Đạo diễn Công Thành Đức: Những ngôi mộ gió ám ảnh tôi!

(TGĐA) - Đạo diễn Công Thành Đức đã gắn bó với đề tài biển đảo. Anh đã có mặt hầu hết trên các đảo ở Việt Nam. Bộ phim Đảo Lý Sơn là một trong chùm phim về biển đảo có những bằng chứng pháp lý xác thực về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa. Với anh, biển đảo là nơi chứa đựng rất nhiều những số phận con người, những câu chuyện mang tầm vóc lịch sử mà anh luôn mong được chạm tới cùng cảm xúc.

o_din_Cng_Thnh_c_v_ekip_lm_phim_trn_o_L_Sn

Đã làm nhiều phim về biển đảo như: Đảo Cồn Cỏ, Đảo Cô TôĐảo Lý Sơn anh thấy đề tài này có những đặc thù riêng biệt gì gây khó khăn và hứng thú cho những người làm phim?

Đặc thù riêng biệt nhất của đề tài biển đảo là địa bàn thực hiện. Làm phim biển đảo anh em làm phim gặp nhiều khó khăn là phải ra biển. Chúng tôi làm Đảo Lý Sơn sau khi quay xong thì gặp bão biển phải ở lại đảo10 ngày. Anh em chúng tôi khi đó mới biết thế nào là bão biển, mưa gió khủng khiếp, lương thực thiếu vì vào ngày biển lặng mới có tàu đưa lương thực ra. Ở đảo chỉ toàn cá. Phim có thời lượng 20 phút mà chúng tôi phải ở đảo nguyên 1 tháng rưỡi. Thêm nữa anh em làm phim không phải ai cũng có khả năng chịu sóng gió, có khi vừa lên thuyền đã nằm rồi! Việc quay phim thì chủ yếu chúng tôi đi theo bà con ngư dân, hàng ngày ra khơi để ghi lại hình ảnh chân thật nhất về nghề đánh bắt hải sản. Lý Sơn là địa bàn đặc biệt vì là nơi xuất phát của hải đội Hoàng Sa từ thời Nguyễn.

Khi làm phim các anh đã may mắn tìm được những tư liệu lịch sử quan trọng liên quan đến chủ quyền biển đảo nước ta?

Khi làm phim chúng tôi đã thấy những di vật, bằng chứng lịch sử của người cổ xưa mang nền văn hóa của dân tộc mình, chứng tỏ người Việt của mình đã ở đó từ rất lâu, từ thời Chăm Pa, Sa Huỳnh đều để lại những hiện vật lịch sử, công cụ của người xưa, những nét văn hóa của hai nền văn hóa này vẫn còn trên đảo. Rất may mắn cho chúng tôi là lại được gặp một người có sở thích sưu tầm, khảo cổ đó là nhân vật ông Thoại trên phim. Vì là nơi xuất phát của các hải đội nên con cháu của những người lính hải quân xưa vẫn đang ở trên đảo, các bác vẫn giữ được chiếu, lệnh triều đình ban cho các cụ tổ của gia đình khi nhận được lệnh điều động, hoặc các sắc phong, khen thưởng, và họ đã gìn giữ trân trọng. Quan trọng nhất là tấm bản đồ cổ từ trước là những qua đấy cùng những tư liệu của Viện Hán Nôm có thể khẳng định một cách khoa học và chắc chắn và có chứng cứ về việc Hoàng Sa là của Việt Nam.

Quá trình tìm tư liệu của anh đã diễn ra như thế nào? Những chi tiết này có trong kịch bản từ trước không?

Tôi thấy đời đi làm phim nhiều cái lạ lẫm, thực chất trong kịch bản không có những chi tiết này mà trong quá trình sống với bà con, chúng tôi hỏi thì dần gặp may, cơ duyên, gặp được những gia đình giữ được những di vật đó. Nếu như không gặp may thì chưa chắc đã có những tư liệu này mà chỉ có những hình ảnh như chùa chiền, di tích lịch sử hay đền, âm linh tự thờ các tử sĩ ra đảo không trở về, hay lễ tế hình nhân thả trôi trên biển, thay cho những người sống làm nhiệm vụ trở về. Còn những tư liệu có tính chất khoa học thì do may mắn chúng tôi đã bắt gặp và khai thác.

Sau khi bộ phim của anh được trình chiếu thì số phận những tư liệu, di vật lịch sử đó ra sao?

Sau khi bộ phim được chiếu thì nhiều người tới đảo Lý Sơn, có cả đoàn khảo sát xem có phải bằng chứng là chính xác không. Sau đó họ chuyển một số cái rất quý như tờ lệnh còn nguyên con dấu, sắc phong mang bằng chứng lịch sử, pháp lý, bản đồ cổ … cho Viện bảo tàng quốc gia. Còn một số di vật thì người dân được giữ vì nền văn hóa Sa huỳnh, Chăm Pa ở nhiều nơi khác cũng có. Viện trưởng viện Hán Nôm đã nói rằng tất cả những tài liệu cổ đều ghi con đường khai thác thủy hải sản từ Lý Sơn ra các cụm đảo đều ghi là của người Việt từ khoảng 5 thế kỷ trước.

