Đức - nhà sàn và những câu chuyện nhỏ

Có vẻ người dân quanh đây đã quá quen thuộc với người nghệ sỹ hiền lành nhưng cũng khá kỳ lạ này. Sau một vài những chỉ dẫn, tôi đã tìm đến được nơi cần đến. Căn nhà sàn lạ lùng lọt thỏm giữa trùng trùng lớp lớp những ngôi nhà cao tầng. Và thế là cuộc trò chuyện với nhân vật đặc biệt của chúng ta bắt đầu…

(TGĐA) - Tôi đến gặp anh vào một buổi sáng cuối thu. Khi anh mô tả địa chỉ căn nhà sàn đặc biệt qua điện thoại, tôi vẫn còn nhăn nhó khó tìm. Nhưng vừa bước vào con dốc trên đường Bưởi, hỏi Đức - nhà sàn, chúng tôi đã được chỉ dẫn đến tận nơi.


Đức "nhà sàn"

Những trăn trở về nghệ thuật không dứt

Đức - nhà sàn tên thật là Nguyễn Mạnh Đức, là con trai thứ của nhà văn Kim Lân, em trai hai họa sỹ nổi tiếng Nguyễn Thành Chương và Nguyễn Thị Hiền. Trong gia đình anh, người có tài không thiếu, nhưng người bí ẩn gợi nhiều tò mò nhất chính là anh, chủ nhân của nhà sàn Anh Đức – điểm đến của nhiều nghệ sỹ đương đại trong và ngoài nước.

Nhưng ai đã từng có may mắn được gặp mặt cụ Kim Lân hay biết cụ qua ảnh đều giật mình khi gặp anh Đức lần đầu tiên: anh giống cha quá. Đức - nhà sàn cũng thừa nhận, cha anh còn là người có ảnh hưởng quan trọng đến quan điểm nghệ thuật của anh…

Cứ thế, bằng chất giọng trầm ấm và cách nói năng rỉ rả chân tình, Đức - nhà sàn chia sẻ những kỷ niệm với cố nhà văn Kim Lân, những quyết định quan trọng thay đổi cuộc đời anh. Anh hồi tưởng, cụ Kim Lân có hai điều trăn trở nói riêng với anh – người con trai ít nhiều mang tư tưởng “nổi loạn”. Cụ mong viết về cái hèn của người nghệ sỹ vì những năm cuối đời đã thấy rõ sự cần thiết phải đổi mới mà chưa có điều kiện thực hiện. Cụ cũng tâm niệm “Không phải cái gì mình đúng là coi người khác sai”, từ đó thừa nhận, trân trọng và trông đợi nhiều vào sự cá tính hóa của mỗi người nghệ sỹ. Hơn ai hết, nghệ sỹ cần chân thật với chính mình – chân thực với cá tính, mơ ước của mỗi người. Sự chân thực ấy còn cần tri thức chắp cánh để thực sự tạo dựng đươc giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa. Xã hội hiện đại không thể thiếu được các hình thức PR tân tiến, hết kêu gọi bình chọn nhắn tin đến viết bài ca tụng..., nhưng nếu nghệ sỹ coi đó là mục tiêu của mình thì mãi mãi không có cái gì mới mẻ đóng góp cho nền nghệ thuật đương đại.

Hiện nay giới nghệ sỹ đang nhắc nhiều đến khái niệm tính đương đại và tính truyền thống. Nhiều người muốn nhận về mình cả hai đặc tính đấy, e sợ nếu như tôi truyền thống thì tôi cổ hủ, nếu như tôi đương đại e rằng tôi sai lệch. Nhưng cần phải hiểu tại sao lại gọi là đương đại mà không là hiện đại. Chỉ khi sự hiện đại mang trong lòng nó những phá vỡ, vượt ra khỏi những ranh giới thông thường, hoàn toàn không giống ai, chọc thủng những quan niệm cũ, đó mới là nghệ thuật đương đại. Còn về tính truyền thống, cũng có rất nhiều điều phải bàn lại.

