Đạo diễn Đào Thanh Tùng: Biển đảo luôn là một đề tài hấp dẫn

(TGĐA) - Cuối tháng 5 vừa qua, Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương có một buổi chiếu phim về biển đảo với 5 bộ phim Đầu sóng ngọn gió, Trường Sa tháng 4/1988, Đảo Lý Sơn, Andre’ Menras – Một người Việt và Biển của người Việt. Đây đều là những bộ phim về biển Hoàng Sa, Trường Sa có nội dung đầy cảm xúc ca ngợi sự hy sinh của người lính biển ngày đêm giữ biển đảo cho quê hương đất nước, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

-o_din_-o_Thanh_Tng

Đạo diễn Đào Thanh Tùng

Trong số đó có hai phim của đạo diễn Đào Thanh Tùng – người vốn được biết đến với những bộ phim ấn tượng về biển đảo, đó là Andre’ Menras – Một người ViệtBiển của người Việt. Trong đó, Andre’ Menras – Một người Việt (sản xuất năm 2011) do chính đạo diễn Đào Thanh Tùng viết kịch bản kể về Andre’ Menras – một công dân Pháp, được công nhận là công dân Việt Nam. Trước đây, năm 1970, André Menras cùng bạn là Jean Pierre Debris đã từng treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên tượng đài thủy quân lục chiến trước cửa Hạ nghị viện Sài Gòn để phản đối cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ. Sau đó, André Menras bị bắt đi tù. Hai năm rưỡi trong khám Chí Hòa là hai năm rưỡi sát cánh cùng anh em tù chính trị, André Menras trở thành một đầu mối trong đường dây đưa những tài liệu bí mật sang Pháp, sau đó sang Mỹ, làm bằng chứng tố cáo chế độ lao tù. Đồng thời, nhận lại từ Mỹ những tài liệu học tập cho anh em trong tù. Sau khi bị chính quyền Sài Gòn trục xuất về nước, André Menras cùng Jean Pierre Debris đã đi 17 nước để tuyên truyền và viết cuốn sách Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn – Chúng tôi tố cáo để tố cáo tội ác của chế độ lao tù, âm mưu phá hoại Hiệp định Paris, giam giữ lâu dài hoặc tiêu diệt người tù chính trị, bằng cách biến người tù chính trị thành tù thường phạm. Cái tên Việt – Hồ Cương Quyết cũng là do một người bạn tù đặt cho André Menras. Sau khi đã nghỉ hưu, André Menras như sống lại cuộc đời thứ 2. Ông có nhiều thời gian về Việt Nam thăm bạn bè và tìm hiểu những lí do làm nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Ngày 5/11/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chính thức công nhận ông André Menras là công dân của nước Việt Nam. Nếu trước đây, ông từng phất cao lá cờ Mặt trận giải phóng miền Nam trên đầu tượng lính thủy đánh bộ Mỹ thì ngày nay ông đã mặc áo phông có in hình chiếc kéo cắt đường lưỡi bò để phản đối Trung Quốc lấn chiếm vùng biển của Việt Nam.

Còn Biển của người Việt (biên kịch Phan Huyền Thư) sản xuất năm 2012 là bộ phim tập hợp được những lý lẽ; công bố những bằng chứng thép với những cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu Phan Thuận An, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, PGS TS Trần Ngọc Vương, “tiến sĩ Hoàng Sa – Trường Sa” Nguyễn Nhã; nhấn mạnh việc sử dụng những sử liệu, cứ liệu của chính người Trung Quốc như như Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Minh 1820 - 1841, bản đồ dầu khí năm 1979 của Trung Quốc, bản đồ bưu chính Trung Hoa… để chứng minh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong suốt 500 năm qua. Đạo diễn Đào Thanh Tùng cho biết, ông từng học tiếng Trung Quốc 8 năm tại Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội với dự định sau này sẽ trở thành một nhà nghiên cứu về văn hóa, văn minh Trung Hoa. Vì vậy, ngoài chuyên môn nhờ vào vốn tiếng Trung sẵn có, đạo diễn Đào Thanh Tùng đã có nhiều thuận lợi trong quá trình làm phim này. Trong Biển của người Việt, đạo diễn đã sử dụng không ít tư liệu về biển đảo mà ông có được nhờ những lần làm phim trước đó, như chi tiết làm mộ gió cho ngư dân chết trong bão Chan Chu năm 2010 hay lễ khao lề thế lính ở Quảng Ngãi. Đó là khoảng thời gian gần chục năm về trước khi đạo diễn Đào Thanh Tùng đến với Quảng Nam để làm phim Biển lặng phản ánh nỗi đau khi cơn bão Chan Chu đã giết chết nhiều người dân đi biển nơi đây.

