Đào tạo điện ảnh Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đang đặt ra

Hiện nay ở Việt Nam có 5 trường đào tạo nguồn nhân lực liên quan tới điện ảnh truyền hình. Đó là các trường: Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội; Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Truyền hình (Thường Tín - Hà Nội), Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình1 (Phủ Lý - Hà Nam), Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2 (Trần Nhân Tông TP Hồ Chí Minh). Trong 5 trường nói nên trên chỉ có Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh là đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho điện ảnh . Cho đến mùa tuyển sinh năm 2009 Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh chưa được giao đào tạo bậc đại học các chuyên ngành sân khấu điện ảnh.

(TGĐA) - Các cụ xưa nói: Không thầy đố mày làm nên. Câu nói đó không chỉ khẳng định vai trò của người thầy, mà rộng hơn khẳng định vai trò của sự học, nói như chúng ta hiện nay vai trò của công tác đào tạo.


Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội

Trong những thành tựu lớn của điện ảnh Việt Nam, không thể không ghi nhận những đóng góp to lớn của công tác đào tạo. Những yếu kém, những thiếu hụt của điện ảnh Việt Nam, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng suy cho cùng không phải không có trách nhiệm của công tác đào tạo. Khi muốn tìm hiểu dự đoán tương lai khả năng phát triển của một ngành, một đất nước người ta thường nghiên cứu nhiều vấn đề nhưng một trong những vấn đề nghiên cứu thiết yếu không thể bỏ qua đó là khả năng cung cấp nguồn nhân lực thông qua hiện trạng mô hình đào tạo, hình thức đào tạo, chất lượng đào tạo... Bởi lẽ tất cả phải bắt đầu từ con người. Không có một nền điện ảnh lớn nào trên thế giới mà không gắn với công tác đào tạo. Mỹ là như vậy. Nga là như vậy. Trung Quốc cũng là như vậy. Tất nhiên nói tới đào tạo, nói tới sự học không phải chỉ gói gọn trong nhà trường. Học thày, học bạn, học lớp đàn anh, học trong nước, học thế giới. Ở đây chỉ xin khuôn lại sự học trong nhà trường, bởi nhà trường là cơ sở chính thống mà ở đó có thể nhận ra tầm văn hoá, mà ở đó có thể nói với chúng ta rất nhiều về quá khứ, hiện tại, tương lai.

Tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội mỗi năm có khoảng 140 sinh viên điện ảnh truyền hình nhập học. Toàn trường có khoảng 560 sinh viên điện ảnh truyền hình từ năm thứ nhất đến năm thứ tư theo học các chuyên ngành nghệ thuật, và 180 sinh viên học kỹ thuật điện ảnh bậc đại học chính quy. Số sinh viên học hệ vừa học vừa làm (tại chức) điện ảnh truyền hình của trường từ năm thứ nhất đến năm thứ tư có khoảng 500 sinh viên. Đào tạo sau đại học chuyên ngành điện ảnh mỗi năm tại trường có khoảng 10 đến 15 học viên. Như vậy chúng ta có thể nói chỉ có 560 sinh viên đang được đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật hệ chính quy trình độ đại học.

Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đang đào tạo các chuyên ngành sau: Biên kịch điện ảnh truyền hình, Lý luận phê bình điện ảnh, Quay phim điện ảnh truyền hình, Đạo diễn điện ảnh truyền hình, Hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật điện ảnh, Hoạ sĩ phim hoạt hình, Kỹ sư công nghệ điện ảnh truyền hình, Kỹ sư công nghệ điện tử, Kỹ thuật viên máy chiếu. Diễn viên điện ảnh được đào tạo chung trong chương trình Diễn viên sân khấu điện ảnh. Trừ ngành kỹ thuật viên máy chiếu không tuyển sinh hàng năm, các ngành khác hàng năm đều được trường tổ chức tuyển sinh.

Từ thực tế trên dễ dàng nhận ra những ngành còn thiếu của điện ảnh mà trong công tác đào tạo chưa có khả năng, chưa chuẩn bị được những điều kiện cơ bản để có thể mở mã ngành đào tạo. Có thể kể đến các chuyên ngành thiếu nhưng chưa được đào tạo như sau:

- Nhà sản xuất phim

- Dựng phim (trường đã có bậc đại học đào tạo ngành công nghệ điện ảnh truyền hình nhưng chưa đi sâu vào ngành này).

- Âm thanh (trường đã có bậc đại học đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật điện tử truyền hình nhưng chưa đi sâu vào ngành này).

- Hoá trang điện ảnh truyền hình.

- Tổ chức quản lý phát hành phim và chiếu bóng.

- Kỹ xảo điện ảnh truyền hình.

- Các cán bộ kỹ thuật viên sơ cấp, trung cấp, cử nhân cao đẳng các lĩnh vực sản xuất phim và phát hành phim chiếu bóng.

