môn nghệ thuật, đặc biệt qua tạo hình của nhà quay phim Khánh Dư. Bộ phim tạo được sự xúc động cho người xem và để lại ấn tượng mạnh về một hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh

Ngoài phim Chị Tư Hậu, hình tượng người phụ nữ Việt Nam còn được thể hiện qua những tác phẩm điện ảnh như Mẹ vắng nhà dựa theo truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Thi, Người đàn bà mộng du dựa theo truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu, Đừng đốt, lấy ý tưởng từ cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.v.v… Đó là những hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh từ trang sách đến màn ảnh.

Minh_Huong_trong_vai_bac_sy_Dang_Thuy_Tram_phim_Dung_dot

Diễn viên Minh Hương trong vai bác sĩ Đặng Thùy Trâm

Hình tượng người phụ nữ sau chiến tranh

Đời cát là bộ phim được đánh giá là phản ánh sâu sắc về thân phận người phụ nữ thời hậu chiến. Câu chuyện trong Đời cát là nỗi đau mất mát tinh thần không thể bù đắp. Lẽ thường tình những người tốt trung hậu phải được hưởng hạnh phúc, nhưng chiến tranh đã buộc những người tốt, nhân hậu phải lâm vào hoàn cảnh éo le, bất hạnh. Điều đó được nhà văn Hữu Phương thể hiện qua truyện ngắn Ba người trên sân ga. Những thân phận người phụ nữ trong truyện ngắn đã hấp dẫn đạo diễn Nguyễn Thanh Vân:“Truyện ngắn tuy còn đơn giản, tình tiết chưa đủ làm phim, nhưng tấm vé tàu cao thượng của Thoa mua cho chồng đã làm sáng lên trong tôi cả một loạt số phận con người và chủ đề tôi từng đeo đuổi…”. Đồng cảm với tư duy nghệ thuật của đạo diễn, nhà văn Nguyễn Quang Lập, tác giả kịch bản chia xẻ : “ Có một điểm xuất phát chung, đó là số phận éo le của nhân vật. Tôi thấy chúng quen thuộc với tôi (…) với tất cả mọi người. Tác giả truyện ngắn đã mở một cái nút đúng chỗ ”. Và từ cái nút mở ban đầu của văn học, điện ảnh Việt Nam đã có một bộ phim Đời cát thành công cả trong nước và quốc tế.

Câu chuyện phim bắt đầu từ chuyến trở về quê, một làng ven biển miền Trung sau ngày giải phóng của ông Cảnh, người đàn ông đi tập kết hơn hai mươi năm. Trong thời gian tập kết ông đã có thêm vợ hai và đứa con gái xinh xắn. Ông tạm chia tay vợ hai về gặp lại người vợ đầu đã bám trụ ở làng quê và thủy chung chờ ông suốt cuộc chiến tranh. Gặp lại người vợ đầu, ông cố gắng nhem nhúm lại chút tình nghĩa vợ chồng, nhưng dường như tình yêu ở bà đã lụi tàn theo tuổi tác và thời gian. Ngọn lửa xung đột bùng lên khi đứa con riêng, rồi người vợ hai khăn gói vào thăm ông. Dưới một mái nhà, cùng sống chung một người đàn ông và hai người vợ. Nghịch cảnh éo le đã gây ra bao cảnh “ dở khóc dở cười ”, nhưng các nhân vật đã cố gắng kìm nén những cơn“ bão lòng” để sống với nhau thật tình nghĩa, khiến cho người xem xong phim Đời Cát rưng rưng mãi niềm xúc động.

