Hành trình Cascadeur Việt: Xưa & nay

(TGĐA) - Được thành lập từ thập niên 90, thời ồn ào của một loạt phim như Thăng Long đệ nhất kiếm, Lệnh truy nã, Em và Michael… Gần 15 năm trải qua hơn 5 thế hệ già và trẻ, tính đến nay, những cascadeur Việt đã tham gia hơn 200 phim trong và ngoài nước, tiếp xúc với đủ nền điện ảnh từ Hồng Kông, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc đến Ấn Độ... Có người trụ lại với nghề, có người đã chuyển sang một vị trí khác trong điện ảnh như đạo diễn, chỉ đạo võ thuật, diễn viên… Nhân số báo này, xin chia sẻ lại những câu chuyện xưa và nay của những người chuyên đóng thế.

Thập niên 90 của thế kỷ trước

Ngay từ những ngày đầu xuất hiện, ít ai biết những “người hùng ẩn mặt” này lại góp sức cho… Cải lương. Thuở đó, nghệ sĩ Bạch Long đến CLB nhào lộn nhờ các vận động viên thế thân cho các nghệ sĩ trong các pha nhào lộn, bay nhảy trên sân khấu. Phát hiện này được điện ảnh tìm tới, và nghệ sĩ Lý Huỳnh là người móc hầu bao đầu tiên mời hai chàng đóng thế là Lê Công Thế và Lữ Đắc Long thay nhau đóng thế cho Lý Hùng, Mộng Vân, Diễm Hương… ở các pha nhào lộn, đánh võ đẹp mắt.

Cascadeur_Vit_lun_phi_i_mt_vi_nhng_nguy_him

Cascadeur Việt luôn phải đối mặt với những nguy hiểm

Kế đến là cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa (người được mệnh danh vua phim hành động lúc bấy giờ) đã chiêu dụ hàng loạt anh tài như Hoàng Triều, Lê Tiến Dũng, Thu Vân, Thùy Trang, Thạch Ngà… tạo ra hàng loạt pha mạo hiểm và hấp dẫn. Những “chiến binh” dũng mãnh này đã thật sự tạo những làn sóng cho khán giả xếp hàng vào mua vé để xem những pha đua xe, lạng lách, đánh võ, bắn súng… đầy nghẹt thở. Và với trào lưu “ăn khách” như thế, cộng với sự đam mê từ những người hùng lãng tử, họ kết hợp theo gợi ý của Hội điện ảnh TPHCM chính thức lập thành Câu lạc bộ cascadeur với gần 50 thành viên, đủ các võ sư đến từ các môn phái: Taekwondo, võ cổ truyền, Thiếu lâm cho đến nhào lộn… và trào lưu sử dụng những người hùng này được các đạo diễn khai thác tối đa.

Cascadeur_Trung_Thnh_trong_phim_Ke_hoach_99

Cascadeur Trung Thành trong phim Kế hoạch 99

Đang thời hội nhập, các đoàn phim Tạm biệt sông Ba của Hàn Quốc; Hồng hải tặc, Kế hoạch 99 của Hồng Kông, Đài Loan; Miền nam xa xăm của Pháp; Người Mỹ trầm lặng của Mỹ… sang Việt Nam, các “chiến binh” này trở thành những mắt xích cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên hầu hết các thành viên tham gia với tư cách như một nghề tay trái, thích biểu diễn, thích khẳng định tài năng của mình, chứ không nặng về chuyện cơm gạo áo tiền, dù rằng, tiền thù lao từ các bộ phim nước ngoài có thể giúp họ mua xe gắn máy, sắm vàng đeo lủng lẳng…