Danh mục các chuyên ngành, ngành nghề còn thiếu, cần thiết cho điện ảnh nhưng chưa được đào tạo còn có thể kéo dài. Tuy vậy chỉ xin nói thêm về một số chuyên ngành đã nêu. Đầu tiên phải kể tới nhà sản xuất phim - Đây là một ngành đáng lý ra phải được chuẩn bị từ sớm, được đào tạo khi đất nước bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới. Trong nền kinh tế tập trung, làm phim theo kế hoạch, chúng ta chỉ có chức danh chủ nhiệm phim. Đó là người chịu trách nhiệm chi tiền ngân sách nhà nước theo dự toán đã được phê duyệt cho hoạt động của đoàn làm phim sau khi kịch bản được phê duyệt đưa vào sản xuất đến khi bộ phim hoàn thành được bàn giao cho hãng. Nhưng khi điện ảnh vận hành trong cơ chế thị trường thì vai trò nhà sản xuất phim, ông chủ phim được đặt ra như một đòi hỏi khách quan. Đó là người phải chịu trách nhiệm ngay từ khi hình thành ý đồ kịch bản cho đến khi bộ phim đến với người xem, đó là người phải chịu trách nhiệm thành bại của một bộ phim từ khi đồng tiền bỏ ra đến khi đồng tiền qua tấm vé thu về. Đây đó trong thực tế điện ảnh Việt Nam đã xuất hiện những nhà sản xuất phim hoặc những người được mang danh nhà sản xuất phim. Nhưng sự xuất hiện đó phần nhiều mang tính tự phát. Rất ít người trong số họ có những kiến thức toàn diện, hệ thống, được đào tạo bài bản. Đào tạo nhà sản xuất phim trong trường đại học điều này không dễ dàng gì. Phải có sự chuẩn bị công phu, khoa học, về chương trình đào tạo, về đội ngũ những người thầy. Bên cạnh việc học tập kinh nghiệm đào tạo nhà sản xuất phim của các nước có nền điện ảnh phát triển, bên cạnh việc nghiên cứu quy luật phát triển điện ảnh không thể không dày công nghiên cứu những đặc thù riêng về môi trường phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Một chuyên ngành nữa phải nói đến đó là kỹ xảo điện ảnh. Mua máy kỹ xảo trong hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam hiện nay đã khó. Nhưng sử dụng được nó, sử dụng một cách hiệu quả, chắp cánh một cách hiệu quả cho những ý tưởng nghệ thuật, giải bài toán đó còn khó hơn nhiều. Bởi tất cả phải từ con người, con người được đào tạo bài bản công phu, con người làm chủ được thiết bị. Làm sao để có người dày công nghiên cứu lĩnh vực này. Cần đào tạo nhưng không thể đào tạo đại trà. Và đào tạo rồi lại cần một chính sách để có thể sử dụng được những chuyên gia ấy. Một chuyên ngành khác, một nghề khác đó là hoá trang. Chuyên gia một nước bạn có nền điện ảnh rất phát triển, trước đây mấy chục năm đã từng đến Việt Nam giờ đây quay lại họ rất ngạc nhiên khi hoá trang trong phim Việt Nam vẫn dừng trình độ sơ khai như trước đây mấy chục năm. Mặc dù trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, hoá trang của điện ảnh thế giới đã có những bước tiến ngoạn mục nhưng sự học của nhiều người làm nghề hoá trang của chúng ta mới chỉ thông qua sự quan sát, sự tinh ý và truyền nghề là chủ yếu. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ.

