Cấu trúc phim truyền hình nhiều tập

Phim TH dài tập hiện được ưa chuộng ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Nó là một cái mỏ vàng khổng lồ để khai thác. Bởi phim TH dài tập là một liệu pháp tâm lý rất phổ biến đối với người xem. Việc coi phim TH nhiều tập như là một nhu cầu không thể thiếu được như nhu cầu ăn uống hàng ngày đối với đa số khán giả.Nó tạo ra một thói quen khá bền vững đối với hàng triệu người. Trong một ngày, nhiều loại phim TH dài tập đến với  từng ngôi nhà, từng căn hộ, từng chốn riêng tư của mỗt gia đình hoặc mỗi người. Nội dung của phim TH dài tập thật phong phú. Từ những chuyện vặt vãnh trong đời thường của bất cứ người nào cho đến những âm mưu tội ác đen tối của lũ người đê tiện; từ những mưu mô xảo quyệt cho đến những hành động cao thượng; từ những mảnh đời đầy thương cảm đến những sự hả hê, phấn khởi của người xem trước sự trừng phạt đối với bọn gian ác… tất cả như những mảng sắc màu của cuộc đời hiện ra trước mắt người xem. Và khán giả, tùy theo các lứa tuổi, đều tìm thấy ngay sau những câu chuyện này bao nhiêu điều thú vị. Lớp người trẻ tuổi thấy trong đó nhiều cánh cửa vào đời. Các bà, các chị thấy trong đó nào cách trang điểm, nào áo quần…, lớp người khác thấy trong đó nhiều vấn đề bàn luận về nhân tình thế thái lúc gặp nhau v.v… Vậy vấn đề của chúng ta, những nhà làm phim, là làm thế nào để các bộ phim TH dài tập có sức hấp dẫn đối với khán giả như vậy.

(TGĐA) - Thực chất, giữa phim điện ảnh và phim truyền hình (TH) không có gì khác biệt. Bởi xét về nguyên tắc làm phim, các công việc được tiến hành đầu tiên từ ý tưởng đến đề cương kịch bản, kịch bản chi tiét, kịch bản phân cảnh, chọn đạo diễn, diễn viên, dựng phịm, ra mắt công chúng… giữa hai loại phim này đều không có gì khác nhau.


Chúng chỉ khác nhau về độ dài mà thôi. Thông thường, mỗi bộ phim điện ảnh có độ dài 90 phút. Còn phim truyền hình dài tập thậm chí dài hàng ngàn tập như nhiều phim truyền hình của Braxin hoặc Ấn Độ…

Cảnh trong phim Cô gái xấu xí

Trước hết, ngoài vấn đề nội dung, một bộ phim TH dài tập thu hút được khán giả trong một thời gian khá lâu do cấu trúc của nó. Thông thường, mỗi tập của bộ phim truyền hình dài có độ dài khoảng 60 phút. Mỗi tập có nhiệm vụ giải quyết một câu chuyện (vấn đề) nào đó và cuối tập, lại đưa ra một cái móc đặt ra câu chuyện (vấn đề) cần phải giải quyết ở tập sau.

Trong một tập phim thường chia ra 4câu chuyện nhỏ, có thể còn gọi là 4 hồi hay 4 bước ngoặt. Mỗi câu chuyện nhỏ đó có độ dài khoảng 15 phút. Chẳng hạn, câu chuyện Tình yêu có nội dung thế này. Hai người tù A và B được trở về. Nhưng một người phải ở lại vì người bạn tù rất thân của anh ta tên là C bị bệnh kiết lỵ. Anh ta muốn ở lại trại tù để chăm sóc bạn. Người A về đến thành phố, gặp vợ con bạn tù B ra đón, nhưng không gặp. Ít lâu sau, người tù B đã chết trong tù vì khi chăm sóc C, anh đã lây bệnh kiết lỵ từ bạn B. Người bạn C khỏi bệnh, còn anh B thì chết. Câu chuyện này có thể làm phim điện ảnh một tập hay phim TH dài tập đều được. Nếu là phim điện ảnh, chúng ta tập trung kể về sự chăm sóc và cái chết của B, câu chuyện tình cảm của vợ B chúng ta có thể để cái kết mở gì đó. Song nếu là phim TH dài tập, chúng ta có thể kể về 3 người bạn A,B,C bị vào tù thế nào? Trong tù tại sao họ lại kết thân được với nhau? Tình bạn của họ trải qua những bước thăng trầm ra sao? Họ có chung những sở thích gì? Chuyện đời tư của họ? Sự tu dưỡng, rèn luyện của họ? Những vật cản chống lại họ? Tại sao A và B được ra tù sớm? tại sao C phải ở lại? Cuộc chia tay giữa A, B và C? Người vợ của B và đứa con đợi chờ thế nào? Tại sao B quyết định ở lại chăm sóc C? v.v.. và v.v… Rồi câu chuyện sau này nữa ra sao? A trở về đời thường thế nào? Cuộc sống của vợ con B ra sao khi nghe tin B chét? Sự trở về của C? Anh ta có người yêu hay gia đình chưa? Hòan cảnh của A cũng tương tự. Mối quan hệ của C với vợ con B thế nào? Vợ B có cảm tình với A hay với C? Hoặc với một ai khác nữa? Rồi câu chuyện giữa A và C? Gia đình, cha mẹ, bạn bè họ? Những phát sinh khi họ trở về với đời thường? Ai đi làm ăn xa? Ai đau ốm? Nghĩa là câu chuyện có thể kéo rất dài.

