Chủ nhiệm phim Phan Văn Trước: Một nghệ sỹ tận tụy

(TGĐA) - Từ nhỏ đến lúc học lớp nhì trường làng hoàn toàn không biết mình sinh ngày tháng năm nào, chỉ đến khi chuẩn bị thoát ly gia đình, ông mới hỏi má “Năm nay con bao nhiêu tuổi”, má ông trả lời “Mày 18 tuổi, còn ngày tháng, tao không nhớ, chỉ nhớ sanh cuối năm, vào một đêm trăng thiệt sáng”…Thế là ông tính ra năm 1946 và tự điền vào hồ sơ tham gia kháng chiến với ngày tháng năm sinh là 10/11/1946. Sau gần 30 năm, ngày thống nhất đất nước, trở về gặp lại má, ông lại nghe nói: “Mày tuổi Đinh Hợi” tức là sanh năm 1947. Ông là Phan Văn Trước, bí danh Phan Hùng Dũng, quê quán Phước Long, Giồng Trôm, Bến Tre.  

chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy 'Cạch mặt nhau': Nghệ sĩ nghĩ gì?
chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy Nghệ sỹ Việt chia sẻ quan điểm về việc có nên gộp Tết Ta vào Tết Tây
chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy Nghệ sỹ Việt có thích con theo nghề?
chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy Nghệ sỹ Việt và chuyện về những người thầy...
chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy Chuyện bi hài quanh nghề chủ nhiệm phim
chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy
Ông Phan Văn Trước thời trẻ

Đến với điện ảnh

Năm 1963, ông bắt đầu tham gia Cách mạng với công việc ban đầu là đưa thư, báo tin giặc cho các anh chị cán bộ du kích (lúc đó quê ông nằm trong ấp chiến lược của giặc), sau đó làm công tác canh gác cho cán bộ về tuyên truyền, rải truyền đơn, phá ấp chiến lược, phá cầu, diệt ác ôn…Đến giữa năm 1964, xã Phước Long được giải phóng, ông quyết định xin đi bộ đội.

Nhân chuyến đi quay phim ở Bến Tre, nhà quay phim Phạm Khắc đã tuyển ông về làm tại xưởng phim Giải Phóng. Vào buổi tối, sau 5 ngày tuyển chọn, các ông gồm 7 người trong xã lên tập trung tại nhà ông Khắc (cùng quê Bến Tre) ở ấp 3, xã Phước Long thì gặp pháo 105 mm của địch từ Mỏ Cày, Giồng Trôm bắn vào ấp 3, ấp 5 và ấp 2.

Trong khi mọi người xuống hầm tránh pháo thì ông chỉ bò quanh miệng hầm vì sợ xuống hầm bị ngập nước sẽ ướt quần áo, mai không kịp khô để hành quân tiếp. Khi nghe tiếng “khà”- tiếng đạn nổ rất gần, ông mới để cả dép nhảy xuống hầm. Một quả pháo nổ chát chúa cách hầm của các ông chừng 15 m. Nhận định địch có thể càn sớm, đoàn quyết định hành quân sớm.

Do từ nhỏ ông toàn đi chân đất, chưa hề xỏ dép lần nào nên cứ lóng ngóng không quen và luôn bị tụt lùi đằng sau. Ông Phạm Khắc ân cần động viên cố gắng vượt lên, song ông vẫn lại thụt lùi. Khi đó ông Khắc bảo: “Nếu em không đi nổi thì ở lại nhé”, ông liền nói thật “Em đi được mà, chỉ vì tại đôi dép mang không quen”. Nói rồi ông lột dép ra máng lên đầu cây gậy…băng băng vượt lên tốp đầu.

Đi được đoạn đường xa, ông nghĩ mình thật vô lý, không đi được dép mà phải đeo theo làm gì vướng víu quá, bèn quăng luôn đôi dép xuống sông, tiếp tục cuộc hành quân đầy gian khổ cùng anh em vượt qua sông Tiền đến xã Kim Sơn, Châu Thành, Mỹ Tho. Tại đây ông Phạm Khắc bàn giao đoàn cho ông Chín A đưa các ông về xưởng phim, còn ông Khắc đi quay phim tiếp…

Khi về xưởng phim Giải Phóng (căn cứ R Tây Ninh), các ông được cơ quan cho học tập tài liệu “chiến đấu vì ai?” dưới sự hướng dẫn trực tiếp của ông Thanh Vũ. Từ đó ông bước đầu có khái niệm về giai cấp, tại sao mình mất nước, mình nghèo…và càng căm thù hơn bọn xâm lược, bọn tay sai và bọn bóc lột. Ba ngày sau, các ông được phân công đi làm rẫy gần trảng Tà Nốt.

Ông biết cơ quan muốn thử thách các ông, song vốn là nông dân thực thụ rặc, xa đất là nhớ vô cùng nên ai cũng làm việc hăng hái. Do hoàn cảnh chiến tranh, ăn đói, mặc rách, thiếu đủ mọi bề, nên các ông phải tranh thủ làm rẫy, trồng mì, trồng đậu, trồng rau. Cơ quan đóng trong rừng sâu, luôn bị ẩm thấp, thiếu ánh sáng, dưỡng khí, nên khi được đi làm rẫy, tuy lao động cực khổ, nhưng ăn uống, tinh thần có phần thoải mái hơn chút xíu thành ra ai cũng lên ký…

chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy
Với xe tăng của Mỹ viện trợ cho Pháp ở chiến dịch Điện Biên Phủ 2014

Dũng cảm chữa cháy được gia nhập đội chiếu bóng lưu động

Sau khi làm rẫy một tháng, các ông trở về cơ quan trong rừng nghỉ ngơi. Hôm đó vào chiều thứ 7, ông Phan Văn Cao, công nhân máy phát điện đang sửa máy để ở dưới hầm bị hư, vì máy để dưới hầm chỉ có một cửa lên xuống khiến không khí không thoát ra được, hơi xăng tích tụ nhiều nên khi ông Cao thử lửa ở Bugi thì hầm máy phát bùng cháy.

