Cố đô Gyeongju & khu đồi của các vị vua

(TGĐA) - 1 giờ chiều, trong ngày cuối cùng của năm cũ, tôi đứng ngơ ngác trên vỉa hè vắng teo của đường Wonhwa, Gyeongju (kinh đô cổ của Hàn Quốc) nơi mà ngay cả tiệm mì không thịt cũng chẳng còn mở cửa nữa. Chúng tôi bắt đầu men theo những trảng màu mênh mông xanh lá với vô số hình tròn lùm lùm trên bản đồ, đấy là khu mộ cổ của dòng tộc hoàng gia triều đại Silla…

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua Chuyện tình Casablanca
co do gyeongju khu doi cua cac vi vua Glasgow: Có vẻ già mà tâm hồn thật trẻ!
co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Con đường Gyerim vắng vẻ với lá đỏ mùa đông..

Nhìn bản đồ thành phố Gyeongju, sẽ thấy một nửa là nhà còn một nửa là… mộ. Người Hàn sau khi khai quật phần mộ của các vị vua Silla mới cho đắp lại thành mộ mới tròn xoe như một quả đồi rồi lại phủ cỏ xanh mượt lên để tỏ lòng kính trọng đối với tiền nhân. Mộ càng to là nhân vật càng quan trọng. Vì thế mộ vua Cheonmachong và Daereungwon hẳn là khổng lồ nhất. Khu công viên mộ là một điểm tham quan của khách du lịch, nhưng tôi không mua vé vào mà đi dọc theo bức tường công viên ở đường Gyerim.

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Du khách vào tham quan lăng mộ vua Cheonmachong

Vào trong đó cũng chỉ có những ngôi mộ tròn xoe như vậy thôi, trong khi con đường giữa hai khu mộ đã biến thành nơi đi dạo tuyệt đẹp cho người Gyeongju. Bên kia hè cũng là khu di tích mộ phần đang chờ khai quật, giờ phủ màu úa vàng của cỏ đông. Thi thoảng có một chiếc ghế băng trên vỉa hè, dưới những gốc cây ngõ hầu trụi lá. Bức tường thấp chạy dài lát gạch kiểu Hanok che chở giấc ngủ ngàn năm cho các vị hoàng đế Silla, nhưng cũng là chứng nhân ngắm nhìn hàng vạn cặp đôi trao nhau những nụ hôn đầu.

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Một góc khu lăng mộ

Giờ này cũng có vài đôi đang tự đóng vai “Bản tình ca mùa đông” như thế. Hỡi ôi, chiều 30 Tết, nam thanh nữ tú ở nhà tôi có mà đang chạy hộc bơ đến nhà bác cả, ông trẻ để đưa chai rượu, hộp mứt lên cúng ban thờ, không thì cũng cong đuôi phụ mẹ làm đồ Tết. Nhưng những người trẻ ở đây lại nhàn tản đi dạo trong một không gian kiểu phim Hàn, dưới nắng non ngọt ngào như hổ phách.

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Mộ vua Cheonmachong được người dân đắp cao như quả đổi, phủ cỏ xanh rất đẹp

Mới đầu là tưởng chỉ người trẻ mới được cái quyền không phải lo việc nhà vào ngày cuối năm, nhưng đi hết con đường của “bản tình ca mùa đông”, bắt gặp đài quan sát Cheomseongdae, mới thấy dân người ta sao mà sướng thế. Đàn ông Hàn vốn gia trưởng, vợ con cứ là nem nép đâu vào đấy, nhưng đến khu vực trung tâm của Gyeongju này mới ngộ ra có điều gì đó sai sai, hay có chút hiểu lầm trong truyền thống ở đây.

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Đài quan sát Cheomseongdae

Đằng sau đài quan sát cổ là những cánh đồng hoa, bên tay mặt thêm khu mộ hoàng gia nữa. Tóm lại là mênh mông bát ngát bãi rộng cho người người nhà nhà vui chơi. Họ thả diều, họ ăn kem, họ đi xe điện và họ mặc những bộ Hanbok từ thời Joseon để chụp ảnh cho nhau. Các cặp đôi đóng bộ cứ như tướng quân và nàng Daejanggum. Rồi mấy bà mẹ đưa con gái đi chơi, hai mẹ con mặc Hanbok ra chụp ảnh. Thậm chí có cả cậu trai đại học đưa mẹ đi dạo nữa. Thế không ai ở nhà mà làm cơm cúng ấy à? Tôi kinh ngạc.