Poster phim Mối tình đầu

Nhưng trong một tập, bốn hồi chia thế nào? Chẳng hạn, ta lấy đoạn B quyết định ở lại chăm sóc C chia ra 4 hồi như sau: (ví dụ thôi, chưa hẳn đã chính xác)

- Hồi 1: B từ giã C trong lúc C kiệt sức ngắc ngoải khiến B không thể đi được

- Hồi 2: B quyết định lên gặp Ban giám thị. Nhưng anh gặp s ự phản đối. Tình huống này chưa hề có từ trước đến nay. B phải gõ cửa nhiều nơi.

- Hồi 3: B nhận được lá thư của vợ và con. Họ rất vui và hy vọng đón anh về. Họ sẽ đến ga X đón B. Anh phân vân. C biết chuyện, khuyên B.

- Hồi 4: Bệnh tình của C ngày càng trầm trọng. Thuốc hết. Thời tiết xấu. Thực phẩm không đảm bảo. Muỗi, ruồi. Ban giám thị quyết định chuẩn bị quan tài chôn cất C. B đau khổ thức bên C. Làm các nghi lễ. Đến giờ phút cuối cùng, bỗng có một ai đó tác động đến C, anh ta chưa thể trút hơi thở cuối cùng.

Về cấu trúc từng cảnh, nếu trong kịch bản điện ảnh, mỗi trang có độ dài khoảng 1 phút, tương đương với 1 cảnh phim, thì trong kịch bản phim TH, mỗicảnh thường có độ dài khoảng 2 trang vì, trong kịch bản phim TH, chúng ta sử dụng nhiều đối thoại hơn. Nhưng có người hỏi, tại sao mỗi cảnh có độ dài là 2 phút hoặc 2 trang mà không thể dài hơn? Xin trả lời rằng, mỗi cảnh có độ dài như vậy không có mục đích nào hơn là buộc nhà biên kịch phải tập trung, tính toán xem mình viết chuyện gì trong cảnh này? Trọng tâm của cảnh là gì, cần thể hiện điều đó cho súc tích, tránh lan man sang câu chuyện khác hoặc nhân vật khác.

Cảnh trong phim Truyền thuyết Joo Mong

Trở lại vấn đề, rằng tại sao đối thoại trong phim TH lại thường dài hơn đối thoại trong phim điện ảnh? Chúng ta cùng nhau nhớ lại lịch sử phim TH dài tập có nguồn gốc từ các nước Mỹ La tinh. Nơi đây, trước khi có TV đã có đài truyền thanh. Trên sóng radio của các nước này hàng ngày thường phát thanh những câu chuyện dài kỳ, gọi là radionovella. Những người dân Braxin hay Peru thường có quen ngồi tập trung quanh radio nghe những câu chuyện này.Giọng kể những câu chuyện dài kỳ trên đài phát thanh thường được kể bằng giọng của các nhân vật, mang đậm tính cách từng người gây được nhiều thiện cảm với thính giả. Tương tự, ở nước ta trước đây có “câu chuyện cảnh giác” phát vào tối thứ Bảy hàng tuần. Sau này khi có TV, các nhà làm TH đã chuyển các radionovella sang TH. Và TV có chương trình mới là telenovella, tức là phim TH dài tập, như các phim “Người giàu cũng khóc” của Mexico hay “Nô tỳ Izaura”của Braxin trước đây, hoặc“Cô gái xấu xí” (bản gốc của Columbia) mà BHD sản xuất hiện nay. Những phim TH dài tập này thường thu hút khán giả tại nhà của mình chứ không phải trong rạp. Khán giả có thể vừa xem vừa ăn, vừa đọc báo hay làm việc khán nào đó. Sự chăm chú của người xem, ngoài phần hình ảnh, cần chú ý nhiều đến lời thoại. Và lời thoại của phim TH dài tập không mang tính chất thuyết giáo, lên gân như kịch mà nó như đang nói chuyện tâm tình với bạn hoặc với người nào đó trong gia đình bạn. Vì thế, viết đối thoại trong phim TH dài tập đòi hỏi người viết phải nắm rõ tính cách các nhân vật, để sao cho, có khả năng viết được những kiểu nói riêng biệt của từng nhân vật. Cũng có nhiều trường hợp, đối thoại chỉ có ý nghĩa thông báo với khán giả những thông tin cần thiết để họ tiện theo dõi phim. Một điều cũng cần lưu ý là khi viết đối thoại cũng cần nhấn mạnh vào các câu chuyển cảnh, chuyển trường đoạn để câu chuyện liền mạch với những phần sau.