Ông Cao cố gắng dập lửa mà không được,lại cố gắng trèo lên mặt hầm với 2 bàn tay phỏng nặng. Lửa dưới hầm càng cháy, khói nghi ngút, không ai dám nhảy xuống. Khi đó ông Dũng (Trước) mạnh dạn nói với ông Hai Xông Pha xin nhảy xuống chữa lửa.

Ông Pha liền lấy cái mền nhúng đẫm nước đưa cho ông dặn xuống phải trùm ngay mền vào toàn bộ máy phát. Thật may lửa tắt ngay nhưng do đám cháy đã lan rộng một số nơi, nên ông Xông Pha tiếp tục quăng mấy cái mền ướt xuống để ông dập tắt tiếp những phần lửa cháy loang dưới hầm. Ông nhanh chóng làm được, tuy bị ngợp, mệt và nóng rát nhưng rất vui khi hoàn thành nhiệm vụ…Không ngờ 2 ngày sau, ông được gọi lên nhận nhiệm vụ bổ sung vào đội chiếu bóng do ông Văn Bá Trợ quê ở Tân An, Củ Chi, làm đội trưởng.

Trong đội máy chiếu có ông Nhì phụ trách máy chiếu, ông Xuân Vũ, ông Vàng thuyết minh phim, còn ông Dũng phụ chiếu phim. Ông vừa làm việc, vừa học nghề do ông Nhì, trước kia từng làm công nhân máy chiếu phim ở đồn điền cao su Dầu Tiếng rồi theo kháng chiến vào xưởng phim, truyền kinh nghiệm.

Ông Nhì cũng chỉ học văn hóa lớp 2 như ông Dũng nên truyền nghề chủ yếu là kinh nghiệm chứ không có lý thuyết. Hình thức hoạt động của đội là có đơn vị nào đồng ý cho chiếu phim thì cử người đến đội khiêng máy phát điện và dẫn đường, còn anh em trong đội mang máy chiếu bóng, màn bạc, dây dẫn điện, máy biến điện, phim, loa đi theo… Mỗi đơn vị, đội ở lại chiếu 2 đêm. Mỗi đêm các ông chiếu một phim truyện, còn lại là phim phóng sự tài liệu, có khi có cả phim hoạt hình với thời gian tổng cộng khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Trong buổi chiếu, họ cử người canh gác máy bay. Hễ nghe tiếng máy bay từ xa, người gác báo động cho đội tắt điện, người chiếu và người xem ngồi tại chỗ. Khi được báo yên thì đội lại chiếu tiếp. Việc này đòi hỏi người phụ trách máy chiếu phải cực thính tai và nhanh tay.

Thường các đơn vị nào muốn chiếu thì liên hệ với xưởng phim, hoặc khi đội đang chiếu ở nơi gần đó, họ biết thì đến trực tiếp liên hệ với, hay đội tự chủ động liên hệ với các đơn vị gần điểm chiếu để phục vụ tiếp. Dần dần các ông nắm rõ địa bàn cần hoạt động nên cho người đến liên hệ trước, về trình ban lãnh đạo xưởng phim, lên lịch công tác, cố gắng làm sao quy trình chiếu gần như một vòng tròn từ điểm xuất phát đến điểm cuối cùng cũng gần điểm xuất phát, để khi mang máy về xưởng phim thuận tiện, gần hơn.

Ba tháng đầu ở trong rừng kể cả khi đi chiếu bóng, ông Dũng vẫn đi chân trần, không hề mang giày, dép. Trong quá trình di chuyển ông luôn bị dẫm gốc cây, gai, nhất là những đoạn đường mới mở. Tối đến, khi công việc xong xuôi, ông đợi người nào đó có cớ chân gần vừa với mình đã lên võng nằm để mượn dép đi rửa chân, leo lên võng, ném trả dép cho người ấy rồi làm một giấc tới sáng.

Ông nhớ lại câu chuyện cảm động, khi đội chiếu bóng đến phục vụ ban chỉ huy U25 (có lúc là U70, có lúc gọi là đoàn 180 để tránh bị lộ). Đoàn này tương đương cấp trung đoàn và là đơn vị lực lượng công an vũ trang, bảo vệ vòng ngoài của các cơ quan Trung ương Cục miền Nam. Lúc này, ban chỉ huy đóng ở cạnh trảng 3 chân (có người còn gọi trảng 3 mặt). Thấy ông không có dép, ban chỉ huy cho người vào kho kiếm mà không còn đôi nào.

Lúc đó bà Tâm là chiến sĩ ban chỉ huy U25 nói “hay là em lấy dép của chị mà đi”. Khi ướm thử mới thấy bàn chân mình to chè bè do chuyên đi bộ, đã vậy 2 ngón cái còn hoác ra ngoài (vì thế ở đơn vị thường bảo bàn chân của ông thực sự mới là bàn chân Giao Chỉ). Dù đi không vừa nhưng ông thật sự cảm động trước tấm lòng chia sẻ đầy tình nghĩa của chị với tình đồng chí, anh em.

