Gilles Jacob– linh hồn và nhạc trưởng của Liên hoan điện ảnh Cannes

Xin ông cho biết nguyên nhân thành công của Liên hoan điện ảnh Cannes mà trong vòng 60 năm qua đã trở thành thánh địa Mecca của điện ảnh thế giới?

(TGĐA) - Gilles Jacob năm nay 79 tuổi, trong đó có hơn 30 năm là chủ tịch Liên hoan điện ảnh Cannes, mới đây ông vừa xuất bản cuốn hồi ký “Cuộc đời trôi qua như một giấc mơ”.


Gilles Jacob

Tác giả cuốn bestseller, nguyên là một nhà phê bình điện ảnh, được mệnh danh là “công dân của Cannes”, phỏng theo tên gọi bộ phim nổi tiếng của Orson Welles “Công dân Kane”. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Paris của báo Tin tức (Nga) dưới đây, Gilles Jacob chia sẻ những câu chuyện bếp núc của Liên hoan điện ảnh Cannes. Xin trân trọng giới thiệu giới thiệu cùng bạn đọc.

Ưu thế của Cannes là ở chỗ nó nằm tại một vị trí tuyệt đẹp và có thể đón 50.000 khách từ khắp thế giới. Chúng tôi làm việc trong bầu không khí nghỉ hè và quanh năm sống bằng liên hoan. Ngoài ra, trong cung liên hoan diễn ra chợ phim, còn các nhà chuyên môn khắp thế giới coi việc hàng năm tập trung ở Cannes để nạp năng lượng là điều cần thiết.

Trong hồi ký của mình ông thừa nhận: “Ở đâu đấy tồn tại bộ phim mà vì nó ông chủ tịch liên hoan sẵn sàng bán linh hồn”. Và ông có thường hay bán linh hồn vì bộ phim không?

Có. Ví dụ, khi xem bộ phim đầu tiên của Woody Allen “Cuỗm tiền rồi bỏ chạy” hay “Mặc khải” của Coppola. Hoặc khi công chiếu những bộ phim của Fellini hay Bergman. Chẳng hạn, đang diễn ra một liên hoan phim bình thường, nhưng khi bạn chiếu bộ phim "The Leopard” của Visconti, Cannes trở thành trung tâm Vũ trụ.

Poster phim Foolish Wives

Ông khẳng định rằng thời tiết tại liên hoan điện ảnh do các phương tiện thông tin đại chúng tạo ra?

Có bốn ngàn rưỡi phóng viên đưa tin về Liên hoan Cannes. Chính họ hình thành nên dư luận xã hội. Bạn có thể viết: “Năm nay các bộ phim rất xoàng”. Và tôi không thể làm gì được với điều đó..

Ông đồng thời được coi là “linh hồn” và “nhạc trưởng” của Liên hoan điện ảnh Cannes. Vai trò nào khó hơn?

Tất nhiên là “linh hồn”. “Linh hồn” cần phải mang lại một ý nghĩa cho những gì đang diễn ra. Còn ý nghĩa đối với tôi nằm ở sự đổi mới nghệ thuật điện ảnh và ở sự xuất hiện một thế hệ mới. Chính vì vậy mà tôi thành lập giải thưởng “Ống kính vàng” trao cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất, còn sau đó là các chương trình “Quan điểm đặc biệt”, “Quỹ điện ảnh”, “Xưởng phim”. Tất cả những cái đó là để thay thế các nhà điện ảnh vĩ đại đang dần dần ra đi. Chỉ còn lại Manoel de Oliveira – vào năm 100 tuổi ông vẫn tiếp tục làm hết phim này đến phim khác.

Phải chăng có thể thay thế những người vĩ đại?