Đức - nhà sàn đã bỏ nhiều công sức để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa người Việt: đồ cổ, chó đá, tranh thờ…Anh có một nhận định khiến nhiều người phải cau mày khó chịu: đặc điểm nổi bật nhất trong văn hóa Việt là sự vay mượn, tùy tiện. Văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản hay các nước phương Tây đều có những chuẩn mực khá cố định, còn ở Việt Nam còn rất nhiều thứ không có quy ước rõ ràng. Nhưng đó chính là điều kiện để mỗi người nghệ sỹ khai thác sâu hơn cuộc sống , thể hiện tính bản năng trong mỗi tác phẩm mình. Thế nhưng, tính bản năng, cá nhân ấy của nghệ sỹ lại đang mờ nhật đi nhiều. Lý giải điều này, anh cho rằng: đã có nhiều thế hệ nghệ sỹ được đào tạo quá giống nhau bởi một hệ thống giáo dục khép kín, nhiều năm không thay đổi. Người giỏi đến mấy, được bằng đẹp cũng chỉ là những “nghệ sỹ vào khung”, nhiều khi những người quản lý trực tiếp cũng không chấp nhận được những bứt phá trong sáng tạo của họ. Nghệ sỹ không được quan tâm coi trọng đúng mức và mặt khác chính bản thân họ cũng mất dần những mong muốn được đổi mới, ra khỏi lối mòn.

Đặt niềm tin vào một lớp người khác

Vậy trách nhiệm đổi mới, tìm một lối thoát cho nghệ thuật sẽ đặt vào tay ai? Phải mất khá nhiều thời gian, Đức - nhà sàn mới tìm được câu trả lời đó.

Sau khi rời quân ngũ, làm cán bộ cho UNIMEX Hà Nội, chuyên phụ trách mảng xuất khẩu các mặt hàng thủ công, sáng tác những mẫu hàng mới cho thợ gia công, vẽ tranh bán…, hơn mười năm trôi qua, anh vẫn thấy mình không hề thỏa mãn với những gì đã đạt được. Mãi sau mới lý giải được do bản thân ghét lối mòn, không muốn cố để “gần như” người này, người kia, cứ bảng lảng trong đầu những điều mới mà chưa thực hiện được. Cuộc triển lãm đặc biệt của nghệ sỹ Trần Lương, người em, người đồng nghiệp đã khiến anh giật mình. Triển lãm được tổ chức tại một gallery tư nhân, không đơn thuần là triển lãm hội họa với một loạt những bức tranh treo tường mà còn có một loạt những đồ vật được sắp xếp lạ lùng, tạo nên những hình hài làm đảo lộn tư duy đơn thuần của người xem về những vật dụng, hình hài ấy. Lúc đó, Đức chưa nhận ra ngay đó là cái gì. Nhưng anh thấy triển lãm hay quá, hay ở chính cái sự đảo lộn làm phá vỡ cái thói quen tư duy đơn thuần thường ngày, bắt người ta phải suy nghĩ, tìm tòi…Sau triển lãm, anh chỉ biết nói với Trần Lương rất thật thà: Anh cũng chưa hiểu gì mấy nhưng thích lắm. Anh có khu nhà sàn đấy, có thể làm được gì cùng nhau thì làm... Rồi không chỉ có họa sỹ Trần Lương chọn nhà sàn Anh Đức làm trưng bày những tác phẩm, một loạt các nghệ sỹ khác như cũng tự tin thể hiện những tìm tòi của mình. Hơn 50 cuộc triển lãm lớn nhỏ với sự phong phú về thể loại, mô hình triển lãm (cá nhân, đôi, nhóm, tập thể đông người; sắp đặt, trình diễn, sắp đặt và trình diễn, tranh,…) cũng như sự đa dạng đối tượng nghệ sĩ tham gia (sinh viên, trẻ, gạo cội, Việt kiều, người nước ngoài,…) khiến cho Nhà sàn Anh Đức là địa chỉ không thể bỏ qua với những ai muốn tìm hiểu nghệ thuật đương đại ở Việt Nam.