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Một cánh đồng hoa khác phía sau đài quan sát Cheomseongdae

Nói thực là mấy mươi năm nay tôi sợ nhất Tết. Tôi sợ thủ tục thăm viếng rồi đón tiếp người nọ người kia, sợ chuẩn bị những bữa cơm khổng lồ và từng chồng bát đĩa rếch cao ngất. Vậy mà người ở đây họ vui sướng thế. Có vậy mới là ngày cuối năm chớ. Năm cũ qua đi, năm mới đến. Ai cũng phơi phới, phởn phơ cả. Chúng tôi đâm náo nức theo. Ba đứa tôi cũng thuê mấy bộ Hanbok ở bên kia đường, thắt nơ hồng lên đầu rồi xúng xính ra đài quan sát chụp ảnh.

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Vườn hoa phía sau đài quan sát, nơi mọi người xúng xính Hanbok ra chụp ảnh

Trời thì lạnh làm vậy, ban nãy mặc hai áo lông vũ độn vào mà còn rét, giờ phong phanh mỗi chiếc váy Hanbok vải tafta thấy vẫn ấm lòng. Sự phấn chấn làm tôi rạo rực cả lên. Thủy bạn tôi mặc chiếc Hanbok màu lam thẫm có những bông hoa ánh bạc, thân áo bằng voan trắng thêu chỉ bạc, tóc mái cài nơ trắng. Tôi diện váy hồng, đầu đội vòng hoa hồng tỉ muội. Đi đến đâu váy loẹt xoẹt đến đấy. Ríu ra ríu rít. Chúng tôi chơi với nhau từ năm lớp tám, gần 30 năm thân thiết nhưng sau này mỗi lần gặp nhau cũng chỉ ngồi cà phê, ăn bữa cơm trưa mà rủ rỉ chuyện đời, chuyện nghề, cả những chuyện khốn khổ của kiếp nhân sinh mà thời đi học có bao giờ mường tượng tới.

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Tác giả mặc Hanbok chụp ảnh ở Gyeongju

Vậy mà ngần này tuổi đầu rồi còn được cùng bạn thân mặc váy xòe, cài nơ hoa đi lại giữa cánh đồng khoác vai nhau chụp ảnh dưới nắng chiều. Có gì mà phải ngượng cơ chứ, ai cũng thắt nơ thế cả. Kể cả những chị đã năm mươi. Tôi nhớ lại cái khoảnh khắc nhảy điệu Merenguez với tay ca sĩ da đen lúc chính ngọ giữa quảng trường Monastiraki ở Athens hồi ba năm trước. Cũng chẳng ma nào thèm nhòm, chẳng ai để mắt mà dị nghị.

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Những ghế nhỏ dành cho khách bộ hành nghỉ ngơi ở khu công viên mộ thành phố Gyeongju

Gió trời đã lồng lộng. Chiều thẫm dần. Tôi bắt đầu sụt sịt mũi. Tôi đang ở nơi trung tâm nhất của kinh đô cổ thời Silla, chỉ cách di tích cung điện Donggung và khu bảo tồn của dòng họ nhà Choe có một quãng đi bộ. Có lẽ không lịch sử quốc gia nào ổn định và dễ học thuộc như lịch sử của Triều Tiên. Và thể chăng cũng không triều đại phong kiến nào đáng ngưỡng mộ về sự bền vững như những vương triều đất Kim chi.

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Một góc khu lăng mộ nhìn từ trên cao

Trong khi lịch sử châu Âu là một mớ bòng bong lôi thôi không thể thuộc nổi mà ở đó mỗi quốc gia đương đại từng là sự tách ra nhập vào vô cùng lằng nhằng của hàng chục vương quốc li ti; lịch sử Trung Đông là một sự hỗn loạn khác của vô vàn bộ lạc nhỏ trên sa mạc không mấy khi có đường biên rõ ràng và truyền đời bị đô hộ; lịch sử châu Mỹ, châu Úc, Dubai và Singapore quá giản đơn và mới tinh; lịch sử của Ai Cập chỉ sáng ngời từ thời trị vì của các pharaon trước Công nguyên, còn lại là mấy nghìn năm không chủ quyền với chiếc ngai vàng lần lượt rơi vào tay người Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, Thổ, Pháp, Anh; lịch sử của lục địa đen thì thôi chẳng có gì cần nói nhiều, những sa mạc và rừng rậm là nơi sinh tồn của các bộ lạc thổ dân cho đến khi những người da trắng đầu tiên xuất hiện;