Nguồn nhân lực làm điện ảnh của chúng ta đang được đào tạo theo các hình thức: Đào tạo dài hạn chính quy, và đào tạo vừa học vừa làm (trước đây gọi là tại chức). Còn có một hình thức khác đó là đào tạo những khoá ngắn hạn bằng kinh phí xã hội hoá, những khoá ngắn hạn theo kinh phí dự án do nhà nước hoặc nước ngoài tài trợ. Nhưng cũng còn nhiều hình thức đào tạo mà chúng ta chưa tận dụng được. Ở các cơ sở đào tạo cho các lĩnh vực khác, ngoài đào tạo chính quy, đào tạo vừa học vừa làm, người ta còn đào tạo liên thông, đào tạo văn bằng hai, đào tạo từ xa... nhưng do cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đào tạo của điện ảnh còn hạn chế, vấn đề thầy giảng dạy điện ảnh còn nhiều bất cập cho nên chúng ta chưa có thể khai thác phát triển các hình thức đào tạo này. (Mặc dù đội ngũ giảng viên đào tạo điện ảnh hiện nay nếu so sánh với tổng số sinh viên thì tỷ lệ giảng viên khá cao: 1GV/4SV đến 10 sinh viên). Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh mấy năm qua chúng ta đã nỗ lực mời nhiều chuyên gia các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Úc, Thụy Điển, Na Uy... sang giúp chúng ta trong công tác đào tạo. Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội riêng trong năm 2008 đã mời 25 lượt chuyên gia. Nếu tính tỉ lệ chuyên gia nước ngoài so với tổng số sinh viên thì đó là một tỉ lệ không nhỏ. Có chuyên gia dạy đạo diễn, dạy quay phim cho sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư như một hình thức du học tại chỗ môn chuyên ngành. Có chuyên gia đến hướng dẫn sinh viên thực hành triển khai thực hiện một bộ phim từ ý đồ kịch bản đến khi bộ phim hoà âm xong. Có chuyên gia hướng dẫn làm phim truyện. Có chuyên gia hướng dẫn làm phim tài liệu... Tất nhiên chuyên gia đến dạy cho sinh viên Việt Nam cũng gặp không ít vấn đề đòi hỏi những nỗ lực rất lớn để tháo gỡ đó là: Sự khác biệt văn hoá, rào cản ngôn ngữ, đặc biệt điều kiện phương tiện thực hành vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội được phép của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ký kết với Trường Đại học Nghệ thuật Busan Hàn Quốc thoả thuận gửi sinh viên Việt Nam sang học ở trường bạn hai năm, hai năm học tại Việt Nam để cấp bằng đại học. Điều này mở ra những triển vọng mới trong công tác đào tạo, các chuyên ngành của Trường trong đó có các chuyên ngành nghệ thuật điện ảnh mà chúng ta có quyền hy vọng. Nhưng đó cũng chỉ là bước khởi đầu.

Sinh viên ĐH SKĐA làm phim

Trong tổng số giảng viên dạy điện ảnh cho trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội thì 2/3 là giảng viên thỉnh giảng. Họ là những nghệ sĩ nổi tiếng, NSND, NSƯT, các nhà biên kịch, các nhà nghiên cứu, nhà lý luận uy tín trên lĩnh vực điện ảnh. Đây không phải là đặc điểm riêng của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội mà là đặc điểm chung của các trường đại học đào tạo nghệ thuật điện ảnh trên thế giới. Sử dụng nguồn cán bộ giảng dạy, từ các Hãng phim các Đài truyền hình cũng như các trường nghệ thuật điện ảnh lớn trên thế giới chúng ta vừa được, vừa phải chấp nhận hai thực tế. Thực tế thứ nhất đó là cái được: Các thầy nghệ sĩ không phải là những người sách vở, mà là những người có thực tiễn có kinh nghiệm thành bại trong sáng tạo và hoạt động nghệ thuật, bài giảng của họ phong phú, mang hơi thở của cuộc sống, dễ dàng đưa sinh viên nhập cuộc các sinh hoạt và hoạt động sáng tạo nghệ thuật... nhưng thực tế thứ hai, đây là thực tế phải chấp nhận: Với các thầy là nghệ sĩ sáng tác, việc sáng tác, niềm đam mê cá nhân vẫn là điều quan trọng nhất. Kế hoạch thực hiện khát vọng sáng tạo của họ không phải lúc nào cũng phù hợp với kế hoạch đào tạo của trường. Tính ngẫu hứng trong sáng tạo nghệ thuật rất cần trong năng lực sáng tạo của nghệ sĩ không phải lúc nào cũng phù hợp trong đào tạo nghệ thuật. Cũng từ đây không ít vấn đề nảy sinh. Trường cần bài bản, nề nếp, cần chuẩn mực phải xây dựng được trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, mọi hoạt động của công tác đào tạo phải được điều chỉnh theo quy định của luật, của quy chế nhà nước. Dung hoà, giải quyết hai thực tế này không dễ và chúng ta chỉ giải quyết được khi chúng ta có bộ máy quản lý đủ năng lực và đội ngũ giảng viên cơ hữu đủ mạnh trong các cơ sở đào tạo nghệ thuật điện ảnh.

