Châu, Beyond The Lines: Tinh thần Mỹ trong phim về người Việt

Có thể dịch tên phim này là Châu, chàng trai vượt qua giới hạn. Cốt truyện phim hết sức đơn giản: Châu là một chàng trai trẻ sống ở thành phố Hồ Chí Minh, tại trung tâm giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Anh đã quyết vượt lên thực tế với giấc mơ, một ngày nào đó sẽ trở thành nghệ sỹ chuyên nghiệp.  

chau beyond the lines tinh than my trong phim ve nguoi viet Tuần Phim Việt tại Praha - Cộng Hoà Séc (20-23/5/2016)
chau beyond the lines tinh than my trong phim ve nguoi viet
Châu đang vẽ tranh

Bộ phim do nữ đạo diễn – Biên tập - Nhà sản xuất Courtney Marsh thực hiện với sự tham gia của các đồng nghiệp như Nhà sản xuất Jerry Frankk, người Luxembourg, trợ lý đạo diễn, phiên dịch, phụ quay, Việt kiều Duy Nguyen cùng Marcelo Mitnik, người Argentina, đồng biên kịch và là người điều hành sản xuất.

chau beyond the lines tinh than my trong phim ve nguoi viet
Poster phim Châu, Beyond the Lines

Sau khi xem bộ phim, người viết vô cùng xúc động. Một bộ phim nói về nạn nhân chất độc da cam nhưng không có những hình ảnh ghê rợn, không có nét nhạc nỉ non, ai oán của tiếng đàn bầu, không có những lời bình quen thuộc, não lòng…Và tôi quyết định tìm hiểu về bộ phim qua website cũng như trang facebook của nó. Thực sự, với công nghệ làm phim hiện đại, việc mở ra những trang này giúp người xem cảm nhận về bộ phim sâu sắc hơn, sinh động hơn. Tám năm trước, trong một lần đi du lịch đến thành phố Hồ Chí Minh với nhóm bạn cùng lớp, Courney Marsh đã tiếp xúc và quay những thước phim đầu tiên về nhóm trẻ em đường phố. Do thời gian của chuyến đi không nhiều, họ được giới thiệu đến trung tâm giúp đỡ trẻ em bị nhiễm chất độc da cam. Trung tâm này nằm sau một bệnh viện phụ sản. Khi mới bước vào, nữ đạo diễn cảm thấy có một cái gì đó mắc kẹt ở bên trong nơi này. Và cô đã trở thành tình nguyện viên trong một tuần để tìm hiểu. Sau đó, dường như trong cô đã xuất hiện một tình cảm đặc biệt, để cô có thể nhanh chóng gắn kết với nơi này. Trong suốt 8 năm trời, với bao nỗ lực của mình, cô đã hoàn thành bộ phim. Và trong tám năm đó, cô đã quay hàng ngàn mét phim, một núi tư liệu đồ sộ. Nhưng khi dựng, cô chỉ kiên quyết giữ dung lượng bộ phim có độ dài 34 phút. Một thời lượng thích hợp trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Và việc làm phim đối với cô như là kỷ luật tự mình đề ra, mình phải hoàn thành. Một công việc mà do cô yêu thích, tự nguyện làm, tự tìm kiếm nhà đầu tư, tự tìm kiếm những Liên hoan phim quốc tế để gửi phim dự thi. Điều này đồng nghĩa với vấn đề, sáng tạo nghệ thuật là một công việc riêng tư và thiêng liêng, được thúc đẩy do động lực của trái tim và hướng đến mục đích mang đến cộng đồng một câu chuyện đẹp, một nhân vật đẹp. Đó là ý nghĩa nhân văn của sứ mệnh nghệ sỹ.

Khi bắt tay vào làm phim, cô nhận thấy, những gì thực sự xảy ra là: Trẻ em luôn là những đứa trẻ không có vấn đề gì ngoài thân thể dị dạng của chúng. Lũ trẻ vẫn hồn nhiên, vui chơi, ăn bánh kẹo…Cách sống của lũ trẻ dường như đã giúp cô có cái nhìn và sự cảm nhận khác về cuộc sống và con người nơi đây. Tinh thần của lũ trẻ luôn khỏe mạnh. Ước mơ của chúng luôn mạnh mẽ và thực tế. Khi trở về Mỹ, lúc đầu, cô định làm bộ phim về lũ trẻ trong làng Da Cam. Nhưng hình ảnh cậu bé Lê Minh Châu, một cậu bé ham học vẽ nhưng không thể vẽ bằng đôi tay mà vẽ bằng miệng đã ám ảnh cô nhiều nhất. Cậu bé đã truyền cảm hứng cho cô, đã gieo vào trái tim cô sự hy vọng. Cậu bé quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành họa sỹ. Và cô cũng có ước mơ làm bộ phim về tinh thần và ý chí của cậu bé này. Đó chính là ước mơ trong tầm tay của cô.

chau beyond the lines tinh than my trong phim ve nguoi viet
Nữ đạo diễn Courtney Marsh (trái) và nhà sản xuất Jerry Frankk