Cascadeur_L_c_Long_trn_phim_trng_n_

Cascadeur Lữ Đắc Long trên phim trường Ấn Độ

Thời điểm này, giới cascadeur bắt đầu nổi lên một số gương mặt ấn tượng với “chuyên môn” rõ rệt như Hoàng Triều đa năng; Lê Tiến Dũng (xuất thân cảnh sát SBC) lừng lẫy với trò điều khiển xe phân khối lớn, võ thuật hiệu quả và khai thác môn đu dây tử thần nhằm ứng dụng vào các pha đột kích trên không rất đẹp mắt, hiệu quả; Lê Công Thế với những cú nhào lộn rợn người; một lão võ sư Thu Vân tinh thông binh khí; một Thùy Trang sắc xảo với những cú đá chính xác và một Lữ Đắc Long chăm chỉ với nhiều pha võ thuật độc đáo nhằm cung cấp cho màn ảnh những giây phút… lặng người.

Cnh_ngi_chy_ca_Cascadeur_Vit_trong_Chuyn_tnh_bin_xa

Cảnh người cháy của cascadeur Việt trong Chuyện tình biển xa

Cascadeur thời chuyển giao

Thời phim “mì ăn liền” xuống dốc khiến lực lượng cascadeur này bắt đầu rơi rụng và nguội dần khí thế. Chuyện cơm áo gạo tiền của một số thành viên chủ lực trở thành vấn nạn. Một số trở về với những công việc chính của mình. Một số tham gia các bộ phim ca nhạc và thắp sáng niềm tin ở một số video clip đình đám của các ngôi sao như Lam Trường, Đan Trường, Cẩm Ly, Minh Tuyết… qua các ca khúc như Hoàng Phi Hồng, Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ, Tình đơn phương… Công việc này khiến nhiều trung tâm hải ngoại phải “lần mò” về nước tìm cascadeur giúp sức cho các ca sĩ Phi Nhung, Hạ Vy, Jonny Dũng. Chính điều này khiến một số anh em tách ra đi diễn trên các sân khấu ca nhạc như một cách ấp ủ nỗi yêu nghề.

ongbauraja

Ông bầu Raja - Người có công đưa các cascadeur Việt Nam đến với phim trường Ấn Độ

Vụt sáng cho thời điểm gian nan này phải kể đến những chuyến xuất ngoại do “ông bầu” Raja người Ấn Độ phối hợp với đầu tàu Lữ Đắc Long tổ chức. Ngày ấy, chuyện ra xứ người từ Singapore, Malaisia, Thái Lan, Ấn Độ… là điều vọng tưởng và hầu hết mang tính chất đi… chui! Nơi xứ người, nhờ tình thần đoàn kết, quả cảm, nhờ tài năng các người hùng như Quốc Thịnh, Huỳnh Phú, Hồng Quỳ, Phan Huỳnh Thanh Tuấn, Minh Chiến, Bùi Văn Hải, Hồ Hiếu, Như Thục, Tuấn Voi, Tuấn cầu mây, Văn Long… đã làm rạng danh cascadeur Việt trên xứ người. Tiền lãnh về mỗi người thời đó tương đương với một tờ vé số độc đắc (50 triệu). Và cũng từ đây mở ra một con đường mới: Tách nhóm để dễ dàng hoạt động hơn, tránh sự gò bó từ điều lệ của CLB và cũng dễ sáng tạo, tiếp thu nhiều công nghệ cao từ các chuyên gia nước ngoài du nhập vào Việt Nam.

cascadeurxuanay

Các cascadeur Việt ở phim trường Malaysia với đoàn phim Ấn Độ

Cascadeur thời du nhập

Thời điểm năm 2008 đến nay, sự khởi sắc bắt đầu khi nhiều hãng phim được thành lập, các đạo diễn Việt Kiều về nước, đất sống cho các pha hành động dần dần mở rộng. Công việc của cascadeur bắt đầu có hiệu quả… thật. Có nghĩa là không chỉ cống hiến pha đẹp mắt mà họ còn có thể kiếm sống vững vàng. Công đầu thuộc về Johnny Trí Nguyễn, khi tổ chức casting cascadeur cho bộ phim Dòng máu anh hùng. Nhớ lại lúc này, các tay cascadeur “cứng cựa” đã cứng đầu không tham gia vì cách thức kiểu Mỹ của anh em nhà Charlie xem ra không phù hợp với tình cảm của cascadeur Việt.