Nhưng phải thấy một thực tế là số giảng viên cơ hữu của trường, số người chọn nghề sư phạm còn rất mỏng, một số cán bộ năng lực còn hạn chế. Nguyên nhân có nhiều. Có nguyên nhân do một thời gian dài chúng ta chưa thật sự quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cơ hữu, chưa tạo ra được nhận thức chung đúng đắn về đào tạo nghệ thuật, đó là một nghề. Còn có một nguyên nhân khác nữa: Chính sách đối với nhà giáo giảng dạy nghệ thuật có nhiều bất cập. Nghề đào tạo nghệ thuật không có sức hút mạnh mẽ đối với lực lượng nghệ sĩ trẻ, tài năng. Chúng ta còn có một cái khó, mang tính chất đặc thù của một trường nghệ thuật: Nếu như các trường đại học khác, sinh viên giỏi được giữ lại trường, cho học thạc sĩ, làm luận văn thạc sĩ giỏi cho học tiếp tiến sĩ. Học tiến sĩ xong có thể dạy, có thể đứng lớp. Ở Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thực tế môi trường đào tạo nghệ thuật không phải như vậy. Học giỏi chưa đủ. Có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ chưa đủ. Anh chỉ có thể dạy sáng tác khi anh đã có tác phẩm, khi anh có kinh nghiệm, ít nhiều lăn lộn với môi trường sáng tác. Làm sao để cán bộ của trường vừa có bằng cấp, học hàm học vị theo chuẩn giảng viên đại học vừa có kinh nghiệm sáng tác, có thực tế, giải bài toán này không dễ. Không phải ai có khả năng sáng tác cũng có khả năng nghiên cứu, có khả năng giảng dạy. Và người làm nghiên cứu giảng dạy không phải ai cũng có khả năng sáng tác, ai cũng có thể lăn lộn và được đào luyện trong thực tế làm phim. Những vấn đề trên nếu không khắc phục được thì khó mà có thể nói tới vấn đề xây dựng đội ngũ giảng viên đào tạo nghệ thuật và nâng cao chất lượng đào tạo.

Đặc thù của đào tạo điện ảnh trong tuyển sinh đã được nhà nước quan tâm thể hiện trong quy chế tuyển sinh và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy vậy vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu một cách cơ bản, khoa học để có những quy định phù hợp về việc thi năng khiếu, về đối tượng tuyển sinh, về thời gian tuyển sinh, đảm bảo lựa chọn được những tài năng thật sự cho lĩnh vực điện ảnh.

Những năm qua những người làm công tác đào tạo điện ảnh đã có những cố gắng lớn lao để môi trường đào tạo thực sự là vườn ươm cho những tài năng. Nhiều sinh viên trên ghế nhà trường đã nhận các vai chính trong phim nhựa và phim video, nhiều em có kịch bản sản xuất phim nhựa và phim truyền hình. Nhiều em được giải cao với tư cách đạo diễn, quay phim trong các cuộc thi phim ngắn toàn quốc “Cánh diều” do Hội điện ảnh Việt Nam tổ chức. Một số sinh viên điện ảnh đã tham gia hợp tác có kết quả với bạn bè quốc tế trong triển khai các dự án làm phim (dự án với Thuỵ Điển, với Đức, với Hàn Quốc...) được các trường bạn đánh giá cao. Những gương mặt trẻ, niềm hy vọng của điện ảnh dân tộc xuất hiện chính từ những sinh viên đã tốt nghiệp của trường..., nhưng nhìn chung mặt bằng văn hoá của không ít sinh viên khi vào học điện ảnh còn thấp so với yêu cầu. Điều này có thể giải thích bởi lý do điện ảnh Việt Nam chưa có sức hấp dẫn thật sự với những thí sinh tài năng có trí lực vượt trội. Thí sinh có năng khiếu bẩm sinh: Hát được, múa được, vẽ được, có khả năng sáng tạo, khả năng dàn dựng... không phải ai cũng có một mặt bằng văn hoá, một mặt bằng kiến thức cần phải có. Chính điều này đã dẫn tới những sự lựa chọn không mấy dễ dàng của cơ sở đào tạo: Có em điểm năng khiếu cao, nhưng điểm văn - môn học từ phổ thông lại dưới trung bình. Có em điểm văn cao, điểm năng khiếu thấp. Vấn đề đặt ra là chọn ai trúng tuyển? Cơ sở đào tạo nghệ sĩ điện ảnh không đào tạo nhà nghiên cứu văn học, không đào tạo người giảng dạy văn học. Văn điểm 8, điểm 9 nhưng thí sinh không hát được, không múa được, không vẽ được, không sáng tác được... không thể thành diễn viên, thành hoạ sĩ thành đạo diễn... Nhưng cho trúng tuyển những thí sinh điểm năng khiếu cao, điểm văn thấp đó là điều phải suy nghĩ. Chả lẽ trong công tác đào tạo đại học nghệ thuật chúng ta mãi mãi chấp nhận điều ấy? Không, chúng ta cần thí sinh có năng khiếu, điểm năng khiếu cao, và điểm văn cũng phải cao. Thực tế đào tạo nghệ thuật cho chúng ta thấy rằng các em có năng khiếu chỉ có thể trở thành tài năng thật sự, chỉ có thể đi xa trên con đường sáng tạo khi có những kiến thức tối thiểu.