Thời kỳ đầu đội chỉ chiếu một ít phim thời sự, tài liệu, phóng sự của xưởng phim Giải Phóng sản xuất. Sau đó, do tiếp nhận từ hậu phương lớn miền Bắc gửi nhiều phim thời sự, tài liệu, phóng sự và phim truyện vào. Phim tài liệu gồm: Nước về Bắc Hưng Hải, Dưới mái trường mới, Khả năng nghệ thuật của quần chúng,Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm 6 nước XHCN. Các phim truyện có: Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Chim Vành Khuyên, Vật kỷ niệm, Người chiến sĩ trẻ, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm Đội chiếu đi đến đâu đều được cán bộ, chiến sĩ, đồng bào hết sức hoan nghênh, có rất nhiều người xem phim tài liệu, khi nhìn thấy Bác Hồ đều vỗ tay rồi khóc rất nhiều.

chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy
Ông Dũng cùng đồng nghiệp về căn cứ TW cục miền Nam tại Tây Ninh làm lể khánh thành bia trường Nguyễn Văn Trỗi

Có đợt, đội chiếu phim Nổi gió di chuyển ở 5 địa điểm khác nhau, các ông thấy người phụ nữ quen quen, hỏi hình như đêm trước chị có xem rồi, chị liền cười nói ngay “tôi xem lần này là lần thứ 5 và nếu các anh còn “Nổi gió” ở đâu thì tôi còn có mặt để xem tiếp”.

Có nhiều cán bộ, chiến sĩ khi xem phim còn phát biểu chỉ cần xem chiếu bóng 1 đêm là bằng chúng tôi lên lớp học tập chính trị cả tháng trời…Thực lòng, khi đó các ông rất hạnh phúc, tự hào, nên dù vất vả mấy cũng cố gắng đem phim chiếu lưu động phục vụ, động viên chiến sĩ, đồng bào trong cuộc chiến đầy khốc liệt. Từ năm 1966 về sau, đường liên lạc với hậu phương có phần thông thoáng hơn nên các ông còn được nhận thêm phim của Trung Quốc như: Đất bùng cháy, Đội du kích đường sắt, Đội du kích đồng bằng, Thượng Cam lĩnh, Đội nữ Hồng quân, Người con gái của Đảng, Bài ca tuổi trẻ, Lửa hận rừng dừa. Phim Liên xô có: Lê Nin với Cách mạng tháng 10, Hạm đội hy sinh, Họ từ Krông stát đến, Anh hùng phi công Ma rép xép, Anh hùng lấp lỗ châu mai Ma tơ rô xốp, Thanh niên cận vệ đội, Thép đã tôi thế đấy

Các phim của Trung Quốc, Liên xô cũng như phim của xưởng phim Giải Phóng sản xuất đều phải thuyết minh. Sau này phim của xưởng phim Giải Phóng sản xuất đều được gửi bản négative ra miền Bắc lồng thuyết minh. Do luôn chịu khó học nghề, có phần sáng dạ nên ông học và sử dụng, thao tác thành thạo cả máy chiếu, máy phát điện rồi kiêm luôn cả phần thuyết minh phim.

Ông nhớ lại khi đội chiếu bộ phim Đất bùng cháy của Trung Quốc ở Mặt trận liên minh các dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam vừa xong, có người hỏi ông “ Khi thuyết minh, chú có gắn cái gì trong cổ họng không?”, ông trả lời “ không gắn cái gì hết” thì họ vẫn còn thắc mắc tiếp “sao chú thuyết minh giọng ông già, ra giọng ông già, giọng nữ ra giọng nữ, giọng em bé cũng ra giọng em bé…”, ông chỉ cười thật hiền bảo “Do lúc đó tôi quá xúc động nên nhập vai diễn cảm như vậy thôi”. Thực ra, hồi đó ở xưởng phim Giải Phóng có 2 ông Nguyễn Văn Vàng và Phạm Văn Cao thuyết minh cũng rất hay. Tháng 3 năm 1967, ông Vàng và Cao cùng ông Dũng tham gia chiến dịch Juntion của Mỹ( Gian-xơn-city), sau đó cả 2 đều hy sinh trong ngày 13/3/1967.

Những chuyến công tác đầy kỉ niệm

Cuối năm 1964, ông được phân công đi nhận phim từ miền Bắc gửi vào, cùng đi có 3 người nữa. Vì đường xa buộc phải mang dép, nhờ đoàn U25 cho 2 chiếc đế dép, ông Xông Pha cho mượn trước dây cao su làm quai dép, ông nhờ anh em đục lỗ xỏ quai và từ đó mới hết đi đường rừng bằng chân không.

Đoàn vượt qua Bời Lời, đến Bà Nha, vượt qua sông Sài Gòn qua Thanh Huyền, Long Nguyên của huyện Bến Cát, qua đường xe lửa (Sài Gòn - Lộc Ninh), vượt tiếp đường 13, 14 huyện Phú Giáo, qua tiếp huyện Tân Nguyên rồi đến Mã Đà (chiến khu D), dọc đường bị giặc đổ quân càn đánh bom, trực thăng bắn hỏa tiễn, đạn nhọn. Cuối cùng, đoàn cũng mang được phim về Xưởng. Sau vài hôm, ông cùng đội được phân công xuống tăng cường cho điện ảnh Tây Ninh và Bình Dương phục vụ đồng bào và chiến sĩ tại đây, đặc biệt là chiếu phim cho đồng bào Sài Gòn ra vùng giải phóng ăn Tết. Ông Nhì mang máy chiếu phim của Mỹ còn ông mang phim.

Các ông cứ theo đường giao liên mà đi. Khi giặc quần nhiều quá, các ông tìm cách xây dựng căn cứ, nhờ người vào nội thành mua máy phát điện. Có lần, ông ở ban tuyên huấn Tây Ninh, đang nằm võng ngủ dưới hầm thì nghe cái ầm của máy bay trinh sát đầm già L19, lăn vội vào hầm ếch để tránh bom.

