DOP – nghề “hiếm” của điện ảnh Việt Nam

DOP là tên viết tắt của cụm từ “Director of Photography” tức là đạo diễn máy, ánh sáng, khuôn hình… họ chỉ đạo người quay phim thực hiện mọi động tác làm sao để tạo nên được những khuôn hình đẹp nhất, có chất lượng cao nhất, đảm bảo thành công cả về mặt kỹ thuật và nghệ thuật.

(TGĐA Online) - Đối với thế giới đặc biệt là những quốc gia có nền điện ảnh phát triển mạnh mẽ hiện nay thì cụm từ “giám đốc hình ảnh” gọi tắt là DOP đã trở nên hết sức quen thuộc, gần gũi. Tuy nhiên với Việt Nam khi chúng ta mới bắt đầu chập chững bước chân vào guồng máy công nghiệp điện ảnh, hòa nhập cùng với con đường chuyên nghiệp hóa của thế giới thì cụm từ này còn hết sức mới mẻ, xa lạ đối với nhiều người ngay cả đối với những “dân” trong nghề.


Những đóng góp của DOP với nghệ thuật điện ảnh:

DOP Trinh Hoan và diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Vinh Sơn tại LHP Du bai

Đẳng cấp của các DOP cao hơn quay phim một bậc bởi họ là người chịu trách nhiệm về tất cả hình ảnh trong một bộ phim. Sự ấn tượng, độc đáo hay mờ nhạt, vô hồn của phần hình ảnh trong phim phụ thuộc khá nhiều vào bàn tay của người quay phim - “họa sĩ khuôn hình” này. Vì vậy mà hiện nay các nhà làm phim, các nhà sản xuất rất chú trọng đến yếu tố hình ảnh. Thậm chí có nhiều đạo diễn, nhiều nhà sản xuất chọn cách “toàn tâm toàn ý” nhờ hình ảnh quyết định sự “thành - bại” đối với “đứa con tinh thần” của mình.

Trong xu thế công nghiệp sản xuất phim truyền hình và phim truyện nhựa phát triển nhanh như ở Việt Nam hiện nay thì vai trò của DOP càng tỏ rõ sức ảnh hưởng hơn bao giờ hết. Mỗi năm chúng ta sản xuất trên dưới hàng trăm các phim truyền hình ở mỗi thể loại khác nhau, hàng chục bộ phim nhựa được bấm máy…Vì vậy để tạo nên được hiệu quả và thu hút đông đảo công chúng quan tâm thì chất lượng của phim nói chung và chất lượng của hình ảnh nói riêng cần phải được đầu tư, quan tâm và trau chuốt một cách kỹ lưỡng, có bài bản hơn bất cứ điều gì.

Nguyễn Tranh đang chỉ đạo một cảnh quay

Hình ảnh là yếu tố sẽ được khán giả chú ý đầu tiên bất kể theo dõi một bộ phim truyện nhựa hay truyền hình. Hình ảnh giúp lột tả được cảnh ngộ, tâm trạng, số phận … của nhân vật. Mang đến cho người xem những cảm xúc khác nhau. Điều đặc biệt là có thể hình ảnh còn góp phần vào việc khơi gợi trí tưởng tượng cho chính những khán giả theo dõi tác phẩm ấy. Sự bay bổng, nên thơ, lãng mạn hay ảm đạm, bi thương… của hành trình số phận, cuộc đời các nhân vật được biểu hiện thông qua toàn bộ những hình ảnh mà các quay phim, các DOP miệt mài lao động. Nói cách khác DOP chính là người sáng tạo ra những góc máy lạ, cảnh quay độc đáo, ánh sáng đẹp… cho một bộ phim.

DOP Trinh Hoan

Chính từ việc nhận thức được vai trò quan trọng của hình ảnh và đặc biệt là vai trò của một “giám đốc hình ảnh” với những kỹ năng và thao tác chuyên nghiệp mà ngày nay hầu hết các hãng phim có sự đầu tư kinh phí cao đều cần đến bàn tay biến hóa và những cái đầu thông minh của các DOP. Yếu tố hình ảnh được nâng cấp một cách chuyên nghiệp, kỹ lưỡng là một yếu tố đảm báo cho sự “hút khách” mỗi khi phim ra mắt khán giả. Và thực tế chứng minh rằng hầu hết những phim truyện nhựa hay phim truyền hình ăn khách, để lại được nhiều tiếng vang trong vài năm vừa qua đều có sự hỗ trợ đắc lực của các DOP tham gia vào trong đó.