nh_DaoThanhTung_4

Cảnh làm phim Biển lặng

Đạo diễn Đào Thanh Tùng cho biết, thực ra hai bộ phim Andre’ Menras – Một người ViệtBiển của người Việt chỉ quay ở các đảo, các vùng ven biển duyên hải hay quanh quẩn trên bờ thôi. Còn với Biển thức Câu chuyện nhỏ trên biển lớn thì ông mới thực sự ra biển lớn, lênh đên trên những con sóng của Trường Sa. Câu chuyện nhỏ trên biển lớn phản ánh mối liên hệ giữa những người lính đảo Trường Sa với gia đình của mình ở đất liền. Từ những câu chuyện nhỏ, giản dị đó được xâu chuỗi lại đã trở thành câu chuyện không hề nhỏ trên biển lớn. Không quá tham vọng “đao to búa lớn”, bộ phim góp phần truyền tải được thông điệp khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Thực ra những người làm phim khi ra đến Trường Sa, Hoàng Sa thì đã phải làm việc trong điều kiện không bình thường, không phải đảo nào cũng có cầu tàu để cập bến, mà phải di chuyển xuống xuồng cao tốc và chở ra đảo vì bãi đá ngầm rất dài, sóng gió cũng bất thường, nhiều nguy cơ rình rập. Đạo diễn Đào Thanh Tùng tâm sự “Khó nhất là chiến thắng được sự sợ hãi của chính mình, bởi ở giữa biển lớn có phải ai cũng biết bơi đâu, lên tàu xuống tàu là cả một vấn đề. Trên bờ người ta có thể lạnh lùng, so đo tính toán. Còn cuộc sống trên biển khiến con người ta trở nên hào phóng với nhau, biết che chở cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau, tính cộng động mạnh mẽ hơn nhiều”. Hỏi có bí quyết gì để làm phim về biển đảo vừa đảm báo tính chân thật lại vẫn không mất đi tính hấp dẫn của một tác phẩm nghê thuật, anh nói “Làm phim về biển đảo bản chất đã là một đề tài hấp dẫn, chỉ cần nói về con người lao động trên biển và cuộc sống ngư dân ở đó đã hấp dẫn rồi, không cần phải sáng tạo màu mè thêm làm gì. Nhiều khi cũng đơn thuần là sự ghi chép một cách trung thực bằng hình ảnh đã đủ sức thuyết phục người xem”.

Để làm phim về đề tài người lính, về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, người làm phim ngoài đam mê còn cần có tài năng và trải nghiệm với cuộc sống. Đạo diễn Đào Thanh Tùng cho biết, thời gian tới, Hãng phim Tài liệu Khoa học và Trung ương đang chuẩn bị quay bộ phim Biển xanh màu lá (kịch bản và đạo diễn Phan Huyền Thư) dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Đây là cuốn tiểu thuyết có rất nhiều chất liệu hiện thực, phản ánh cuộc sống của những cán bộ, chiến sĩ, quân dân đang sinh sống và bảo vệ vùng đất Trường Sa, Hoàng Sa.

Kim Anh