Tôi có một quan điểm khác. Chẳng có gì dễ dàng hơn là than thở: “Ôi, nền điện ảnh vĩ đại đã biến mất! Những đạo diễn lớn đã ra đi! Điện ảnh vẫn còn, nhưng không phải điện ảnh trước đây!”. Nói cách khác, tôi không muốn nhìn nghệ thuật điện ảnh trên quan điểm bi quan, hoài cổ. Tôi tin tưởng rằng ngay ngày hôm nay ở nước Nga hay ở Australia người ta đang phát minh ra một cái gì đấy mới mẻ. Còn nhiệm vụ của chúng tôi là – tìm kiếm nhà phát minh đó”.

Cảnh trong phim The Leopard

Điều gì đang được phát minh trong nền điện ảnh thế giới?

Chúng ta, những người châu Âu, chúng ta biết toàn bộ lịch sử của nó. Và thường nói với mình: “Chúng ta không bao giờ làm được những bộ phim giống như những gì Jean Jenoir, Charlies Chaplin, Ingmar Bergman hay Sergey Eizenshtein đã làm. Chúng ta chỉ là hậu thế của những bậc tiền bối đang bắt chước những người vĩ đại một cách vụng về”. Nhưng các đạo diễn trẻ, ở châu Á chẳng hạn, không cảm thấy một áp lực nào của quá khứ, họ chính là những người tiên phong mới đang lao vào những vùng đất chưa được khai phá, và lại phát minh ra điện ảnh.

Nghĩa là, Cựu Thế giới không còn gì để nói?

Không phải như vậy. Nếu như nói về nước Nga, thì có thể coi Andrey Zvyagintsev là một người cực kỳ tài năng. Ông là đại diện của nền điện ảnh ngày mai. Ở đất nước các bạn bên cạnh những đạo diễn xuất chúng như Mikhalkov và German còn có các đạo diễn trẻ đầy hứa hẹn.

Vậy thì tại sao điện ảnh chúng tôi lại là vị khách hiếm hoi tại Cannes?

Cả điện ảnh châu Phi cũng vắng bóng ở Cannes. Bởi vì chúng tôi muốn để tất cả các bộ phim vươn tới các tiêu chuẩn cao của thế giới. Liên hoan luôn luôn mở rộng cánh cửa đối với các bộ phim Nga, nếu như các đạo diễn Nga hiện nay đạt được trình độ xuất sắc của các đạo diễn Nga trước đây. Với lại, tôi tin rằng trong những năm tới các bộ phim Nga sẽ trở lại Cannes.

Cảnh trong phim Bá Vương biệt cơ

Ông soạn ra một quyển kinh bổn điện ảnh gồm 15 giáo lý. Một trong số đó là: “Gương mặt nữ khả ái là ý nghĩa tồn tại của nghệ thuật điện ảnh”.

Tôi tuyệt đối tin tưởng điều đó. Nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng Pháp Jean-Georges Auriol (đã mất vì tai nạn ô tô), nói: “Điện ảnh – là nghệ thuật mà mục đích của nó là làm ra những tác phẩm đẹp vì những người phụ nữ đẹp”. Chẳng hạn, chúng ta còn nhớ Francois Truffaut với những bộ phim do Catherine Deneuve hay Isabelle Adjani thủ vai. Những gì mà ống kính quay họ giống như một nghi lễ của sự cám dỗ. Điều thú vị là ngay cả các đạo diễn đồng tính cũng ra sức quyến rũ những nữ diễn viên đẹp. Ví dụ như Joseph Losey, người vốn chỉ thích đàn ông. Hãy xem anh ta quay Julia Kristi như thế nào. Cả Almodóvar cũng say đắm phụ nữ.

Thế nhưng các bộ phim được giải của Liên hoan Cannes hiếm khi thành công về thương mại.

Những bộ phim đi trước thời đại thường đoạt giải. Còn công chúng rộng rãi lại thích sự giải trí. Sau khi kết thúc công việc mọi người mệt mỏi, cuộc sống khó khăn, họ thích tiêu khiển. Còn các tác giả của những bộ phim có trình độ nghệ thuật cao thường định hướng vào chính bản thân mình.

