Gặp gỡ với Goro Miyazaki – đạo diễn của ‘Gedo Senki’ tại Venice

Vậy tác phẩm hoạt hình ưa thích của ông là?

(TGĐA) - Trong 20 năm cuối của thế kỉ vừa qua, nền film hoạt hình Nhật Bản mà nổi bật nhất là Studio Ghibli luôn được coi là một trong những đối thủ ngang sức ngang tài với những Walt Disney, Pixar hay Dreamworks của Hoa Kỳ.


Điều đó đã từng được kiểm chứng qua sự thành công vang dội cả về mặt nghệ thuật lẫn doanh thu của những ‘Princess Mononoke’ năm 1997 hay ‘Spirited Away’ năm 2001. Và tại LHP Venice lần thứ 63 vừa qua, xuất phẩm mới nhất của Studio Ghibli - Gedo Senki đã để lại nhiều ấn tượng tốt cho khán giả lẫn các nhà phê bình. Đó cũng chính là tác phẩm đầu tay của Goro Miyazaki, con trai của nhà làm film hoạt hình vĩ đại Hayao Miyazaki và cũng đang là giám đốc của Viện Bảo Tàng Ghibli tại Mitaka, Nhật Bản. Cách đạo diễn và làm film của Goro khá khác với người cha từng làm chấn động cả Nhật Bản của mình và vì thế sẽ là rất thú vị khi chúng ta đề cập đến cách làm film của Goro cũng như tác phẩm ‘Gedo Senki’ của ông.

Goro Miyazaki


Lấy bối cảnh tại "Earthsea", một thế giới chỉ gồm những hòn đảo được bao bọc bởi biển cả, ‘Gedo Senki’ là câu chuyện kể về Arren, hoàng tử của xứ Enlad. Sau khi đâm chết người cha và cũng là vua của Enlad, Arren rời bỏ quê hương của mình. Trên đường đi Arren gặp một người đàn ông có tên là Haitaka, một pháp sư uyên bác vừa khám phá ra rằng trạng thái cân bằng của thế giới sắp bị sụp đổ. Sau đó, cả hai người cùng bước vào cuộc hành trình để đi tìm nguyên nhân của thảm họa này và tìm cách cứu lấy thế giới đang lâm nguy.


Gedo Senki là bộ film mà Goro Miyazaki đã đặt toàn bộ tâm huyết cũng như hoài bão đam mê của mình vào trong đó. Trực tiếp đặt những cảm xúc và ấn tượng của mình về xã hội Nhật Bản đương đại vào bộ film, thông điệp mà Goro muống đem đến qua ‘Gedo Senki’ thật đơn giản nhưng cũng vô cùng cao quý : giá trị của sự sống cũng như cái chết. Tuy có một số trường đoạn sẽ tỏ ra khá khó hiểu với các khán giả ngoài Nhật Bản nhưng không vì thế mà bộ film mất đi tính hấp dẫn của nó. Câu chuyện film có phần nào đó tối tăm và nghiêm túc với phần lời thoại nhìn chung là dài khi so sánh với các bộ film khác của Ghibli .

Nếu nhìn vào phần hoạt họa và các nhân vật trong film, những ai yêu thích các bộ film gần đây của Ghibli như 'Princess Mononoke', 'Spirited Away' hay 'Howl's Moving Castle' có thể sẽ không hài lòng bởi ‘Gedo Senki’ lại phảng phất mang những nét vẽ của những tác phẩm thuộc đời đầu của Ghibli như 'The Adventures of the Hols - Prince of the Sun' hay đặc biệt là 'Nausicaa - Valley Of The Wind'. Đó chính là nét đặc biệt của ‘Gedo Senki’ bởi Goro đã biết cách nâng tầm những nét xưa cũ đó cho hợp thời chứ không đi theo những nét vẽ đương đại của người cha mình. Những fan cứng của Hayao Miyazaki cũng sẽ dễ dàng nhận ra rằng Goro cũng đã bị ảnh hưởng khá nhiều từ bộ manga 'Shuna no Tabi' của người cha mình. Còn về phần phông nền, mặc dù không có được độ tinh xảo hay chi tiết tuyệt đối nhưng không vì thế mà người xem lại không thể trầm trồ về vẻ đẹp của nó. Những cảnh bầu trời buổi bình minh hay hoàng hôn chắc hẳn sẽ đem lại cho mỗi chúng ta những cảm giác bay bổng đến vô chừng khi xem film.


Việc Goro Miyazaki là con trai của Hayao Miyazaki khiến chúng ta khó tránh khỏi việc đưa ra một sự so sánh ‘Gedo Senki’ với các tác phẩm của Hayao. ‘Gedo Senki’ không có cái cảm giác như một bản thiên anh hùng cả của 'Princess Mononoke', sự chính xác đến mức tinh xảo của My Neighbor Totoro hay cái cảm giác ma thuật của 'Spirited Away'. Tuy nhiên, xét cho cùng thì đó là một bộ film của Goro Miyazaki chứ không phải của Hayao Miyazaki. Hãy tạm quên Hayao đi và theo dõi Gedo Senki. Bạn sẽ thấy bộ film là một trải nghiệm độc đáo của Goro Miyazaki và khi xem xong film, bạn sẽ bắt đầu hi vọng và chờ đợi bộ film thứ hai của Goro.


