Để có những thước phim chạm vào cảm xúc người xem…

(TGĐA) - Lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ đạo diễn phim truyện do đạo diễn Pepe Danquart (Cộng hòa Liên Bang Đức) hướng dẫn trong tháng 9 vừa qua là một trong những hoạt động thường xuyên, bổ ích của Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức nhằm bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về nghiệp vụ làm phim cho hội viên - những người làm phim Điện ảnh và Truyền hình tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. PV Tạp chí TGĐA xin ghi nhận lại cảm nhận của một số anh chị em trong ngành về hiệu quả và sự cần thiết được tiếp cận với nền Điện ảnh thế giới qua những lớp học nghiệp vụ này.

o_din_Pepe_ti_Thnh_ph_H_Ch_Minh_thng_9_2014

Đạo diễn Pepe tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 9 2014

Hoàng Hằng, Biên tập viên công ty M&T Pictures: Mỗi người là một kho tàng trí thức

Cả cuộc đời tôi không bao giờ cố gắng học tập để đạt được những học hàm hay học vị cao. Thế nhưng, tôi luôn cố gắng học từ những người mình có cơ hội gặp gỡ, bởi luôn nghĩ, mỗi người là một kho tàng kiến thức quý báu được tích lũy qua quá trình sống và làm việc. Đó là lý do tôi rất hào hứng khi biết sẽ được học những kiến thức về điện ảnh từ một vị Giáo sư – Đạo diễn đến từ nước Đức.

Buổi học đầu tiên khá trầm vì giữa đạo diễn Pepe và mọi người còn khá xa lạ và câu chuyện về làm phim cũng chỉ mới bắt đầu. Tôi nhìn quanh, thấy một số gương mặt có vẻ không hứng thú, chợt nghĩ vị giáo sư trên kia có thể sẽ buồn khi thấy những người ngồi đối diện với mình không mấy hào hứng. Thế nên, tôi cố tỏ ra chăm chú lắng nghe và tỏ thái độ hào hứng gấp đôi có thể.

Và rồi, những điều hay ho về điện ảnh dần được mở ra qua những đoạn phim ngắn và qua những lời chia sẻ của đạo diễn Pepe. Tôi chưa bao giờ thấy người ta làm phim tài liệu mà không cần lời bình, và càng không thể tưởng tượng rằng có thể đưa nhạc rock vào một cảnh phim tài liệu chiến tranh. Với ông Pepe, tất cả đều có thể. Tất nhiên, sự có thể đó là hiện thực đầy tính toán và logic, là cả một quá trình tìm tòi và sáng tạo. Tôi cũng choáng ngợp trước những cảnh quay về hai anh em vận động viên leo núi người Mỹ với ước mơ phá kỷ lục thế giới chỉ với hai giờ. Theo tôi, để thực hiện những cảnh quay đẹp và đầy nguy hiểm đó, chính ông Pepe và ekip đã phá kỷ lục trong lĩnh vực phim tài liệu.

Tp_th_Bin_kch_MT_Picture

Tập thể Biên kịch M&T Picture

Có thể nhận thấy rằng, phong cách phim tài liệu và phim điện ảnh của ông Pepe rất gần nhau. Điều khác biệt duy nhất đó là phim điện ảnh thì cần chuẩn bị kịch bản chu đáo còn phim tài liệu thì không cần kịch bản nhưng cần tìm hiểu nhân vật, gần gũi với nhân vật. Với phim điện ảnh, ông Pepe cho rằng có 3 điều quan trọng để làm nên sự thành công của một bộ phim đó chính là: Kịch bản, kịch bản…và kịch bản! Vậy mới thấy, vai trò của người viết kịch bản và người biên tập giúp hoàn thiện kịch bản quan trọng như thế nào. Qua đó, tôi cũng nhận thức được vai trò của mình đối với sự thành bại của một bộ phim. Để rồi từ đó, tôi nhận thức cần phải luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo và quan trọng nhất là phải đặt trách nhiệm của mình vào mỗi kịch bản.

Qua hai ngày học, không đủ để học hết những kinh nghiệm làm phim của ông Pepe. Nhưng với tôi, đã học được nhiều hơn cả sự mong đợi. Ngoài kinh nghiệm làm phim, tôi còn học được một chân lý sống qua câu nói của ông Pepe: “Điều quan trọng không phải bạn vấp ngã bao nhiêu lần, mà chính là bạn đứng dậy bao nhiêu lần sau những vấp ngã đó”.