Sau khi gầm rú, máy bay lao xuống bắn đạn 20 mm. Vừa thở phào nghĩ đã thoát, thì lại nghe tiếng máy bay rất thấp rồi loạt âm thanh rào rào, bỗng ông nghe tiếng một đồng chí ở hầm gần đó la lên rất lớn “Nó rải chất độc hóa học đó nghen…” Khi máy bay xa dần, các ông leo lên mặt hầm thấykhông gian như đặc lớp sương mù, mùi hôi rất khó chịu, lá cây dính lốm đốm chất sền sệt màu vàng.

chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy
Ông Dũng, chị Quyên (vợ anh Trỗi), ông Minh Triết, bà Tổng lãnh sự quán Cu Ba tại thành phố HCM, bà nhân viên lãnh sự quán Cu Ba, ông Tâm Dũng chông sau của chị Quyên

Con heo bị say chất độc lảo đảo chạy vào cơ quan, các loại chim rừng chết nằm rải rác, riêng con chim Bồ chao thì không chết. Đây là chiến dịch 21 ngày chúng đánh “mật khu Bời Lời” mà các ông đã ở đây đến 19 ngày chưa thể hoạt động gì. Đến ngày 20, các ông nhận định không thể chiếu phim ở Tây Ninh và xin các đồng chí tuyên huấn Tây Ninh cho các ông qua Bình Dương chiếu.

Ngay trưa hôm đó, ông Nhì mang máy chiếu bóng đi trước, ông Dũng mang phim theo sau, các ông nhắm hướng Bà Nhã- sóc Lào cắt rừng mà đi. Bỗng ông Nhì quay đầu lại chạy bạt mạng và ông Dũng cũng chạy theo mà chả hiểu gì…Khi vừa chạy vừa kịp nắm tay ông Nhì hỏi có chuyện gì, thấy mặt ông Nhì tái mét, tưởng có bọn biệt kích ai dè ông chỉ về phía sau bảo “có bom nổ chậm”. Ông Dũng liền bảo “Nếu là bom nổ chậm mà mình chạy tới đây nó nổ vẫn chết, thôi thì 2 anh em cứ quay lại chạy thiệt nhanh qua đi may thì thoát…” Thế là ông Dũng lại chạy trước, ông Nhì chạy sau.

Khi chạy qua chỗ ông Nhì chỉ, ông liếc nhìn thì thấy ở lưng chừng cây cầy (đồng bào Tây Nguyên gọi cây Kơ Nia) bị tróc mảng vỏ lớn, cách gốc cây vài mét có một quả bom bằng con heo lứa nằm nghiêng, một phần bị vùi dưới đất, một phần ló đầu lên màu xanh xám có khoanh vàng ở đầu… Các ông chạy qua khỏi mà vẫn không thấy nổ.

Thật hú vía…Cho tới giờ ông Dũng vẫn nghĩ không biết đó là quả bom lép hay bom nổ chậm. Sau đó 2 ông đến Bà Nhã - sóc Lào, vượt sông Sài Gòn qua Thanh An vào Thanh Tuyền vào ấp 3 Bờ Cản thuộc xã Long Nguyên, huyện Bến Cát Bình Dương. Ngay chiều hôm đó, tại căn cứ Bình Dương, các ông được bọn giặc “chào sân” bằng một trận bom.

May mà toàn cơ quan không ai bị sao cả. Sáng hôm sau, 2 ông lại hành quân ngược lại về xã Thanh Tuyền, vì lúc đó điện ảnh Bình Dương ở vườn Bồi Rô, phối hợp với ông út Quốc, ông Sáu Dấu và bà Hồng Nhật tổ chức chiếu phim phục vụ đồng bào, chiến sĩ, cả ở nội thành ra đón Tết. Năm 1969, địch mở chiến dịch Bình Định khốc liệt, anh chị em vừa gặp nạn đói, cứ mắc võng ngủ cho qua cơn, không ngờ bị máy bay B52 ném bom cả ông Quốc và bà Nhật đều hy sinh.

Năm 1965, sau chuyến công tác ở Tây Ninh và Bình Dương trở về không lâu, ông Dũng được phân công cùng đội chiếu bóng phục vụ các cơ quan Trung ương cục. Các ông mang vác máy móc, tư trang từ xưởng phim đến Bến Ra để đi tiếp bằng ghe. Do ông Dũng người thấp bé nên chỉ một mình khiêng máy phát điện khoảng 60 kg ở đầu đòn, còn lần lượt 4 người khác thay phiên nhau khiêng phía sau. Thấy ông khiêng mãi đầu ngọn, anh em đề nghị giúp, nhưng ông không chịu.

Sau đó ông Đức Trí, thợ phụ máy phát điện cá vui “Vậy để tao với mày khiêng một mạch tới Bến Ra luôn”. Ông đồng ý. Họ cùng khiêng nhưng chỉ tới nhà máy xay lúa, còn cách điểm đến đi khoàng 20 phút nữa thì ông Trí bảo “Tao không thua mày nhưng vì tao mắc tiểu quá, đành ngưng lại chút rồi khiêng tiếp…” Ông lại tiếp tục là người khiêng một đầu cho đến đích.

Sự cố gắng này, có một phần do ông có chút háo thắng, không ngờ sau đó nó làm hại ông. Điểm chiếu đầu tiên là trường Nguyễn Văn Trỗi (trường nuôi dạy con em cán bộ), đóng ở cuối nguồn suối Xa Mách đổ ra sông Vàm Cỏ Đông (ở Tây Ninh cũng có trường như vậy gọi là trường Hoàng Lê Kha). Tối hôm đó, sau khi chiếu phim xong, ông lên võng nghỉ một lát, ai dè cơn sốt rét nổi lên hoành hành ông dữ dội…Và ngày hôm sau, ông đành phải bỏ dở chuyến đi chiếu phim tiếp theo trở về cơ quan trị bệnh.