Nhng_cnh_nh_th_ny_lun_cn_s_xut_hin_ca_Cascadeur

Những cảnh như thế này luôn cần sự xuất hiện của cascadeur

Và cũng từ đây, họ, những người từ Mỹ về, đã chứng minh: kỹ năng + kỹ xảo thành… người hùng. Sự hiệu quả của của các pha hành động từ Dòng máu anh hùng đã để lại nhiều dấu chấm hỏi cho những “người hùng ẩn mặt” bởi trước đó, họ coi những pha đó chỉ có phim nước ngoài và cũng rất… Tây. Nhưng ở phim này, những pha hành động vẫn ẩn hiện nét đặc trưng của người Việt Nam và từ ý tưởng đến kinh phí đều do người Việt thực hiện. Cũng từ đây, hàng loạt định kiến được đổi thay, sự đổi đời với cái nghề cascadeur có vẻ sáng sủa hơn.

Cascadeur hiện tại…

Thời nay, khán giả đã quá quen với những anh tài từ nghề cascadeur. Không còn thủ công nữa, họ đã biết học hỏi, tiếp thu kỹ thuật cao của nghề nghiệp, nhanh chóng tiến sâu vào nghề khi tự tin đăng ký khóa học đạo diễn ở môi trường chuyên nghiệp. Với phương châm “Phải thoát nghèo bằng sự học hỏi” của Võ sư Long từ Úc khi về nước, những cascadeur trước đó như Minh Dofilm, Quốc Thịnh, Hữu Đức, Hoàng Lùn… lần lượt ghi danh học nghề đạo diễn (việc hy hữu đối với những chàng thích hành động mạo hiểm). Ngoài ra, Tuấn “cầu mây”, Hồ Hiếu gia nhập đội cascadeur của Trí Nguyễn mở võ đường. Cascadeur Bùi Văn Hải lân la với đạo diễn Lưu Huỳnh, Dustin Nguyễn để tiếp cận cách làm việc khoa học đầy hiệu quả trong các khung hình hành động hay việc Thanh Tuấn, Thanh Sơn… tá túc ở phim trường Ấn Độ nhiều năm liền, đã thật sự giúp họ có một sự cải tiến vượt bậc với nghề nguy hiểm này.

Cascadeur_Bi_Vn_Hi_kim_din_vin_v_ch_o_v_thut_trong_La_Pht

Cascadeur Bùi Văn Hải kiêm diễn viên và chỉ đạo võ thuật trong Lửa Phật

Hàng loạt phim “bom tấn” của điện ảnh Việt như Bẫy Rồng, Huyền thoại bất tử, Thiên mệnh anh hùng, Mỹ nhân kế, Lửa Phật… đã ra đời trong sự hân hoan chào đón của khán giả. Các cascadeur cũng thực sự được khán giả biết đến nhiều hơn, “lộ mặt” ra ánh sáng, thậm chí còn tiến thêm bước nữa khi trở thành những diễn viên thực thụ như Phi Ngọc Ánh, Thùy Dung, Kim Dung, Như Thục, Tuấn Voi, Hồ Hiếu, Bùi Văn Hải… Nhắc đến họ, như nhắc về những điểm son đáng tự hào cho những ai từng khoác màu áo cascadeur.

Phim ảnh ngày nay đã phát triển và cho dù ở thể loại nào, từ kinh dị, tình cảm, dã sử, võ thuật, hành động cho đến hình sự đều cần đến những cascadeur. Họ đã có mặt ở khắp nơi để thỏa mãn lòng đam mê và cống hiến tận tình cho nền điện ảnh nước nhà.

Diệp Y Nhân