DOP đang chuẩn bị một cảnh quay

Năm 2008 khán giả truyền hình từng lên cơn “sốt” với bộ phim “Bỗng dưng muốn khóc” của đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Đãng. Không thể phủ nhận nội dung hấp dẫn của chuyện phim được đạo diễn bỏ nhiều công sức đầu tư cũng như dàn diễn viên đẹp, nổi tiếng…Tuy nhiên điều giúp cho bộ phim này thêm ấn tượng và liên tục trở thành điểm “nóng” trên các diễn đàn có lẽ là nhờ những cảnh quay “đẹp như mơ” của hai “phù thủy” hình ảnh là Nguyễn Nam và Nguyễn Tranh. Bộ phim là một bức tranh đẹp với những cảnh ngoại của đường phố Sài Gòn. Nhận xét chung của nhiều khán giả là: “Có lẽ chưa bao giờ thấy một bộ phim truyền hình nào mà quay Sài Gòn đẹp và thơ mộng đến thế”…Không chỉ với truyền hình mà Nguyễn Tranh, Nguyễn Nam còn thành công trong vai trò DOP của nhiều siêu phẩm “ăn khách” trên màn ảnh rộng như “Đẹp từng cm, Nụ hôn thần chết”…

Ngoài Nguyễn Tranh và Nguyễn Nam thì hiện nay điện ảnh của Việt Nam còn ghi nhận tên tuổi của hai DOP thành công từ quay phim “tay ngang” sang đó là Trinh Hoan và Phạm Hoàng Nam. Cả hai đều là những quay phim có chuyên môn cao, tay nghề vững và có sự phiêu linh, sáng tạo trong mọi cú máy, khuôn hình… Được đánh giá là “tay máy vàng” với rất nhiều những thước phim lưu lạ nhiều dấu ấn. Phim có Phạm Hoàng Nam tham gia với vai trò là DOP luôn luôn là những cuộc chơi ánh sáng ngoạn mục, những góc máy sáng tạo phá bỏ mọi quy tắc bó buộc. Sự tự nhiên, lạ có thể nói là những từ phù hợp nhất khi xem phim có DOP Phạm Hoàng Nam. Trinh Hoan cũng là một tay “cừ” của quay phim khi lên chức DOP trong làng điện ảnh Việt. Anh để lại ấn tượng cho khán giả yêu điện ảnh khi chứng tỏ đẳng cấp của mình qua nhiều phim nhựa. Bộ phim mới nhất của anh làm DOP “Trăng nơi đáy giếng” – Đạo diễn Vinh Sơn gặt hái rất nhiều giải thưởng trong đó phần hình ảnh được đánh giá cao đã tiếp tục khẳng định thương hiệu của DOP này. Hình ảnh trong “Trăng nơi đáy giếng” rất đẹp và giàu cảm xúc. Khán giả xem phim thấy mỗi cảnh quay đều như được Trinh Hoan chắt chiu từng dòng cảm xúc của mình để hòa với tâm trạng nhân vật và bối cảnh xung quanh tạo nên hiệu quả thẩm mĩ cao về mặt thị giác. Điều đó đã phần nào đẩy tâm trạng của nhân vật thêm giằng co, đầy mâu thuẫn, đau đớn.

DOP Phạm Hoàng Nam

Có thể nói với vai trò DOP của mình những Nguyễn Tranh, Nguyễn Nam hay Trinh Hoan và Phạm Hoàng Nam.. đã hoàn thành xuất sắc công việc sáng tạo hình ảnh, thổi hồn vào những khuôn hình và tạo nên rất nhiều những thước phim ấn tượng. Họ đã góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng thành công chung cho một bộ phim. Nói như đạo diễn Lê Bảo Trung thì DOP chính là “con mắt của đạo diễn, họ giúp cho đạo diễn truyền tải được ý đồ nghệ thuật, những điều muốn gửi gắm vào bộ phim thông qua những hình ảnh biểu cảm và giàu sức nặng”. Hình ảnh ấy đi vào trong tâm trí của người xem, nó đọng lại và còn nhắc người ta nhớ đến câu chuyện phim ấy. Sự hiện diện của các DOP giúp cho chất lượng hình ảnh trở nên hấp dẫn hơn. Có thể nói DOP đã mang lại hiệu quả không thể phủ nhận cho tất cả các sản phẩm điện ảnh và truyền hình.

DOP – nghề hiếm của điện ảnh Việt hiện nay:

DOP Nguyễn Tranh

Tuy nhiên có một thực trạng đáng buồn đang xảy ra đó trong công nghệ sản xuất phim của Việt Nam hiện nay vai trò của DOP chưa thực sự được nhiều nhà sản xuất cũng như các đạo diễn coi trọng. Suốt một thời gian dài các hoạt động sản xuất phim của Việt Nam với những công việc như đặt góc máy, lấy khuôn hình, bắt nét, chỉnh sáng… được giao cho quay phim. Vì lý do như nhà sản xuất không muốn mất thêm chi phí làm phim hoặc do thói quen làm phim là chưa biết đến sự tồn tại của vai trò “giám đốc hình ảnh”.. Chính thực tế ấy đã đẩy công việc của các quay phim trở nên hết sức nặng nhọc khi họ phải ôm đồm quá nhiều những công việc cùng một lúc, không thể xử lý kịp thời cũng như dành trọn mọi nỗ lực của mình cho hoạt động sáng tạo những cảnh quay theo ý muốn. Vì vậy mới có chuyện hình ảnh không đạt chất lượng, hình ảnh được quay một cách cẩu thả, vô hồn, không có ý nghĩa… Và người ta đổ lỗi cho các quay phim.

