Giáo sư Lee Joong Jik – Hay kiếp trước tôi là người Việt Nam

Tôi gặp Giáo sư Lee Joong Jik lần đầu tiên, khi cùng ông giảng một chuyên đề về Làn sóng Hàn Quốc tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2005. Sau đó, chúng tôi thường xuyên giữ liên lạc và hàng năm, cứ vào khoảng tháng 9, trước Liên hoan phim Quốc tế Pusan, Giáo sư Lee Joong Jik lại điện thoại để hỏi thăm năm nay Việt Nam sẽ mang phim nào đến tham dự Liên hoan rồi nói, sao tôi nhớ Việt Nam nhiều thế không biết, hay kiếp trước quê mẹ tôi ở Việt Nam ?

(YGĐA) - Giản dị, gần gũi và vui tính là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Giáo sư Lee Joong Jik – Trưởng khoa Sau đại học ngành điện ảnh – trường Đại học Chungang, nguyên Chủ tịch Ủy ban điện ảnh Hàn Quốc khóa 2, Chủ tịch Hiệp hội điện ảnh Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục điện ảnh…


Ông là người có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc như trực tiếp điều hành hoàn tất Luật điện ảnh, quyết định cota nhập và chiếu phim nước ngoài, trong nước để trình Chính phủ phê duyệt, đến nhiều nước trên thế giới để giảng bài về Làn sóng Hàn Quốc…

Giáo sư Lee Joong Jik

Tại sao Việt Nam chúng tôi lại để lại ấn tượng sâu sắc với Giáo sư ?

Khi tôi còn là sinh viên Khoa điện ảnh, tôi đã thích đề tài về chiến tranh Việt Nam. Sau đó, tôi có dịp đến Thành phố Hồ Chí Minh du lịch, đất nước của các bạn đã thu hút tôi, lúc đó, tôi muốn làm một bộ phim về Việt Nam đổi mới.

Và ông đã thực hiện tác phẩm của mình ?

Chưa, rất tiếc tôi chưa thực hiện được giấc mơ này. Trước đây tôi cũng làm phim, chỉ là một vài phim ngắn, sau đó chuyển sang công tác giảng dạy và quản lý nên..thời gian sáng tác đã bị lấy đi rất nhiều.

Đứng ở cương vị một người quản lý, ông đủ thẩm quyền để…điều tiết ngân sách và có thể gợi ý để các đạo diễn trẻ thực hiện những tác phẩm có chủ đề về Việt Nam ?

Ủy ban điện ảnh của chúng tôi giúp các tài năng tỏa sáng, khuyến khích những ý tưởng sáng tác của họ chứ không áp đặt họ sáng tác theo quy chế hay phong trào. Cá nhân tôi thích Việt Nam, tôi sẽ làm phim về Việt Nam như mình mong muốn, không thể ép buộc người khác phải đồng cảm với sở thích của tôi.

Được biết, khi giữ chức Chủ tịch Ủy ban điện ảnh Hàn Quốc ( Kofic ) ông đã tham gia nhiều đề án quan trọng của ngành điện ảnh ?

Thời kỳ chấn hưng điện ảnh Hàn Quốc tôi chỉ là một giảng viên đại học, dành tất cả đam mê cho điện ảnh nước nhà. Khi điện ảnh Hàn Quốc có dấu hiệu khởi sắc, cần những cú bứt phá là lúc tôi đảm đương trách nhiệm ở Ủy ban điện ảnh. Chúng tôi hoàn tất Luật điện ảnh, tổ chức nhiều Liên hoan phim, mở rộng hình ảnh Hàn Quốc ra thế giới cùng những tác phẩm xuất sắc. Thế hệ đạo diễn nổi tiếng Kim Ki Duk, Kang Jae Kyu, Park Chan Wook, Kim Tae Woo…cũng nở rộ tài năng ở giai đoạn này.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý, đề ra những định hướng chuẩn xác cho ngành điện ảnh, Giáo sư có thể nói đôi điều cảm nhận về điện ảnh Việt Nam ?

Tôi là người mến mộ đất nước, con người Việt Nam nên có thể nhận xét về Việt Nam hơi thiếu…khách quan, vì có nhiều cảm tính. Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét giống nhau, đặc biệt là ở sự chăm chỉ và khát vọng vươn lên. Chúng tôi mất 10 năm đi học hỏi, chấp nhận dấu ấn Hàn Quốc luôn mờ nhạt trên ảnh đàn thế giới còn các bạn, các bạn chưa mất nhiều công sức, chưa có những cuộc vận động thay đổi lớn nhưng đã sớm có được thành công trên ảnh đàn quốc tế. Nói điều này để thấy, trong tương lai, có thể Việt Nam sẽ tiến xa hơn Hàn Quốc, ấn tượng về điện ảnh Việt Nam trong con mắt những người làm nghề luôn là, họ có ý tưởng, đề tài phong phú, cách thể hiện trẻ trung, không theo bất cứ khuôn phép nào…

Phim Ngôi nhà hạnh phúc

Ông đã xem những bộ phim nào của điện ảnh Việt Nam ?

Khá nhiều, tôi thuộc những cái tên như Trần Anh Hùng, Lại Văn Sinh, Đoàn Minh Phượng…

Trong số những tác phẩm đã xem, ông thích phim nào nhất ?

Mỗi phim có một nét độc đáo riêng nên khó nhận xét tôi thích nhất phim nào. Tôi từng giữ cương vị Chủ tịch Liên hoan phim Pusan năm 1997, sau đó là nhiều Liên hoan phim khác nên tôi rất thận trọng khi khẳng định đâu là phim hay nhất, đâu là phim mình thích nhất. Với mỗi bộ phim, tôi thường đưa ra tính thuyết phục nằm ở hình ảnh, nội dung, phong cách sáng tác…

Năm 2007, ông từng dự kiến sẽ đưa sinh viên của mình đến Việt Nam ?

