Đem phim về địa phương thì chiếu ở đâu?

(TGĐA) - Đó là câu hỏi đau đáu của ông Trần Cảnh Tuệ, giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai khi nói về việc các rạp chiếu địa phương đang dần mất đi. Trong khi việc xã hội hóa điện ảnh đang lan rộng, khán giả ùn ùn đến rạp xem phim Việt Nam, rạp chiếu mọc lên như nấm, tin tức về điện ảnh ngập tràn trên các trang báo…khiến nhiều người lạc quan: “điện ảnh Việt có gì mà bi quan?”. Nhưng đó là chuyện ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, còn ở địa phương, rạp chiếu đang dần biến mất khỏi bản đồ điện ảnh. Ngay thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng cũng đang làm thủ tục để lấy lại rạp chiếu cuối cùng của tỉnh. Ông Trần Cảnh Tuệ chua xót: “Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã xóa xong điện ảnh…”

“Đồng bằng Sông Cửu Long cơ bản đã xóa xong điện ảnh”? Ông nói thật hay quá bi quan?

Tôi không bi quan mà đang nói sự thực. Việc xã hội hóa đang làm thay đổi bộ mặt điện ảnh của chúng ta trong cả việc sản xuất cũng như thưởng thức của khán giả. Ở các thành phố lớn, nơi điện ảnh tập trung, quay vòng vốn, xa hoa và sôi động thì các rạp mọc lên liên tiếp, chủ yếu là của tư nhân. Còn theo chiều ngược lại, ở các tỉnh thành khác, rạp chiếu lại dần dần biến mất. Tôi chưa thấy ở tỉnh nào người ta đầu tư cho rạp chiếu phim. Người ta chỉ lấy đi rạp bởi giá trị vị trí đắc địa, để chuyển sang hình thức kinh doanh khác thu được nhiều tiền hơn. Hiện nay, theo tôi được biết, chúng ta có hơn 90 rạp, tổng giá trị bất động sản của nó không dưới 10 ngàn tỷ đồng. Và nếu ngành điện ảnh của chúng ta không có một động thái, biện pháp kịp thời để giữ nó thì chỉ vài năm nữa, số rạp chiếu này không biết sẽ còn thu hẹp đến mức nào.

Theo tính toán của chúng tôi khi ngồi họp lại thì cứ mỗi năm hiện nay, điện ảnh chúng ta mất hàng chục rạp. Ngay thời điểm này, tỉnh Lâm Đồng đang làm nốt thủ tục để lấy lại rạp chiếu cuối cùng của tỉnh. Đồng bằng sông Cửu Long thì cơ bản đã xóa xong điện ảnh. Cần Thơ, một đô thị Tây Đô nổi tiếng như thế mà hiện nay cũng không còn một rạp chiếu bóng sau khi cổ phần. Họ đã biến đội chiếu bóng khu vực Tây Nam Bộ thành một hoạt động khác mất rồi. Một số tỉnh còn như Tiền Giang, Bến Tre, Long An...thì cũng lay lắt, không biết đến lúc nào sẽ biến mất nữa. Trong cuộc họp tại LHPVN lần thứ 17, Bộ trưởng có nói về việc phát triển điện ảnh còn bỏ sót thị trường lớn ở các địa phương, vậy nếu đem phim về địa phương thì xin hỏi: chúng ta chiếu ở đâu?

Quang_cao_phim_Long_ruoi_tai_rap_Hoa_Binh

Quảng cáo phim Long Ruồi tại rạp chiếu tỉnh Hòa Bình

Ngành điện ảnh đang bị mất đi không chỉ giá trị kinh tế, giá trị tinh thần mà còn cả giá trị về tương lai. Tôi nói thế bởi sau này, khi chúng ta nhận ra điều đó, “chấn hưng” bằng cách xin lại rạp thì chắc hẳn đó cũng là những vị trí ở ngoại ô, khu hành chính mới, không gần dân. Rạp không gần dân thì ai đi xem?

Tôi muốn hỏi, trách nhiệm của người quản lý ngành, của Bộ ở đâu trong việc để mất thị trường điện ảnh này? Luật điện ảnh đã ra, là Luật thì ai cũng phải chấp hành bình đẳng. Nhưng tôi thấy Luật điện ảnh chưa nghiêm. Luật giao thông, đèn đỏ lấn tuyến, người ta sợ. Nhưng trong Luật điện ảnh, người ta lấy đi một cái rạp, rõ ràng vi phạm Luật điện ảnh: “Không dành đất để xây rạp” mà không có ai bị phạt? Phải phạt chứ, vì điều đó làm mất đi quyền lợi của công chúng là được thưởng thức văn hóa, phim ảnh. Cái này Bộ trưởng phải có ý kiến, cấp trên lên tiếng chứ chúng tôi “thấp cổ bé họng” chỉ biết kêu vậy thôi.

