Điện ảnh Philippines, sự hồi sinh muộn màng?

Nhiều nhà phê bình cho rằng, điện ảnh Philippines, trong ngắn hạn, gần như đã hoàn thành đầy đủ một chu kỳ: từ việc thiết lập những cơ sở đầu tiên của điện ảnh, tinh chỉnh và xây dựng những quy ước của riêng mình, tiếp xúc du nhập những tinh hoa của hình thức nghệ thuật khác, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng…

(TGĐA) - Sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, tên tuổi của những đạo diễn Philippines lại được vinh danh ở các liên hoan lớn. Phải chăng, đã đến lúc hồi sinh một nền điện ảnh nhiều biến động nhất Đông Nam Á?


Poster phim Confessional

Nhìn lại chặng đường

Đã có một thời những thành tựu đạt được của nền điện ảnh Philippines khiến nhiều người ngưỡng mộ. Điện ảnh ở Philippines ra đời rất sớm từ những năm 30 của thế kỷ trước và ngay lập tức được đông đảo công chúng đón nhận như một loại hình nghệ thuật đầy bí ẩn. Những câu chuyện phim bắt nguồn từ những tác phẩm sân khấu hay những tác phẩm văn học nổi tiếng, điều sẽ đảm bảo cho sự an toàn của bộ phim sẽ được phát hành. Tuy vậy những bộ phim về lòng yêu nước vẫn ra đời bất chấp sự kiểm duyệt gắt gao. Đạo diễn, tác giả kịch bản, diễn viên Julian Manasala đã nỗ lực cùng với những người cộng sự của mình sản xuất bộ phim Patria Amore (Tổ quốc thân yêu) với tinh thần chống Tây Ban Nha rõ rệt, nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả. Julian Manasala trở thành người đi đầu trong dòng phim dân tộc của Philippines.

Sang đến những năm 40, các bộ phim của nền điện ảnh Philippine chuyển sang đề tài chiến tranh với hình thức phỏng tài liệu, cũng là là vấn đề nổi bật nhất của xã hội Philippine thời kỳ này nên được công chúng đón nhận. Tuy nhiên, một loạt những bộ phim chịu ảnh hưởng của nền công nghiệp điện ảnh Nhật Bản khi đó như The Dawn of Freedom, Tatlong Maria khiến người xem dần chán ngán. Họ khao khát những tác phẩm thuộc về dân tộc mình.

Kỷ nguyên vàng của phim Philippines bắt đầu từ những năm 1950, khi những nhà làm phim trở thành những nghệ sỹ sáng tạo thực thụ. Hệ thống trường quay bắt đầu được hình thành, nhiều thể loại phim cùng được sản xuất với hệ thống đề tài phong phú: tinh thần yêu nước, lòng thù hận với những kẻ thù nước ngoài, những hồi ức chiến tranh, niềm hi vọng về những đổi thay … Đội ngũ những người làm điện ảnh từ đạo diễn, diễn viên đến kỹ thuật viên đều chuyên nghiệp hóa và dành hết tâm sức sáng tạo cho loại hình nghệ thuật tốn kém và nhiều rủi ro này. Bộ phim tiêu biểu thời kỳ này phải kể đến Anak Dalita của đạo diễn Lamberto Avellana, một bộ phim chiến tranh bi tráng nhưng số phận con người vẫn được quan tâm một cách xứng đáng. Đây cũng là thời kỳ một loạt hãng phim ra đời, nổi bật nhất là bộ tứ Sampaguita, LVN, Premiere vàLebran đều đều xuất xưởng hàng chục phim mỗi năm.

Thế nhưng việc chỉ có một số hãng sản xuất đã chớm dậy những nguy cơ của sản xuất độc quyền. Chính vì thế, dù đến thập niên 60, sau một loạt những thay đổi tích cực như việc đưa âm nhạc truyền thống vào phim, cục diện chung của nền điện ảnh Philippine vẫn không có thêm những dấu hiệu khả quan.

Poster phim Himala

Thời vàng son nay còn đâu…

Điện ảnh Philippines thập niên 70 – 80 rơi vào trạng thái hỗ loạn với một loạt những thay đổi tiêu cực. Tiếp tục sự suy giảm về số lượng phim manh nha từ cuối những năm 60, số lượng phim ra đời mỗi năm càng ít đi và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự hỗn loạn trong hệ thống văn hóa của chế độ tổng thống Marcos. Nhiều hình thức giải trí thay thế khác có ảnh hưởng từ lối sống Mỹ xuất hiện khiến điện ảnh càng rơi vào giai đoạn khủng hoảng.

