Diễn viên vui buồn chuyện… khổ

Nếu có dịp theo chân một đoàn phim nào đó, bạn sẽ dễ dàng nhận ra ngay những điều mà mình cứ nghĩ là diễn viên không đáng phải “khổ” như thế. Hôm nào quay cảnh đông người, diễn viên phải thức dậy từ 4 giờ sáng để lo hóa trang là chuyện rất thường tình, đơn giản vì chuyên viên hóa trang chỉ có vài người, nên phải làm sớm như vậy mới kịp giờ quay.

(TGĐA) - Trong đời sống chuyện sướng khổ là chuyện bình thường, nhưng với diễn viên thì khổ và sướng xem ra có nhiều chuyện... rất lạ.


Cảnh trong phim Lục Vân Tiên

Khổ trăm bề

Đó là chưa kể đến cái nắng: một vùng cát nóng rực, không có dù che, cũng không một bóng cây, cả đoàn phim cứ hì hục hết cảnh này tới cảnh khác, trên nắng dưới nóng, chỉ việc cái khát thôi là cũng đủ thấy diễn viên mình chịu đựng giỏi biết dường nào. Quyền Linh từng bộc bạch: “Nói về khổ thì đúng là diễn viên Việt Nam khổ số...1. Khi gặp trời nắng, máy quay được anh phụ quay lấy dù ra che còn diễn viên chỉ biết trân mình chịu trận! Tiền cát-sê thì diễn viên nào cũng bảo là tượng trưng, chưa ai dám nói rằng đủ xài.

Cảnh trong phim Tham vọng

Phim Một thời ngang dọc của đạo diễn Xuân Cường (Điện ảnh Chiều thứ Bảy) - do kinh phí quá hạn hẹp nên các diễn viên của ông phần đông ai cũng thở dài: “Lỗ!” khi được hỏi về cát-sê. Diễn viên Nguyễn Châu đóng hai tháng trời, xài thâm vào tiền nhà gần 3 triệu đồng. Ngay cả đạo diễn Xuân Cường, thay vì chỉ cần ngồi một chỗ chỉ đạo diễn xuất, lại luôn phải tả xung hữu đột, nói khan cả giọng. Hầu như công việc nào anh cũng đảm nhiệm. Phải kiêm nhiệm nhiều như thế vì các phó đạo diễn, kịch vụ, thư ký trường quay của anh thuộc đối tượng “học nghề”. Anh cười giải thích: “Đơn giản vì không đủ tiền trả lương cho những người có nghề!”. Ba tháng dầm mưa dãi nắng ở đất Vĩnh Long, một tháng âm thầm trong phòng dựng, những tưởng anh sẽ có được một số tiền kha khá nhưng anh lại cười cho biết : “Tiền lương của anh đã bù lỗ vào phim rồi, vậy mà còn âm nữa kìa, làm gì có dư. Nghề mà, đôi lúc phải biết tự an ủi: Vui là chính, còn được làm nghề là còn hạnh phúc…”.

Đạo diễn mà còn lỗ thì lấy đâu tâm trí để đầu tư sáng tạo cho phim. Diễn viên không có lương đủ xài thì làm sao yên tâm đóng phim. Một diễn viên than: “Bên tao đóng phim, chủ nhiệm tối nào cũng cho ăn cháo trắng với hột vịt muối, mệt và chán chết”. Một anh khác chen vào: “Được vậy cũng còn may. Bên tao chủ nhiệm quên mua bánh mì làm cả chục người phải nhịn đói quay suốt đêm, vì ở tuốt trong hóc bà tó, lại vào nửa đêm, đâu phải có tiền là mua được”.