Vấn đề biến mất của rạp chiếu được lý giải một phần do sự xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người dân. Và phương án chuyển đổi là một biện pháp hữu hiệu để tái đầu tư cho điện ảnh?

Tôi luôn muốn nhà nước hãy đầu tư cho rạp ở địa phương bởi như đã nói việc xã hội hóa dù đã thu hút được sự đầu tư của nước ngoài và một số thành phần trong nước nhưng chỉ làm thay đổi diện mạo một số thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Biên Hòa, Đà Nẵng... Việc xã hội hóa đi liền với giá trị về mặt kinh tế, người ta không thể bỏ tiền ra cho các tỉnh vì không thể thu hồi vốn được. Trong khi đó, nhà nước lại không phân biệt được cái nào để xã hội hóa, cái nào nhà nước nên bỏ tiền để tạo nên thị trường điện ảnh mà đánh đồng bằng một chính sách. Vì vậy, việc phát hành phim cũng như chiếu bóng hiện nay ở các tỉnh nói nhếch nhác thì không đúng nhưng quả thực không tương xứng với nhu cầu thiết yếu về thưởng thức của công chúng bây giờ cũng như sự phát triển chung của điện ảnh, kinh tế ở khu vực đó. Họ phải vào những rạp quá tồi tàn, xem những phim nhòe nhoẹt, kém chất lượng và luôn luôn chậm hơn ở thành phố khoảng vài tháng vì lúc đó những nhà phân phối độc quyền mới đẩy về cho địa phương để vớt vát.

Nếu không có một chương trình chấn hưng điện ảnh thì các rạp sẽ càng lạc hậu bởi không một địa phương nào bỏ tiền ra xây rạp, sửa rạp trừ chương trình điện ảnh đưa máy hiện đại, lập thể về. Địa phương thu được tiền của dân từ thuế mà không đầu tư lại cho công chúng. Tỉnh của tôi là Đồng Nai, thu rất lớn về công nghiệp nhưng không bỏ tiền ra để đầu tư, công nhân không có chỗ xem phim, chúng tôi phải đi chiếu phim lưu động cho họ. Tôi có một so sánh hơi khập khiễng: nếu chúng ta xây 1 cái cầu bắc ngang sông Đồng Nai thì mất 10.000 tỷ. Trong khi tập đoàn MegaStar bán cho tập đoàn CJ là 73 triệu đô, tương đương 1.460.000 tỷ, ít hơn nhiều so với xây một cái cầu. Với số tiền đó, nhà nước bỏ ra trong vòng 2-5 năm để tạo một thị trường, xây “cây cầu văn hóa” thì bộ mặt điện ảnh sẽ khác hẳn. Một trung tâm văn hóa cấp tỉnh cỡ khoảng 100 tỷ, tỉnh nào cũng có. Nhưng với số tiền đó cho xây dựng trung tâm chiếu bóng tương ứng khắp 53 tỉnh thành trên cả nước thì thị trường điện ảnh chúng ta mạnh cỡ nào?

Ong_Tran_Canh_Tue-_GD_TT_phat_hanh_phim_va_chieu_bong_Dong_Nai

Ông Trần Cảnh Tuệ, giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai

Còn việc chiếu bóng lưu động hiện nay ở địa phương thì chỉ có tiền nhà nước đầu tư để duy trì mà hầu như chỉ để duy trì cho có, đó là việc làm mà tôi cho là có lỗi với dân. Mấy chục triệu dân ở nông thôn miền núi đến nay vẫn chưa được tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ mới của điện ảnh. 40 năm trước, đồng bào vẫn xem phim bằng màn phông vải trắng căng trên 2 cọc tre, máy móc thì do anh em thồ vác. 40 năm sau vẫn thế, vẫn chở sau xe máy một cái thùng máy móc, chiếu trên phông màn hoặc chiếu phim đĩa có chất lượng thấp….