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Những con đường đẹp và yên bình giữa khu lăng mộ ở thành phố Gyeongju

lịch sử Mông Cổ trước thời đế quốc Thành Cát Tư Hãn là sự thay thế liên tục của các tộc người du mục; lịch sử của người Ấn cũng thay đổi luôn xoành xoạch với những vị vua không thuần chủng và rối ren vì những đứa con trai sẵn sàng giam lỏng vua cha, những người em chầu chực giết chết người anh để tiếm ngôi; lịch sử vĩ đại của người Hoa cũng luân phiên tới chục triều đại kể từ sau Công nguyên cùng những cuộc chiến huynh đệ tương tàn; lịch sử Nhật Bản nổi danh vì dòng họ hoàng gia cha truyền con nối lâu đời nhất thế giới 2600 năm, tuy nhiên hầu như thời nào các Thiên hoàng cũng bị chi phối bởi những lãnh chúa và Shogun, thậm chí còn bị Mạc phủ điều khiển tận 7 thế kỷ; nhưng lịch sử Triều Tiên thì sao? Trong suốt chiều dài hai thiên niên kỷ của con rồng châu Á, chỉ vỏn vẹn có ba triều đại.

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Một kiến trúc ở khu bảo tồn gyeongju

Khởi đầu từ thời Tam quốc Triều Tiên, ba vương quốc Cao Câu Ly (Goguryeo), Bách Tế (Baekje) và Tân La (Silla) đã cùng thống trị bán đảo Triều Tiên trong suốt thiên niên kỷ thứ nhất. Cao Câu Ly cát cứ ở vùng đất là Bình Nhưỡng ngày nay, Bách Tế ở khu vực Seoul và Tân La ở Gyeongju, là nơi tôi đang sụt sịt mũi trên vỉa hè lồng lộng gió, trong khi chân vẫn rảo bước về phía dinh thự của nhà Choe. Năm 668, Tân La thuần phục hai vương quốc còn lại để tiến tới một nhà nước Tân La thống nhất, kéo dài cho đến 935. Thực choáng váng, nếu tính từ thời Tam quốc xuất hiện vào năm 57 trước Công nguyên, Tân La đã lần lượt trị vì một phần và toàn bộ bán đảo Triều Tiên trong suốt… 992 năm. Khéo đây là triều đại thực quyền dài nhất trong lịch sử thế giới cũng nên.

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Khu cung điện Donggung vào ban ngày...

Triều đại thứ hai tiếp quản nhà nước Triều Tiên là Cao Ly1, cũng kéo được tới 457 năm. Và kể từ năm 1392 tới 1910 là thời kỳ thịnh trị hơn sáu thế kỷ của Joseon2, triều đại phong kiến cuối cùng của Triều Tiên. Suốt mấy ngàn năm lịch sử, người Triều Tiên không phải làm nô lệ, cũng không trở thành thuộc địa của bất kỳ quốc gia nào cho đến tận thế kỷ XX.

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Khu cung điện Donggung rực rỡ ánh đèn về đêm

Trong 19 thế kỷ đầu, những cuộc xâm lược của người Trung Quốc, Mông Cổ và Nhật Bản đều bị đẩy lùi nhanh chóng. Vì thế chủng tộc Triều Tiên cũng hầu như không bị phối trộn với những tộc người khác. Người Triều Tiên rất kỳ lạ. Họ có một thứ tôn ti trật tự hiếm thấy từ nhà ra phố. Sự kính trọng của con cái dành cho cha mẹ, em dành cho anh, vợ dành cho chồng, trò dành cho thầy và cấp dưới dành cho cấp trên có lẽ đã khiến suốt hai thiên niên kỷ, chính trị và xã hội Triều Tiên nói chung luôn giữ ở mức khá ổn định…/

co do gyeongju khu doi cua cac vi vua
Một kiến trúc khá đẹp trên con đường Wonhwa ở thành phố Gyeongju
Bức tường thấp chạy dài lát gạch kiểu Hanok che chở giấc ngủ ngàn năm cho các vị hoàng đế Silla, nhưng cũng là chứng nhân ngắm nhìn hàng vạn cặp đôi trao nhau những nụ hôn đầu.
co do gyeongju khu doi cua cac vi vua Pháo đài trên đỉnh Sintra
co do gyeongju khu doi cua cac vi vua Ngắm bình minh ở đảo thiên đường Maldives

Di Li