Gặp gỡ nhà thiết kế âm thanh David Sonnenschein - Người “Gọi tiếng cho hình”

(TGĐA) - 8 tuổi bắt đầu soạn nhạc, 24 tuổi bước vào sáng tác và 30 tuổi trở thành nhà làm âm thanh chuyên nghiệp, có thể nói David Sonnenschein là một người được sinh ra để gắn bó với những giai điệu của cuộc sống vốn dĩ rất nhiều cung bậc cảm xúc. Là một nhà thiết kế âm thanh chuyên nghiệp từng hợp tác trong nhiều bộ phim lớn của Mỹ, David Sonnenschein còn là tác giả của những cuốn sách về âm thanh. Và một trong những cuốn sách đó của ông đã được dịch sang tiếng Việt có tựa đề Gọi tiếng cho hình. Cuối tháng 10 vừa qua, Hội Điện ảnh Việt Nam đã mời ông sang làm giảng viên khóa học thiết kế âm thanh cho những người làm phim Việt Nam. Lớp học được tổ chức đồng thời tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tạp chí Thế giới điện ảnh có cuộc phỏng vấn ông David Sonnenschein.

Dao_dien_am_thanh_David_Sonnenschein

Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của âm thanh trong một bộ phim?

Âm thanh là một phần làm nên bộ phim và cùng với hình ảnh, âm thanh luôn có mối quan hệ chặt chẽ trong những cảnh phim, giúp nhận dạng những thông điệp, ý nghĩa của cảnh một cách dễ dàng dù đôi khi nó đến sau hình ảnh. Chúng ta có thể không hiểu một bộ phim có ngôn ngữ và thoại bằng tiếng nước ngoài, nhưng nhờ âm thanh có sức mạnh hơn hình ảnh để diễn tả cảm xúc, chúng ta sẽ vẫn tìm thấy bức thông điệp mà bộ phim muốn nói. Thực tế thì âm thanh đi đến tai và đi đến phần não của ta, nó sẽ gây tác động về cảm xúc trước khi chúng ta nghĩ đến. Còn hình ảnh đi trực tiếp vào mắt và đi thẳng đến phần chúng ta nghĩ đến ở não bộ. Vì thế âm thanh rất quan trọng cho câu chuyện và cảm xúc vì chúng ta cảm nhận được âm thanh rất mạnh mẽ thậm chí một đứa trẻ trong bụng mẹ cũng có thể nghe thấy âm thanh trước khi nó nhìn thấy mọi vật.

Chúng ta đều đồng ý rằng thoại là “vua” của bộ phim, nhưng với một cảnh không thoại thì âm thanh có sức mạnh vô song. Ông có đồng ý với quan điểm đó không và có thể giải thích về sức mạnh của âm thanh trong trường hợp này?

Chúng ta sẽ cảm nhận được nhiều thứ từ âm thanh. Nó sẽ khiến chúng ta hoặc cười hoặc khóc, khiến cho chúng ta cảm thấy sợ hãi mặc dù không có lời nào trong cảnh đấy bởi vì bản thân mỗi chúng ta đã có âm thanh trong ký ức của mình rồi. Ở một thời điểm rất xa của lịch sử tiến hóa, khi loài người chưa có ngôn ngữ chính thức thì phản ứng với âm thanh của chúng ta cũng giống như phản ứng của động vật với âm thanh hiện nay. Ví dụ, ta muốn nói với một chú chó: Đừng sủa nữa, lại đây, thì việc con chó không sủa nữa và làm theo lời ta không phải là do câu đó mà bởi vì con chó hiểu âm thanh ta nói, có nghĩa là Không.

Được biết ông đã sống ở một số quốc gia Á châu như Thái Lan, Indonesia... và có thể chơi một số nhạc cụ địa phương. Ông có biết chơi nhạc cụ truyền thống nào của Việt Nam không?