Đối với thể loại phim sitcom, tuy cấu trúc từng tập riêng biệt nhưng các tập đầu tập trung vào một chủ đề nhất định. Trước đây, người Mỹ thường xây dựng các phim hài tình huống với từng tập độc lập, có ý nghĩa là mỗi tập lại có các nhân vật khác nhau, dựa trên một chủ đề xuyên suốt như phê phán cảnh sát, giễu cợt các ảo tưởng... Nhưng sau này, loại sitcom đó không phát triển vì nguồn kinh phí cho từng tập quá tốn kém. Họ tập trung xây dựng các phim hài kiểu soap opera (hiểu theo nghĩa thông thường là phim TV xà phòng vì loại phim TV này thường được các hãng bột giặt tài trợ). Câu chuyện thường xảy ra trong trường quay với nhiều máy quay ở các góc độ khác nhau. Nội dung các câu chuyện thường xảy ra trong phạm vi gia đình, công ty... với các xung đột thường ngày. Mỗi tập lại giải quyết một vấn đề. Cuối tập lại phát sinh vấn đề mới đặt ra cho tập tiếp theo.

Cảnh trong phim Nàng Dae Chang Kum

Đối với phim TV dài tập mà câu chuyện phát triển theo chiều dọc của thời gian, chẳng hạn phim về cuộc đời của một con người nào đó, các nhà làm phim có kinh nghiệm không kể câu chuyện theo chiều dài thời gian một cách thông thường mà họ chọn cách kể từng tập, trong mỗi tập chọn một trọng tâm nào đó và trong trọng tâm tập này họ xác định một điểm nhấn nào đó. Chẳng hạn, thời thanh xuân của nhân vật X. Trọng tâm câu chuyện trong tập này là cô X có một mối tình cao đẹp nhưng không thành. Điểm nhấn câu chuyện là tại sao không thành? Phân tích các nguyên nhân và diễn biến tâm trạng nhân vật, mục đích là tìm được sự đồng cảm với khán giả giữa cái chung của đời người và cái riêng của nhân vật. Điểm đặc biệt của các nhà làm phim có kinh nghiệm là họ luôn xác định vấn đề của riêng từng tập và chốt lại được cái kết của từng tập là cái gì? Ở đâu? (phần đời nào của nhân vật hoặc câu chuyện) để từ điểm chốt này, đi ngược trở lại, xem xét tập này giải quyết vấn đề nào để dẫn đến cái kết đó. Cách làm này luôn tạo ra sự chặt chẽ trong từng tập cũng như trong toàn bộ câu chuyện.

Đối với loại phim TV dài tập mà câu chuyện phát triển theo chiều rộng, chẳng hạn, phim về một nhóm bạn nào đó thì cách làm lại khác. Điểm quan trọng đầu tiên trong loại phim này là xác định cá tính đối với từng nhân vật. Những đặc điểm cá tính của từng nhân vật sẽ va chạm với nhau, hình thành những mâu thuẫn xung đột đối với một vấn đề nào đó.

Khi một vấn đề được giải quyết thì trong sự vận động của câu chuyện cũng như sự vận động của nhân vật, các vấn đề khác sẽ tiếp tục nảy sinh, hình thành các chuỗi tình huống hoặc vấn đề mà nhân vật rơi vào và bắt buộc anh ta phải hành động để tìm lối thoát. Mà các hành động này lại liên quan đến nhiều nhân vật khác trong nhóm. Có người ủng hộ, có người gây khó khăn. Điểm quan trọng tiếp theo của loại phim này là xác định mục đích chung của nhóm nhân vật này là gì? Không gian hoạt động của họ thế nào? Đặc điểm thời gian họ sống? Tận dụng khai thác một cách sâu rộng, những câu hỏi này có thể khiến chúng ta tìm được nhiều chi tiết quý, giúp cho việc xây dựng câu chuyện và nhân vật có độ chính xác cao hơn. Cấu trúc từng tập của loại phim này phức tạp hơn so với cấu trúc hai loại trên, đòi hỏi người viết phải có kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm tổ chức các tập sao cho mạch lạc và chặt chẽ.

Tóm lại, thể loại phim TH dài tập cũng như bất cứ loại phim nào khác, hoàn toàn không chấp nhận những nhà biên kịch hoặc nhóm biên kịch nào có lối làm việc đại khái, cẩu thả. Đây là một nghề đòi hỏi người viết phải rèn luyện cho mình thói quen làm việc tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Nói là dài tập nhưng không thể chạy theo số lượng mà ít quan tâm hơn chất lượng. Cấu trúc một tác phẩm, như Lep-Tolxtoi đã nói, như xi măng, có giá trị gắn kết các viên gạch với nhau, độ dài, độ lớn của tác phẩm có thể ví như những đống gạch khổng lồ. Song những đống gạch lớn này, nếu đem xây các công trình, thì các công trình sẽ đổ sớm nếu không có sự gắn kết chặt chẽ của loại xi măng mang tên cấu trúc.

Đoàn Tuấn