Điện ảnh Việt Nam: Cần phát triển đồng bộ và vững chãi

1- Tạo mọi chính sách, cơ chế tốt nhất, tối ưu cho lĩnh vực sản xuất.

(TGĐA Online) - Thời gian vừa qua ngành điện ảnh của chúng ta đã trải qua rất nhiều sóng gió do chủ quan và khách quan đưa lại.Tất cả những ai tâm huyết với ngành đều quan tâm, lo lắng. Nhưng, xét cho cùng, tiên trách kỷ- hậu trách nhân. Tự trách mình trước, sau hãy trách đến thiên hạ.Trên tinh thần đó, mỗi nghệ sĩ cũng cần nhìn lại mình, xem ở cương vị mỗi người đã làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình chưa? Nhà quản lý đã hết lòng, đã mẫn cán với công việc quản lý chưa? Nhà làm phim đã nhiệt huyết, đau đáu với từng thước phim chưa? Nhà phát hành, nhà chiếu phim có cùng chung mối quan tâm đó với đồng nghiệp? Đồng tiền sản xuất phim, bất kể của Nhà nước hay của tư nhân đều quí như nhau liệu đã tạo được cho nhà sản xuất, cho các đạo diễn một sân chơi phóng khoáng để anh toàn tâm toàn ý tập trung cho nghệ thuật sáng tạo? Những người cùng đi trên một con thuyền điện ảnh cần phải đồng lòng cùng vững tay chèo lái về một hướng thì con thuyền ĐA mới hy vọng ra được biển khơi xa.

Tại sao lại thế? Bởi vì, nói đến một ngành điện ảnh của một đất nước không thể không nói đến việc sản xuất phim. Chúng ta không thể mang phim nhập của nước ngoài ra khoe được. Quan tâm đến lĩnh vực này có nghĩa là sẽ tập hợp được tối đa đội ngũ nghệ sĩ, kế thừa và phát triển được các lực lượng sản xuất và sáng tạo. Mỗi bộ phim sẽ cuốn theo nó một đội ngũ nghệ sĩ tổng hợp: Biên kịch , đạo diễn, quay phim , họa sĩ, âm thanh, ánh sáng, kinh tế… Mỗi năm huy động từ mọi nguồn lực (Nhà nước, tư nhân, xã hội hóa, các tổ chức nước ngoài…) tham gia sản xuất phim.

Nhưng dầu vậy, trong giai đoạn trước mắt , nguồn lực từ Nhà nước vẫn phải là chủ đạo. Mỗi năm Nhà nước đầu tư cho khoảng 20 phim truyện (tài liệu và hoạt hình từ trước đến nay đã ở diện đặt hàng rồi, nếu được đặt thêm số lượng phim nữa thì càng tốt) mỗi phim dự toán như hiện nay trung bình là 5 tỷ/phim. Như vậy cần khoảng 100 tỷ/ năm cho sản xuất phim. Như vậy sẽ thu hút được rất nhiều nguồn nhân lực, tập hợp được đội ngũ làm nghề trong cả nước.

Nha_bien_kich_Nguyen_Thi_Hong_Ngat_-_Pho_chu_tich_thuong_truc_HDAVN

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó chủ tịch thường trực HĐAVN

Trong cơ chế xét duyệt để hưởng từ nguồn vốn tài trợ, đặt hàng này không phân biệt hãng tư nhân hay Nhà nước. Bất kể hãng nào có kịch bản hay, phù hợp với tiêu chí về đề tài, thể loại thì đều được. (Đầu năm2011 Cục điện ảnh bước đầu đã làm như vậy, đã tạo được sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các hãng sản xuất).

Điều quan trọng nữa là khi phát triển sản xuất sẽ thúc đẩy sự nghiệp đào tạo phát triển theo. Và phát hành phim Việt ở các rạp lớn cũng nhộn nhịp theo nữa, khán giả sẽ quan tâm đến phim Việt nhiều hơn. Những phim có tiếng vang chắc chắn các LHPQT sẽ không bỏ qua và từng bước phim Việt sẽ nhập được vào mạng lưới phát hành quốc tế.

Được vậy, điện ảnh VN sẽ không chỉ chơi một mình một sân, sẽ không chỉ hát một mình một giọng hoặc con hát mẹ khen như lâu nay nữa.