À, khi ở Indonesia, tôi có chơi một loại nhạc cụ phần miệng của nó rộng và thân cong lên như chiếc sừng trâu. Tôi tạm gọi là kèn sừng trâu vì tôi có một chiếc như thế ở nhà. Đây là chiếc kèn mà người dân theo đạo Hồi thường dùng trong các lễ hội tôn giáo ở địa phương. Nhưng ở Việt Nam các bạn cũng có kèn sừng trâu. Tôi không biết tên chính xác loại nhạc cụ của các bạn nhưng có thể chơi được. Một loại nhạc cụ khác mà tôi thấy cũng rất thú vị, có một dây, cán dài, phần thân phía dưới thì tròn (đàn bầu - PV). Tôi rất thích loại nhạc cụ này.

David_Sonnenschein_tai_lop_giang_day_am_thanh_cua_Hoi_dien_anh_VN

Trước khi tới Hà Nội, ông đã có 3 ngày giảng dạy về âm thanh tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông có nhận xét gì về âm thanh trong những bộ phim mà các học viên đem đến khóa học?

Có một bộ phim ngắn 10 phút mà tôi đánh giá là ví dụ rất thú vị về âm thanh. Phim nói về một người đàn ông trong bệnh viện tâm thần. Ám ảnh vì cái chết của người bố trong một tai nạn nên anh này trở nên hoảng loạn, phải vào bệnh viện tâm thần. Ở trong đó, lúc nào anh ta cũng tưởng tượng mình đang lái xe, ngồi ở trước bánh lái, dù xung quanh có rất nhiều người. Và khi đó âm thanh của xe rất chân thực, sống động nhưng thật ra đó chỉ ở trong tâm trí của người đàn ông mà thôi. Âm thanh đi kèm với hình ảnh trong đầu nhân vật, vì thế tôi nghĩ bộ phim rất thú vị. Phần âm thanh trong bộ phim đó rất tốt! Tuy nhiên, một ví dụ khác thuộc về kỹ thuật mà tôi đã nhận ra cách để cải thiện nó. Chẳng hạn như có phim mà trong phần hội thoại giữa các nhân vật, có bạn lại để thiết bị thu thanh ở vị trí không đúng khiến cho giọng nói lúc gần lúc xa tạo thành thứ âm thanh không chân thực. Loại âm thanh đó tất nhiên khán giả vẫn có thể hiểu được nhưng người ta biết rõ nó được thu trong phòng thu trong khi nhân vật lại ở... trong rừng. Âm thanh và hình ảnh không hợp với nhau nên trong trường hợp này, hiệu ứng âm thanh như thế là thất bại. Đối với tôi, những loại âm thanh kiểu này rất tồi tệ.

Theo ý kiến của ông, điều gì là quan trọng trong mối quan hệ giữa đạo diễn và người thiết kế âm thanh?

Tôi nghĩ cả hai người này đều cần cố gắng để tìm ra cách kể một câu chuyện theo hướng đồng nhất. Họ cần phải cởi mở để chia sẻ ý tưởng với nhau và cùng hợp tác với nhau. Nhờ thế, âm thanh sẽ giúp ích cho người đạo diễn, còn người đạo diễn cũng giúp cho người làm âm thanh trong việc để khán giả hiểu được cảm xúc của nhân vật và hiểu ý định của những cảnh quay cũng như của câu chuyện. Vì thế người làm thiết kế âm thanh có thể đem lại cho bộ phim thứ âm thanh hay nhất. Ngược lại, nếu họ không hợp nhau, không chia sẻ cùng nhau thì âm thanh của phim rất tồi tệ. Kể cả khi tạo nên những âm thanh có vẻ rất hay ho nhưng cũng chẳng giúp ích được gì cho câu chuyện phim và không giúp chuyển tải được cảm xúc của câu chuyện. Người đạo diễn phải hiểu rõ cốt truyện của mình và có thể truyền tải, giải thích cho người thiết kế âm thanh có cùng cảm xúc, cùng hiểu về hướng đi của bộ phim.

Apocalypse_Now_-_mot_bo_phim_duoc_ong_David_Sonnenschein_danh_gia_rat_cao

Một vài ví dụ phim Mỹ mà ông đánh giá là có phần âm thanh hay?