Phảichăngtrongnềnđiệnảnhhiệnnaykhôngphảitấtcảđềudotiềnquyếtđịnh?

Không phải tất cả, nhưng rất tiếc là nhiều thứ. Đặc biệt trong điện ảnh Mỹ. Làm một bộ phim hết 150 triệu USD, và thêm 100 triệu quảng cáo cho nó. Vì vậy, cần phải liên kết nỗ lực của hai hãng phim. Còn những người bật đèn xanh, họ “trau chuốt” bộ phim sao cho ở tất cả các nước nó đều được yêu thích. Vâng ngay cả ở nước Nga sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ đã xuất hiện những đạo diễn muốn chơi trội khán giả bằng cách làm những bộ phim theo kiểu Mỹ. Các đạo diễn Nga cần nhớ rằng: các bạn không bao giờ chiến thắng trên sân chơi của người Mỹ. Họ có thể thành công ngay cả khi phản ánh hiện thực thuần tuý Nga, kể về con người và cuộc sống của anh ta ở nước Nga hôm nay.

Poster phim Alexander Nevsky

Ông bao giờ cũng mời tới Cannes những tên tuổi quen thuộc –Woody Allen,Kusturica, Lars von Trier, anh em Coen, Ken Loach...

Các liên hoan điện ảnh chủ đạo bao giờ cũng mời những người quen biết vì họ là những nghệ sĩ lớn. Nếu bạn từ chối, người ta sẽ đưa phim của mình tới các đối thủ của chúng tôi – Berlin, Venice hay Moskva. Nếu như Fellini vừa hoàn thành một bộ phim mới mà chúng tôi không mời ông, thì điều đó có nghĩa: hoặc bộ phim xoàng, hoặc ông chủ tịch Cannes là một kẻ hoàn toàn nhỏ nhen.

Còn nếu bạn ông Clint Eastwood yêu cầu ông đưa vào chương trình bộ phim trung bình của mình thì sao?

Tôi sẽ nói với ông ta điều đó. Tôi sẽ giải thich tại sao tôi coi việc giới thiệu bộ phim của ông ấy trong chương trình tuyển chọn là nguy hiểm. Rốt cuộc chúng tôi chỉ chọn 20 phim trong số 1000 phim, mà giới báo chí tại cuộc liên hoan phim thì khắc nghiệt. Vì vậy, giới thiệu một bộ phim chỉ để cho bạn hài lòng, có nghĩa là làm hại anh ta.

Những ngôi sao hiện nay đã lu mờ so với những thời đại huy hoàng đã qua?

Không. Ở Mỹ hiện nay có rất nhiều ngôi sao. George Kluni, Leonardo DiCaprio và Brad Pitt đã thay thế Redford, Newman và những nghệ sĩ vĩ đại khác.

Ở nước Nga có những ngôi sao tầm cỡ thế giới không?

Tất nhiên. Chẳng hạn như Oleg Menshikov - một diễn viên tuyệt vời, một trong những diễn viên xuất sắc ở châu Âu. Tôi coi anh ấy là De Niro của Nga. Ngoài phim “Mệt mỏi bởi mặt trời” vào năm 38 tuổi anh ấy đã đóng vai chàng thiếu sinh quân trong “Người thợ cạo Sibiri” rất thành công. Trong số nữ diễn viên tôi thích Ingeborga Dapkunaite hiện sống ở London. Cuối cùng các bạn có nữ diễn viên xuất sắc Inna Churikova.

Tại sao trong thành phần ban giám khảo rất ít người Nga?

Quả thật rất ít. Tuy nhiên chủ tịch ban giám khảo có thể là đạo diễn Nga danh tiếng quốc tế, ví dụ Nikita Mikhalkov.

Cannesđã làm Mikhalkov phật lòng khi không trao tặng ông giải “Cành cọ vàng” với phim “Mệt mỏi bởi mặt trời”.