Bên cạnh việc đầu tư vốn sản xuất cho 20 bộ phim rất cần cân đối đề tài. Đề tài truyền thống, lịch sử, chiến tranh cách mạng là tốt nhưng cần tập trung khuyến khích và dành ưu tiên ưu đãi cho các đề tài đương đại. Tạo mọi điều kiện tốt cho các nghệ sĩ thâm nhập cuộc sống, đến với những lĩnh vực kinh tế hiệu quả, vùng biển đảo, đến với những con người hiện đang làm giàu cho đất nước để đưa lên màn ảnh. Có như vậy các bộ phim của chúng ta sẽ đa sắc, đa thanh hơn, khỏe khoắn hơn. Phản ánh và phục vụ kịp thời cho tiến trình CNH-HĐH đất nước một cách hữu hiệu hơn. Ngày hôm qua quan trọng nhưng ngày hôm nay còn quan trọng hơn.

Đó là chưa nói đến nhiệm vụ then chốt của chúng ta là làm công tác tư tưởng. Mỗi bộ phim phải chuyển tải được tính nhân văn, nhân bản, chuyển tải được tình yêu thương thấm đẫm trong mỗi câu chuyện chúng ta kể trên màn hình để phần nào xua đi cái ác, sự vô cảm đang hoành hành ngoài xã hội. Những con người mà chúng ta phản ánh có những khát vọng cao cả mang tính hướng thiện và đem lại lợi ích cho xã hội. Vì thế, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất phim là nhiệm vụ nên và cần được ưu tiên số một hiện nay.

Can_co_che_cho_nhung_hang_phim_dau_dan_nhu_Hang_phim_truyen_VN

Cần cơ chế cho những hãng phim dẫn đầu như hãng phim truyện Việt Nam

Muốn vậy, phải làm gì? Bên cạnh việc các hãng phim tư nhân mọc lên nhiều như những rừng cây mùa xuân báo hiệu niềm vui và đã có một số hãng hoạt động hiệu quả về kinh tế và chất lượng nghệ thuật. Nhà nước cần củng cố 2 Hãng phim đầu đàn ở 2 TP lớn là Hãng PTVN ở Hà Nội và Hãng Phim Giải phóng tại TP HCM. Hai Hãng này không chỉ là bộ mặt của cả ngành trong lĩnh vưc SX mà còn là di chỉ văn hóa của lịch sử để lại.Có một truyền thống lâu đời, một đội ngũ lành nghề rất đáng tự hào.Nói như bây giờ là họ có một thương hiệu không tiền nào mua nổi. Vì thế, thích nghi với kinh tế thị trường không có nghĩa là phá bỏ tất cả, mà phải biết bảo tồn, kế thừa và phát triển . Cái gì ổn định rồi thì giữ. Cái gì chưa phù hợp thì tìm cách tháo gỡ.

Đường lối của Đảng đã chỉ rõ “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Chúng ta đi theo nền kinh tế thị trường về mặt kinh tế nhưng văn hóa thì không thể thả nổi, mà phải tìm cách “định hướng” cho nó. “Định hướng XHCN”, theo thiển nghĩ của tôi, có nghĩa là định hướng đi tốt nhất, hiệu quả nhất cho văn hóa nghệ thuật . Vì thế tại sao không tìm cho 2 Hãng này một cơ chế đặc thù? Mọi chính sách cũng như cơ chế đều do Nhà nước tạo ra. Nhà nước là ai nếu không phải là những con người cụ thể thay mặt Nhà nước để tạo ra những chính sách, cơ chế đó với những tối ưu nhất nhằm phục vụ cuộc sống?

2- Tổng rà soát lĩnh vưc máy móc thiết bị của cả ngành .

Tôi nói rà soát đây là để tổng kiểm kê chứ không phải để thanh tra xem những cỗ máy đó mua mất bao nhiêu tiền và tại sao có cái lại đắp chiếu để đấy. Tôi không đi vào khía cạnh này.Tôi đi vào khía cạnh tích cực hơn: đó là xem toàn ngành chúng ta có đủ khả năng, đủ công cụ hiện đại để tự sản xuất phim không? Theo tôi được biết các Hãng phim lớn trực thuộc Nhà nước( PTVN,Giải phóng, Phim truyện 1, Hãng TLKH TƯ…đều có máy quay phim nhựa Arri 4 vào loại hiện đại nhất hiện nay. Hiện giờ, nhiều hãng ít quay chất liệu nhựa 35 mm mà họ chuyển sang quay Red one sau đó chuyển nhựa hiệu quả hơn, đẹp hơn, kinh tế hơn. Loại máy này ở VN cũng đã nhiều hãng có. Nếu quay nhựa thì in tráng đều mang sang Thái Lan, Trung tâm KT có xưởng in tráng nhưng đa phần chỉ in tráng phim TL và Hoạt hình( vì 2 thể loại phim này ngắn chỉ khoảng 20-30 phút), riêng phim truyện do làm công phu, tốn kém nên mươi năm trở lại đây đều mang sang Thái lan. Kinh phí sản xuất cũng tốn kém hơn, ít chủ động được vì phụ thuộc kế hoạch của bạn.