Đây là câu hỏi thú vị và một trong những bộ phim có âm thanh thú vị nhất là phim của đạo diễn Francis Coppala - phim Apocalypse Now. Nó không chỉ tạo nên âm thanh mà còn tạo nên cả hệ thống âm thanh vòm trong rạp chiếu (Surround). Đó là bộ phim đầu tiên sử dụng hiệu ứng âm thanh surround và nhà thiết kế âm thanh Water Murch đã sử dụng âm thanh theo cách rất sáng tạo để kể câu chuyện vì thế tôi nghĩ đó là bộ phim quan trọng về kỹ thuật làm âm thanh. Ngoài ra, tôi cũng thích âm thanh trong các phim The Matrix, Fight Club, Enternal Sunshine of the Spottless Mind, Punch Drank love. Phần mở đầu của phim Atonement có âm thanh rất tốt. Đó là cảnh mở đầu, lúc cô gái tự đánh máy câu chuyện của mình và tiếng gõ bàn phím tạo nên nhịp điệu của âm nhạc rất thú vị.

Ông muốn và sẽ mang lại điều gì cho những người làm thiết kế âm thanh Việt Nam sau khóa học này?

Khóa học này nói tất cả những điều tôi đã nói với bạn trên đây. Lắng nghe như thế nào là bước đầu tiên đối với người làm thiết kế âm thanh sau đó mới là làm sao để tạo nên âm thanh. Nếu bạn là một người quay phim điện ảnh thì bạn phải học cách để nhìn vào đối tượng mà bạn quay, những vật chuyển động xung quanh đó, để có được hình ảnh mà bạn muốn. Ví dụ quan sát một căn phòng trước khi lấy hình, bạn có thể nói: Ơ cái đèn này sáng quá, tôi cần nhiều ánh vàng hơn để có thể tạo ra nhiều bóng mờ hơn. Đấy, người quay phim phải có khả năng nhìn bao quát, tổng thế bối cảnh và từ đó có thể tưởng tượng mình muốn tạo nên cảnh như thế nào. Điều này cũng giống như âm thanh thôi. Làm người làm thiết kế âm thanh thì phải học cách nghe âm thanh một cách thông minh trước khi tạo nên âm thanh đó. Tức là trước khi sáng tác phải tưởng tượng, phải nghe âm thanh xung quanh, nghe mọi người nói, nghe tiếng chim, phải biết và phải hiểu hiểu âm thanh đó tạo nên bởi cái gì? Chất liệu gì.... Và tôi đã thực hành kỹ năng đó trong khóa học này bằng cách thảo luận với nhau tất cả các thành tố của âm thanh như tốc độ cao thấp, cách bạn ấy cách nghe. Sau đó phân tích từng tont đó ở trong máy tính và học cách thay đổi âm thanh ấy theo cách mà mình muốn.

Để nâng cao trình độ thì chúng ta cần phải cố gắng. Tôi cũng muốn các nhà đạo diễn nên hiểu về âm thanh vì có một số người chỉ đề cao quay phim, diễn viên... hóa trang chứ chưa trọng âm thanh. Họ chỉ nghĩ đơn giản có âm thanh là được mà chưa thực sự nghĩ tới việc tạo ra một dòng phim được tạo nên bởi âm thanh. Vì thế tôi hy vọng lớp học này khuyến khích các đạo diễn từ giờ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với những người làm việc về âm thanh. Tôi đã xuất bản 1 số cuốn sách dành cho những người làm âm thanh nhưng hầu hết cuốn sách của tôi chỉ đến với những người làm âm thanh nên tôi hy vọng nó đến được cả tay các đạo diễn nữa. Những người thiết kế âm thanh không tự tạo cảm hứng cho mình được mà người đạo diễn cần giúp họ tiếp cận kịch bản. Và cũng chính đạo diễn là người giúp các nhà thiết kế âm thanh biết cách tạo hiệu quả chuyển tải của câu chuyện. Công việc của một nhà đạo diễn là giúp tất cả mọi người trong êkip cùng phối hợp với nhau để tạo nên một bộ phim hay vì người đạo diễn không trực tiếp quay phim, tạo ra âm thanh, hay diễn xuất mà họ sẽ phải hướng dẫn, chỉ đạo tất cả mọi người. Nhưng nhiều đạo diễn không biết cách chỉ đạo âm thanh vì thế tôi rất muốn dạy cho nhiều đạo diễn. Tôi đã đề nghị Hội điện ảnh Việt Nam mời nhiều đạo diễn đến tham dự để có được có những đạo diễn hiểu âm thanh. Đây là ý kiến của tôi về một trong cách cải thiện âm thanh trong phim Việt Nam. Tôi là đạo diễn đồng thời là người làm âm thanh nên hiểu cách sử dụng âm thanh như thế nào nên tôi mong các đạo diễn cũng phải hiểu âm thanh (như trình độ của nhạc sỹ) khi làm 1 bộ phim.