Một bộ phim tài liệu thường dễ có những sự thay đổi so với kịch bản, vậy làm thế nào để giữ được đường dây ban đầu?

Một phim tài liệu chủ yếu dựa trên phần kịch bản đã có, nhưng nhiều phim khi ra thực tế khác đi rất nhiều thì đạo diễn phải dựa trên những yếu tố nội dung từ kịch bản để phối hợp với nhau để tạo được đường dây, trường đoạn liên kết với nhau. Lúc đó biên kịch không ở hiện trường, vì kinh phí hạn hẹp nên không thể đi quá nhiều ra đảo. Đợt bão đó kéo dài thêm 10 ngày nữa thôi thì đoàn phim chắc phải đi ăn xin bà con chứ cũng không còn đủ tiền. Chúng tôi cũng không thay đổi quá nhiều so với kịch bản vì kịch bản là làm về cuộc sống của đảo Lý Sơn. Ra đấy chúng tôi phát hiện ra rất nhiều bằng chứng lịch sử và một số chi tiết có tính tâm linh và lắng sâu hơn mà kịch bản chưa bắt gặp: cái giếng từ thời Chăm pa, gia đình cháu ông thủy quan thời Nguyễn và nhân vật chính trong phim là cháu nội của người đàn bà rất nổi tiếng của hòn đảo ngày xưa. Các nhân tố, chi tiết khi ra đó chúng tôi gặp và đan xen với nhau tạo sự hấp dẫn hơn để nói về cuộc sống của người dân đảo Lý Sơn từ ngàn xưa đến bây giờ chứ không phải hiện tại ngày nay. Trong kịch bản không có thì các đạo diễn phải tự tạo ra những điều đó để thể hiện trong cuộc sống hiện tại của người dân.

Cảm xúc của anh với Đảo Lý Sơn tác động đến bộ phim như thế nào?

Bất ngờ là cảm nhận của tôi khi đến một vùng đất mới chỉ có toàn phụ nữ và trẻ con ở nhà. Cảm thấy hơi lạ vì tôi đang ở trong đất liền cuộc sống rất sôi động, nhưng ở đảo thì người đàn ông phải ra biển kiếm sống. Phụ nữ ở nhà trông con và trồng hành tỏi, giăng lưới, phơi cá. Tôi cũng rất đau lòng khi gặp đôi vợ chồng trẻ mà chồng ra biển bị lốc tố chết, để lại cô vợ trẻ tầm 25 tuổi và hai đứa con bơ vơ trên bờ. Ngày xưa những người phụ nữ Việt Nam đã từng chịu thương chịu khó tiễn chồng ra trận, nhiều người trông ngóng cũng không bao giờ có ngày trở về, họ thờ chồng trên những cánh đồng cát bao la mà người ta gọi là những ngôi mộ gió. Ngày nay thì những người vợ tiễn chồng con ra biển làm ăn, nhưng nghề biển là nghề nguy hiểm lại cũng không có ngày trở về, kể cả thời bình và thời chiến, người phụ nữ đều rất vất vả, có nhiều rủi ro rình rập cuộc sống của họ. Tôi đã cố gắng xây dựng trường đoạn về nỗi đau của người phụ nữ trên mảnh đất rất nhỏ của người Việt Nam. Không phải vì thời gian mà chúng tôi cũng không có điều kiện đầy đủ để làm sâu hơn để cho phần đó nặng hơn ngoài chuyện khẳng định chủ quyền biển đảo. Nếu tìm càng nhiều câu chuyện, chi tiết thì người xem càng đồng cảm với mình.

Thời lượng 20 phút phim có gây khó khăn cho anh không?

Lượng phim đem đi chủ yếu là quay 1 đúp ăn 1, vì phim nhựa đắt, kinh phí cũng hạn hẹp. Phim tài liệu tính chất thật rất cao, nếu chỉ nghe kể lại mà đưa vào phim thì cũng cần rất nhiều thời gian khai thác chi tiết, nhân chứng, vật chứng để thể hiện đó là sự thật, thuyết phục được người xem. Nhiều phim chỉ cần người làm phim chủ quan mộ chút, nghe kể rồi đưa vào phim mà khi điều tra mà không đúng thì cả bộ phim mất đi tính chất thật. Vì thời gian có hạn, nên tôi chỉ đi vào nội dung chính của phim. Còn nếu có thời gian đi sâu hơn, ở trên đảo Lý Sơn còn rất nhiều câu chuyện cảm động vì có cả một cánh đồng bát ngát những ngôi mộ gió. Rồi con cháu, gia đình của thủy quân xưa còn rất đông trên đảo, mỗi chi nhánh của các dòng họ đều có nhà thờ riêng, chỉ cần khai thác họ một cách hợp lý và có một chút tư duy đan xen thì tôi tin chắc rất thuyết phục để nói về một hòn đảo hết sức lâu đời.