Trong bối cảnh truyền hình phát triển rất mạnh mẽ hiện nay, sinh viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khi ra trường có tỷ lệ có công ăn việc làm ngay từ năm đầu tiên khá cao. Trên 80%. Đó là con số đáng mừng nếu so với các trường đại học khác. Và thực sự họ đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng nội dung và nghệ thuật, các chương trình truyền hình. Sinh viên khi tốt nghiệp hầu hết đến với truyền hình. Điều đó thể hiện sức hấp dẫn và nhu cầu rất lớn của truyền hình. Nhưng không thể và không nên chỉ vui mừng vì hiện tượng này. Mặt trái đáng suy nghĩ của nó chính là người được đào tạo cho điện ảnh lại về truyền hình, còn nguồn lực trẻ bổ sung điện ảnh lại rất hạn chế, hoặc hầu như không có. Nếu không có một chính sách thu hút nguồn lực cho điện ảnh đủ mạnh, điện ảnh Việt Nam sẽ phải trả giá không nhỏ cho hiện tượng này. Và có một thực tế nữa nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành quay phim, đạo diễn không muốn ở lại trường. Bởi tấm gương cuộc sống của các thầy dạy nghệ thuật còn nhiều vất vả, không thể không tác động tới các em. Và cuộc sống mưu sinh hiện tại, những nhu cầu trước mắt buộc các em sinh viên giỏi phải có những cách lựa chọn của mình. Chúng ta chưa có một chính sách để thu hút nguồn nhân lực tài năng cho công tác đào tạo dù ai cũng hiểu không thầy đố mày làm nên.

Việc chuyển đổi quan điểm đào tạo nguồn nhân lực làm phim thuần tuý theo kế hoạch của nhà nước (làm phim bao cấp) sang quan điểm đào tạo nguồn nhân lực mới làm phim có khả năng sáng tạo độc đáo, vừa biết độc lập, vừa biết chủ động hợp tác và có khả năng thích ứng trong cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu văn hoá ngày càng cao của người dân đang đặt ra như một đòi hỏi sống còn, tiếc thay việc chuyển đổi này còn hạn chế bởi sức ỳ của thói quen cũ, sự thụ động của nhiều cán bộ giảng viên trong đó có cả sinh viên. Không phải chúng ta cứ tuyên bố thay đổi quan điểm đào tạo, mục tiêu đào tạo là mọi sự sẽ thay đổi. Tất cả phải bắt đầu từ nhận thức và khả năng đổi mới của từng con người cụ thể. Cơ sở đào tạo điện ảnh phải đổi mới, đáp ứng nhu cầu phát triển, dạy những gì mà thực tiễn đang cần và tương lai sự phát triển sẽ cần chứ không phải chỉ dạy những gì mình đã có. Muốn làm được như vậy cơ sở đào tạo phải được đổi mới một cách căn bản. Thiết nghĩ đây là một thách thức rất lớn và là vấn đề hết sức thiết yếu bởi việc giải quyết điều này sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc cụ thể hoá chương trình đào tạo, trong kết cấu, chất lượng bài giảng của cán bộ giảng viên và trong cách học và thực hành của sinh viên.

Những năm gần đây mặc dù nhiều chương trình đào tạo đã được bổ sung đổi mới, nhiều giáo trình cơ bản, nhiều sách tham khảo đã được dịch và biên soạn từ nguồn kinh phí của nhà nước và nguồn tài trợ của nước ngoài nhưng hệ thống giáo trình cơ bản, hệ thống phim kinh điển có bản quyền phục vụ cho công tác đào tạo còn thiếu, chưa đồng bộ. Nhiều giáo trình phải được tiếp tục bổ sung đổi mới. Thực tế chúng ta chưa có sự đầu tư cơ bản mang tính chất đột phá cho biên soạn, dịch thuật giáo trình, tài liệu tham khảo cho công tác đào tạo nghệ thuật điện ảnh.