Vào ngày 4-9 vừa qua, một vài phóng viên đã có dịp được tiếp xúc với đạo diễn Goro Miyazaki sau buổi chiếu cho giới truyền thông tại Venice. Đây là toàn bộ một buổi phỏng vấn của Peter van der Lugt - admin của website GhibliWorld.com.
Xin chào, thưa ngài Goro. Xin được phép bắt đầu ông với một câu hỏi nhỏ. Trong cuộc họp báo với giới truyền thông, nhà sản xuất Toshio Suzuki của bộ film đã đề cập tới việc mục tiêu lớn nhất và thị trường mà Studio Ghibli hướng tới là trẻ em. Ngài nghĩ sao về điều này ?

Vâng, tôi đồng ý với quan điểm và mục tiêu đó của Ghibli, và cũng có thể bổ sung thêm vào đó cả lứa tuổi thiếu niên nữa.

Đã có nhiều người hỏi tôi câu hỏi này và khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Và tôi nghĩ là "The Adventures of Hols - Prince of the Sun" là bộ film yêu thích của tôi. Phải nói, tôi bị ảnh hưởng khá nhiều trong cách minh họa nhân vật của Isao Takahata.

Xin ông cho biết thêm về cảm hứng để làm nên ‘Gedo Senki’. Bộ film dường như hơi mang phong cách của châu Âu. Tôi có thể nhìn thấy rất nhiều trong film những sự tham khảo từ các bức họa của Pieter Jan Breugel và thậm chí là của cả họa sỹ Nauy Edvard Munch.

Khi quyết định chọn và kết hợp phong cách Âu châu trong ‘Gedo Senki’, tôi đã phải đi tham khảo rất nhiều, điển hình là một chuyến du lịch tại châu Âu. Về phông nền của bộ film, chúng tôi cũng đã chọn rất nhiều các bức tranh phong cảnh của châu Âu để tham khảo. Lý do mà chúng tôi chọn những bức tranh để tham khảo là chúng tôi muốn cho người xem thấy được vẻ đẹp của những bức tranh được vẽ bằng tay. Còn về Munch, tôi chưa bao giờ nghĩ tới những bức tranh của ông ấy, nhưng như tôi đã nói đấy, tôi đã phải tham khảo rất nhiều các bức tranh của các danh họa châu Âu.

Hãy đề cập tới một mảng khác của bộ film. Trước đây ông cũng đã từng viết thơ rất nhiều và đã in thành sách. Và như tôi được biết thì chính ông đã viết phần lời cho ca khúc nằm ở vị trí giữa film. Vậy ông có thể cho biết quá trình viết lời ca khúc này không ?

Mọi chuyện bắt đầu khi tôi được nghe Aoi Teshima hát. Tôi cảm thấy giọng hát của cô ấy rất quyến rũ và mãnh liệt. Lúc đó thì chưa có ca khúc nào cả mà mới chỉ có ca sỹ. Sau đó tôi hỏi Suzuki rằng “Bây giờ phải thế nào đây?” và ông ta nói rằng “Thôi ! Cậu viết phần lời cho ca khúc đi". Mọi chuyện đơn giản vậy thôi. Thế mà việc đó cũng khiến tôi làm việc suốt cả thời gian Giáng Sinh và đầu Năm Mới đấy. Tại thời điểm đó, Aoi Teshima vẫn còn khá vô danh. Sau này, Studio Ghibli có giúp đỡ cô ấy rất nhiều trong quá trình cô ấy phát hành album đầu tay. Giọng hát của cô ấy đã góp phần không nhỏ trong thành công của bộ film và vì thế không có lý gì mà chúng tôi lại không giúp đỡ cô ấy cả.

Tôi thấy rằng trong Gedo Senki và các bộ film khác của Ghibli, những nhân vật phản diện thường khá hài hước và khôi hài, thậm chí là đến mức lố bịch. Ví dụ như trong Gedo Senki là Usagi. Vậy lí do của điều này là như thế nào?

(Cười) Câu chuyện film sẽ trở nên rất rất căng thẳng nếu như không có Usagi. Anh không thấy vậy sao? Việc có một nhân vật như thế trong film tôi thấy là cần thiết. Hơn nữa, nhân vật Usagi rất thường gặp trong xã hội đương đại Nhật Bản: luôn tỏ ra yếu đuối và nhu nhược với cấp trên của mình nhưng cũng luôn tỏ ra mạnh mẽ và ra vẻ ta đây với những người dưới quyền mình.