Nhân vật Thoa, người vợ đầu của ông Cảnh - một nữ du kích hết lòng thủy chung chờ chồng, mặc dù bên cạnh có Huy, một người bạn tha thiết yêu Thoa. Sau hơn hai mươi năm, Thoa đón chồng trở về nhưng không phải một mình mà có thêm vợ mới và một đứa con. Thoa thật sự tủi thân và bất lực khi người chồng đặt tay lên thân thể héo mòn của chị, vào đêm đầu tiên họ gặp lại nhau. Nỗi hờn ghen, đau đớn dằn vặt Thoa, khi chị chứng kiến cảnh chồng mình với Tâm (người vợ hai ) trao cho nhau những cái nhìn âu yếm. Diễn viên Mai Hoa đã thể hiện sâu sắc tâm lý tình cảm bên trong nhân vật, đặc biệt, diện mạo gầy gò, hốc hác, đen đủi của chị đã mang lại cho nhân vật Thoa một sức thuyết phục tuyệt đối. Người xem thật sự xót thương Thoa khi chứng kiến cảnh chị nuốt miếng cơm nghẹn ngào như nuốt nỗi đắng cay, tâm trạng hờn ghen như ma ám suốt ngày đêm hành hạ chị. Càng xót xa hơn khi chị chứng kiến cảnh chồng và vợ hai lưu luyến chia tay nhau trong nước mắt… Nhưng thật bất ngờ Thoa quay lại lập cập, bước thấp bước cao chạy đi mua vé, dúi vào tay ông Cảnh và nói: “Ông đừng quay lại nữa…”. Một hành động cao thượng khiến người xem ngỡ ngàng và cảm động. Đây là chi tiết hay nhất trong truyện ngắn Ba người trên sân ga và phim Đời cát, đoạn miêu tả “ tấm vé cao thượng” Thoa mua cho chồng về ở với vợ hai.

Diễn viên Mai Hoa đã diễn xuất tâm trạng“rối bời ”của nhân vật thật chân thực, khiến người xem phải rơi nước mắt. Trong những năm tháng dài đằng đẵng của cuộc chiến tranh, Thoa đã hy sinh tuổi thanh xuân trong chờ đợi nay chị lại chấp nhận hy sinh hạnh phúc của mình cho người khác. Thái độ hiểu biết, yêu thương và biết chấp nhận của Thoa đã làm ngời sáng nhân cách cao cả của người phụ nữ Việt Nam.

Mặc dù đóng vai phụ là Tâm – vợ hai của ông Cảnh, nhưng diễn xuất của Hồng Ánh không hề bị lu mờ. Trong vai Tâm, cô đã lột tả rất thực nỗi bức bách của người vợ trẻ qua ánh mắt, nụ cười, khi bị “cơn ghen ma ám” của người vợ cả đeo bám kìm giữ, đến mức không có giây phút nào được riêng tư cùng chồng. Thái độ ngoan ngoãn, cam chịu lặng lẽ và cuối cùng là “dứt áo” ra đi của người vợ hai, được Hồng Ánh diễn tả thật thuyết phục. Qua vai Tâm, Hồng Ánh đã bộc lộ khả năng diễn xuất đa dạng của mình, cô luôn thấu hiểu và tôn trọng tuyệt đối sự phát triển lôgíc của tính cách nhân vật, lột tả tự nhiên nội tâm thầm kín của nhân vật. Vì vậy, Hồng Ánh đã nhận nhiều giải thưởng ở nhiều thân phận phụ nữ khác nhau trong điện ảnh. Cô luôn nhận được sự yêu mến của người xem và sự tin cậy đánh giá cao của đồng nghiệp.

Bên cạnh hai người vợ của mình, ông Cảnh cũng là người đáng thương, ông đến với Tâm do hoàn cảnh khách quan khi đất nước bị chia cắt. Ngày trở về, ông rất day dứt vì Thoa không còn khả năng sinh con nữa. Ông đau xót trách Huy (một người bạn) cũng yêu Thoa: “Sao từng ấy năm mà mi không cho vợ tao một đứa con” Huy chua chát: “Tao đã có ý muốn… nhưng nó coi tao như con chó, coi mày là một vị thánh”. Lời đối thoại của hai người đàn ông cho thấy sự trân trọng, yêu thương và day dứt của họ đối với Thoa, đặc biệt là ông Cảnh. Vì vậy, ông đã rất bất ngờ khi Thoa dúi vào tay ông tấm vé và đẩy ông lên tàu đi cùng Tâm. Ông Cảnh miễn cưỡng lên tàu rồi lại nhẩy xuống tàu và ông quyết định ở lại với Thoa. Hình ảnh người chồng đứng giữa đường ray, nhìn theo con tàu đang chạy qua có sức biểu cảm cao, bộc lộ tâm trạng băn khoăn của người đàn ông đa mang. Ông không thể từ bỏ người vợ cả, người hy sinh cả tuổi thanh xuân vì ông và ông cũng không thể đến với vợ hai để trở thành một kẻ “phụ tình, bạc nghĩa”. Diễn viên Đơn Dương có diện mạo khá đẹp trai, phong độ, nên không phù hợp lắm với vai diễn này, khi thể hiện tâm trạng khó xử của người đàn ông giữa hai người vợ : bên trọng, bên thương.