Lúc bấy giờ giải thưởng chính được trao cho Tarantino với phim “"Pulp Fiction". Tôi rất thích “Mệt mỏi bởi mặt trời. Đây là bộ phim vừa lãng mạn, vừa tình cảm, vừa hoài cổ. Và dàn diễn viên rất tuyệt vời. Nhưng đó là sự lựa chọn của ban giám khảo.

Phải chăng ông không thể tác động tới kết luận của họ?

Tôi không được phép đưa ra bất cứ sự nhận xét nào. Tôi có mặt trên các phiên họp của ban giám khảo như một người câm, nhưng không điếc. Tôi giúp đỡ, nếu ban giám khảo muốn tặng giải thưởng mà trong thời điểm đó không tồn tại. Trong quá khứ đã xảy ra sự can thiệp của Ban giám đốc và đã gây ra những hậu quả tai hại đối với uy tín của Liên hoan. Mặc cho ban giám khảo sai lầm, chứ tôi sẽ không can thiệp.

Ông viết: “Delon có nghệ thuật nhìn bạn dường như bạn chỉ là một hạt bụi bên mép bàn”.

Ông ấy là một ngôi sao lớn biết rất rõ giá trị của mình. Một lần người ta không đưa ôtô đón Delon do lỗi của Liên hoan, nghĩa là của tôi. Và nếu trong hành động của bạn ông ấy nhận thấy một thái độ xấu đối với mình, thì bằng một ánh mắt ông ấy cho biết bạn là một kẻ hèn hạ đến mức nào.

Ông cũng từng bị Jerar Depardie làm phiền – ông ấy nóng nảy đòi đưa phim của mình vào chương trình tuyển chọn.

Với Jerar mọi chuyện khác hơn. Ông ấy sử dụng động từ theo phong cách Victor Hugo. Trong vòng một giờ ông ấy có thể dỗ dành bạn, khi thì mắng mỏ, khi thì dịu dàng, khi thì gợi nhớ tới tình bạn của mình. Ông ấy là một đường trượt băng thực sự rất khó vượt qua.

Tính cách các ngôi sao lớn rất khó chịu?

Họ hiểu rằng thiếu họ thì cuộc liên hoan không thành công. Và họ sử dụng danh tiếng của mình để ăn hiếp bạn.

Nhưng dù sao ông có nhiều bạn là ngôi sao.

Kết bạn với các ngôi sao rất khó khăn. Họ là những kẻ ích kỷ, chỉ quan tâm tới bản thân mình. Đối với tôi bạn là người sẵn sàng dành cả cuộc đời lẫn hầu bao cho bạn.

Nữ diễn viên Cecile De France

Ông có thể mời ai trong số các ngôi sao đi cùng mình tới một hòn đảo hoang?

Tôi thích những người có tính hài hước. Có một diễn viên trẻ tên là Cecile De France, có thể ở Moskva còn ít người biết đến. Tôi sẵn sàng mời cô ấy, đó là một con người cực kỳ thú vị.

Những bộ phim nào ông có thể chiếu cho Cecile xem trên đảo?

Tôi thích bộ phim của Charlies Chaplin, dù là “Những ngọn lửa của thành phố lớn” hay “Kẻ độc tài”. “Luật chơi” của Jean Jenoir , “Công dân Kane” của Orson Welles, “Những người vợ ngớ ngẩn” (“Foolish Wives”) của Erich Oswald Stroheim và “Aleksandr Nevsky” của Eizenshtein. Cuối cùng là một trong những bộ phim của đạo diễn thiên tài Tarkovsky.

Xin ông cho biết 5 giải “Cành cọ vàng” xuất sắc nhất trong lịch sử liên hoan?

“Khiêu vũ trong bóng đêm” của Lars von Trier, “Bài học đàn dương cầm” của Jane Campion, “Vĩnh biệt, nàng hầu của tôi” của Trần Khải Ca, “Dưới mặt trời của Xa tăng” của Claude Abel và, cuối cùng là "The Leopard" của Luchino Visconti.

Trần Hậu

(Theo Báo “Tin tức”)