Và thông qua bài viết này, tôi xin gửi lời cảm ơn đến Hội điện ảnh Việt Nam và Hội Điện ảnh TP. HCM - đã tổ chức lớp học vừa qua với Giáo sư – Đạo diễn Pepe Danquart. Hy vọng sẽ có nhiều lớp học như thế được tổ chức để chúng tôi có nhiều cơ hội học hỏi được kinh nghiệm quý báu từ những bậc thầy điện ảnh thế giới nhằm góp phần phát triển điện ảnh - Truyền hình nước nhà.

Đạo diễn Minh Cao: Đạo diễn Pepe luôn là người giữ lửa cho tinh thần làm phim…

o_din_Minh_Cao

Đạo diễn Minh Cao

Khi tiếp xúc với các nhà làm phim ở những nước có nền điện ảnh tân tiến, thì hầu hết họ đều không đem những cảnh quay hoành tráng hay công nghệ phức tạp ra để "lòe" chúng ta, mà họ chủ yếu nhấn mạnh về cảm xúc. Về cái bên trong của cảnh quay có "chạm" được vào trái tim của khán giả hay không.
Với đạo diễn Pepe cũng không ngoại lệ. Các phim của ông cũng tràn đầy cảm xúc, cho dù đó là phim truyện hay phim tài liệu.
Ông chia sẻ, việc "giữ lửa" khi làm phim là quan trọng nhất. Người làm phim phải có niềm tin, hoài bão, và khi đã làm thì phải quyết tâm, theo đuổi đến cùng.
Khi đạo diễn Pepe thực hiện phim tài liệu thể thao Địa ngục trên bánh xe nói về hai vận động viên muốn lập kỷ lục thế giới "Chinh phục đỉnh núi trong vòng 2 tiếng đồng hồ", ông và đoàn phim của mình cũng đã phải treo mình cheo leo trên vách núi dựng đứng như những vận động viên leo núi thực thụ cùng với hàng đống thiết bị, máy móc. Vì vậy, trước đó một năm ông phải đi tuyển chọn từ Đức và Áo những nhà quay phim, âm thanh... có khả năng leo núi tốt như những vận động viên leo núi thực sự. Suốt 3 tháng hai nhà leo núi tập luyện thì ông cùng cộng sự cũng phải theo sát, học thuộc lòng từng đường đi nước bước của hai nhà leo núi, nghiên cứu từng hang, hóc của vách núi để chọn những góc máy đẹp nhất, ấn tượng nhất. Thế rồi, khi một vận động viên bị tai nạn trong lúc tập luyện, đoàn phim của ông phải tạm ngưng chờ đợi đến khi vận động viên hồi phục, rồi tiếp tục tập luyện, tiếp tục cheo leo trên vách núi, tiếp tục "phục" những góc máy ấn tượng trong niềm hy vọng hai vận động viên này vẫn bảo toàn được tính mạng. Nếu có chuyện không may xảy ra là coi như "xôi hỏng bổng không".
Cuối cùng thì đoàn phim của Pepe cũng cho ra đời một phim tài liệu thật hay, thật ấn tượng, và cũng rất thành công khi phát hành.
Nhưng, hai anh em leo núi đã thất bại. Một trong hai người đã rơi xuống và bị trọng thương. Mấy năm sau khi hoàn thành bộ phim, hai vận động viên lại tiếp tục chinh phục đỉnh núi … và họ đã thành công. Sách Kỷ lục Thế giới ghi nhận họ là những người chinh phục đỉnh núi nhanh nhất thế giới.
Kết thúc phim tài liệu Địa ngục trên bánh xe của mình, Pepe ghi một dòng chữ: "Không bao giờ bỏ cuộc, dù bạn có thất bại một, hai, hay ba lần".

Tôi nghĩ, dòng chữ kết phim của Pepe không chỉ dành riêng cho bộ phim đó mà chính là "Tinh thần làm phim" ông muốn gởi gắm đến cho chúng tôi.

Điện ảnh Việt Nam không thể so sánh với các nền điện ảnh tân tiến. Chúng ta thiếu kinh phí, tụt hậu về kỹ thuật, thua xa về kiến thức, về con người.... Chỉ có một điều chúng ta có thể sánh được với các cường quốc điện ảnh thế giới, đó là "tinh thần". Ấy vậy mà, dường như các nhà làm Điện ảnh của ta vẫn còn thiếu "tinh thần" lắm…

Lê Mai - giảng viên trường Đại học SKĐA TP.HCM: Điều lớn nhất mà tôi, cũng như sinh viên trong trường được đón nhận là cách yêu, sự đam mê đến tận cùng với nghề.