Khá nhiều dự án ấp ủ bị đổ bể, vì nghệ sỹ đôi khi “tụ rồi tan, làm rồi bỏ”, Đức - nhà sàn cũng gánh nhiều thiệt thòi. So sánh một chút. khi làm xuất khẩu, tách bạch kinh tế, Nguyễn Mạnh Đức khá thành công. Nhưng khi làm nghệ thuật, con người kinh doanh trong anh nhường chỗ cho một nghệ sỹ sống trọn vẹn cho những đam mê. Anh chính là người hiểu được sự thay đổi, chấp nhận sự thay đổi và muốn thay đổi thực sự, cho dù

Không phải lúc nào người ta cũng có thể đi đến tận cùng con đường. Anh đặt niềm tin vào lớp trẻ vì trên thực tế, nhiều nghệ sỹ đã thành công, muốn đẩy sự thành công ấy theo diện rộng, rất khó mà từ bỏ được quá khứ vẻ vang. Nhưng chính điều đó đã làm thui chột đi sự sáng tạo, sự tìm tòi và cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Theo anh, cụ Kim Lân cũng là người theo lớp trẻ, hiểu và chấp nhận sự thay đổi. Quan niệm, đừng nghĩ là mình đúng thì mọi người là sai, không có gì là bất biến ... cũng phần nào nói đến việc người đi trước cứ khăng khăng những giá trị của thế hệ mình dễ dẫn tới việc phủ định, kìm hãm những nỗ lực sáng tạo của thế hệ sau. Mặt khác, cuộc sống hiện tại của một nước đang phát triển cũng là chất liệu để người ta khám phá – một điều hiếm gặp ở những nước phát triển - khi mọi chuẩn mực đã được định hình chắc chắn.

Nói về phương châm nghệ thuật của chính mình, anh rỉ rả : tôi phủ nhận tôi, tôi phá vỡ tôi…Anh hào hứng hơn khi nhắc về giới trẻ, khẳng định sự dấn thân cho nghệ thuật của họ luôn đáng quý, đáng trân trọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đức "nhà sàn" bên những người thân

Chuyện làm phim, những điều chưa nói hết…

Đức quý trọng từng cơ hội được tham gia với những đoàn làm phim dù ở vị trí trực tiếp tham gia tổ chức đạo cụ hay chỉ đơn giản là cho nhau những góp ý với tư cách bạn bè. Mùa hè chiều thẳng đứng, Lều chõng hay tới đây sẽ là Long Thành Cầm giả ca là những dự án anh tham gia trực tiếp vào khâu dựng cảnh, lo đạo cụ. Anh đùa nói mình không làm bối cảnh hiện đại, chắc cũng bởi phần nào người không đủ tiền để thuê mà cũng vì giờ có rất nhiều người làm được. Anh cũng tiết lộ, khác với phim nước ngoài phải dàn dựng, chế tạo đạo cụ nhiều, ở Việt Nam lấy đồ thật quay còn rẻ hơn! Vấn đề lớn nhất hiện nay chính là nhiều người làm đạo cụ không hiểu rõ giá trị văn hóa tiềm ẩn của mỗi đồ vật. Cũng không thể trách họ, họ không được đào tạo, không có cơ hội tiếp xúc nhưng vẫn được phân công phụ trách đạo cụ cho cả đoàn. Người họa sỹ phụ trách đạpo cụ hoàn toàn không được độc lập hoặc không dám đưa ra những sắp đặt của riêng mình. Và như thế dẫn đến tình trạng ai làm cũng được và ai làm cũng giống nhau cả. Còn nói về diễn viên, bộ mặt của bộ phim, vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi diễn xuất sân khấu. Phải thừa nhận, có rất nhiều yếu tố chi phối đến việc chọn diễn viên. Đôi khi vì sự an toàn người ta cũng chọn những diễn viên quen thuộc, phù hợp với ê kíp, vào là diễn được luôn, không phải diễn đi diễn lại, không tốn kém!

Một loạt những dự án phim cổ trang đang được thực hiện. Nhưng quan điểm của anh, vấn đề lịch sử chỉ là một yếu tố trong quá trình làm nghệ thuật, nhưng cái tinh thần của văn hóa người Việt dứt khoát phải có, còn nếu không dù có làm đồ sộ mấy cũng chẳng có ý nghĩa gì. Người Việt có thể dùng hàng Trung Quốc, Nhật Bản nhưng theo cách của mình. Phim cổ trang mà quá lệ thuộc vào Trung Quốc: trường quay, thậm chí là cả diễn viên sẽ là thử thách lớn cho cả người làm phim và người thưởng thức.

