Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần – Phó Giám đốc Hãng Hodafilm: Khoác áo mới cho những tác phẩm văn học nổi tiếng giai đoạn 1930 - 1945

(TGĐA) - Ngoài mong muốn mang lại màu sắc tươi mới cho màn ảnh Việt, việc phục dựng những tác phẩm văn học nổi tiếng của giai đoạn 30 – 45 lên màn ảnh đồng thời là sự mong đợi của những ai đã từng yêu mến các tác phẩm thời kỳ này. Tạp chí Thế giới điện ảnh đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Phó giám đốc Hodafilm, đơn vị phối hợp cùng VFC thực hiện dự án này.

Dao_dien_Nguyen_Huu_Phan

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Phần - Phó Giám đốc Hãng Hodafilm

* Với cương vị là Phó Giám đốc Hãng Hodafilm, ông có thể cho biết về dự án khôi phục lại những tác phẩm văn học nổi tiếng thời kỳ 30 - 45 để dựng thành phim mà Hãng đang triển khai?

Đây là dự án của Hãng Hodafilm phối hợp với Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC) và Đài Truyền hình Việt Nam cùng thực hiện. Xuất phát từ thực tế tình hình phim truyền hình của chúng ta hiện nay đang có những khó khăn như thế hệ đạo diễn trẻ ít hiểu biết về những vấn đề cũ, chủ yếu họ bị chi phối quanh quẩn những đề tài tình yêu, sinh viên, tuổi teen… với tính giải trí cao. Hơn nữa, lịch sử văn học Việt Nam có một kho tàng quý các tác phẩm văn học nổi tiếng của giai đoạn 30 – 45 gồm có văn học lãng mạn (Tự Lực văn đoàn gồm có Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam…) và văn học hiện thực phê phán (gồm có Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan…). Vì vậy, chúng tôi cho rằng nếu thực hiện được sêri phim về thời kỳ này thì đây là cơ hội để người xem thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật thành công một thời mà đôi khi không có điều kiện để đọc. Còn đối với những người đã từng trải qua và say mê dòng văn học 30 – 45 thì đây sẽ là cơ hội được hồi tưởng và nhớ lại những cảm xúc đẹp về một thời đã qua. Việc phục dựng những tác phẩm văn học nổi tiếng giai đoạn này lên phim cũng góp phần mang lại màu sắc tươi mới cho phim truyền hình.

* Hodafilm và VFC có vai trò riêng như thế nào trong dự án này?

Dự án này cũng phải thể nghiệm nên phải có sự hợp tác hai bên giữa Hodafilm và VFC. VFC hiện là một đơn vị làm phim rất mạnh, có lực lượng trẻ và phương tiện kỹ thuật rất tốt nên lo thành phần về mặt sản xuất. Họ luôn có chỉ tiêu làm phim rất lớn đối với Đảng nhưng đội ngũ lại quá trẻ để hiểu về giai đoạn này. Vì vậy, Hodafilm sẽ lo phần nhân sự chính về mặt sáng tác như tác giả kịch bản, đạo diễn, quay phim, âm thanh, họa sĩ thiết kế mỹ thuật, phục trang, hóa trang. Sở dĩ Hodafilm nhận phần này vì về phía Hội Điện ảnh có số lượng lớn các hội viên, trong đó có rất nhiều thế hệ lớn tuổi say mê văn học 30 – 45.

Canh_phim_So_do

Cảnh phim Số đỏ

* Vậy cách thực hiện sẽ như thế nào, thưa ông?

Phim truyền hình hiện nay đang có nhu cầp nhiều tập nên chúng ta không thể lấy một truyện ngắn của Thạch Lam hay Vũ Trọng Phụng… để làm một phim nhiều tập, nhưng chúng ta có thể lấy cả một tập truyện ngắn của các tác giả này để tổ chức lại thành một bộ phim liên quan từ chuyện nọ đến chuyện kia, để tạo ra được không khí xã hội và không khí thơ của thời kỳ đó. Đây thực ra cũng là một kinh nghiệm cũ. Ngày trước, đạo diễn Phạm Văn Khoa làm phim về Nam Cao có tên Làng Vũ Đại ngày ấy chứ không phải làm riêng về Chí Phèo bởi bản thân nhân vật này chưa chắc đã đủ thời lượng cho một bộ phim. Nhưng trong Làng Vũ Đại ngày ấy thì có cả Lão Hạc, Trăng sáng, Chí Phèo… - một tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Nam Cao.

Ban đầu, nhiều người lo rằng dự án phim này sẽ khá tốn kém bởi hiện nay phim truyền hình dao động từ 150 – 200 triệu/tập phim. Trong khi đó, ở đây chúng ta phải dựng lại bối cảnh quá khứ, may mới hoàn toàn quần áo thời xưa. Nhưng thiết nghĩ nếu chúng ta chỉ thực hiện một phim thì chắc chắn kinh phí sẽ không nhỏ, còn nếu làm một sêri phim khoảng 200 tập thì cùng thời đó chỉ có một kiểu quần áo, và bối cảnh, đạo cụ cùng một số vật dụng có thể sử dụng được cho các phim sau nằm trong dự án này, vô hình chung lại không tốn kém nhiều.

