Đoàn Lê: Ánh sáng của một ngôi sao

(TGĐA) - Đoàn Lê là một con người có tài năng thiên phú về văn chương, nghệ thuật. Con đường chị đến với văn chương, đến với nghệ thuật như đã được mở sẵn từ tâm hồn chị từ thuở ấu thơ. Và ngôi nhà văn chương, ngôi nhà nghệ thuật Việt Nam như sáng thêm khi chị bước vào.

doan le anh sang cua mot ngoi sao Khai mạc Triển lãm Dấu ấn Điện ảnh Việt Nam qua 20 kỳ LHPVN: Xúc động và bồi hồi...
doan le anh sang cua mot ngoi sao Ban tổ chức LHP Việt Nam tới thăm và tặng quà người có công với Cách mạng
doan le anh sang cua mot ngoi sao Poster đầu tiên của 'Tháng năm rực rỡ' đậm chất lưu bút, rực rỡ sắc màu
doan le anh sang cua mot ngoi sao Mẹ đẻ 'Làng Vũ Đại ngày ấy' – Nhà văn Đoàn Lê từ giã cõi trần
doan le anh sang cua mot ngoi sao Loạt ảnh quý trong phim Người Hà Nội năm ấy...

Đoàn Lê sinh năm 1943 tại Hải Phòng trong một gia đình Nho học. Thân sinh chị là một thầy thuốc. Chị không theo nghề của cha nhưng cốt cách của nghề “cứu nhân độ thế” đã là nền tảng cho thiên hướng của chị. Là nhà văn, là nghệ sỹ, chị đã dùng những trang viết của mình an ủi những số phận bất hạnh, làm dịu những vết thương đời. Trong những trang sổ tay của thế hệ thanh niên những năm 1960, 1970 còn lưu những dòng thơ chị viết trong bài Bói Hoa với những suy tư về Tình yêu tuổi trẻ. Rồi sau này, bài thơ Ngày Về cũng xác định vị trí vững chắc của chị trong nền thơ ca hiện đại. Hình ảnh người thương binh hỏng mắt đi bên người yêu, vẫn tưởng tượng cô gái trẻ trung, xinh đẹp như xưa khiến người se lòng nhưng chứa đựng tinh thần lạc quan, đúng như tính cách của chị. Từ thơ, chị đưa câu chuyện vào phim. Bộ phim đã chạm đến trái tim khán giả bởi cảm xúc chân thực của tập thể những người nghệ sỹ điện ảnh.

doan le anh sang cua mot ngoi sao
Nữ Văn sỹ Đoàn Lê

Ánh sáng của màn ảnh đã vẫy gọi Đoàn Lê đến với nghệ thuật thứ Bảy. Sau khi tốt nghiệp khóa diễn viên đầu tiên của điện ảnh cách mạng, Đoàn Lê nhận vai cô giáo Hồng Vân trong phim Quyển vở sang trang. Công chúng còn nhớ hình ảnh cô giáo Hồng Vân dịu dàng trên lớp học đơn sơ dạy dỗ những học trò cá biệt. Nghề diễn viên làm người ta phải biết quên mình đi để hóa thân thành những nhân vật khác nhau. Nhưng với người viết văn, dường như lại hoàn toàn khác. Trái tim mẫn cảm của nhà văn va chạm với cuộc đời hình thành những truyện ngắn, những kịch bản thấm đượm tình người, tình đời. Những truyện ngắn đầu tay như Đôi mắt hoa nhài, Trương Viên, Cây xoan non…đã báo hiệu tài năng của một cây bút luôn quan tâm, lo lắng đến những số phận bé nhỏ. Rồi sau đó, một loạt những kịch bản có chất lượng tốt của chị được dựng thành phim như Bình minh xôn xao, Cha và con, Làng Vũ Đại ngày ấy…Đặc biệt, với phim Làng Vũ Đại …chị đã mang đến nghệ thuật làm phim một phong cách chuyển thể rất mới, rất hiện đại. Nghĩa là, nhà Biên kịch đã kể một câu chuyện dựa trên nhiều câu chuyện, đã kể một câu chuyện trong đó không những có nhà văn mà còn có các nhân vật của mình. Tiếp tục mạch cảm xúc về những nhân vật bé mọn ở bên lề cuộc sống, chị đã viết truyện ngắn Thành hoàng làng xổ số. Từ truyện ngắn này, chị đã chuyển thể thành kịch bản phim Người Cầu May. Một bộ phim được thử thách qua thời gian, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Cuối những năm 80, chị cho ra mắt tiểu thuyết Cuốn gia phả để lại. Đây thực sự là cuốn sách quan trọng trong sự nghiệp văn chương của chị. Với lối viết rõ ràng, mạch lạc và giọng kể điềm đạm, chị đã dựng lên bức tranh đa góc, đa chiều về những mối quan hệ đa tầng trong gia đình, dòng họ. Cuốn tiểu thuyết đã vinh dự được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng. Sau này, chị còn viết nhiều tác phẩm nữa với cảm xúc từ Xóm Chùa – một làng quê, một quê hương sáng tác của chị. Nhiều tác phẩm của chị được dịch sang tiếng Anh và được dư luận đánh giá cao.