Cảnh phim Trăng nơi đáy giếng - DOP Trinh Hoan

Hiện nay nền công nghiệp điện ảnh non trẻ, mới chập chững những bước đi đầu tiên của Việt Nam đã phần nào học tập và tiếp thu kinh nghiệm làm phim tiên tiến của thế giới. Trong việc hội nhập và bắt nhịp chung ấy phải kể đến việc các nhà làm phim, các nhà sản xuất đã nhận ra vai trò quan trọng và cần thiết của một DOP. Việc đánh giá đúng vai trò và chức năng của DOP như một điều kiện cần thiết và nên có trong mỗi một sản phẩm dù là điện ảnh hay truyền hình. Nó sẽ mang lại những hiệu quả tốt cho chính tác phẩm ấy. Nói như giám đốc sản xuất hãng phim M&Picture Trần Bình Trọng thì: “Hiện nay các phim truyền hình đều sử dụng hai máy quay, có DOP nhà sản xuất yên tâm hơn, đảm bảo hai góc máy đều thống nhất về phong cách thể hiện.”

Đoàn phim Đẹp từng centimet

Có một thực tế đang diễn ra đó là vai trò của các DOP chỉ mới được các nhà sản xuất, các đạo diễn phía Nam coi trọng còn các nhà làm phim miền Bắc có lẽ vẫn thờ ơ và chưa đánh giá đúng vai trò của một thành phần quan trọng trong toàn bộ ê kip của đoàn làm phim. Điều dễ dàng nhận thấy là hầu hết các phim phía Bắc đều chưa có sự tham gia của các DOP trong khi phía Nam thì lại rầm rộ khai thác sự ảnh hưởng, vai trò của DOP để thực hiện các phim của mình. Không so sánh về nội dung phim hay các yếu tố khác mà chỉ nói về hình ảnh. Chắc chắn ai cũng dễ dàng nhận thấy các phim của Sài Gòn từ nhựa cho tới truyền hình đều đạt chất lượng tốt về hình ảnh với những cảnh quay tạo được hiệu quả cao về tất cả các khâu như ánh sáng, độ nét hay tông màu… Đó chính là nhờ bàn tay của các DOP.

Cảnh phim có sự tham gia của DOP Nguyễn Tranh, Nguyễn Nam

Việc sản xuất liên tục, không ngừng các sản phẩm truyền hình cũng như điện ảnh của các hãng phim tư nhân và nhà nước đòi hỏi phải có một đội ngũ các DOP được đào tạo bài bản, có trình độ và kinh nghiệm nhất định. Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có bất cứ một trường đại học nào đào tạo về một ngành nghề cần thiết này. Ngay cả trường đào tạo về điện ảnh chuyên sâu cũng không hề có sự xuất hiện của ngành học này. Các kiến thức mà các DOP có chủ yếu vẫn là do kinh nghiệm tích lũy từ bản thân sau nhiều năm làm quay phim cộng với việc tham gia vào một vài lớp học ngắn hạn về DOP của các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam. Hiện nay mới chỉ có 4 DOP nổi tiếng và tham gia vào nhiều dự án điện ảnh và truyền hình nhất là Nguyễn Tranh, Nguyễn Nam, Trinh Hoan và Phạm Hoàng Nam… Đây là bốn cái tên thường xuyên xuất hiện sau mỗi lần Generic hiện lên cuối phim. Bốn DOP trong cả một chu trình sản xuất điện ảnh khép kín và liên tục như Việt Nam hiện nay là con số quá nhỏ, không thấm vào đâu. Chính vì vậy mà cần hơn nữa những người sẽ tiếp tục tham gia vào vai trò “giám đốc hình ảnh” để DOP một nghề đang có giá không quá “hiếm” như hiện nay.

DOP với vai trò của mình đang góp phần tạo nên một diện mạo mới cho chất lượng hình ảnh của một tác phẩm điện ảnh và truyền hình. Đây là một nghề “hot” nhưng còn khá “hiếm” và lạ lẫm ở Việt Nam. Việc sản xuất điện ảnh chuyên nghiệp cần thiết phải có sự tham gia của những bộ phận được chuyên nghiệp hóa và thực hiện đúng chức năng của mình. Như vậy mới có những tác phẩm có chất lượng thực sự để cống hiến cho người xem.

Hương Giang