Cú và chim se sẻ: có những điều tưởng là phi lí

Khi xem bộ phim này lần đầu trong một buổi chiếu học tập cho sinh viên của dự án, ấn tượng ban đầu của tôi chỉ là một bộ phim có cách kể chuyện lạ, những cú máy chao đảo chóng mặt, diễn viên diễn xuất dễ thương, nội dung nhẹ nhàng cảm động. Nhưng vẫn còn đâu đó những khó chịu của một người mới tập xem phim, dễ nhíu mày về những điều tưởng chừng phi lý.

(TGĐA) - Cú và chim se sẻ là một bộ phim vẫn có thể khiến bạn thích thú khi xem đến những lần sau. Chính lúc này chúng ta mới lý giải được những điều tưởng chừng như vô lý.


Diễn viên: Cát Ly, Lê Thế Lữ, Phạm Thị Hân.
Kịch bản: Stephane Gauger
Hãng sản xuất : Annam, Chánh Phương
Giải thưởng :Giải khán giả bình chọn (LHP Los Angeles), 4 giải Phim có cách kể hay nhất (LHP Los Angeles, LHP San Francisco Intl. Asian American, LHP Asian ở Dallas, LHP San Diego Asian), Giải thưởng lớn (LHP Asian ở Dallas), giải Crystal Heart (LHP Heartland), giải NETPAC (LHP quốc tế Hawaii), Giải cho nhà làm phim nổi bật (LHP quốc tế Denver), Phim hay nhất (LHP Big Apple), Giải đặc biệt dành cho đạo diễn (LHP NoakArk - Nga)… giải Phim do báo chí bình chọn, Phim hợp tác với nước ngoài xuất sắc nhất tại Cánh diều vàng 2008

Câu chuyện là ba mảnh đời của thành phố Sài Gòn hiện đại: cô tiếp viên hàng không xinh đẹp tên Lan, một nhân viên vườn thú bị hủy hôn tên Hải, một cô bé bán hoa dạo tên Thủy…Chiếc máy quay đi theo những bước chân nhân vật, hiện lên những khung hình chao đảo, nổi lên những âm thanh ồn ào, xô bồ của một thành phố trẻ. Có thể thấy Stephane đã thành công khi tái hiện không khí Sài Gòn hiện đại ngay từ những phút đầu phim. Một cảm giác chân thực không dễ gì có nổi ở những bộ phim ra rả thoại ta vẫn thường hay gặp. Và cứ thế người xem bị cuốn vào nhịp điệu của bộ phim như đi theo một hành trình vào thành phố. Sài Gòn nắng bụi, những âm thanh xe cộ chát chúa, và giữa những nhộn nhạo xô bồ lại là nơi con người tìm đến trao nhau lòng tốt. Thế mà cứ tin, vì nhân vật khiến ta yêu mến ngay từ đầu, cảm giác được đi theo từng bước chân của họ khiến chúng ta gạt qua những đắn đo về tính chân thực của bộ phim. Nhưng rồi khi bộ phim vừa kết thúc, một loạt câu hỏi về những điều phi lí có thể chợt đến, thôi thúc tìm kiếm câu trả lời.

Điều phi lí thứ nhất: ai là cú, ai là chim se sẻ?

Tựa Cú và chim se sẻ của bộ phim gây khá nhiều ngạc nhiên cho khán giả, đặc biệt là khán giả Việt. Đạo diễn Stephane chia sẻ, anh muốn dùng nhân vật Cú để chỉ Hải, chim se sẻ để chỉ Lan. Nhưng theo quan niệm của người Việt, cú là một con chim mang điềm xấu, thường gợi lên về sự bí hiểm, tinh ranh hơn là sự nhanh nhẹn, thông minh đạo diễn muốn gửi gắm qua nhân vật Hải. Chim se sẻ cũng thường là hình ảnh ẩn dụ của của các em nhỏ. Dẫu bé Thủy dùng nó để gọi Lan với ý cô mang lại niềm vui thì người xem vẫn thấy không mấy phù hợp với hình ảnh của một người phụ nữ trưởng thành, khá từng trải. Chim se sẻ chính là bé Thủy – Phạm Gia Hân mới đúng.

Điều phi lí thứ thứ hai: ba người đã quá dễ dàng khi tìm được nhau giữa thành phố.