Hoa hậu Ngọc Diễm và Hòa Hiệp trong phim Tham vọng

Những chuyện như… đùa

Chuyện làm phim cực khổ, thu không đủ bù chi đã là chuyện thường tình. Nhưng chuyện liều mình đóng phim thì có lẽ diễn viên Việt Nam thuộc vào hàng “cao thủ”. Trong phim Lục Vân Tiên, Quyền Linh đã làm cả đoàn ngỡ ngàng khi anh dám cưỡi ngựa từ đỉnh núi phi nước đại xuống núi, bên hông là vực thẳm, đường ngựa chạy chỉ vừa đủ bước sải chân, chỉ cần lệch một chút sẽ nguy hiểm chết người. Vậy mà trong điều kiện mưa gió trơn trợt như thế, anh vẫn làm. Anh kể: “Ngay cả cascadeur thấy cảnh đó còn không dám đóng, nói chi tôi. Nhưng vì cả đoàn phim trông đợi vào mình, thôi thì nhắm mắt “liều” một phen. Vậy mà cú quay đó đã phải quay gần một chục lần, chỉ vì máy quay theo không kịp!”.

Với các cảnh đánh nhau, do ít tiền, tổ thiết kế sử dụng binh khí chủ yếu bằng sắt, vừa bền chắc vừa đỡ tốn kém. Thay vì thuê cascadeur đánh, để tiết kiệm, đoàn phim chỉ mời các anh xe ôm hoặc quần chúng xung quanh ra đánh giùm; khá hơn thì mời được vài ba võ sinh ở các võ đường ra đánh với nhau ở tiền cảnh. Vì vậy mới có chuyện nạn nhân bị lỗ đầu chảy máu hay bị đâm chết rồi mà vẫn không chịu chết, làm bà con xem tivi cứ ôm bụng cười. Hỏi tại sao thì ai cũng bảo: “Tại ít tiền !”.

Cảnh trong phim Hoa gió

Có một diễn viên tên tuổi đóng vai ông hội đồng, bề ngoài quần áo bảnh bao sang trọng, nhưng lúc ra hiện trường, người ta cứ thấy ông nín thở hít hà, thỉnh thoảng lại gãi sồn sột. Hỏi ra mới biết do bộ quần áo cũ quá, lại ẩm thấp bởi giặt giũ không sạch sinh ra chứng... ngứa. Không phải chỉ có ông, trong đoàn cũng khối người cứ gãi lia lịa. Đi đường mà gặp xe hư, diễn viên không còn ngạc nhiên vì xe dành cho đoàn phim phần nhiều là những chiếc xe thuộc đời… lâu lắm. Thậm chí, đã có xe của một đoàn phim bị lật đèo trên Đà Lạt. Những lúc như thế, mọi người mới giật mình, sinh mạng con người mới thấy quý làm sao!

Trong một bộ phim cổ trang chiếu vào dịp tết, không phải diễn viên khổ mà cascadeur cũng khổ nhừ xương. Theo nguyên tắc, chỉ đạo võ thuật chịu trách nhiệm toàn bộ các cảnh đánh nhau, song những thế võ mọi người tập luyện ra đến hiện trường đều bị chê là rắc rối, phức tạp. Phải tường trình, phải cắt nghĩa cả đêm, rồi nhờ quay phim kỳ cựu và cả đạo diễn hành động đứng ra bảo lãnh, đạo diễn mới đồng ý.

Cảnh trong phim Cải ơi

Rút kinh nghiệm, lần sau nhóm cascadeur nhờ một anh đạo diễn tốt nghiệp từ Mỹ về chụp hình từng cảnh đánh nhau dựng thành bản vẽ cho đạo diễn xem, vậy mà đạo diễn vẫn không ngừng thắc mắc, hoạch họe cả buổi. Đến cảnh tiến quân về triều đình cần đến 100 quân lính công thành cứu chúa, nhà sản xuất cho chỉ đạo võ thuật ra Huế trước ba ngày để quy tụ cả ba võ đường tập luyện cùng nhau cho cảnh này. Vậy mà, khi ra đến hiện trường, đạo diễn lại bảo: “ Đông quá rối rắm, chỉ cần một nửa thôi!”. Thế là đoàn phim lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan vì tất cả đã dốc sức tập luyện. Cho đến khi chỉ đạo võ thuật tức giận tuyên bố: “Hợp đồng với 100 võ sư đã xong, không quay cũng phải trả tiền, đạo diễn mới giả lả: “Ừ, quay thì quay!”, và khi quay cảnh này, nhìn đoàn quân ồ ạt tấn công, đạo diễn lại than: “Sao mà ít quân sĩ thế!” (?!)

Ngọc Khánh