Nhiều người bi quan thậm chí còn cho rằng nền điện ảnh Philippines đang giãy chết khi mỗi năm, lượng vé xem phim bán ra tại thủ đô Manila lại giảm đi 30%. Hơn thế nữa, điện ảnh Philippines còn bị điện ảnh Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông xâm chiếm mạnh mẽ. Có thời gian, dường như chính những người làm điện ảnh Philippines luôn loay hoay một vòng luẩn quẩn mới của thể loại, cốt truyện và phong cách điện ảnh. Những người làm điện ảnh, đôi khi là vô thức hay một cách cố ý, sao chép những bộ phim Hollywood nổi tiếng. Khi không sao chép, phim ảnh Philippines lại trở về phong cách xưa cũ của những năm 1930, phỏng theo một vở kịch hay câu chuyện được tầng lớp thị dân yêu thích.

Có vẻ như điện ảnh Philippines đã và đang lún sâu vào khủng hoảng nhưng bất chấp những nghi ngại đó, điện ảnh Philippines, nói đúng hơn là những nhà làm phim trẻ của Philippines dần dần tìm được hướng đi riêng cho mình. Sự chuyển mình đầy mãnh liệt của một tư duy làm phim mới mẻ, ấn tượng đã trở thành một lối thoát cho nền điện ảnh còn nhiều bâng khuâng này. Nhu cầu được thưởng thức những đoạn phim nóng bỏng dần được các nhà làm phim quan tâm đúng mức. Điện ảnh Philippines không chỉ có những bộ phim về những mâu thuẫn chính trị mà còn có những cảnh quay mềm mại hơn diễn tả tình yêu đôi lứa hay những khao khát bản năng. Bộ phim đáng chú ý nhất thời kỳ này là Ang Pinakamagandang Hayop sa Balat ng Lupa (The Most Beautiful Animal on the Face of the Earth, 1974)

Trong quá trình tìm đường phát triển, có những lúc những người làm điện ảnh Philippines phải tìm cách để phủ định chính mình. Những đạo diễn theo đuổi dòng phim nghệ thuật gọi đó là những chuyển mình đầy đau đớn khi nhiều người đã phải thay đổi hoàn toàn để chiều lòng khán giả, đảm bảo doanh thu trước khi nghĩ đến những sáng tạo về chuyện nghề.

Điều may mắn là khá nhiều quan chức chính phủ Philippines cũng xuất thân từ người làm điện ảnh nên luôn thể hiện sự ủng hộ cho loại hình nghệ thuật tốn kém này. Cựu tổng thống Joseph Estrada rồi chính trị gia nổi tiếng, ứng cử viên tổng thống Fernando Poe đều là những ngôi sao điện ảnh một thời. Nhiều tên tuổi khác đều thể hiện mình là fan của của những rạp chiếu bóng tại Manila. Và Philippines bắt đầu thời kỳ phục hưng của mình với các tác phẩm làm lay động thế giới.

Cảnh trong phim Kinatay

Thành công từ một hướng đi riêng

Những tên tuổi lớn như đạo diễn Lino Brocka hay Mike de Leon là người bắt đầu thời kỳ phục hưng của điện ảnh Philippines. Một loạt những đạo diễn khác cũng đã góp sức bằng những tác phẩm đương đại có nhiều đổi mới trong thủ pháp như Mario O'Hara, Maryo J. delos Reyes hay Celso Ad Castillo. Trong đó phải kể đến một tác phẩm đạt đến trình độ bậc thầy như Ganito Kami Noon, Paano Kayo Ngayon đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của đạo diễn kỳ cựu Eddie Romero.

Đạo diễn Lino bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò là người viết và sản xuất các chương trình truyền hình. Bộ phim đầu tiên của ông Wanted:Perfect Mother. Tiếp sau đó là bộ phim Stardoom, một tác phẩm chuyển thể từ bộ truyện tranh Orlando Nadres. Trong những tác phẩm sau này, ông đi sâu vào khai thác những vấn đề xã hội. Maynila sa Kuko ng Liwanag, Insiang vàBayan Ko:Kapit sa Patalim miêu tả nối khốn khổ của tầng lớp nghèo Philippines và những hệ lụy của chênh lệch mức sống. Đó là nhữn mảng cắt của bức tranh xã hội những năm 70-80, được giới phê bình trong và ngoài nước tán thưởng. Một đạo diễn khác - Mike de Leon, cũng là người theo đuổi dòng điện ảnh phản ánh sự thực. Những tác phẩm nổi bật của ông là Itim, Kakabakabakaba?, Kisapmata, Batch '81 dành được sự chú ý của các nhà phê bình trong và ngoài nước.