Vốn bản tính luôn tâm niệm dù khó khăn, thiếu thốn, vất vả, bệnh tật, hay cả nghe tin anh mình hy sinh, ông cũng cố gắng không tỏ ra bi lụy, sợ ảnh hưởng đến tinh thần của anh em nhưng khi bị sốt cao nằm li bì, nghe loáng thoáng dưới nhà bếp có tiếng vỗ tay của anh em báo hiệu đến giờ ăn, còn lại một mình, ông nghĩ nếu đang ở nhà má sẽ đặt bàn tay lên trán và nói “con sốt cao quá, con muốn ăn gì, để má nấu cháo cho ăn…” Mới nghĩ tới đó tự nhiên thấy gò má có cái gì nóng nóng, ông vội đưa tay sờ hóa ra là 2 dòng nước mắt. Ông vội lấy tay lau nhanh và tự trách mình “Sao lại mềm yếu thế - Hãy cứng rắn lên Dũng ơi”…

Cũng trong năm 1965, ông cùng các ông: Nhì, Cao, Vàng, Xuân Vũ mang máy, phim, màn bạc không cần máy phát điện) để đi phục vụ “đám giỗ”- Đây là tiếng lóng bí mật của hội nghị Trung Ương Cục miền Nam tại Tây Ninh. Khi đến nơi, đang chuẩn bị thì được báo động, nên hội nghị không thể diễn ra, cả đoàn đành phải quay về. Lần này có thêm ông Chiến bên hội họa cùng tháp tùng, sau đó ông bị rắn Chàm quạp lửa cắn…6 tháng sau mới bị chạy nọc mù hết một con mắt. Đoàn trở về không có giao liên hướng dẫn nên đã bị lạc đường cuối cùng cũng đến được tram giao liên B1 xin chia ít gạo để nấu cơm. Nhưng các đồng chí nói “do ta đang đánh lớn ở Bình Long, Phước Long, nên máy bay địch hoạt động dữ dội, nếu nấu ban ngày, chúng sẽ phát hiện ngay” rồi đưa một ít cơm nguội động viên các ông ăn chút lót dạ. Thế là đoàn lại tiếp tục mò mẫm đi suốt đêm đến gần sáng hôm sau thì về tới xưởng phim.

Khoảng giữa năm 1966, đội chiếu bóng của ông được bổ sung thêm ông Xuân Đức ở ngoài Bắc vào ông Đức ở đội chiếu bóng 59 tỉnh Bắc Giang, từng được phong anh hùng) và bà Ngọc Trinh vừa là thuyết minh vừa làm y tá rất giỏi. Cũng trong năm 1966, ông Dũng bị bệnh ghẻ ngứa khắp người kéo dài rất lâu, mặc dù đã bôi, uống nhiều kháng sinh. Thấy ông như vậy bà Trinh liền bày lấy lá cây “bá bệnh” hay còn gọi cây “mật nhân” nấu nước cho ít phèn hay chút muối vào tắm…Quả nhiên sau 1 tuần ông bớt hẳn, mừng quá. Lúc đó ông làm đội trưởng chiếu bóng nên có giữ một số tiền (bỏ trong cái túi) để mua xăng chạy máy điện và chi tiêu chung cho đội. Không may vào chiều hôm đó ông ra sông Vàm Cỏ tắm bỏ quên túi tiền, bà Trinh nhặt được, sau tìm hiểu biết là của ông và đã đưa lại số tiền trên. Ông Dũng cảm động vô cùng vì chính bà là vị ân nhân, 2 lần giúp ông chữa bệnh và trả lại số tiền không phải nhỏ này.

chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy
Nhận bằng 50 năm tuổi Đảng tháng 9/2017

Dũng sĩ diệt xe tăng

Sau mấy lần đánh vào khu căn cứ của ta thất bại, đầu năm 1967 để tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của miền Nam. Mỹ huy động 45.000.000 quân với nhiều đơn vị thiện chiến như: sư đoàn kỵ binh bay số 25, sư đoàn 1 “anh cả đỏ”, sư đoàn sù 101, trung đoàn thiết giáp độc lập số 11… cùng các loại máy bay, các loại pháo hòng cày nát khu vực Bắc tỉnh Tây Ninh. Xưởng phim Giải Phóng cũng như tất cả các cơ quan khác, vừa cất giấu tài liệu, thiết bị, sơ tán người đến nơi an toàn, vừa để lại một đơn vị nhỏ đánh giặc bảo vệ cơ quan và đưa đường cho bộ đội chủ lực đánh những trận lớn (Xưởng phim Giải Phóng lúc đó đóng cạnh trảng Cố Vấn kéo dài đến trảng Sặt). Tiểu đội Xưởng phim Giải Phóng ở lại bảo vệ cơ quan gồm các ông: Ba Trung (Ba Chụp), Thân Thiệp, Lê Chánh, “Đắc Đen”, Cao, Vàng, Minh Trí, ông Dũng và mấy ngày sau bổ sung thêm ông Lê Thành Bé… Sao phải bổ sung? Vì khi Mỹ càn vào tới 2 đầu cơ quan vào một buổi chiều, chi bộ họp cấp tốc phân công người đi sơ tán, về tuyến sau, người ở lại chiến đấu. Ông Bé được phân công đi sơ tán với lý do là chân ông bị đau. Lúc đó ông đề đạt gần như là cự nự “Tôi là Đảng viên, là Bí thư chi đoàn, khi giặc càn vào cơ quan tôi lại đi sơ tán, thì tôi nói còn đoàn viên, thanh niên nào nghe”. Nhưng nghị quyết vẫn là nghị quyết. Vài ngày sau, chân ông đỡ đau, ông lại nằng nặc xin, thế là ông sung sướng được bổ sung vào tiểu đội của ông Dũng. Bởi đối với các ông được trực tiếp chiến đấu, giải phóng đất nước nó thiêng liêng lắm, vinh dự lắm.