Tiếp xúc với nhiều đoàn phim, có lúc anh thấy chạnh lòng khi người đạo diễn không được quyền quyết định, phải liệu cơm gắp mắm quá nhiều. Rất ít đạo diễn can đảm, đủ sức gọt giũa, làm thay đổi những thứ dớ dẩn, những sự lặp lại. Mọi chuyện dễ rơi vào tình trạng chung chung do đạo diễn chưa đủ dũng cảm cũng như cơ cấu quản lý chưa tạo điều kiện nhiều cho phong cách làm phim tác giả.

Điện ảnh Việt Nam đang cần cá tính hóa. Đó không phải là điều gì to tát, chỉ cần người đạo diễn say sưa, chân thực với chính mình. Điều đáng lo là người đạo diễn nói riêng và nghệ sỹ nói chung đang có xu hướng xa rời cuộc sống, sa vào việc đón lõng thị hiếu khán giả. Tưởng tượng không thoát ra được. Đời sống trong phim không giống cái gì cả, nhặt ở chỗ này một tí chỗ kia một tí… Xu hướng làm phim phổ biến hiện nay là né tránh, không tiếp xúc trực diện với vấn đề nhạy cảm. Nhiều người cũng chỉ nhận xét diễn đạt hay không đạt, hình ảnh ánh sáng tốt hay không còn tư tưởng của truyện nhiều khi rất tránh, sợ động chạm. Càng chạnh lòng hơn khi có quá nhiều đạo diễn, những người nghệ sỹ lại để thị hiếu công chúng lấn át thị hiếu của chính họ.

Quan điểm làm phim để kinh doanh, cho số đông cả thế giới đã làm và làm rất tốt. Đó cũng là một hướng đi của điện ảnh hiện đại. Nhưng làm phim hướng tới một cộng đồng khán giả nhất định cũng rất cần. Mà đừng nghĩ là cộng đồng đó hẹp. Chưa chắc, như thế có khi lại là coi thường quần chúng – những người nhạy cảm đặc biệt với những thay đổi. Như Hàn Quốc, có những bộ phim “dễ xem” đến mức nhiều người coi là dở nhưng có những phim đặc sắc đến mức cả thế giới sửng sốt. Đó là những bộ phim mang tính cá nhân rất cao. Nếu để ý những tác phẩm được đánh giá cao của điện ảnh thế giới không mang màu sắc của cả xã hội mà mang màu sắc của mỗi cá nhân.

Chình vì thế, người đạo diễn cần chinh phục người khác bằng bản lĩnh và cá tính của mình. Đức - nhà sàn vẫn ấn tượng về Trần Anh Hùng – một đạo diễn còn trẻ nhưng đã tự rèn luyện cho mình một bản lĩnh cá nhân đáng nể, luôn quan sát, nghe ngóng để thu nạp tri thức vào mình. Cộng tác với Nguyễn Thanh Vân trong bộ phim Lều Chõng, anh cũng nhận thấy đây là người tài năng, tâm huyết, sắc bén.

Anh tần ngần nhớ đến người đạo diễn đã thổ lộ với anh: không muốn xem lại những bộ phim mình làm, thấy xấu hổ kinh khủng. Hơn ai hết họ hiểu rõ đó không phải là phim nhưng không thể ra mặt phủ nhận những gì họ làm ra, những gì mang lại cho họ danh tiếng, tiền bạc và một tương lai vững chắc. Nên làm nghệ thuật, dù ở bất cứ địa hạt nào cũng cần lắm một bản lĩnh đương đầu!

Những điều anh Đức nói, ở đâu đó là khao khát muốn thay đổi cả quan niệm về nghệ thuật truyền thống và đương đại. Nghệ thuật thực sự không phải là việc đi theo lối mòn hay sắp xếp những thứ quái gở cạnh nhau mà chính là sự thể hiện tư tưởng, cá tính của tác giả. Tạm biệt anh, tạm biệt nhà sàn, chó đá, tượng sơn thiếp giả cổ, tôi ra về với một sự bâng khuâng khó tả bởi lối trò chuyện đầy hấp dẫn của một con người thẩm thấu nhiều kiến thức và đầ ắp những khát vọng. Anh đã mở ra nhiều cách để tôi cói thể trò chuyện, hiểu được anh nhưng rồi lại không phải vậy. Con đường nghệ thuật chông gai, cần lắm những người tiên phong can đảm tìm tòi những điều mới lạ, dẫu biết rằng “lựa chọn là mất mát”…

Mỹ Trang