Trong suốt tám năm đó, từ 2007 đến 2015, Courtney Marsh đã trở đi trở lại thành phố Hồ Chí Minh nhiều lần để tiến hành khảo sát nhân vật, câu chuyện của mình. Và bộ phim đã dần nhìn thấy được trong mắt cô và các đồng nhiệp. Vấn đề đặt ra tiếp theo là tìm một người làm nhạc cho phim. Trong một lần gặp nhau tại Festival Film ở Florida, họ đã gặp được Steve London. Nghe họ trình bày bộ phim, ông nhanh chóng cảm nhận những hình ảnh cùng tinh thần nhân vật và quyết định cùng họ ngồi chung một con thuyền. Họ đã làm việc cùng nhau để tìm ra âm thanh tối giản cho bộ phim. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, Steve London đã quyết định sử dụng nhạc cụ là đàn tam thập lục. Ông cũng nghiên cứu thêm giai điệu của những lời cầu nguyện Tây Tạng và đàn piano để bổ sung vào giai điệu nhạc trong phim.

Có thể nói, với những hình ảnh và giai điệu nhạc đó, họ đã tìm được chìa khóa để mở cảnh cửa bước vào bộ phim. Ông vô cùng đồng cảm với bộ phim nói lên tinh thần vươn lên, không gì ngăn cản nổi của một con người tật nguyền, một họa sỹ vẽ mọi thứ trên đời đều bằng miệng. Một họa sỹ luôn cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi vẽ. Một câu chuyện được xây dựng lại trên nền những di sản khủng khiếp của chất độc da cam. Giai điệu nhạc trong phim không những thể hiện được những ước mơ của nhân vật, khai thác được những cái nhìn rộng lớn trong mỗi bức họa mà còn phản ánh một cách tinh tế thế giới tâm hồn của nhân vật. Âm nhạc của bộ phim đã góp phần mạnh mẽ trong việc thúc đẩy cảm xúc của khán giả. Ông cũng chia sẻ quan điểm làm phim với đạo diễn, rằng không thể làm một bộ phim khiến người xem có cảm giác ủy mị. Chủ đề của bộ phim ngỡ như đơn giản nhưng thực ra, giữa nhạc sỹ và đạo diễn đã có những buổi thảo luận rất dài. Bởi chủ đề của bộ phim cũng chính là chủ đề của âm nhạc trong phim. Và đặc biệt, những điểm cảm xúc chỉ cần những nét nhạc cần thiết, đúng điểm rơi.

Bộ phim hầu như không nói gì về chất độc da cam. Trong website của mình, các nhà làm phim đã dành thời lượng thích đáng để nói về vấn đề này để người xem tham khảo. Bởi trọng tâm của bộ phim là nói về một nhân vật, một con người cụ thể, có ước mơ cụ thể, có quyết tâm và nghị lực cụ thể để thực hiện ước mơ của mình - một ước mơ mà không ai tin. Nhưng nhân vật đã làm được.

chau beyond the lines tinh than my trong phim ve nguoi viet
Châu đang ngắm tác phẩm của mình

Lê Minh Châu, một chàng trai sinh tại một trong những điểm nóng về chất độc da cam là Đồng Nai, năm 1991. Với khuyết tật hiếm gặp, Châu được gia đình gửi vào làng Hòa Bình, nơi tiếp nhận những đứa trẻ bị nhiễm da cam. Châu sống ở đây từ lúc còn là đứa trẻ 6 tháng cho đến năm anh 17 tuổi. Tại đây, Châu đã được nuôi dạy để đối phó với số phận của mình. Và Châu đã tìm ra niềm đam mê hội họa của tuổi trẻ và lời mời gọi mãnh liệt của nghệ thuật. Anh chủ yếu vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Và phương tiện vẽ của anh chính là cái miệng bởi hai tay anh yếu dần, không thể cầm cọ. Châu luôn tin tưởng trong bức tranh của mình, anh đã đặt trọn vẹn tâm hồn và tình yêu của mình vào đó. Châu luôn tự hào về việc tạo ra những tác phẩm chính gốc chứ không sao chép bao giờ. Châu luôn vững vàng trong cuộc sống. Bởi anh đã trải qua những ngày cay đắng nhất. Châu luôn tin tưởng vào mục đích cao đẹp của mình bởi anh biết mình có thể vượt qua những giới hạn vô hình và anh biết mình vừa mang ơn, vừa trả lại ơn đời theo cách của mình.

Có thể nói, với tính cách Mỹ, tinh thần Mỹ, nữ đạo diễn Courtney Marsh đã gặp được nhân vật mà mình cảm thấy gần gũi, thân thiết. Cô đã dồn hết tình yêu của mình vào câu chuyện, vào bộ phim, vào nhân vật. Chính điều đó đã khiến cô làm được một bộ phim về sức mạnh nghị lực, sức mạnh của ước mơ trong một chàng trai trẻ. Thế giới nghệ thuật đã giúp họ tìm được ngôn ngữ chung. Thế giới nghệ thuật đã giúp họ cùng truyền cảm hứng sống và sáng tạo đến hàng triệu người xem.

Đoàn Tuấn