Và người cuối cùng trong bộ ba quyền lực của điện ảnh Philippines những năm 90 là Imael Bernal , cũng được coi là người thành công nhất trong bộ ba. Cũng giống như Broka, Imael Bernal cũng lựa chọn những đề tài làm phim khiến người xem phải suy nghĩ nhiều hơn. Những bộ phim nổi bật của ông Nunal sa Tubig, Manila by Night (tên sau này là City After Dark), Himala, Broken Marriage, and Wating đều dễ khiến người xem phải ngỡ ngàng rồi ám ảnh về độ trần trụi của những gì được thể hiện trên phim.

Với những nỗ lực không ngừng, nhiều bộ phim Philippines đã được vinh danh ở các liên hoan phim danh tiếng. Mở đầu chuỗi thành công đó là bộ phim Himala của đạo diễn Bernal. Một câu chuyện giản dị về niềm tin tôn giáo của một phụ nữ trẻ sau khi nhìn thấy Đức Mẹ Đồng Trinh hiện hình. Vai chính này do ngôi sao của điện ảnh Philippines là Nora Aunor đảm nhiệm. Himala có kinh phí khiêm tốn và được quay vỏn vẹn trong 3 tuần, chủ yếu tại khu du lịch Ilocos Norte của Philippines. Khi lần đầu ra mắt năm 1982, Himala đã được LHP Quốc tế Berlin chọn là phim chiếu chính thức cùng một số liên hoan phim khác. Nora Aunor cũng được đề cử nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở nhiều sự kiện điện ảnh quốc tế. Tác phẩm này đã được khán giả của CNN bỏ phiếu trực tuyến bình chọn là phim châu Á-Thái Bình Dương xuất sắc nhất mọi thời đại. Tiếp sau đó , bộ phim Tribu của đạo diễn Jim Libiran người Philippines nhận giải ban giám khảo LHP quốc tế tại Paris. Chưa đầy một tháng sau, bộ phim Confessional (Phòng xưng tội) của Philippine lại được trao giải thường phim hay nhất tại LHP Osian lần thứ 10 diễn ra tại New Delhi (Ấn Độ). Confessional kể về câu chuyện một nhà làm phim tài liệu nghiệp dư đã khai thác được lời thú tội của một chính trị gia “dính chàm” và thông tin này đã làm nổ tung chính trường…

Đạo diễn trẻ Brilliant Mendoza

Nhưng đáng chú ý nhất ở thời điểm này chính đạo diễn trẻ Mendoza. Sinh năm 1960, Brilliant Mendoza là cái tên không hề xa lạ với những LHP quốc tế.Ở liên hoan phim Cannes tháng 5 vừa rồi, Mendoza bất ngờ vượt qua những tên tuổi lừng lẫy như Quentin Tarantino, Lý An, Đỗ Kỳ Phong để đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim gây tranh cãi Kinatay. Trước đó, vào năm 2008 bộ phim Serbiscủa anh cũng đã lọt vào vòng tranh giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes, nhận giải thưởng phim xuất sắc nhất khu vực châu Á trong LHP Bangkok… Ngoài ra, anh còn sở hữu gần 20 giải thưởng quốc tế khác. Rồi tại LHP phim Venice tháng 9 năm nay, bộ phimLola của anh đã đoạt giải phim gây bất ngờ nhất tại hạng mục Phim không tranh giải, giành chiếc vé cuối cùng trong 25 bộ phim tranh giải Sư tử Vàng.

Có thể lạc quan nhìn nhận, điện ảnh Philippines đang tìm lại thời kỳ vàng son của mình. Có điều những bộ phim đánh dấu sự hồi sinh của điện ảnh Philippines lại chỉ thu hút một số ít những người trong nghề quan tâm. Đó cũng là điều bất cập bởi một nền điện ảnh phát triển lành mạnh cần có những tác phẩm dự thi chất lượng đồng thời cũng phải biết cách để kéo khán giả đến rạp. Điện ảnh Philippines chưa làm được điều đó ở thời điểm hiện tại, nhưng vẫn có thể hi vọng vào một tương lai gần lắm chứ…

Minh Anh