Việc ‘Gedo Senki’ ra đời và mọi người so sánh nó với các tác phẩm của cha ông là điều không tránh khỏi. Mọi người cũng biết rằng cha ông đã rất giận dữ khi ông làm bộ film này. Ông nghĩ gì về điều này ?


Anh biết đấy, trẻ con thì thể nào chả có lúc cãi lại lời của cha. (cười) Việc cha tôi phản đối tôi trở thành đạo diễn đã giúp tôi luôn quyết tâm phải làm bằng được điều ấy và thôi thúc tôi làm một cái gì đó khác với những gì cha tôi đã làm.

Khi xem phần credits tôi nhận ra rằng trong đội ngũ làm film của ông có rất nhiều người đã từng làm việc cùng cha ông. Vậy có dễ dàng để thuyết phục họ làm việc cùng với ông không ?

Ban đầu, việc tôi chưa bao giờ làm một bộ film hoạt hình nào cả và nhất còn là con trai của Hayao Miyazaki khiến nhiều nhân viên tại Ghibli Studio không thoải mái lắm trong việc cộng tác với tôi. Thái độ lúc đầu của họ kiểu như ‘Nếu ông muốn làm thì cứ làm đi, chúng tôi sẽ chỉ theo dõi và quan sát thôi’. Và đã phải mất khá nhiều thời gian để có thể thuyết phục họ làm việc với tôi một cách nhiệt tình nhất.

Vậy ông đã thuyết phục họ như thế nào ? Nhất là khi ông chọn phần phông nền cho bộ film là các bức tranh phong cảnh và với các khó khăn như vậy.

Rất nhiều nhân viên của studio đã nhận ra rằng chính tự tay tôi đã hoàn thành công đoạn sắp xếp các mảng vẽ của bộ film, một công đoạn khá quan trọng trong việc làm film hoạt hình, nhất là tại Nhật Bản. Sự thực tôi có thể tự làm những việc như thế đã thuyết phục được họ rằng tôi có thể làm được một bộ film hoạt hình theo đúng nghĩa.

Một trong những cảnh đầu tiên của bộ film là khi Arren giết cha mình. Nếu như tôi không lầm thì điều này không xảy ra ở trong tác phẩm gốc. Vậy lí do gì ông lại đưa một cảnh như vậy vào ngay đầu bộ film ?

Tôi không muốn Arren là một hoàng tử bình thường như các câu chuyện tưởng tượng khác. Arren là một hoàng tử có những vấn đề riêng trong cuộc sống và điều này có thể dễ dàng liên tưởng đến giới trẻ Nhật Bản ngày nay. Tôi hi vọng khi những thanh niên đi xem ‘Gedo Senki’ có thể thấy được phần nào của mình ở trong đó. Tôi có cảm giác như cuộc sống của giới trẻ Nhật Bản ngày nay khá ngột ngạt. Họ không có nhiều hi vọng vào tương lai và cuộc sống thì không còn tươi đẹp nữa. Họ phải chịu nhiều sức ép, nhất là sức ép từ cha mẹ. Khi họ được quan tâm, nuôi dưỡng cẩn thận thì tỉ lệ thuận vào đó là những sức ép với họ.

Nhưng tôi nghĩ vào thời điểm hiện tại thì cuộc sống của giới trẻ Nhật Bản tự do hơn trước rất nhiều. Họ đi nhiều và thấy được cũng nhiều. Ông có thể thấy được họ tới Úc lướt sóng hay tới London để mở một cửa hiệu bán quần áo của riêng mình. Trong khi khoảng 15 năm trước những điều như thế là vô cùng hiếm hoi. Với cái nhìn của một người phương Tây, tôi thấy họ tự do hơn đấy chứ ?

Giờ đây xã hội đã trở nên giàu có hơn trước nhiều. Rất nhiều người có tiền và họ có thể đến bất cứ đâu mà họ muốn. Nhưng tôi nghĩ có một sự khác biệt giữa tự do về vật chất và tự do về tinh thần. Họ có thể có tiền, có sự tự do và trông có vẻ hạnh phúc nhưng ẩn sâu bên trong họ là những vấn đề và âu lo mà chỉ có họ mới hiểu được.

Một câu hỏi cuối cùng. Bây giờ ông đã chuyển sang làm film hoạt hình (Goro đã tuyên bố tại Venice rằng hiện tại ông đã hiểu ma lực hấp dẫn của việc làm film hoạt hình và đã lên kế hoạch cho bộ film thứ hai của mình), liệu ông còn tiếp tục những công việc trước đây của mình như là vẽ tranh phong cảnh hay là giám đốc của viện bảo tàng Ghibli nữa không ?

Những kinh nghiệm trong hai công việc trước đây của tôi đã giúp ích rất nhiều cho việc làm film. Tuy nhiên bây giờ tôi không còn thời gian để tham gia những công việc như thế nữa.

Rất cảm ơn ngài Goro đã dành thời gian cho chúng tôi. Xin chúc ngài sức khỏe và mong cho bộ film thứ hai của ông sớm ra mắt.

Ngọc Quang (tổng hợp)