Anh thấy cuộc sống của bà con trên đảo Lý Sơn như thế nào? Họ có những khó khăn gì trong cuộc sống?

Đảo Lý Sơn hơn rộng 10 km, có hơn hai vạn người nhưng không ở tập trung mà đa số ở trên biển, có khi họ ra tới Vịnh Bắc Bộ hoặc phía Nam Trường Sa để đánh bắt hải sản nên khá vắng vẻ, lại chia làm 2 đảo lớn là Vĩnh Bình, Vĩnh Hải. Điện đường trường trạm, cơ cấu quản lí đươc quan tâm như các huyện đảo vùng sâu xa, tháng 10 tới thì có điện lưới quốc gia, hiện tại thì có điện máy phát từ 7-10h tối, ban ngày các cơ quan có điện. Đảo có trường mầm non, trường trung học đầy đủ, công tác người già, phụ nữ, thanh niên rất tốt. Tài nguyên đảo Lý Sơn là tỏi, hành, rất khác cây tỏi ở đất liền, tỏi ngọt và thơm, hành tím đỏ, ăn rất ngon, không hăng, ngoài 2 cây chủ yếu trồng trên đảo thì biển nhiều cá tôm vì lợi hơn trong đất liền là cách 36 hải lý, họ vươn ra biển tương đối gần và chỉ cần ra khơi 5-7 hải lí là có thể có nhiều cá, cá thu , cá nục… Tài nguyên nhìn theo bề nổi thì thực sự là thiên nhiên ưu đãi, nếu có tiền đầu tư du lịch thì Lý Sơn như một thiên đường trên trái đất, chúng tôi đã thấy những vũng nước trong xanh tuyệt đẹp. Anh em đi làm phim tài liệu đã từng đi rất nhiều nơi mà vẫn thấy ngỡ ngàng. Có một động nhìn ra biển gọi là Không Vong, nhìn thẳng ra biển, cả một quần thể các cụm đảo san hô, dòng hải lưu đan xen , bên trong bờ trong vắt, cá nhiều, khí hậu tuyệt vời.

Đảo Lý Sơn cách xa đất liền 36 hải lý nằm ở cực Nam Trung Bộ đúng chỗ vòng xuống của hình chữ S, giao lưu của gió Tây Nam và gió Đông Bắc, nếu đi trái mùa rất khó, mặc dù nhà nước đã đầu tư xây cảng nhưng nếu có gió Tây Nam hay gió mùa Đông Bắc thì cập cảng rất khó. Mùa gió chướng Tây Nam tầm tháng 3 âm lịch, gió mùa Đông Bắc thì từ tháng 7 âm lịch đến 12 âm lịch. Chỉ có 2 tháng đẹp nhất là 5-6 để ra đảo, biển rất êm và không có gì trở ngại, còn nếu ra vào những mùa kia thì có thể nằm ở đảo là chuyển rất bình thường. Phương tiện ra biển là tàu cao tốc khá nhanh, đi hơn 1tiếng là ra đến nơi, nếu đi tàu gỗ của bà con thì mất một buổi. Cũng vì vậy mà cuộc sống của người dân ở cố định trên đảo phụ thuộc rất nhiều vào chuyến tàu chở gạo, rau, thịt từ đất liền. Giờ họ cũng học cách trồng cải leo của người Bắc vào những vấn đề lương thực vẫn rấ khó khăn và mức sống thấp.

Việc quay phim trên biển có những khó khăn gì?

Quan trọng nhất là người quay phim phải chịu được sóng gió. Không phải ai cũng chịu được sóng gió, chúng tôi đi 6 anh em kể cả lái xe, thì 4 người không chị được sóng nên làm việc rất vất vả. Cách xa đất liền 80km, sóng rất lớn, bọn tôi đi vào cuối của kỳ thuận lợi nên dính bão. Sóng ít nhất 3m, giao động tàu trên sóng trong vòng 6m nên ít người chịu nổi. Tình trạng trên tàu thuyền như vậy thì quay phim phải rất linh hoạt vì hình ảnh không thể đổ nghiêng đổ ngả, góc độ phải như trên bờ, rất khó cho người quay phim. Làm nhiệm vụ quan trọng phải chọn lựa nhưng rất khó vì cơ quan cũng không nhiều người, toàn bộ đội ngũ sáng tác có 30 người cả biên kịch, đạo diễn, quay phim. May mắn là quay phim của tôi đã đi làm phim rất nhiều lần với tôi, hai anh em đã hợp tác với nhau nhiều phim: Đảo Cồn cỏ, Côn Đảo, rồi phim về mấy cái đảo nhỏ Cô Tô.

Việc thâm nhập vào cuộc sống của bà con thường diễn ra như thế nào?

Nếu như muốn làm được phim thì phải sống cùng bà con, sống với họ vì họ không chia sẻ gì nếu mình là người lạ. Khi thân quen, nhậu, hát cùng, có khi còn kể chuyện hài cho nhau thì mới biết là nhà họ có gì, có chuyện gì. Gần như phần lớn thời gian làm phim chúng tôi ở trên biển.

Thúy Phương