Nhung_bo_phim_nhu_Mui_co_chay_deu_phai_mang_qua_Thai_Lan_in_trang

Những bộ phim như Mùi cỏ cháy phải mang qua Thái Lan in tráng

Hòa âm cũng vậy, Trung Tâm KT, PTVN, Hãng Giải phóng đều có phòng hòa âm. Hiện nay nhiều Hãng tư nhân cũng có phòng hòa âm để chủ động SX. Nhưng, hơn 10 năm nay , do máy chiếu ở các rạp trên cả nước đều được trang bị máy Mỹ , có đường tiếng surround, vì thế nên đa số các bộ phim truyện nhựa nếu muốn phát hành được thì đều phải ra nước ngoài hòa âm surround 5.1( Thái lan, Hồng kong, Trung quốc…) và phải mua bản quyền dolby mới được sử dụng …nên kinh phí SX đội lên khá tốn kém.

Thực tế cho thấy rõ, Nhà nước nên tập trung nguồn lực để đầu tư nâng cấp xưởng in tráng và hòa âm surround 5.1 có bản quyền dolby (được chủ sở hữu ở Anh chấp nhận) ở Trung tâm KT phía Bắc và Trung tâm KT phía Nam sao cho hiện đại như Thái lan và nâng cấp ở những nới đang có sẵn như tôi vừa kể ở trên.

Song song với việc nâng cấp trang thiết bị, cần đào tạo cả đội ngũ kỹ thuật sử dụng thành thạo những máy móc này. Tránh tình trạng chỉ đầu tư máy mà quên đầu tư người sử dụng thì việc đầu tư đó cũng bằng thừa lại gây lãng phí lớn.

3- Tổng rà soát lĩnh vực phát hành và phổ biến phim

Rất mừng là hơn mười năm qua nhiều rạp chiếu phim hiện đại đã được xây dựng ở hầu khắp các TP Lớn và các tỉnh thành. Không chỉ các rạp lẻ mà nhiều cụm rạp hiện đại xuất hiện. Nổi bật nhất là cụm rạp Megastar của Mỹ liên doanh với Công ty Phương Nam ở Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng…Các cụm rạp này chủ yếu chiếu phim Mỹ , phim Hàn và liên tục cập nhật phim mới.

Dù sao thì đầu ra của phim là có. Phim phải hay, phải hấp dẫn thì người xem mới đến rạp. Điều này liên quan mật thiết đến điều thứ nhất tôi đã nói ở trên. Đội ngũ làm phim đông đảo, số lượng phim sản xuất dồi dào, chất lượng phim làm ra hay, hấp dẫn- chỉ khi ấy mới chiếm lĩnh được trận địa rạp trên cả nước, khi ấy mới có hy vọng có doanh thu bù vốn và có lãi, lại ngăn được làn sóng phim ngoại ào ạt nhập vào VN. Có như vậy văn hóa Việt mới tìm được vị thế, đẩy lùi được văn hóa ngoại lai.

Một người bạn Mỹ thân thiết của nhiều anh em ĐAVN – anh Michael Digregorio, cán bộ dự án của quĩ Ford đã giúp ĐAVN rất nhiều trong những năm qua, cho biết, tập đoàn Megastar kinh doanh phim Mỹ ở VN trong nhiều năm qua có lãi rất lớn. Chính phủ Mỹ rất muốn họ phải trích một phần lãi đó đầu tư cho điện ảnh VN. Vậy, tại sao Chính phủ VN lại chưa quan tâm đến điều này? Nói rộng ra, chính phủ phải có qui định chặt chẽ về việc này đối với các công ty nước ngoài và trong nước đang kinh doanh việc phát hành phim nước ngoài tại VN. Phải có qui định bắt buộc trích % lãi cho việc đầu tư phát triển sản xuất phim Việt.

Hiện nay cơ chế, chính sách mỗi rạp, mỗi nơi một khác, chưa có sự nhất quán từ trên xuống dưới. Nơi sự nghiệp có thu, nơi doanh nghiệp, nơi công ích…manh mún và mạnh ai nấy làm, chưa có qui hoạch đồng bộ và quản lý chặt chẽ. Một số rạp trực thuộc Bộ VH,TT&DL, một số trực thuộc Sở VH,TT&DL tỉnh, TP..một số rạp của tư nhân, một số- chủ sở hữu là nước ngoài liên danh với một công ty trong nước…Nói chung là rất đa sắc, đa thanh…Từ tiền lãi thu được của phát hành này ước tính không nhỏ. Trong tương lai, đây cũng là một trong rất nhiều nguồn vốn có thể góp phần đầu tư tốt cho SX, thúc đẩy nền công nghiệp sản xuất phim phát triển.