Ngày đầu các ông phối hợp với các đồng chí bên nhà in Trần Phú, phục kích ở đoàn giao thông hào của bộ phận in tráng phim tại đầu Trảng Sặt. Tại sao phải phối hợp, vì đơn vị ông Dũng không có súng B40 mà chỉ được trang bị súng A.T tăng, lại quả đạn lõm có đường kính 40 mm được gắn vào đầu súng K44 (Bá đỏ) và phóng đi bằng viên đạn mã tử. Khi bắn thì có thể bắn thẳng được (Các ông chỉ nghiên cứu tài liệu hướng dẫn, chứ không hề được ai huấn luyện). Các ông phục kích, đoàn xe tăng địch chạy ngang qua, cách đội hình các ông chừng 20m. Các ông vừa chạy vừa bắn dọn đường như vãi trấu. Rừng rậm khó quan sát đội hình địch. Khi phát hiện đoàn xe khoảng 10 chiếc của địch đã chạy qua, đồng chí giữ khẩu B40 của đơn vị bạn liền xách súng nhảy qua chiến hào, băng rừng chạy ra chỗ đoàn xe địch vừa chạy qua, vừa đưa khẩu B40 ngắm phía sau chiếc M113. Tên Mỹ xạ thủ 12,7 mm thấy khẩu B40 chĩa về xe nó, nó liền bỏ súng, đưa tay lên, thì lúc đó chiếc xe Mỹ lãnh nguyên quả đạn B40 cháy trụi, đoàn xe địch quay lại bắn dữ dội, toàn bộ các ông rút lui an toàn, chỉ có ống hơi khẩu AK của ông Bình nhà in Trần Phú bị trúng đạn và hư nhẹ. Sau trận đánh đó, các ông quyết định không phối hợp với đơn vị khác mà tự đánh độc lập. Các ông bàn bạc rất kỹ, tự tính năng tác dụng của đạn A.T tăng, đường đạn đi, cách bắn đến độ dày của xe địch. Cuối cùng các ông chọn cách đánh như sau: Không bắn xe tăng M48, M41, mà bắn M13 thì đạn AT mới phá được nó; Tiếp cận gần xe địch để bắn, vì các ông có biết bao nhiêu độ là thế nào đâu, hơn nữa đã bắn thử lần nào đâu… thì tốt nhất là tiếp cận gần xe (dưới 15m bắn thẳng); Chọn chiếc cuối đoàn xe để đánh, vì như vậy bọn địch khi phát hiện bị đánh, chúng quay lại thì các ông đã nhanh chóng rút đến vị trí tương đối an toàn như giao thông hào chẳng hạn. Sáng hôm sau các ông chia làm 2 tổ. Tổ bắn xe có ông và ông Minh Trí sử dụng A.T tăng, còn ông Ba Trung và ông Chánh yểm trợ. Tổ còn lại ra mé Trảng Cố Vấn tìm máy bay bay thấp để bắn. Tổ bắn xe của ông chọn khu vực mà đoàn xe tuần tra của địch hay chạy qua cạnh chỗ đóng quân của đội chiếu bóng lưu động. Ông chọn ụ bắn là các hầm lộ thiên của cơ quan, cách đoạn đường xe địch di chuyển 15m. Ba người còn lại ở đoạn giao thông hào cách chỗ ông phục kích khoảng 40m. Khi nghe tiếng súng đoạn đường của đoàn xe địch nổ mỗi lúc một gần, ông vô cùng hồi hôp. Mặc cho đạn địch bắn như vãi trấu, tiếng máy xe đinh tai, ông vẫn mặc kệ nép mình vào vách đất quan sát, ông thấy những tên Mỹ ngồi trên xe, đội nón sắt, người cứ lắc lư theo dộ xóc khi xe trèo qua những thân cây to mà chính đạn hoặc xe tăng M48 làm ngã. Khi đoàn xe địch chỉ còn 3 chiếc, ông giương súng ngắm giữa hông chiếc xe M113 –bóp cò, nhưng than ôi, chiếc xe địch vẫn chạy bình thường. Ông chợt nghĩ… lẽ nào quả đạn lép, ông vội chạy nhanh về giao thông hào lấy trái đạn thứ 2 lắp vào đầu súng, chạy nhanh qua chỗ ụ bắn dưới làn đạn dọn đường thưa thớt của xe giặc (vì những chiếc xe đi đến gần ụ bắn thì đã chạy qua hết), ông tiếc ngẩn ngơ. Khi ba ông kia chạy lại gần ông, có người cho là ông đã không bắn, người thì cho là ông không rút chốt an toàn trái đạn. Ông vừa thanh minh là tôi có bắn và đã mở nắp túi áo lấy ra cái chốt an toàn của quả đạn mà sau khi tháo còn giữ lại (vì nguyên tắc quả A.T tăng gắn lên đầu súng thì chốt an toàn vẫn phải cài, đề phòng lúc di chuyển va đập vào cây, hay rơi xuống đất quả bom sẽ nổ; Trước khi bắn mới được rút chốt an toàn ra). Lúc đó các ông mới tin, sau đó mọi người đều đến chỗ ông vừa