Chỉ trong bốn ngày, cô bé Thủy trong phim phải hoàn thành vai trò “mối mai” kết nối hai trái tim đau khổ vì tình yêu. Có vẻ như Stephane đã lập trình cho mọi thứ diễn ra thật suôn sẻ. Sài Gòn nhộn nhạo nhưng đầy ắp lòng tốt. Thủy vừa trốn khỏi xưởng làm của ông chú keo kiệt, nóng nảy để lên thành phố đã gặp ngay những chuyện may mắn. Em được cô bé bán bánh bao cho một cái bánh, bày cách bán bưu thiếp, được cậu bé bán hủ tiếu cho ăn miễn phí, chỉ mối bán hoa hồng, được các em bán hoa hồng chỉ cách kể chuyện để bán được hoa, rồi gặp Lan và Hải, được cả hai giúp đỡ. Trong khi cách quay phim gợi nên không khí của một bộ phim tài liệu, thu vào ống kính những chi tiết cuộc sống Sài Gòn xô bồ thì câu chuyện phim lại khoanh vùng không gian lại, nơi tất cả các nhân vật đều hành xử chậm rãi, dịu dàng và tử tế vô cùng. Một chuyện cổ tích đẹp đến mức khó thấy được sự tương đồng với thực tế.

Điều phi lý thứ ba: khi chuỗi hình ảnh trở nên lãng đãng.

Với những người xem, phần hình ảnh trong Cú và se sẻ đôi lúc tạo nên cảm giác thật khó chịu. Những hình ảnh từ máy quay cầm tay, rung, lắc, chao đảo gây chóng mặt cho tất cả những ai đã từng xem phim. Sẽ không có vấn đề gì khi các cảnh quay theo sát nhân vật. Nhưng có một số cảnh trong phim không mất ăn nhập với câu chuyện phim lắm khi mô tả về thành phố nhiều như một phần cuốn phim du lịch. Điều này có thể lý giải được khi Stephane háo hức với Sài Gòn, muốn chuyển tải rõ nét không khí thành phố giống như cách mà Vương Gia Vệ thể hiện trong Trùng Khánh Sâm Lâm.

Điều phi lý thứ tư: khi nhân vật nói với nhau bằng những lời xa lạ. Lời thoại trong bộ phim có những lúc khiến người xem khó chịu. Stephane viết kịch bản bằng tiếng Anh trong vòng một tháng. Sau đó toàn bộ lời thoại được dịch ra tiếng Việt. Chính vì thế mà thoại phim không thoát ý.

Bên cạnh đó, diễn xuất của các diễn viên không thật ổn định. Thế Lữ ở các phân đoạn buồn diễn xuất tốt nhưng anh chưa diễn tả được niềm vui khi trò chuyện với người mới. Cát Ly thì có những pha tình cảm đầu phim vào vai rất ngọt có những khi lại gượng gạo trong những cuộc gặp với Hải. Ở cặp đôi này, đối đáp bằng ngôn ngữ hay cử chỉ của họ đều chưa đủ sự nối kết, nếu không có cầu nối là bé Thủy thì còn rời rạc hơn nữa. Diễn xuất sinh động nhất trong phim chính là diễn viên nhí Phạm Gia Hân trong vai Thủy mà Hollywood đã nhận xét là “một diễn xuất đam mê của cô bé 10 tuổi mới vào nghề”. Việc Hân vượt qua nhiều tên tuổi khác để trở thành diễn viên triển vọng không khiến những ai đã từng xem qua bộ phim quá ngạc nhiên. Sự thiếu đồng đều này khiến nhiều lúc người xem tự hỏi: hay là đạo diễn mải mê với việc điều khiển máy quay nên lơ là chỉ đạo diễn xuất?

Nhưng Cú và chim se sẻ là một bộ phim vẫn có thể khiến bạn thích thú khi xem đến những lần sau. Chính lúc này chúng ta mới lý giải được những điều tưởng chừng như vô lý như đã nói ở trên.