Tôi tò mò muốn biết về khả năng nghe cũng như cách lắng nghe của ông?

Vì là nhạc sỹ từ trẻ nên tôi đã tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm. Trước hết, phải luyện tập cách cảm nhận những gì đang xảy ra. Luyện tập bằng cách nhìn một hành động sau đó tập bằng tai để cảm nhận tiếng gõ. Hầu hết mọi người luyện tập lại không tư duy. Khi muốn trở thành nhạc sỹ, người làm âm thanh không chỉ nhìn ngón tay chuyển động khi chơi nhạc cụ mà phải lắng nghe khi ngón tay đặt vào đó thì sẽ tạo nên âm thanh gì. Đó là điều quan trọng mà hầu hết mọi người không học đến. Nhờ sự luyện tập đó mà cách nghe của tôi rất tốt và đó là điều tôi cố gắng muốn truyền đạt đến cho mọi người trong khi các giáo viên khác chỉ chú trọng dạy làm âm thanh một cách rất kỹ thuật. Khi bạn không thay đổi nhận thức của mình thì bạn sẽ chỉ như một con robot và học một cách rất máy móc trong khi chúng ta là con người cơ mà. Và những con robot sẽ không kể được những câu chuyện, những bộ phim. Robot sẽ không tạo ra được những gì mới mẻ mà chúng ta gọi là sự sáng tạo. Rõ ràng những thứ do con người làm ra sẽ khác rất nhiều so với một con robot làm ra. Và điều quan trọng nhất đó là cảm xúc của con người truyền vào các nhân vật trong phim là cách chúng ta kết nối được những âm thanh, những trải nghiệm bản thân mình về âm thanh với câu chuyện mà chúng ta đang muốn kể cho khán giả.

Ông thích âm thanh của đô thị hay âm thanh của miền quê?

Tôi sống ở trên núi, không có kẹt xe, tiếng ồn chỉ có tiếng chim hót, gió và không gian xung quang rất tĩnh lặng. Khi về nhà, tôi cũng không nghe nhạc nhiều, chỉ thích sự yên tĩnh mà thôi. Khi ngồi trên xe, tôi thường nghe nhạc Jazz, Rock cổ điển của những năm 70. Vì tôi lớn lên ở thời điểm đó nên tôi nghe rất nhiều nhạc Rock, Flamenco, Tango, nhạc Ấn Độ.

Tại sao ông lại trở thành nhà thiết kế âm thanh?

Tôi thích chỉ đạo, thích âm thanh của âm nhạc. Tôi cảm thấy rất thoải mái, tự nhiên khi làm việc trong lĩnh vực này. Tôi cũng là quay phim, biên tập và viết kịch bản, nói chung là tất cả các công việc liên quan đến phim. Nhưng công việc của tôi liên quan đến âm thanh lại rất đặc biệt. Tôi muốn là người khác biệt. Có rất nhiều nhà quay phim, thậm chí là quay phim tốt hơn cả tôi nhưng tôi không nghĩ là có nhiều người làm về âm thanh tốt như tôi. Có nhiều người thiết kế âm thanh nhưng họ lại không dạy về âm thanh như tôi và họ không có ý tưởng như tôi. Họ có thể tạo ra những âm thanh rất hay nhưng họ lại không dạy cho bạn cách để tạo ra âm thanh đó. Do đó công việc này đối với tôi rất tự nhiên, bản năng. Và tôi thích dạy cho mọi người nhưng không đơn giản chỉ là dạy mà tôi cùng làm với họ. Tôi tự thấy mình không chỉ là một đạo diễn tốt, nhạc sỹ tốt, người làm âm thanh tốt mà còn am hiểu khoa học về não và tâm lý đồng thời có cả kỹ năng truyền đạt cho mọi người. Và tôi rất yêu thích công việc này.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Vân Thảo