Không những thành công trong nghề viết, chị Đoàn Lê còn thành công trong vai trò đạo diễn. Những bộ phim do chị dàn dựng như Con Vá, Chim bìm bịp…đã được nhiều giải Bông sen bạc và Huy chương trong các kỳ Liên hoan phim toàn quốc. Đặc biệt, bộ phim truyền hình dài tập Người Hà Nội do chị đồng đạo diễn đã gây tiếng vang lớn trong công chúng. Chính từ bộ phim này, ca khúc Chị tôi đã ngân vang, được người xem, người nghe mến mộ và có cuộc sống riêng của mình. Mỗi người hát, nhiều người hát như hát về chị, hát về cuộc đời nhiều ánh sáng, đầy sắc mầu của chị.

doan le anh sang cua mot ngoi sao
Bộ phim truyền hình dài tập Người Hà Nội do chị đồng đạo diễn đã gây tiếng vang lớn trong công chúng

Sau ba phần tư thế kỷ lao động nghệ thuật tận tụy và cần mẫn, trái tim của người phụ nữ tài hoa đã ngừng đập. Chị như một ngôi sao đến với cuộc đời này. Hôm nay, ngôi sao ấy đã tắt. Nhưng ánh sáng của chị, ánh sáng từ những tác phẩm của chị mãi mãi vẫn còn trong cuộc đời này, tiếp tục soi rọi cho những thế hệ sau tiếp bước. Vĩnh biệt chị, một người đồng nghiệp lớn, một tấm gương mà chúng tôi luôn học hỏi. Chúng tôi luôn cảm thấy hình ảnh chị vẫn thấp thoáng đâu đây.

Biết tin nữ văn sỹ Đoàn Lê qua đời, một số bạn bè thân thiết của chị trong giới điện ảnh và văn chương đã không giấu được cảm xúc nghẹn ngào thương tiếc.

Trên facebook cá nhân, đạo diễn, diễn viên Trần Quốc Trọng viết bài thơ “Tiễn chị”

Bỗng dưng nghe gió chuyển mùa Hình như trời đất mới vừa tiễn ai Hoa mây. Hoa nước. Hoa người Cho đa đoan mãi. Một đời Bói Hoa

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã viết: “Một kế hoạch đã chuẩn bị từ trước, liên quan đến nhiều người kéo tuột em đi xa. Nhưng có lẽ Trời biết em khó mà chịu được chuyện nhìn thấy Chị sau một ô kính nhỏ xíu nên đã mấy lần em ngập ngừng định bỏ cuộc đi, rồi có gì đó lại thúc giục em cứ đi đi... Gọi là một cuộc chạy trốn cũng phải. Nhưng cả ngày hôm nay, cho đến lúc này, giữa những ồn ào vui vẻ của những người bạn cũ 40 năm mới tụ hội, câu hát "Thế rồi... Chị ơi..." cứ vang vang, ám ảnh tâm trí em. Giờ di quan của Chị, em ngủ trưa, và mơ thấy đang ngồi ăn bữa cơm đạm bạc ở ngôi nhà cổ trong Lủ cùng với Chị. Chắc còn lâu em mới có thể viết về những gì đã có giữa chị em mình. Thôi thì cứ mong một ngày sẽ nguôi ngoai, để em viết được về những điều mà em đã biết, đã cảm trong những ngày có chị có em. Hoặc cũng có thể không bao giờ em viết được nó ra. Nhưng em biết, ở mãi cao xanh, Chị biết em yêu và thương chị vô cùng. Chị biết, và sẽ chỉ cười thật hiền thôi, phải không Chị Đoàn Lê?