Về tổng thể, kịch bản của bộ phim do Stephane viết có nội dung khá tốt. Các tình huống đã được tổ chức khá hợp lý. Phim anh chỉ tập trung vào ba nhân vật, với xuất thân đặc trưng, hoàn cảnh và tính cách độc đáo. Các tình huống truyện đã nảy sinh từ chính sự va chạm các tính cách này, một nguyên tắc quen thuộc của các bộ phim Mỹ. Khi khán giả đã yêu thích nhân vật, họ sẽ tiếp tục say mê theo dõi bộ phim với một mong muốn khó cưỡng lại là được biết số phận những người mình yêu quý. Stephane đã thành công khi chắt lọc được những tình huống đắt giá, không bị sa đà vào lối kể lể liên miên khi dõi theo hành trình mỗi nhân vật. Cả ba nhân vật trong phim đều cô đơn nhưng họ luôn có những hành động tích cực để thay đổi cuộc sống của mình. Không nhìn thấy bóng dáng của những xúc cảm tiêu cực thụ động, những than vãn ỉ ôi về số phận. Mỗi nhân vật trong phim đều giàu lòng tự trọng và chủ động thay đổi cuộc sống. Thủy tự tìm đường lên thành phố. Lan không bao giờ hé răng về mối tình vụng trộm với phi công nhưng cô chủ động từ bỏ. Hải tìm mọi cách để chăm sóc và giữ lại con vật yêu quý của mình. Hải và Lan bỏ lại tất cả để bảo vệ Thủy…Các diễn viên không bị gò bó quá nhiều về kịch bản nên dù là những diễn viên chuyên nghiệp hay mới vào nghề họ đều có những phân đoạn diễn xuất nhẹ nhõm, khiến khán giả dễ chịu.

Dấu ấn cá nhân của Stephane cũng đã được định hình qua bộ phim dài đầu tiên này. Xuất thân từ một cử nhân kịch nghệ và văn chương Pháp của CSU Fullerton, Stephane đã nhìn, đã lắng nghe cuộc sống với một tình yêu hồn nhiên dành cho thành phố Hồ Chí Minh.

Mới mẻ đấy nhưng không xa lạ, vì người tìm hiểu muốn tìm đến những phần ngóc ngách nhất, muốn căng mọi giác quan của mình để cảm nhận. Nhưng người ta vẫn có thể nhận thấy ở đó phần Việt Nam nhân hậu, hướng thiện thật vô tư. Dường như chính đạo diễn đang thủ thỉ với ta: cứ mở lòng ra đi, sẽ cảm nhận được thêm bao nhiêu điều tốt đẹp bấy lâu nay vẫn tồn tại giữa cuộc đời. Lòng tốt ấy khiến cho một thế giới tưởng chừng hoang đường bỗng trở nên có lý.

Còn nhiều bỡ ngỡ và ngượng ngùng song càng vì thế, Cú và chim se sẻ vẫn là một bộ phim dễ thương với niềm tin hồn hậu về lòng tốt của con người trong cuộc sống. Bộ phim không hấp dẫn bởi những trường đoạn giải trí rực rỡ mà ở những nơi sự giản dị và tình yêu được lan tỏa một cách ấm áp.

Và Stephane có thể tự hào vì mình đã có một tác phẩm đầu tay với tinh thần độc lập, nguồn kinh phí eo hẹp chưa đến 50000 USD ở thời điểm năm 2007 nhưng không hề giản đơn, dễ dãi thậm chí còn bay bổng, tìm tòi ra một cách kể mới.

Trò chuyện với đạo diễn Stephane Gauger

Thế giới điện ảnh đã liên hệ phỏng vấn với đạo diễn bộ phim khi anh vẫn còn lâng lâng vì tin vui của giải thưởng Cánh diều vàng. Stephane đã tự tin trả lời bằng tiếng Việt

Khi biết tin Cú và chim se sẻ nhận được ba giải thưởng trong lễ trao giải Cánh diều vàng, cảm xúc của anh như thế nào?

Tôi rất mừng cho đoàn làm phim và đặc biệt là các diễn viên của Cú và chim se sẻ. Phim đã thắng được một số giải thưởng quốc tế và giờ cũng thành công ở Việt Nam, điều này khiến tôi rất hạnh phúc.
Anh hãy chia sẻ về quá trình chọn diễn viên cho bộ phim? Điều này có giúp gì anh trong những phim sau ?

Thời gian chọn diễn viên là rất ngắn.. Tôi cảm thấy may mắn vì các diễn viên của mình diễn rất tự nhiên. Tôi quan niệm diễn viên không cần phải nổi tiếng mà quan trọng nhất là họ hiểu câu chuyện và nhạy cảm với vai diễn.

Anh chỉ đạo diễn xuất trong Cú và chim se sẻ như thế nào?

Tất cả các diễn viên trong phim trước giờ quay đều ngồi tập trung với tôi, học lại và cùng tập kịch bản. Chúng tôi sẽ cùng trao đổi, làm thế nào diễn viên hiểu hết được ý của tôi. Riêng phần thoại, diễn viên có thể tự điều chỉnh sao cho nội dung không thay đổi mà họ có thể nói ra một cách tự nhiên nhât.

Anh có thay đổi kịch bản trong quá trình quay Cú và chim se sẻ không? Vì sao?