Vâng, tôi đã từng muốn tổ chức tuần phim ngắn của sinh viên cao học ngành điện ảnh trường Chungang tại Hà Nội, để những đạo diễn trẻ của hai nước có thể giao lưu, trao đổi cùng nhau nhưng rất tiếc, kế hoạch không thực hiện được do lịch làm việc của tôi quá bận rộn, mà tôi không khởi xướng, không phải lúc nào cũng có người dám đưa mấy chục sinh viên sang Việt Nam ( cười )

Đó có phải là lý do duy nhất không, thưa Giáo sư ?

Còn một lý do khác, đó là kinh phí vì không phải chỉ lo chuyện ăn, chuyện ở cho sinh viên. Ngoài ra còn phải in program, thuê rạp và khó khăn hơn cả là chúng tôi nếu đến, sẽ đi với tư cách nhà trường nên không biết liên hệ thế nào, với ai để có người hỗ trợ những việc quan trọng đó.

Giáo sư là một nhân vật khá quan trọng trong làng điện ảnh Hàn Quốc, lẽ nào không có những người bạn trong nghề ở Việt Nam ?

Tôi thật sự quan tâm đến Việt Nam sau khi hết nhiệm kỳ tại Ủy ban điện ảnh nên rất tiếc, tôi chưa có dịp tiếp xúc với những người bạn trong nghề. Tôi cũng may mắn gặp một số Đạo diễn, nghệ sĩ của Việt Nam khi họ sang Hàn Quốc nhưng không phải lúc nào muốn là cũng..mạnh dạn nhờ họ giúp các sinh viên của tôi sang Việt Nam.

Gặp những người bạn Việt Nam, Giáo sư thường nói chuyện gì với họ ?

Tôi cùng họ uống rượu, giới thiệu cho họ những món ăn Hàn Quốc và..rủ họ cùng đi ăn món Việt Nam. Tôi nghiện món nem, rau muống xào và phở…Chúng tôi nói chuyện về nghề, tôi luôn thán phục những nghệ sĩ Việt Nam và thấy họ giỏi hơn tôi rất nhiều.

Sau khi Giáo sư trở thành Chủ tịch Kofic, Seoul đã đăng cai Liên hoan phim Châu á Thái Bình Dương?

Vâng, nhắc đến bây giờ tôi vẫn thấy rất tiếc, vì khi đó tôi quá nhiều việc, không thể gặp riêng đoàn Hà Nội. Đấy là lần đầu tiên khán giả Hàn Quốc được thưởng thức nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam nhất.

Ông có nghĩ đến một tuần phim Việt Nam tại Hàn Quốc ?

Tôi mới chỉ bàn về chuyên đề điện ảnh Việt Nam giảng tại Khoa của tôi. Tôi đã được đến Việt Nam nói chuyện về phim ảnh Hàn Quốc, hy vọng sắp tới sẽ mời được một Đạo diễn hay Nhà sản xuất danh tiếng của Việt Nam đến Hàn Quốc để nói chuyện về điện ảnh Việt Nam hôm nay. Chúng tôi còn quá mù mờ về điện ảnh và môi trường làm phim của các bạn.

Gần đây một số Hãng phim và nghệ sĩ Việt Nam đã có những hợp tác thành công với Hàn Quốc, cá nhân ông đánh giá thế nào về sự hợp tác này ?

Tôi chưa được biết nhiều về tình hình đổi mới của nền điện ảnh Việt Nam, nhưng qua những người bạn ở Ủy ban điện ảnh, qua các đạo diễn, tôi biết ngành điện ảnh Việt Nam hiện nay đã thay đổi, cơ chế rộng mở, hành lang luật pháp hợp lý và đặc biệt luôn tạo điều kiện cho các đoàn phim nước ngoài. Theo tôi, sự hợp tác là cần thiết nên Hàn Quốc và Việt Nam phát triển được sự hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh là rất tốt.

Một trong số những học viên cao học của tôi, là Đạo diễn phim Cô dâu vàng, có nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh tham gia. Tôi đã nghe anh ta kể lại cảm nhận của mình về những ngày đến Việt Nam quay ngoại cảnh.., tất nhiên có những khó khăn nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất là sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của ekip Việt Nam. Nếu có nhiều đoàn phim được làm việc cùng nhau như vậy, trong tương lai, chắc chắn sẽ có những tác phẩm hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam thật sự hay…

Phim Chuyện tình mùa đông

Câu chuyện với Giáo sư Lee Joong Jik vẫn kéo dài, ông hồ hởi kể chuyện mình lặn lội tìm mua nước mắm, bánh đa nem..ở Seoul để về nhà trổ tài nấu nướng. Chuông điện thoại reo liên tục, vì Giáo sư phải báo lịch dạy học rồi lại xếp lịch công tác ở Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông…

Trở lại với công việc giảng dạy, tại các Liên hoan phim quan trọng như Pusan, Cheonju, Deachon…, vai trò của Giáo sư Lee Joong Jik rất lớn. Ông có mặt trong Ban giám khảo, Ban tổ chức..

Dù bận rộn đến đâu nhưng Giáo sư luôn sẵn sàng thu xếp thời gian nếu nhận được một cú điện thoại từ Việt Nam, rằng hôm đó, ngày đó…, sẽ có một người bạn Việt Nam đến Seoul…

Đặng Thiếu Ngân