Đông đảo nghệ sĩ dự ngày giỗ 7 năm của NSND Phùng Há

(TGĐA Online) - Lâm Chi Khanh, Phi Nhung, Kim Tử Long, Bạch Tuyết, Khánh Thi, cùng đông đảo nghệ sĩ cải lương đã tề tựu tại lễ tưởng niệm 7 năm ngày mất của “bà tổ” ngành cải lương – NSND Phùng Há.

gio ns Phung Ha

Sáng 16/6, nghệ sĩ Thanh Bạch cùng hãng phim Vietcom đã tổ chức lễ tưởng niệm 7 năm ngày mất của cố NSND Phùng Há tại chùa Nghệ sĩ TPHCM. Rất đông nghệ sĩ sân khấu thuộc nhiều lĩnh vực đã tụ họp về tưởng nhớ nhân ngày giỗ 7 năm của bà. Dù không phải là nghệ sĩ cải lương, nhưng Thanh Bạch là người đã đứng ra vận động nhiều nguồn tài trợ để tổ chức được ngày giỗ của má Bảy Phùng Há thật ấm cúng. Chia sẻ về lý do tổ chức ngày này, Thanh Bạch cho biết “Anh muốn các thế hệ nghệ sĩ trẻ có cơ hội thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với người có đóng góp to lớn vào nền nghệ thuật cải lương của nước nhà như NSND Phùng Há”.

Ngoài ra, đại diện hãng phim Vietcom, bà Nguyễn BảoTrâm cũng cho biết: “Đây là một trong những sự kiện có tầm ý nghĩa to lớn đối với những người làm nghề như chúng tôi. Chính vì vậy, tôi muốn góp một phần sức nhỏ để mang đến ngày giỗ cho NSND Phùng Há thật long trọng. Điều đó góp phần giúp các nghệ sĩ trẻ có nhiều động lực để giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật cải lương truyền thống của nước nhà".

gio ns phung ha2



Lễ tưởng niệm diễn ra từ 9h00 - 13h00, bên cạnh hoạt động chính là dâng hương lên mộ NSND Phùng Há, các nghệ sĩ diễn lại những trích đoạn cải lương kinh điển mà bà đã từng thủ diễn hoặc dàn dựng. Nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng đã có những chia sẻ về bài học đầu tiên được học từ nghệ sĩ Phùng Há.

NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo. Bà được xem là một trong những vị tổ của bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam. Hầu hết cuộc đời bà gắn bó với bộ môn nghệ thuật này và để lại dấu ấn với nhiều vai diễn khác nhau cũng như đào tạo ra nghệ sĩ kế thừa đầy tài năng như: Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thành Được và cả thế hệ sau này như: Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Linh Tâm, Cẩm Thu, Hữu Quốc, Thoại Mỹ… Năm 1958, bà đề xuất mua đất, xây dựng nên Chùa Nghệ sĩ tại Sài Gòn để làm nơi yên nghỉ cho những nghệ sĩ cải lương. Bà cũng tự xuất tiền để xây dựng bia mộ cho các nghệ sĩ lão thành và cấp dưỡng cho vài nghệ sĩ nghèo.

Vũ Liên