Xưa nay, người ta thường quen với tên tuổi của các đạo diễn Điện ảnh đến từ xứ cờ hoa cùng hàng loạt các “siêu phẩm bom tấn” với nguồn kinh phí khổng lồ, nên có lẽ Pepe Danquart còn lạ lẫm với khán giả Việt Nam. Ít ai có thể nhớ được rằng khai sinh của bộ môn “nghệ thuật thứ 7” này xuất phát từ châu Âu. Vì vậy việc được gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm từ một đạo diễn tên tuổi đến từ Đức là một niềm mơ ước đối với tất cả những người làm nghề như chúng tôi.

Là một giảng viên về điện ảnh, hàng ngày tôi vẫn chỉ cho sinh viên về các trào lưu điện ảnh thế giới, chủ yếu tập trung vào 2 dòng phim lớn nhất đó là: phim Mỹ và phim châu Âu. Người Đức với tôi luôn chắc chắn,chuẩn xác đến từng chi tiết nên những học thuyết họ đưa ra bao giờ cũng rất chính xác và có tính ứng dụng cao.

Có thể nói người Đức kết hợp được cách sống thực dụng của người Mỹ và kèm thêm một chút bay bổng của người châu Âu nên cách họ làm phim cũng như vậy. Họ làm việc với diễn viên, xử lý từng khuôn hình và xây dựng đường dây câu chuyện dựa trên sự tính toán một cách tỉ mỉ và luôn mang tính triết lý sâu sắc… đủ để làm cho khán giả phải trăn trở khi ra khỏi rạp.

Khi kết thúc 2 ngày học đầy hứng thú với đạo diễn Pepe Danquart vừa qua, tôi cũng như các sinh viên trong trường Đại học SKĐATP.HCM càng khẳng định chắc chắn hơn về những nhận định của mình.

Tôi đã lên mạng, tìm hiểu những thông tin về vị đạo diễn này trước khi buổi học diễn ra và tôi rất ấn tượng trước những cống hiến của ông cho nền Điện ảnh Đức cũng như thế giới.

Buổi đầu tiên,ông đã chiếu cho chúng tôi xem bộ phim ngắn Kẻ lậu vé, nói về nạn phân biệt chủng tộc và phê phán lối sống thờ ơ,vô cảm của con người.Có lẽ những ý tưởng nhân văn, sâu sắc được đưa vào phim một cách dí dỏm, nhẹ nhàng đầy bất ngờ đã tạo nên sự thành công cho bộ phim và giúp ông giành được giải Oscar cho thể loại phim ngắn.Còn chúng tôi đã học được rất nhiêu về ý tưởng, cách cấu trúc phim ngắn nhờ vào sự phân tích sâu sắc của ông trên chính tác phẩm của mình.

Bộ phim Run boy run dựa trên câu chuyện có thực là một người Do Thái, từ lúc 8 tuổi khi Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan đã phải trốn chạy khắp nơi, chịu rất nhiều đau khổ về thể xác và tinh thần nhưng vẫn quyết tâm vượt lên nghịch cảnh. Tuy không được xem hết bộ phim, mà chỉ được xem 2 trường đoạn mở đầu và kết thúc, nhưng thực sự ấn tượng bởi cách kể và tạohình ảnh của đạo diễn. Tất cả chất liệu cuộc sống hiện lên như những bức tranh sơn dầu, tái hiện lại một thời kỳ đen tối không phải chỉ cho những người dân Do Thái mà còn cho chính cả nước Đức.

Điều ấn tượng hơn cả, là sự thông minh trong cách xử lý diễn viên của đạo diễn Pepe để “lách luật” đối với môi trường kỷ luật nghiêm khắc như nước Đức. Vai cậu bé 8 tuổi đã được Pepe giao cho hai cậu bé sinh đôi vì ở Đức luật pháp chỉ cho phép trẻ em lao động 5 tiếng một ngày. Chọn diễn viên sinh đôi ông có thể quay phim 12 tiếng một ngày. Và cả hai cậu bé đã thể hiện rất tốt những sắc thái biểu cảm đối lập (khi vui tươi, khi sầu đau) của nhân vật. Đạo diễn Pepe đã mô tả cuộc hành trình chạy trốn này vô cùng kịch tính, nghiệt ngã nhưng cũng đầy xúc động, nhân văn.