Tôi đã giữ 90% của kịch bản. 10% còn lại tôi để dành cho những ý kiến hoặc tư tưởng mới lạ. Trong phim có cảnh ba em bé bán hoa dạo ngồi trong hẻm rồi ca một bài hài thiếu nhi là cảnh ứng tác ngay sáng hôm quay đó.

Anh sẽ hướng tới sản xuất thể loại phim nào nhất?

Tôi hi vọng trong một ngày gần đây sẽ làm một bộ phim hợp tác giữa hãng phim Việt Nam và nước ngoài về đề tài đá bóng ở Việt Nam. Đây là một chuyện tôi thấy rất lạ và thích thú, rất nhiều người Việt Nam mình mê đá bóng cuồng nhiệt. Tôi muốn thế giới biết được về người anh em trong giới đá bóng.

Đạo diễn nào có ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của anh nhất?

Nói tới đạo diễn có tầm ảnh hưởng lớn nhất thì tôi không có riêng một đạo diễn nào cả. Nhưng tôi thích đạo diễn của những phim Mỹ thập niên 70, đạo diễn của những phim Pháp thập niên 80 và đạo diễn các phim Hoa ngữ thập niên 90.

Kỷ niệm nào anh nhớ nhất trong quá trình làm phim Cú và chim se sẻ?

Có rất nhiều kỷ niệm trong quá trình làm phim. Nhưng điều mà tôi nhớ nhất là đoàn làm phim nhỏ, ít người lại có một bầu không khí rất thân thuộc như một gia đình nhỏ vậy. Tôi rất hạnh phúc vì có một đoàn làm phim thương yêu nhau như chính tựa đề phim vậy.

Cú và chim se sẻ đã nhận được khá nhiều giải thưởng, điều này có gây áp lực cho anh ở những bộ phim sau không?

Không, bộ phim mang đến cho tôi nhiều cơ hội. Trước đây có những câu chuyện tôi muốn kể, muốn làm thành phim nhưng hơi khó. Nhưng bây giờ những cơ hội làm phim của tôi được mở rộng nhiều hơn, tôi có những lựa chọn khác nhau. Hiện nay, tôi thích làm những phim tình cảm nhưng cũng có thể làm hành động hoặc là phim hài nữa.

Điều anh mong muốn nhất khi làm phim: nhận giải thưởng, thu hút khán giả hay kể câu chuyện của mình?

Tôi mong làm phim với mục đích vừa cho tôi mà quan trọng hơn nữa là cho khán giả Việt Nam và quốc tế thưởng thức. Nếu có những người thích câu chuyện của tôi đó là một điều tốt còn được nhận những giải thưởng thì thật tuyệt vời. Nhưng tôi vẫn nghĩ, không có đạo diễn nào làm phim với mục đích nhận giải thưởng. Với tôi, một câu chuyện được khán giả yêu thích là điều khiến tôi rất hạnh phúc.

Điều anh cảm thấy tiếc nuối nhất về phim Cú và chim se sẻ?

(Cười lớn) Lúc làm phim tôi làm theo lối tài liệu, đa số quay bằng máy cầm tay. Nhưng chính vì thế mà làm cho nhiều khán giả chóng mặt. Vì thế, nếu quay mà có chân máy thì sẽ khiến cho khán giả đỡ nhức đầu hơn

Cách quay phim là một trong những điểm đáng chú ý nhất của Cú và chim se sẻ? Anh chọn cách quay đấy ban đầu vì kinh phí của phim có hạn hay vì anh muốn kể chuyện phim như vậy, không có cách nào anh thấy phù hợp hơn?

Tôi đã làm phim này sau khi Dòng máu anh hùng quay xong. Dòng máu anh hùng có kinh phí rất cao so với phim Việt Nam, thời gian quay lại dài. Tôi muốn thực hiện một bộ phim kinh phí thấp và thời gian quay là rất ngắn, chỉ 15 ngày. Đây là một cách thí nghiệm coi kết quả sẽ ra sao.

Anh thường bắt đầu ý tưởng một câu chuyện phim theo cách nào?

Khi viết kịch bản, tôi sẽ nghĩ về nhân vật trước tiên rồi mới nghĩ đến câu chuyện như thế nào.

Những dự án anh đang thực hiện?

Tôi vừa hoàn thành một bộ phim tài liệu về nhạc giao hưởng ở Việt Nam. Hiện nay, tôi đang tiến hành hai cuốn phim độc lập, đều được quay tại Việt Nam.

Cảm ơn anh rất nhiều!

Mỹ Trang