Hong_Anh_trong_phim_Doi_cat

Cảnh trong phim Đời cát

Đạo diễn Thanh Vân đã “chọn mặt gửi vàng” đúng đối tượng khi đưa Mai Hoa và Hồng Ánh vào hai vai nhân vật nữ trong phim và làm nên một kỳ tích. Lẽ thường tình, trong hoàn cảnh “một ông hai bà”, người chồng và vợ hai bao giờ cũng bị người đời lên án. Nhưng xem xong Đời cát, người xem xót thương Thoa nhưng không ghét ông Cảnh và Tâm, thậm chí còn cảm thông với hoàn cảnh của họ. Cả ba người đều là những con người biết trăn trở, day dứt trước nỗi đau của người khác…Tất cả vì chiến tranh, chiến tranh đã đẩy con người vào hoàn cảnh họ không hề mong muốn. Đó chính là thành công của ê kíp làm phim, mà trước hết nằm ở kịch bản văn học, đạo diễn Thanh Vân cho biết: ” Kịch bản có hơn 40 trang vi tính, 48 trường đoạn nhưng có rất nhiều chi tiết đắt giúp tôi thực hiện dễ dàng ”.

Trong phim có một số trường đoạn được các tác giả xây dựng khá hấp dẫn. Cảnh mở đầu phim, ông Cảnh trở về làng, gặp cô Hảo hỏi thăm nhà bà Thoa thì một cơn gió lốc nổi lên thổi xoáy mẹt bông của cô Hảo đang phơi tung tóe khắp nơi, như một điềm báo hiệu những “bão tố”sắp nổi lên. Cảnh săn tìm nhau giữa ba người (ông Cảnh, bà Thoa, cô Tâm) trong buổi xem tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo…. Cảnh bà Thoa ngắm Tâm tắm và khen Tâm đẹp, trong ánh mắt cử chỉ vừa ngưỡng mộ vừa mặc cảm. Cảnh Thoa rủ Tâm “cùng đi ngủ chung”, trong khi ông Cảnh đổ ly rượu rắn vào vò không uống tiếp nữa…. Những chi tiết qua từng tình huống được đạo diễn sắp xếp “hợp tình, hợp cảnh ” thật tế nhị, nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc, đi thẳng vào trái tim người xem, để lại những dư âm về nỗi đau, lòng tốt và đức hy sinh lớn lao của các nhân vật.

Trong truyện ngắn Ba người trên sân ga của Hữu Phương có ba nhân vật chính là ông Cảnh, hai người vợ, và nhân vật phụ : con gái của ông Cảnh. Khi viết kịch bản phim Đời cát, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã sáng tạo thêm cặp nhân vật Huy – Hảo. Nhờ vậy, câu chuyện trên phim đầy đặn và có ý nghĩa lên án chiến tranh mạnh mẽ.

Nhân vật Huy, thương binh cụt một chân. Hảo, cô gái bị cụt cả hai chân, sống cạnh nhà Thoa. Mặc dù tật nguyền vì chiến tranh nhưng Hảo vẫn tha thiết tình yêu và khát khao có một đứa con. Hảo yêu Huy và muốn được chung sống cùng anh, nhưng Huy từ chối : “Hai đứa cộng lại chỉ có 1 chân, làm sao mà đứng được”. Tuy nhiên, khi Hảo có thai với người khác, Huy đã đứng ra nhận của mình để bảo vệ danh dự cho Hảo.

Đạo diễn Thanh Vân khá vất vả mới kiếm được người đóng vai Hảo. Chị tên là Trần Thị Bé, bị cụt cả hai chân vì bom Mỹ. Chị có số phận giống nhân vật Hảo đến lạ lùng : cụt hai chân, sống một mình và cũng thèm khát được làm mẹ. Tính cách kiên cường của nhân vật Hảo quyết liệt giành lấy hạnh phúc đã khiến chị Bé liên tưởng đến thân phận riêng của mình. Sau này, chị đã toại nguyện khi sinh được một bé gái khỏe mạnh, xinh xắn. chị Bé sung sướng nói: “Bộ phim đã cho phép tôi bước ra ánh sáng” (Việt báo online tháng 5/10/2003). Không những thế chị còn trở thành vận động viên khuyết tật đi dự đại hội thể thao ở Luxembourg năm 2003 do HANDICAP (Tổ chức phòng chống tàn phế và phục hồi chức năng người tàn tật) đài thọ. Đó thật là một giấc mơ đối với chị Bé và cũng là dấu ấn đặc biệt với phim Đời cát, mà không phải bộ phim nào cũng có được.