Mặc dù Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã rất quan tâm đầu tư trang thiết bị cho đào tạo điện ảnh thông qua các chương trình mục tiêu nhưng nhìn chung, do tính đặc thù mà đào tạo điện ảnh đòi hỏi, cơ sở vật chất kỹ thuật cho đào tạo điện ảnh vẫn còn thiếu, lại không đồng bộ. Sinh viên còn trong tình trạng thiếu trang thiết bị thực hành mang tính chuyên nghiệp cao. Học nghề điện ảnh nhưng sinh viên điện ảnh làm bài tập, bài tốt nghiệp chỉ bằng phương tiện video. Máy quay phim nhựa, bàn dựng phim nhựa, kinh phí làm bài tập phim nhựa không có. Công nghệ mới máy quay HD, bàn dựng HD còn xa lạ với sinh viên của trường. Dự án đầu tư “Xây dựng, cải tạo và tăng cường năng lực thiết bị cho Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội” được thủ tướng chính phủ phê duyệt khi có mặt bằng để triển khai thì lại gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Với mức độ và tốc độ đầu tư như hiện nay, mỗi năm được đầu tư khoảng 10 đến 20 tỷ đồng, cơ sở vật chất kỹ thuật theo dự án đã được phê duyệt nhanh nhất 20 năm nữa mới có thể hoàn thành. Kinh phí dành cho đào tạo điện ảnh, mặc dù đã được quan tâm tới tính đặc thù nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo. Có thể hy vọng chúng ta sẽ có nguồn nhân lực điện ảnh được đào tạo bằng con đường du học tự túc chăng? Trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam khác các ngành nghề khác như kinh tế, ngân hàng, tài chính... rất ít các gia đình bỏ tiền ra cho con đi học điện ảnh ở nước ngoài. Có thể hy vọng những tài năng điện ảnh bổ sung cho nguồn nhân lực ngành điện ảnh Việt Nam xuất hiện từ con em người Việt ở hải ngoại chăng? Chúng ta được quyền hy vọng và không hẹp lòng chào đón những nguồn nhân lực mới cho điện ảnh nước nhà nhưng trên tất cả vẫn cần một quyết tâm chính trị lớn, đổi mới, đưa công tác đào tạo điện ảnh của Việt Nam lên bước phát triển mới. Tất cả mọi kế hoạch tương lai cho điện ảnh nước nhà thiết nghĩ chỉ là ước mơ nếu chúng ta không coi đào tạo là khâu đột phá, từ nhận thức đến những giải pháp cụ thể.

Đứng trước một chặng đường phát triển mới, người ta thường tự nhìn nhận lại chính mình. Đây là một quá trình tự nhận thức cần thiết, nhưng không thể cảm tính phủ nhận sạch trơn những gì mình có, cũng như không thể vội vã tìm kiếm, chắp vá, vội vã thực hiện những mô hình mới miễn là nó khác cái mình đã có hôm nay. Có ý kiến cho rằng đào tạo điện ảnh còn có những bất cập phải chăng do Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là trường đào tạo đa ngành, ngoài điện ảnh còn có cả sân khấu nữa? Tôi nghĩ rằng đó cũng chỉ là ý kiến vội vã. Nếu theo ý kiến đó chúng ta sẽ lại rối bận với những việc chia tách con người cũng như cơ sở vật chất, vốn đã mỏng và manh mún. Trên thế giới hiện nay đang tồn tại nhiều mô hình về trường điện ảnh. Có nơi đào tạo điện ảnh trong một trường đứng độc lập. Có nơi đào tạo điện ảnh gắn với đào tạo truyền hình trong một Trường Điện ảnh Truyền hình. Có nơi điện ảnh được chia trong một số khoa đào tạo cùng trường với các ngành sân khấu và âm nhạc. Và có nơi điện ảnh chỉ là một khoa nằm trong đại học bách khoa...

Dù mô hình trường điện ảnh của các nước không giống nhau, và có sự khác nhau giữa mô hình các trường điện ảnh ngay cả trong từng nước thì điểm chung nhất mọi người đều quan tâm như một lẽ tồn tại đó là chất lượng đào tạo. Làm sao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của một ngành nghệ thuật đầy năng động có tính quần chúng rộng rãi như điện ảnh?

Các thí sinh háo hức xem điểm tuyển sinh

Trong các hội nghị của Hiệp hội các trường điện ảnh và truyền hình quốc tế mà trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là một thành viên người ta đều khẳng định vai trò của chương trình đào tạo, sự cần thiết phải đổi mới chương trình đào tạo. Nhiều trường cho chương trình đào tạo như yếu tố đầu tiên quan trọng nhất. Nhưng khi đi sâu vào chương trình đào tạo, nội dung, cấu trúc, quan niệm phải nói rằng cũng còn những quan điểm rất khác nhau. Có cần thiết và có nên nhất thể hoá một chương trình đào tạo nghệ sĩ điện ảnh trong bối cảnh hiện nay hay không khi mà thế giới trong bối cảnh toàn cầu hoá, thế giới được coi là thế giới phẳng và điện ảnh mang tính quốc tế rất cao? Nhưng cũng còn có quan điểm khác, chương trình đào tạo phải cập nhật được những thành tựu văn hoá, thành tựu khoa học công nghệ, thành tựu điện ảnh của nhân loại nhưng phải có dấu ấn riêng, bản sắc riêng của từng quốc gia dân tộc, và dấu ấn riêng của cơ sở đào tạo của mình. Không ít nước, không ít nhà văn hoá nổi tiếng đã lên tiếng cảnh báo về sự tràn ngập phim Hollywood, xu hướng Mỹ hoá màn ảnh các nước. Cũng từ đây có thể nói rằng vấn đề đào tạo theo chương trình tiên tiến theo cách hiểu hiện nay ở các cơ sở đào tạo đại học khi vận dụng vào thực tiễn đào tạo nghệ thuật của chúng ta không đơn giản chút nào. Chúng ta không thể nhập khẩu chương trình đào tạo nghệ thuật một cách máy móc nhưng đồng thời không thể đóng cửa tìm một sự tồn tại biệt lập tự ru ngủ trên những thành tựu đã có của mình. Chúng ta chỉ có thể tạo ra bước đột phá, chỉ có thể có chương trình đào tạo chất lượng khi biết học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu tinh hoa của lĩnh vực đào tạo điện ảnh các nước đồng thời phải bắt rễ sâu trên nền tảng văn hoá của dân tộc mình. Chương trình đào tạo được kết cấu bởi nhiều môn học, nó gắn liền với những quan niệm cụ thể về nghệ thuật điện ảnh, về văn hoá của từng quốc gia dân tộc, trên thực tế phát triển của từng quốc gia dân tộc. Nghiên cứu chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong lĩnh vực điện ảnh sẽ giúp chúng ta có được chương trình đào tạo phù hợp với đất nước mình đồng thời hội nhập được với các nước trên thế giới. Nhiều điều trong nội dung, trong cấu trúc, trong phương pháp giảng dạy của nhiều môn học chuyên ngành điện ảnh chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm, kể cả tiếp thu công nghệ giảng dạy của các nước có nền điện ảnh lớn trên thế giới.