bắn để tìm kiếm kiểm tra nguyên nhân, thì ông Dũng phát hiện quả đạn vừa ra khỏi nòng súng chừng 3m thì trúng vào bên hông thân cây có đường kính chừng 10cm, làm tróc mảng vỏ, quả đạn lại tiếp tục lao đi chừng 2m nữa thì đụng vào sợi dây gùi có đường kính khoảng 5cm làm quả đạn bị cong lại và lòi cả thuốc nổ ra ngoài, thật may cho ông trái đạn không nổ, nếu nổ thì ông chết rồi. Từ đó ông rút ra kết luận, phải tỉa cây làm thành luồng từ chỗ bắn cho đến mục tiêu (xe địch). Nếu không làm như vậy thì không những quả bom không đến mục tiêu mà còn nổ gây thương vong cho người bắn… Các ông đều nhất trí như vậy.Tối hôm đó được tin tổ du kích bên báo Giải Phóng do ông Nguyễn Hồ phụ trách bị nổ trái đạn A.T tăng bị thương. Ông Dũng cùng các ông Cao, Vàng, Bé đi sang thì thấy tổ du kích bên báo có 5 người thì bị thương 4 người chỉ còn ông Nguyễn Hồ không bị thương, trong đó có các ông Minh, Thành, Liêu bị thương rất nặng. Các ông đã khiêng ông Thành và ông Liêu đi về tuyến sau dưới làn đạn và pháo sáng của máy bay C123 và pháo cực nhanh của Mỹ, song các ông Minh, Liêu và Thành đều không qua khỏi. Ngay hôm sau các ông lại quay trở lại trận địa của mình thì được biết ông Minh Trí và ông Nhân Thiệp đã bắn cháy 2 xe tăng M113 chỉ bằng 2 quả đạn A.T tăng… Thế là mọi người vô cùng phấn khởi, quên hết mệt nhọc. Sáng hôm sau các ông Dũng, Sao, Vàng được phân công đánh trực tiếp. Ông Cao, ông Vàng đánh A.T tăng. Ông Đắc cầm AK yểm trợ cho ông Cao, ông Ba Trung cầm carbin yểm trợ cho ông Vàng, còn ông Bé cầm C.K.C yểm trợ cho ông Dũng. Riêng trường hợp của ông Dũng các ông bàn rất kỹ về cách đánh vì ông không có súng A.T tăng mà dùng 5 trái thủ pháo cột lại, lấy dây rừng một đầu ông giữ, một đầu gom 5 dây điểm hỏa của 5 trái thủ pháo lại cột chung. Khối thủ pháo được chôn dưới đường xe địch chạy. Để tránh xích xe tăng nghiến đứt dây điểm hỏa, ông dùng một cái cây do xe tăng địch càn gãy đặt dọc theo sợi dây. Các ông cũng tính tốc độ xe chạy và thời gian từ lúc điểm hỏa cho đến lúc thủ pháo nổ. Ông Dũng được phân công đánh đầu tiên. Khi khối thủ pháo của ông nổ thì cũng là hiệu lệnh để ông Cao, ông Vàng sử dụng A.T tăng để bắn xe. Đoàn xe tăng khoảng 10 chiếc vừa chạy, vừa bắn dự dội để dọn đường làm cây rừng rung động, làm ông hết sức hồi hộp. Do nhiều ngày đêm bám địch và phục vụ chiến đấu, bom đạn địch liên tục dội cái chết xuống các ông, loa trực thăng cứ ra rả gọi chiêu hồi nên các ông luôn thiếu ngủ, nên khi ngồi dựa vào gốc cây Vên vên cạnh gò mối chờ địch ông thiếp ngủ. Khi nghe tiếngsúng xe tăng giặc bắn dọn đường ông giật mình thức dậy và gọi: “Anh Cao, anh Vàng ơi xe tụi nó vô đó nghe”. Ông nép mình vào gốc cây Vên vên cạnh gò mối, một tay giữ khầu carbin, một tay cầm mối dây điểm hỏa thủ pháo. Đạn địch cày nát mặt đất, trúng vào gốc cây ông núp nghe bốp bốp, trúng gò mối nghe bựt bựt, chân ông gác đầu gối nhô cao khỏi gò mối, cũng may mà đạn đại liên 7.62mm của địch bắn hơi thấp nên có vài ba viên đạn bắn trúng gò mối, cát bắn vào đầu gối của ông, ông vội co chân lại liếc mắt quan sát thấy xe tăng M41 đi đầu chậm chạp bò qua, đạn bắn đứt cây rừng trước mặt, ông liếc chiếc M113 đi sau chiếc M41 cách khối thủ pháo của ông chừng 2 mét, ông vội vàng kéo mạnh dây điểm hỏa, một khối lửa và khói vụt lóe lên dưới bụng chiếc xe tăng M113, ông vội lao khỏi gốc Vên vên và gò mối chạy về phía sau an toàn. Ông được công nhận đánh cháy một xe tăng M113 trong trận đánh đó và được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng cấp ba.

chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy
Ông Phan Văn Trước (người thứ 4 từ trái qua) cùng Đoàn điện ảnh TP HCM trên đỉnh núi Hầm Rồng - SaPa Lào Cai 2014

Tay săn thú cừ khôi

Ngoài công việc chuyên môn, các ông còn tham gia làm rẫy, đào chiến hào, giao thông hào, đào hầm tránh bom pháo, đào hầm bí mật để giấu máy móc, phim ảnh, đào giếng lấy nước, xây căn cứ dự bị, cắt tranh, bẻ lá trung quân đốn cây làm nhà. Các ông còn đi vận chuyển vũ khí, giăng, cắm câu, thả lưới, gài bẫy, săn bắt thú rừng… đều làm thành thạo. Ông nhớ lại… trong kháng chiến, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, xà bông giặt còn thiếu nói chi đến xà bông thơm. Có ai liên lạc được với gia đình còn đỡ đôi chút. Riêng ông từ giữa năm 1964 rời khỏi gia đình cho đến giữa tháng 11/1997 mới được về gặp má và gia đình. Vì vậy, năm 1968 có lúc ông chỉ có 1 bộ quần áo bà ba và 2 cái quần đùi, mà 2 cái quần đùi đâu được luồn bằng dây thun mà 1 cái luồn bằng dây rừng dâu xanh dẻo và chắc, còn cái kia luồn bằng dây điện. Hôm đó ông cầm khẩu súng C.K.C, chỉ mặc quần đùi đi phục kích thú rừng… song không ngờ mắc đi đại tiện, ông để súng dựa gốc cây, bỗng nghe tiếng động lá khô. Tiếng động ngày càng gần, ông vừa với tay lấy khẩu súng, vừa quan sát thì thấy con kỳ đà. Ông bắn một phát nó trúng đạn ở cái đuôi, nhưng vẫn bỏ chạy được, ông vừa đứng dậy thì quần đùi đã tuột đến ngang ống chân (vì quần luồn bằng dây điện). Do vướng víu quá, ông rút một chân ra, chân còn lại ông liền đá một cái văng cái quần ra xa… thế là “ trần như nhộng” xách súng rượt theo con kỳ đà và bắn trúng nó chết liền. Con này nặng khoảng 4 ký rồi quay lại tìm cái quần đùi. Lần khác, ông đang mặc bộ đồ bà ba, xách khẩu C.K.C đi săn thú cải thiện thêm cho anh em. Ông bắn con voọc bị thương nó nằm bám trên cây, ông phải trèo lên bắt. Ông chợt nghĩ, da thịt còn lành được, chứ quần áo rách làm sao lành, vì thời kỳ đó nghèo quá, ông chỉ có 2 cái quần đùi và bộ bà ba… mà giữa rừng thì nào có ai, sợ quần rách, ông liền thoát y, trèo thoăn thoắt để bắt con voọc. Một lần khác, ông vào rừng bắn được con treo độc chiêu, nó gần 100 ký. Loại treo này hay đi một mình, rất khôn và hung dữ. Muốn tiếp cận được nó thì mình phải đi ngược gió, hay không cho người mình có mồ hôi rồi đi như lính trinh sát. Khi ông tiếp cận con treo chừng 50 mét liền bắn một phát súng, con treo la “ẹc” rồi bỏ chạy. Ông lắng nghe tiếng chạy của nó và biết nó bị thương, ông khéo đuổi theo, khi thấy nó liền bắn thêm một phát nữa nó chết liền. Do gần cơ quan, ông gọi anh em ra khiêng con treo về. Trong lúc mần thịt ông Lê Chánh trách yêu ông làm ông hết sức cảm động “ mày chủ quan quá, ở bước đường cùng, con treo rất hung dữ, được thì cả cơ quan cùng ăn, còn có việc gì (treo đánh chết) thì chỉ có mình mày chịu…”. Song ông chỉ cười vì hiểu rằng trong cuộc chiến quá thiếu thốn cực khổ, anh em luôn thiếu thức ăn, nếu được ăn thêm chút thịt cá tươi ngon là ông vui lắm bởi thấy việc làm của mình cũng có ích”.

chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy
Ông Dũ ng (ngồi thứ 3 từ phải qua) trong chuyến thăm hầm chỉ huy tướng De catrie Diên Biên Phủ 2014

Ra miền Bắc học đại học Bách khoa

Ngày 19/5/1971, ông nhận lệnh vượt Trường Sơn ra miền Bắc. Sau 2 tháng 13 ngày của cuộc hành trình gian khổ, ngày 13/8/1971, ông cùng anh em đã ra tới Thủ đô. Ông được đi điều trị bệnh 3 tháng tại bệnh viện E2 . Sau khi ra viện, ngày 15/1/1972, ông và ông Nguyễn Định (bộ ngoại giao phía Nam) là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, được phân công đi xây dựng trường trung học ở Cu Ba do Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới tổ chức.

Sau 8 tháng, công việc xây dựng trường đã xong, ông về nước. Cuối năm 1972, ông quyết tâm học bổ túc văn hóa cấp 2 và tốt nghiệp cấp 3. Năm 1976, ông thi vào đại học Bách Khoa khóa 76-81 tại Hà Nội khoa kỹ sư kinh tế, ngành năng lượng và ra trường với tâm bằng tốt nghiệp loại khá.

Ông xin về miền Nam làm việc tại Xí nghiệp phim Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh với nhiệm vụ trợ lý kinh tế cho xí nghiệp phim. Năm 1983, ông được cử đi học chuyên tu kinh tế điện ảnh ở Hà Nội gần 2 năm ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Sau đó, ông về lại Xí nghiệp phim Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh làm trợ lý rồi phó chủ nhiệm hai phim: Người không cô đơnNgười không mang súng. Năm 1988, ông chuyển qua Sài Gòn Video làm tại Hãng phim Phương Đông. Ông làm chủ nhiệm khoảng 10 phim, trong đó có các phim tiêu biểu như: Phạm Công Cúc Hoa, Dòng sông vàng, Sự tích con muỗi, Trạng, Cơn đau màu xanh, Anh lại về (phim điện ảnh)… Tháng 11/2006, ông nghỉ hưu. Song ông vẫn là người cố vấn, thường xuyên tích cực chia sẻ những kinh nghiệm khi sống trong rừng thời chiến tranh cho một số đoàn phim làm về đề tài này như: Đường xuyên rừng, Trái tim son trẻ

Điều đáng quý và trân trọng ở ông là sự nhiệt tình, luôn chia sẻ yêu thương với mọi người. Ông sống thật giản dị, chân thành – một hội viên điện ảnh luôn tích cực tham gia các hoạt động, nhất là công tác thăm, chăm sóc các hội viên đau ốm… Với những thành tích trên, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba và Huy chương giải phóng hạng nhất của Chính phủ Cách mạng lâm thời, nhiều năm là Chiến sĩ thi đua. Đặc biệt ông vừa vinh dự đón nhận danh hiệu 50 tuổi Đảng khi vừa tròn 70 tuổi.

chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy Quyền Linh & những câu chuyện ít người biết đến
chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy Sao Việt nô nức chúc mừng dàn diễn viên phim 'Chí Phèo ngoại truyện'
chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy Các sao trẻ biểu diễn phục vụ mùa Vu Lan
chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy Triển lãm ảnh múa đương đại của các nghệ sỹ Pháp – Việt
chu nhiem phim phan van truoc mot nghe sy tan tuy Đêm nhạc Pháp giữa lòng Sài Gòn

Vũ Liên