Theo tôi được biết, nhà nước, cụ thể là Cục điện ảnh hàng năm vẫn sản xuất những chương trình phim phục vụ nhân dân, đồng bào miền núi và chuyển về cho chiếu bóng các tỉnh?

Hiện nay nguồn phim cho chiếu bóng ở rạp nói đủ cũng được vì sau 4-5 tháng công chiếu, những công ty phát hành như MegaStar thải ra để vớt vát lại tiền thì cũng đưa về rạp tỉnh để chiếu. Phim của Cục đưa về địa phương thì nhiều nơi người ta cũng không mặn mà lắm vì hiện nay sự phân bổ chưa phù hợp với thực tế ở địa phương. Ví dụ, phim khoa học kỹ thuật hướng dẫn về cách trồng lúa rẫy thì về phân bổ về Đồng bằng sông Cửu Long không ai xem. Tuy không thể đòi hỏi từng đáp ứng được nhưng nó cũng có hạn chế. Nhưng dù sao, phim của Cục làm ra ít nhiều giúp cho các đội chiếu bóng có phim để chiếu. Điều duy nhất chúng tôi mong là việc thực thi phim phục vụ chiếu bóng địa phương do Cục triển khai nhanh nhạy, bám sát hơn. Ví dụ như bệnh “Tay chân miệng” đang hoành hành, thì bộ phận làm phim phục vụ chiếu bóng cho đồng bào nên nhanh chóng làm ngay đề tài này gửi về cho địa phương thì vô cùng tốt. Nhưng chúng ta thường chậm hoặc không làm. Tôi nghĩ Cục nên kết hợp với hãng phim tài liệu để triển khai việc này thì tiện cả đôi đường. Phim tài liệu được chiếu, địa phương thì có cái dùng. Đây là điều tôi luôn nói: Chúng ta cứ mạnh ai nấy chạy, không ngồi lại với nhau để cùng thương thảo tìm ra phương thức kết hợp tối ưu. Tài liệu, hoạt hình hiện nay làm phim xong không có nơi để chiếu, trong khi địa phương chiếu bóng thì khát phim, phải lấy từ truyền hình, từ nguồn nước ngoài trôi nổi trên intenet xuống mà chiếu….

Ngồi lại với nhau, thành lập hiệp hội đâu có phải là điều khó khăn? Tôi thấy Hiệp hội làm vườn, Hiệp hội cá da trơn của Việt Nam đã tạo được niềm tin rất lớn cho các ngành nghề khác trong việc bảo vệ lẫn nhau, đồng tâm đến một thắng lợi như vụ kiện cá Basa thì cớ làm sao phát hành phim, chiếu bóng trong lĩnh vực quan trọng thế này lại không có một hiệp hội? Như việc 6 doanh nghiệp phát hành phim và chiếu bóng kiện MegaStar, tôi nghĩ có một hiệp hội đứng ra đấu tranh thì dứt khoát không thắng thì cũng chi phối MegaStar làm lại kiểu khác chứ không thể để họ độc quyền ép các đơn vị chiếu bóng trong nước te tua như hiện nay. Nhưng chỉ có 6 đơn vị làm sao thắng được….

Vừa qua, những người làm phát hành và chiếu bóng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đã ngồi lại với nhau, ký biên bản cùng nhau thành lập 1 hiệp hội phát hành phim và chiếu bóng nhưng các lãnh đạo khuyên không nên thành lập một hiệp hội nhỏ nhỏ như vậy. Hiệp hội thì nên quy mô lớn, mang tính toàn quốc thì ý nghĩa và sức mạnh sẽ lớn. Chính vì vậy, chúng tôi đã dừng lại và đang kêu gọi các nhà sản xuất, phát hành phim trên cả nước cùng xây dựng nên một hiệp hội vững chắc. Nếu có hiệp hội thì nhiều việc có thể đơn giản hơn nhiều. Ví dụ, mỗi rạp chiếu chỉ cần bỏ vốn ra 20 triệu đồng, mỗi đội chiếu bóng góp thêm 500 ngàn đồng là có thể có khoảng 3 tỷ đồng để góp chung với các nhà sản xuất cùng nhau làm ra một bộ phim để chiếu. Và việc giảm thiểu chi phí bằng số hóa mà chúng tôi hiện đang vận động cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Được biết, anh và đơn vị SaigonMedia đang thuyết phục nhiều hãng sản xuất cũng như rạp chiếu số hóa quy trình sản xuất và phát hành phim. Anh có thể nói rõ hơn về việc này?