Dien_vien_Quoc_Trong_vai_Xuan_toc_do_trong_phim_So_do

Diễn Viên Quốc Trọng vai Xuân tóc đỏ trong phim Số đỏ

* Ông có thể cho biết bộ phim mở hàng đầu tiên của dự án?

Đề án thể nghiệm đầu tiên là phim Ánh sáng kinh thành (30 tập) chuyển thể từ một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Thời kỳ phim thị trường trước đây, chúng ta cũng đã có một bộ phim Số đỏ (6 tập) của đạo diễn Hà Văn Trọng, do diễn viên Quốc Trọng đóng vai Xuân tóc đỏ. Còn trong Ánh sáng kinh thành thì Số đỏ sẽ là trung tâm của câu chuyện và xoay quanh là những mảng đời, những số phận trong các phóng sự Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Làm đĩ… Khi bắt tay thực hiện dự án này, mọi người đều thấy thú vị bởi nhận ra rằng những tác phẩm văn học sở dĩ còn tồn tại lâu dài vì nó phản ánh những vấn đề có tính muôn thuở. Chẳng hạn, Số đỏ nếu được đặt vào cuộc sống hiện nay sẽ thấy những người nhặt bóng ở sân tennis hay sân gôn, những kẻ hợm hĩnh, cơ hội bằng nịnh nọt lên chức thì Xuân tóc đỏ là một nhân vật điển hình cho mọi thời đại. Vì vậy khi xây dựng nhân vật này lên phim, chúng ta sẽ thấy không chỉ đề cao được một tác phẩm văn học nổi tiếng của thời kỳ 30 – 45 mà còn làm được một vấn đề thế sự.

Kịch bản của Số đỏ do hai nhà biên kịch Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã chuyển thể và được thực hiện bởi hai đạo diễn NSƯT Phạm Nhuệ Giang và Phan Đăng Di. Quay phim cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn là một ẩn số. Còn họa sĩ thiết kế chính do anh Nguyễn Mạnh Đức (Đức nhà sàn) đảm nhận, anh từng được biết đến với vai trò này trong các bộ phim Lều chõng (phim truyền hình - đạo diễn NSƯT Nguyễn Thanh Vân), Long thành cầm giả ca (phim truyện - đạo diễn NSƯT Đào Bá Sơn). Ngoài ra, còn có một họa sĩ khác bên Công ty TNHH Một thành viên phim truyện Việt Nam cùng thực hiện.

Leu_Chong_cung_la_mot_bo_phim_dua_tren_tac_pham_cua_nha_van_Ngo_Tat_To_giai_doan_30-45_

Lều chõng cũng là một bộ phim dựa trên tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố giai đoạn 30-45

Hiện tại, đoàn vừa đi chọn cảnh ở làng Đường Lâm để tìm bối cảnh nông thôn. Còn bối cảnh phố cổ có thể dựng trường quay ở Thiên đường Bảo Sơn và dựng thêm một số bối cảnh khác ở trường quay Cổ Loa. Còn trang phục theo đúng tiêu chí được may mới hoàn toàn để còn tái sử dụng cho những bộ phim sau. Theo kế hoạch, Số đỏ sẽ bấm máy vào tháng 7 tới, thời gian quay khoảng 3 tháng và dự kiến phát sóng vào cuối tháng 11.

* Việc lựa chọn hai đạo diễn chênh lệch nhau về tuổi tác cũng có ý đồ?

Đúng vậy. Nhiều người nói làm phim về thời này thì nên giao cho các đạo diễn lớn tuổi thực hiện vì họ có kinh nghiệm lẫn vốn sống. Nhưng chúng tôi quan niệm việc phản ánh lại quá khứ cũng nên được nhìn theo cách của lớp trẻ. Vì vậy, nếu tôi được nhận một phim trong sêri này thì tôi cũng sẽ mời một đạo diễn trẻ cùng tham gia với mình.

* Ông kỳ vọng gì vào dự án này?

Tôi muốn sự tồn tại của dòng phim này phải thành công với ba mục tiêu: tôn vinh văn học giai đoạn 30 – 45; làm hết sức đến mức có thể bởi nếu Đài Truyền hình không thu được quảng cáo thì họ cũng không có khả năng đầu tư lâu dài; muốn làm điều gì đó cho người xem, đặc biệt là thế hệ con cháu hiểu rằng trước đây ông cha ta đã có những thời kỳ rất đẹp và thú vị. Đồng thời trước thực tế báo động về văn hóa đọc trong một bộ phận giới trẻ, chúng tôi cũng hy vọng việc đưa những tác phẩm văn học một thời lên màn ảnh biết đâu sẽ sẽ giúp các bạn thấy thú vị và tò mò muốn tìm đọc lại những quyển sách thời kỳ đó. Đây sẽ là một thành công không nhỏ.

Xin cảm ơn ông!

Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam phát động Cuộc vận động sáng tác và phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài truyền thống lịch sử đấu tranh Cách mạng (1930 – 1975) trong tất cả các ngành nghệ thuật. Trong đó, Hội Điện ảnh Việt Nam đã có đề án sản xuất phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình về đề tài cách mạng. Hiện nay, mặc dù Hội chưa phát động cuộc thi nhưng cũng đang có một số kịch bản tốt như Những đêm không ngủ phát triển từ kịch bản sân khấu Đêm trắng của Lương Quang Hà, Đội thiếu niên du kịch Đình Bảng dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Xuân Sách…

Trần Kim Anh