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát viết những dòng ngắn gọn nhưng chất chứa yêu thương: “Thương tiếc chị nhiều. Được làm việc cùng chị ở một cơ quan là Hãng PTVN trong nhiều năm nên rất hiểu con người hiền hậu dịu dàng nhỏ nhẹ của chị. Những trang viết thật hấp dẫn và cũng thật ngọt ngào, sâu sắc…

Họa sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú viết: “Hôm nay Hà Nội buồn tiễn đưa chị về cõi vĩnh hằng. Mấy hôm rồi nhiều trang facebook của bao người thương tiếc chị đã đăng bài, đăng ảnh, đưa tin. Tôi im lặng vì tiếc thương chị kèm thêm bao cảm xúc lẫn lộn khi nhớ về những thập niên 70 của thế kỷ trước khi làm việc tại Xưởng Phim truyện Việt Nam 4 Thuỵ Khuê, Hà Nội. Cái ngày chúng tôi đi Tiên Kiên, Phù Ninh Vĩnh Phú làm bối cảnh cho phim Bình Minh xôn xao mà chị là tác giả kịch bản và đạo diễn là bác Nguyễn Ngọc Trung. Cái ngày mà chị "bị đày" xuống Tổ Trang trí - Mỹ công làm công nhân nghệ thuật với anh em chúng tôi. Khi ấy tổ chúng tôi thường xuyên phải trèo leo trên xe thang để vẽ cụm phông cho bộ phim sân khấu Thanh gươm Cô Đô đốc mà hoạ sĩ thiết kế là chú Đào Đức kiêm phân xưởng trưởng phân xưởng Thiết kế Mỹ thuật và bối cảnh phim Bức tường không xây của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi.

Là nữ, đáng lẽ được ngồi phán bên dưới, nhưng chị vẫn leo trèo như hệt anh em chúng tôi: Nguyễn Mậu Thịnh, Hoàng Chí Long, Lê Chấn, Lê Văn Nồng, Nguyễn Văn Quý (tổ mỹ công), Hồ Ngọc Thạch và Đỗ Lệnh Hùng Tú.

Những người cùng thời ngày ấy còn có ông Nguyễn Thụ và ông Lập còn làm ở kịch đoàn, ông Tờ, ông Hiến làm tổ chức, ông Ngà, anh Hảo làm công đoàn, tổ trưởng đạo cụ Hồ Sĩ Chi, bạn Tạ Hùng con trai nhạc sĩ Tạ Tấn, tổ trưởng tổ phục trang là cô Mỹ Dung (phu nhân của thầy giáo Đinh Trọng Khang), bà Ôn Nguyệt Mai (là phu nhân đạo diễn Nguyễn Khánh Dư), tổ trưởng tổ hoá trang là nghệ sĩ Nhữ Đình Nguyên... Có hôm đang leo trèo vẽ phông, Giám đốc Vũ Năng An và quản đốc phân xưởng Trần Ngọc Truật vào kiểm tra. Chị Đoàn Lê nghịch lắm giả vờ như không biết có người đứng dưới, cứ thản nhiên vẩy bút khiến lãnh đạo phải rời trường quay ngay tức thì vì sợ bị dính màu.

Vật liệu hành nghề mỹ công của chúng tôi thường là tre, nứa, dây kẽm, giấy, hồ, keo da trâu, bột màu và các loại sơn cửa... và đó chính là chất liệu để nữ sĩ Đoàn Lê viết một bài thơ tuyệt hay trên báo tường của phân xưởng chúng tôi

Chị đã viết: "Giang, Nan, Hồ, Rễ, Keo, Sơn Những hoan tính sổ đoạn trường cho xong Chót mang chút nghĩa đèo bòng Nhớ câu "xanh vỏ đỏ lòng" dám quên Thì thôi ván lại đóng thuyền Khéo tay chắp vá mảnh duyên lại lành Ta ngồi ngất ngưởng mây xanh Mặc người thật giả riêng mình phù du"

Bài thơ khi vừa được chị đọc ra và tôi đã thuộc khá nhanh, thế mà giờ đây đã cách nay 40 năm rồi.

Năm 1981 ghé thăm anh Tự Huy và chị ở Làng Lủ trong một ngày mưa bão, chị đã xẻ nhà xẻ cửa đón tiếp chúng tôi ăn uống, nghỉ ngơi.

2003, Khi có dịp đi Đồ Sơn, chúng tôi đã ghé thăm chị. Không thể nào quên tiếng cười vui của chị và lòng mến khách chân tình.

Thế mà hôm nay chị đi. Trời ơi buồn biết mấy...

doan le anh sang cua mot ngoi sao Nhớ về Đà Nẵng lần thứ 8: Ngày ấy… năm ấy…
doan le anh sang cua mot ngoi sao 'Ở đây có nắng': Tình phụ tử dạt dào cảm xúc
doan le anh sang cua mot ngoi sao Mẹ đẻ 'Làng Vũ Đại ngày ấy' – Nhà văn Đoàn Lê từ giã cõi trần
doan le anh sang cua mot ngoi sao Đạo diễn Việt Trinh: 'Rất nhiều lần tưởng không vượt qua nổi'