4- Điều quan tâm cuối cùng- lĩnh vực đầu tư cho con người.

Chúng ta nói rất nhiều đến phim, sản xuất phim, phát hành, phổ biến phim nhưng hầu như chưa chú trọng đúng mức đến yếu tố con người ở các lĩnh vực này. Không có con người, làm sao có được PHIM? Từ rất lâu rồi, đội ngũ làm phim ít được Nhà nước quan tâm đến việc đào tạo dài hạn và đào tạo ngắn hạn , đào tạo đi - đào tạo lại.

Đào tạo chính thống đã có 2 trường ĐH SK&ĐA ở HN và TP HCM. Cạnh đó vẫn có những xuất học bổng đi du học nước ngoài. Nhưng việc du học này nhỏ lẻ, không thành chủ trương gửi đại trà như ngày xưa. Mỗi đợt vài chục sinh viên cho các ngành BK,đạo diễn, quay phim, họa sĩ Có vậy, sau dăm bẩy năm thế hệ này may ra mới có thể “làm mới” được cho điện ảnh Việt, thổi một làn gió mới cho điện ảnh Việt.

Bộ VH,TT&DL nên đề xuất chính sách về đào tạo dài hơi cho ĐAVN trình Chính phủ phê duyệt. Chính sách này phải là chính sách được thực thi thường niên. Bên cạnh đó cần có chế độ phát hiện và khuyến khích tài năng. Thấy có nhân tố mới, trẻ trung nhiệt huyết, hãy chìa bàn tay cơ chế ra để nâng đỡ, tạo điều kiện cho nhân tố đó phát triển. Một số Trung tâm phát triển điện ảnh trẻ được thành lập nhưng dường như nơi thì xin tài trợ nước ngoài, nơi thì xin tài trợ của tư nhân - ta chưa thấy có bàn tay cơ chế của Nhà nước quan tâm đến các Trung tâm này để kích cầu cho nó phát triển. Tôi nhấn mạnh 2 chữ cơ chế - chứ không phải tiền. Có cơ chế tốt ắt sẽ có tiền.

Hội Điện ảnh VN có Trung tâm hỗ trợ và phát triển điện ảnh trẻ gọi tắt là TPD- Trung tâm được quĩ Ford tài trợ. Nhưng quĩ Ford đã rút khỏi VN 2 năm nay. Trung tâm này đang loay hoay tìm hướng để tồn tại. Cố gắng không để nó phải xóa sổ vì rất nhiều em đã học ở đây, đã là nơi tạo nguồn để các em bước tiếp vào trường SKĐA.

Đội ngũ chủ lực đang làm phim hiện nay hầu hết đều ngoài 50…lớp trẻ kế tiếp vẫn còn “xôi đỗ”. Chưa tập hợp thành đội ngũ như ngày xưa các thế hệ cha anh ở các hãng lớn. Có người đi kiếm tài trợ từ các nguồn để đuổi theo dòng phim tác giả, có người theo dòng chính thống, có người làm phim giải trí của các hãng tư nhân… Nói chung, điện ảnh nước nhà có nhiều mảng màu tồn tại tự nhiên, chưa được người họa sĩ lớn là Nhà nước chú tâm bố cục hoàn chỉnh để toát lên một gam màu chủ đạo đầy xuân sắc. Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, điều cần nhấn mạnh là phải đào tạo người làm quản lý. Quản lý là một nghề. Chưa chắc anh giỏi chuyên môn đã giỏi cả quản lý. Ngó vào đội ngũ quản lý của ngành thì thấy từ xưa đến nay cứ tuần tự như tiến. Lớp trước nghỉ lớp sau lên…theo kiểu đủn toa. Không có sự đột phá tìm người giỏi trả lương cao để làm doanh nghiệp điện ảnh. CEO của điện ảnh hiện nay đang ở đâu? Các doanh nghiệp lớn họ có câu nói nổi tiếng “CEO giỏi không bao giờ có giá thấp!”. Phải chăng đã đến lúc điện ảnh VN cần đốt đuốc đi tìm CEO giỏi cho mình? Nói thẳng ra là điện ảnh VN đang cần những cái đầu lớn, cái tâm lớn dám làm dám chịu trách nhiệm. Có vậy mới mong điện ảnh VN thay đổi và khởi sắc toàn diện.

Đôi lời tâm huyết của một người làm nghề đã về già, già thường đi đôi với cũ kỹ, lạc hậu. Nên , những điều nêu ra ở trên nếu có gì chưa đúng, chưa chính xác mong được lượng thứ./