Các trường điện ảnh trên thế giới đều hết sức quan tâm tới xây dựng đội ngũ giảng viên của trường và họ coi đó là vấn đề hết sức cơ bản. Giảng viên cơ hữu là đội ngũ được đào tạo cơ bản, hệ thống được chọn lọc thông qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt. Người làm sao chiêm bao làm vậy. Thầy giỏi, thầy mới mẻ trong tư duy, thì sẽ có phương pháp giảng dạy mới mẻ. Thầy giỏi mới có trò giỏi đó là quy luật muôn đời.

Yếu tố thứ ba, sau chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên đó là cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của trường. Một trong những vấn đề được coi là đặc thù của đào tạo sinh viên điện ảnh là sinh viên phải được thực hành. Không phải ngẫu nhiên mà Trường Điện ảnh Sân khấu Stốc Khôm chi 80 triệu đô la Mỹ xây dựng cơ sở vật chất cho đào tạo 160 sinh viên. Xưởng phim thực hành cho sinh viên của trường đại học điện ảnh Đông A Hàn Quốc được đầu tư lên đến 15 triệu đô la Mỹ.

Ba yêú tố chủ yếu: chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho điện ảnh của các nước với chúng ta không phải là điều gì quá mới mẻ. Đó là những vấn đề chúng ta đang phải đối mặt và bàn luận từng ngày. Khác chăng là các nước bạn giải quyết không quá khó khăn và đã giải quyết khá hiệu quả còn chúng ta lại quá khó khăn. Nhưng nếu không quyết tâm cao giải quyết một cách quyết liệt các vấn đề ấy chúng ta không thể thay đổi một cách căn bản chất lượng nguồn nhân lực cho điện ảnh đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng cao của nhân dân cả nước.

Để vượt qua thách thức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hiện nay của sự nghiệp phát triển văn hoá dân tộc công tác đào tạo điện ảnh thiết nghĩ phải tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản sau đây:

Mục tiêu và nhu cầu từ nay đến năm 2015.

- Tạo ra sự chuyển biến và nhận thức trong quan niệm đào tạo nghệ thuật, coi đào tạo nghệ thuật là một nghề. Xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu tương đối đồng bộ, dạy được những môn cơ bản của các chuyên ngành nghệ thuật, và kỹ thuật, có chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho giảng viên cơ hữu gắn bó mật thiết với thực tế sáng tác điện ảnh. Khắc phục được sự mất cân đối về tỷ lệ giữa giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng. Xây dựng đội ngũ thày mang tính chuyên nghiệp cao để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

- Tiếp thu kinh nghiệm đào tạo điện ảnh của các nước tiên tiến. Đổi mới chương trình đào tạo các chuyên ngành, đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng đòi hỏi đổi mới của điện ảnh truyền hình trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chương trình điện ảnh dạy những gì thực tế đang cần và sự phát triển sẽ cần chứ không phải dạy những gì mình đã có.

- Xây dựng được hệ thống giáo trình tương đối cơ bản hệ thống tài liệu tham khảo, phim tham khảo có bản quyền của các chuyên ngành nghệ thuật điện ảnh.