Rap_Kim_Dong_-_mot_trong_nhung_rap_da_duoc_so_hoaRạp Kim Đồng một trong những rạp đã được số hóa

Qua khảo sát trên thế giới, chúng tôi thấy việc số hóa đang dần thay thế phim nhựa về tính ưu việt cũng như chi phí được giảm thiểu khá nhiều. Nhiều bộ phim Việt Nam được tư nhân sản xuất cũng đã quay bằng máy quay KTS full HD. Tuy nhiên, vấn đề rạp chiếu của Việt Nam chưa tương thích nên phải số hóa đồng bộ cả trong khâu phát hành.

Hiện chúng tôi, tổ hợp Saigon Media đã nghiên cứu và thành lập một công ty đầu tư cổ phần đầu tư số hóa cho toàn bộ các rạp chiếu. Chúng tôi đã đầu tư được 50 máy cho rạp ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương như Lạng Sơn, Hải Phòng, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ninh… Chi phí cho việc lắp một máy chiếu HD đầu tư cho rạp hiện nay khá cao, rơi vào khoảng 500-600 triệu đồng chưa kể sever nên chúng tôi bước đầu thỏa thuận với rạp là chúng tôi lắp máy cho rạp, nhờ hệ thống âm thanh 5.1 của họ và ăn chia theo doanh thu chiếu phim. Khi các rạp đã số hóa thì chúng tôi tiếp tục vận động ngược lại các nhà làm phim sản xuất bằng công nghệ KTS (chứ hiện nay có làm thì vẫn phải chuyển sang nhựa, rất tốn kém).

Sự đồng bộ này vừa giảm chi phí sản xuất xuống còn một nửa, chất lượng tương đương nhựa và có thể đồng loạt khởi chiếu trên cả nước chỉ cần bằng một file gọn nhẹ. Việc số hóa cũng là cách bảo vệ bản quyền rất tốt khi mỗi file được mã hóa riêng cho từng rạp, hết thời hạn thì tự xóa…Thời điểm này, bạn có thể đến rạp Kim Đồng, Ngọc Khánh ở Hà Nội (nơi đã lắp số hóa) để xem bộ phim Hoán đổi thân xác. Hãy bỏ qua nội dung của nó để nhìn về mặt số hóa thì thấy nó không hề kém phim nhựa.

Ông có nhắc đến vụ kiện MegaStar. Thời điểm mà 6 đơn vị phát hành phim và chiếu bóng kiện cũng là thời điểm MegaStar đang tiến hành “đổi chủ”. Sau khi thuộc về tập đoàn CJ của Hàn Quốc, MegaStar đã có động thái nào với 6 doanh nghiệp theo đuổi vụ kiện này chưa?

Sau khi MegaStar đổi chủ, họ cũng có “hơi mềm” hơn một chút, không ép trắng trợn công khai nữa. Cách đây mấy tháng, Cục quản lý cạnh tranh có mời 6 đơn vị phát hành phim và chiếu bóng tới. Theo lời của họ thì chứng cứ của 6 doanh nghiệp kiện MegaStar chưa đủ thuyết phục để buộc tội vì vậy có nguy cơ không thành công. Dù sao, chúng tôi vẫn theo đuổi vụ kiện này, sẽ vẫn gõ cửa những nơi bảo vệ cho mình. Tôi không kiện cho mình, mà kiện cho khán giả, họ không thể bỏ ra 100-200 ngàn đồng để được thưởng thức điện ảnh được. Có một lớp công chúng ít tiền, thị trường phải phân khúc cho họ chứ? Tôi không ham đi kiện và tôi biết, tôi từng nói đùa với chị Hương (hãng phim Thiên Ngân) là: “Tôi đi kiện với Thiên Ngân tôi có hai nỗi sợ: sợ thua và sợ thắng. Bởi nếu thắng, Thiên Ngân sẽ tiếp tục thành MegaStar, còn chúng tôi trở về vị trí xuất phát bởi quy luật cạnh tranh là như vậy, phải ép nhau như thế”. Nói như vậy bởi chúng ta vẫn chưa có hiệp hội như tôi nói trên. Tôi cứ nói đùa là “chợ không có ban quản lý”, mạnh ai nấy làm, không có ai, một tổ chức nào đứng ra dàn xếp một cách mạnh mẽ. Đây là vấn đề mà chúng tôi cần, điện ảnh cần, không phải là chuyện riêng nữa.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Tuấn