Đạo diễn còn cho thấy sự đa dạng trong phong cách làm phim của mình khi xem những bộ phim tài liệu về những người leo núi, hay chân dung về 1 vị thủ tướng…..Mỗi bộ phim có cách thể hiện khác nhau, không hề bị lặp lại. Song điều thú vị hơn cả trong những bộ phim tài liệu của ông là nhờ vào những câu chuyện chia sẻ phía sau hậu trường.

Khi xem phim tài liệu về những người leo núi, chúng tôi quá ấn tượng bởi những hình ảnh sống động, chân thực của 2 vận động viên leo núi. Những vách đá dựng đứng, những chia sẻ chân thật về cuộc sống của họ, về những lần họ bị ngã, mới thấy sự lao động nghiêm túc, đoàn kết của cả ekip làm phim. Một đoàn hơn 20 người đã cùng nhau sống, cùng nhau đối diện với sự nguy hiểm trong suốt 4 năm trời để cho ra đời bộ phim. Câu chuyện về việc tìm 3 bạn quay phim trong trường, biết leo núi và được một DOP quen thuộc của đạo diễn huấn luyện đã làm chúng tôi thực sự khâm phục về sự nhạy cảm, cách xử lý tình huống hết sức thông minh của Pepe Danquart - một trong những phẩm chất cần thiết cho một đạo diễn phim tài liệu.

Buổi học đã khép lại với những bài học bổ ích về cách làm phim của vị đạo diễn tài năng người Đức. Song điều lớn nhất mà tôi, cũng như sinh viên trong trường đón nhận và trân trọng chính là việc học cách yêu, sự đam mê đến tận cùng với nghề của mình. Đạo diễn là một nghề vô cùng gian nan, vất vả nhưng nếu bạn thực sự đam mê hết lòng thì vinh quang nghề nghiệp mang đến cho bạn không phải là nhỏ. Tuy nhiên để làm được điều này, không phải chỉ có đạo diễn là người quyết định mà phải nhờ vào sự nghiêm túc, tập trung cao độ cùng sự đoàn kết của cả ekip làm phim. Đó là tất cả những điều mà đáng để cho những người làm nghề như chúng tôi cần phải suy ngẫm.

Hy vọng Hội Điện ảnh sẽ tổ chức nhiều khóa huấn luyện như thế này để chúng tôi có dịp tiếp xúc,học hỏi ở các nền điện ảnh trên thế giới.

Trần Quốc Nhật Toàn, Sinh viên khoa Đạo diễn- Trường Đại học SKĐA TP.HCM: Đạo diễn Pepe giúp chúng em hình dung, định nghĩa chính xác thể loại điện ảnh- truyền hình

Nht_Ton_SV_i_hc_Sn_khu_in_nh

Sau buổi tham dự lớp tập huấn cùng đạo diễn Pepe Danquart, em cùng các bạn cảm thấy thật may mắn khi được tiếp xúc, trò chuyện và giao lưu cùng ông. Những vấn đề ông mang tới Việt Nam chia sẻ có cái thân quen, song lại có cái xa lạ. Nhưng tất thảy những điều đó đều thật ý nghĩa thú vị.

Buổi tập huấn diễn ra trong không gian trang trọng và ông Pepe rất thân thiện, kiên nhẫn, nhiệt tình giải đáp mọi thắc mắc của người tham dự. Từ những vấn đề còn tồn đọng trong cách dàn dựng tới quá trình công phu… sao cho hiệu quả trong việc thể hiện rõ nét chủ đề, tư tưởng thông qua hệ thống ngôn ngữ hình ảnh, âm thanh... Đến những chia sẻ chân thật nhất về cách quay phim, kỹ thuật, bí quyết phim trường, xử lý không gian- ánh sáng.

Tuy còn một vài sơ suất nhỏ trong khâu chuẩn bị thiết bị trình chiếu, nhưng nhìn chung, lớp tập huấn diễn ra rất thành công, hào hứng và thú vị. Chúng em đã có dịp làm quen và tiếp cận với một đại diện của nền điện ảnh phát triển Đức cũng như được tiếp xúc với một nhà đạo diễn tài ba, tâm huyết. Cảm ơn ban tổ chức đã tạo điều kiện cho chúng em có được buổi tập huấn đầy bổ ích này và mong muốn sẽ có dịp tham gia tiếp các buổi tập huấn ý nghĩa về nghề vào những lần sau.