Bên cạnh miêu tả những con người tốt bụng và đáng thương, bộ phim còn miêu tả sự khắc nghiệt của thời tiết. Thiên nhiên miền Trung đầy nắng gió, bão cát và hình ảnh những người đàn bà làng chài đốt lửa chờ chồng sau cơn bão, càng khắc sâu thêm những bi kịch của con người. Qua ngôn ngữ của hình ảnh và âm thanh, các tác giả điện ảnh càng tô đậm thêm những tình cảm hết sức cao đẹp của tình người, lòng nhân ái với đồng loại trong một môi trường sống khắc nghiệt.

Trong truyện ngắn Ba người trên sân ga, nhà văn Hữu Phương hầu như chỉ tập trung miêu tả tâm trạng của ba nhân vật: ông Cảnh, bà Thoa và cô Tâm. Nhưng trên phim Đời cát để khai thác trọn vẹn tâm lý nhân vật, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã chọn miền biển khô rát Quảng Bình làm phông nền cho câu chuyện của mình. Đó là một vùng đất khô cằn, nóng rát mênh mông cát, với sự khắc nghiệt của khí hậu, và cả chiến tranh. Trong ngôi làng nhỏ ven biển ấy, chứa bao điều đau khổ: mỗi người một số phận nhưng đều như đời cát, lăn lóc qua gió bụi trần ai. Hảo, người phụ nữ cụt cả hai chân luôn khát khao được làm mẹ. Huy, người du kích dũng cảm năm nào, nay vẫn một mình đơn côi. Thoa, người phụ nữ chung thủy chờ chồng hơn hai mươi năm, nhưng ngày đón chồng trở về “ mới chợt nhận ra rằng mình đã quá già” để được làm mẹ …Trong khung cảnh làng cát với những bước chân trên cát nóng bỏng ấy, mỗi con người đã như những hạt cát bé nhỏ, chứa đựng nét đẹp lung linh cao cả. Thoa hy sinh để chồng về sống với cô Tâm (vợ Hai), Huy đứng ra nhận bảo lãnh cho đứa con trong bụng cô Hảo để tránh lời thị phi.v.v…Tất cả đã góp phần khắc họa chân thực những tính cách phi thường trong khổ đau của từng con người, trong một đất nước xinh đẹp nhưng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh.

Bằng cách khéo léo thêm nhân vật Huy, Hảo, bên cạnh ba nhân vật chính của văn học, các tác giả điện ảnh đã đẩy ý tưởng từ văn học lên một tầm cao mới. Đặc biệt cảnh kết phim với những hành động bất ngờ từ nhân vật: Thoa mua vé tàu cho chồng về với vợ hai, ông Cảnh nhảy xuống tàu ở lại với Thoa, đã làm ấm lòng người xem vì một kết thúc có hậu. Bộ phim cho thấy một cái nhìn khái quát về đất nước và con người Việt Nam thời hậu chiến, mà ở đó chiến tranh còn để lại những hậu quả nặng nề, những vết thương rỉ máu trong tâm hồn con người. Điều đó cũng là vấn đề nóng bỏng của thời đại: chiến tranh và hòa bình, hạnh phúc và khổ đau của con người trên trái đất. Phim Đời cát được đánh giá là bộ phim dẫn đầu trong giai đoạn điện ảnh phim truyện Việt Nam thời kỳ đổi mới ( 1986 - 2002)

Bên cạnh Đời cát, chủ đề người phụ nữ thời hậu chiến còn tỏa sáng qua các bộ phim khác như : Xa và gần, Bến không chồng, Thời xa vắng, Ăn mày dĩ vãng… Tất cả đều dựa trên những tác phẩm văn học một thời được người đọc yêu mến. Với những cái nhìn đa chiều ở nhiều góc độ khác nhau, văn học và điện ảnh kết hợp đã làm nên một bảo tàng phong phú, sâu sắc về hình tượng người phụ nữ Việt Nam từ quá khứ đến hiện đại.

Phan Bích Thuỷ