- Tăng số sinh viên các chuyên ngành đào tạo. Các sinh viên không chỉ nắm chắc được những kỹ năng cơ bản của nghề nghiệp mà còn biết phát triển ý tưởng, tham gia các dự án làm phim, làm việc theo nhóm, 25% số các bài tốt nghiệp (tác phẩm tốt nghiệp) không chỉ là kết tinh của kiến thức và nỗ lực sáng tạo cá nhân mà còn là kết quả của các dự án làm phim được nhà nước và tổ chức, cá nhân tài trợ.

- Tổ chức tốt các đoàn làm phim sinh viên quốc tế đưa sinh viên điện ảnh của Việt Nam vào thành phần chính của các đoàn làm phim sinh viên của nhiều quốc gia dân tộc, rèn luyện bản lĩnh sáng tác của sinh viên trong môi trường hợp tác quốc tế.

- Bổ sung đào tạo một số ngành quan trọng còn thiếu của điện ảnh truyền hình.

+ Dựng phim

+ Âm thanh

+ Hoá trang

+ Nhà sản xuất phim

+ Tổ chức và quản lý phát hành phim và chiếu bóng

+ Đào tạo nghiên cứu sinh

+ Đào tạo một số kỹ thuật viên trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng.

- Từng bước đa dạng hoá các hình thức đào tạo, đào tạo liên thông, cao đẳng, đào tạo văn bằng hai, đào tạo từ xa.

Đến năm 2020 công tác đào tạo hướng tới những mục tiêu và nội dung sau:

- Bồi dưỡng đào tạo để có các chuyên gia đầu ngành trong đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường giảng dạy các chuyên ngành do Trường đào tạo.

- Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của Trường không thua kém các cơ sở đào tạo trong khu vực và thế giới, có đủ khả năng phục vụ tiền kỳ và hậu kỳ không chỉ cho các bộ phim bài tập của sinh viên mà còn bảo đảm một phần cho việc sản xuất phim của nhà nước và tư nhân. Bảo đảm điều kiện thực hành cho sinh viên trong nước và quốc tế.

- Xây dựng hệ thống giáo trình hoàn thiện. Có nhiều giáo trình khác nhau cho một môn học tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên lựa chọn. Bảo đảm điều kiện thực hành cho sinh viên trong nước và quốc tế.

- Có nhiều sinh viên có khả năng tham gia các trại sáng tác điện ảnh, truyền hình quốc tế, tham gia các đoàn làm phim sinh viên quốc tế.

Có những lớp sinh viên đủ trình độ ngoại ngữ, có khả năng trao đổi với bạn bè quốc tế và có khả năng nghe các chuyên gia giảng bài không qua phiên dịch.

- Thực hiện có hiệu quả việc trao đổi sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài, du học dài hạn, du học ngắn hạn, trao đổi sinh viên với các hình thức khác nhau.

Để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ trên cần phải có những giải pháp phù hợp, có hiệu quả trong đó có:

- Nghiên cứu tìm ra mô hình đào tạo phù hợp với đặc thù điện ảnh và xu thế hiện nay. Hướng tới đào tạo kết hợp chuyên sâu với đào tạo theo nhóm ngành nghề khác nhau. (trước đến nay lớp biên kịch học riêng, đạo diễn học riêng, quay phim học riêng, hoạ sĩ học riêng, nay có thể nghiên cứu hình thức phát triển học theo các nhóm ngành nghề khác nhau).

- Nghiên cứu tiếp thu những kinh nghiệm thành tựu quý báu của các nước xây dựng chương trình đào tạo nội dung môn học. Liên kết với các nước trong đào tạo tại Việt Nam và cử cán bộ giảng viên, sinh viên đi học tập, nghiên cứu và thực tập ở nước ngoài. Tăng cường, trao đổi giảng viên, sinh viên Việt Nam với giảng viên, sinh viên các nước.

- Đề xuất những cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù điện ảnh thu hút nhân tài cho lĩnh vực đào tạo điện ảnh, và nguồn nhân lực cho điện ảnh.

- Đề xuất những chế độ chính sách khắc phục sự cào bằng trong kinh phí đào tạo điện ảnh kết hợp với xây dựng cơ chế lựa chọn nhân tài trong tuyển sinh và sự sử dụng nhân tài phù hợp với đặc thù của điện ảnh.

- Đề xuất hình thức tuyển sinh phù hợp, không bị trói buộc bởi những quy định không phù hợp với đặc thù điện ảnh.

Phấn đấu cho những mục tiêu và giải quyết những nhiệm vụ như trên, đó là những việc không dễ nhưng tôi tin chúng ta với kinh nghiệm thành bại của thời gian vừa qua, với nhiệt huyết say mê và sáng tạo của những người trong cuộc dưới sự hỗ trợ và chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch với quyết tâm chính trị lớn, chắc chắn chúng sẽ thành công trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh, có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển văn hoá dân tộc trước những cơ hội và thách thức hiện nay.

Trần Thanh Hiệp