Cảm nhận về thể hiện trong phim tài liệu “Đất tổ quê cha”

Xem xong phim, người xem vừa thấy ấm áp, vừa thấy chua xót, thấy cái lãng mạn của tuổi trẻ, lại thấy cái khát vọng tìm về “đất tổ quê cha” - một nét rất đẹp của văn hoá Việt Nam. Phim do Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương sản xuất năm 2008. Đạo diễn Vương Khánh Luông, kịch bản Mạc Văn Chung – Hoàng Tiến Sỹ, quay phim Hoàng Dũng.

(TGĐA) - Với cách thể hiện điềm tĩnh, nhấn nhá không vội vàng, cả hình ảnh và lời bình, đạo diễn Vương Khánh Luông đã mang đến cho người xem cảm nhận và cách thể hiện, một góc khuất của đề tài chiến tranh mà chưa tác giả nào trong lĩnh vực phim tài liệu đề cập.


Lấy tựa đề “Đất tổ quê cha” phần nào tác giả đã đề cập đến tư tưởng và nội dung của tác phẩm.

Cảnh làm phim Đất tổ quê cha

Phim thể hiện tâm trạng, tình cảm và hoàn cảnh sống của ba người bạn cùng lứa tuổi, cùng mang họ Nguyễn: Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Thị Bé; cùng sinh ra ở làng Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, bờ nam sông Thạch Hãn; cùng lớn lên trong hoàn cảnh không có bố.

Từ bối cảnh chung miêu tả hoàn cảnh sống của vùng đất nơi từng là căn cứ Cửa Việt “bom đạn chồng lên bom đạn” và cuộc sống vất vả, nghèo túng, “cái nghèo đeo đẳng dân làng cả khi hoà bình đã về”, tác giả thể hiện cuộc đời, thân phận, cảnh ngộ riêng của từng nhân vật và dần dần cho người xem biết vì sao họ cùng sinh ra ở một nơi và cả ba cùng có một khát vọng - khát vọng tìm cha.

Chính phương pháp thể hiện ẩn hiện, đan xen giữa quá khứ bằng hồi ức và hình ảnh cuộc sống hiện tại của các nhân vật đã tạo sự hấp dẫn, đồng cảm của người xem.

Nhân vật đầu tiên tác giả thể hiện là Nguyễn Thị Bé, một mình chăm sóc ba con gái và một đứa sắp chào đời - Người phụ nữ nghèo làng chài, quanh năm ngóng ra khơi xa, chờ những chuyến đi biển của chồng về.

Với những động tác máy từ tốn, cảnh quay rất gần với cảm nhận thân phận của chính nhân vật, tác giả đưa người xem đến với góc khuất của cuộc đời nhân vật “… Vắng chồng, đêm ngày Bé chỉ một tâm niệm bù đắp đủ đầy tình cảm cho những đứa con, điều mà cuộc đời Bé không có được”.

Đây là cách thể hiện được khai thác từ tâm trạng của nhân vật, tạo mối liên kết chặt chẽ trong bố cục và sự thống nhất trong phương pháp miêu tả của tác giả. Kể trong cảm nhận, cảm nghĩ của cả nhân vật và tác giả, khác với cách làm thường thấy của nhiều đạo diễn, chủ yếu là kể theo kiểu thông tin, thông báo nội dung.

Từ cảnh ngộ và những lời tâm sự của Nguyễn Thị Bé, tác giả đã tạo ra tâm lý mong đợi cho người xem, khơi gợi sự tò mò, tạo tính hấp dẫn muốn xem tiếp về cuộc đời và thân phận các nhân vật còn lại.

Khác với cách thể hiện riêng trong gia đình Nguyễn Thị Bé, khi thể hiện Nguyễn Thanh Tâm, tác giả gắn với bối cảnh bến cá của làng chài “… Từ rất sớm đón thuyền ngoài biển về bến làng, cất hàng tươi sống, bán cả ngày”.

Từ công việc mưu sinh của Nguyễn Thanh Tâm, phim đưa dần ngược trở lại quá khứ, ấy là tuổi thơ cơ cực “làm thuê, làm mướn, đầu làng cuối xã nuôi thân” sau khi người mẹ Tâm qua đời, lúc anh chưa đầy mười tuổi.

Nỗi khát khao của Tâm qua hồi ức của anh về lời mẹ kể. Mẹ kể rằng, bãi cát này xưa là trận địa pháo của bố anh. Cũng nơi này, họ đã yêu nhau để có anh. Khi yên nghỉ, bà cũng muốn Tâm để bà nơi đây, hướng về phương Bắc.

Đây là một trường đoạn khá hay về nội dung và cách thể hiện. Rất may là tác giả không cho những cảnh chiến tranh, bom rơi, pháo bắn… mà chỉ có những thân phi lao ngả nghiêng trong tiếng gió thổi khắc khoải.

Trảng cát mênh mông, cái đẹp hào hùng, lãng mạn thời chiến tranh, cuộc tình của cha mẹ Tâm và nỗi đau của anh bởi sự ra đi quá sớm của người mẹ và nỗi buồn “sống trong mơ hồ về tung tích của người cha bộ đội quê đất Hà Bắc, không rõ Bắc Ninh hay Bắc Giang”.

Sau khi thể hiện trạng thái tâm lý của Tâm, tác giả cho người xem tiếp xúc với một du kích cũ, người cùng thời với bố mẹ Tâm, người chứng kiến mối tình thời bom đạn của hai người.

Đây cũng là phương pháp khai thác tới cùng sự việc của vấn đề mà người làm phim tài liệu cần phải làm, tạo niềm tin bền vững cho người xem vào từng chi tiết sử dụng trong phim.

Cảnh làm phim Đất tổ quê cha

Sự xuất hiện của ông Lãm vừa nằm trong mắt xích của bố cục, lại thể hiện được tình người trong và sau chiến tranh. Mồ côi mẹ lúc chưa đầy 10 tuổi, lại không có bố bên cạnh, biết bao khó khăn trong cuộc sống, Tâm đã được chính ông Lãm - người bạn của bố mẹ mình cưu mang, tạo dựng cuộc sống, rồi cưới vợ cho anh. Một nét đẹp trong hoà bình của những người từng bên nhau trước bom đạn, sống chết với kẻ thù, bên những người đồng đội từ hậu phương lớn miền Bắc.

Nếu như từ gia đình cụ thể, để miêu tả, phân tích cảnh ngộ của Nguyễn Thị Bé, từ bến cá của làng vào lúc rạng sáng để thể hiện đời sống, tâm lý của Nguyễn Thanh Tâm, thì khi thể hiện nhân vật Nguyễn Minh Hùng, tác giả lại bắt đầu bằng bối cảnh của công trường xây dựng cầu, nối đôi bờ Cửa Việt, “phía bên kia cây cầu, phía Bắc là quê cha đất tổ của họ… Khát vọng tâm linh tìm về cội nguồn mỗi ngày lại thêm nung nấu tâm can họ…”.

Vậy là lần lượt từ một căn nhà, rồi không khí của làng chài đến bối cảnh của một công trường, bối cảnh hiện thực từ nhỏ đến lớn được tác giả miêu tả gắn với đời sống và tâm trạng của nhân vật. Đây là cách làm cần có của phim tài liệu, không tách nhân vật khỏi nơi họ gắn bó, sinh sống và trưởng thành, đồng thời cho người xem thấy sự vận động của nhân vật có quan hệ hữu cơ với sự phát triển của hiện thực xã hội. Nhiều tác giả thường quá chú ý đến nội dung và hoạt động của nhân vật mà quên bối cảnh xã hội hoặc thiên quá nhiều sự thay đổi của hiện thực mà quên tâm trạng và sự gắn bó của nhân vật với những biến động xã hội, vô tình đã biến nhân vật thành những nhân chứng minh họa cho hoạt động hoặc sự kiện trong phim.

Từ công trường xây dựng cầu với ý nghĩa nối hai bờ Nam - Bắc, tác giả thể hiện hoàn cảnh của nhân vật thứ ba Nguyễn Minh Hùng. “Mẹ Hùng sinh được hai người con, bố của anh trai Hùng là liệt sĩ, câu chuyện của bà về hai người chồng không phải lúc nào cũng có thể nói”.

“Cũng giống Tâm, Hùng quyết kiếm tiền cho công cuộc ngược Bắc tìm cha”.

Bằng những hình ảnh ngắn gọn, sinh động ở nhiều không gian và thời điểm khác nhau (ngày, đêm), tác giả đã miêu tả nỗi khao khát tìm về quê nội của vợ chồng và hai đứa con Hùng. Cảnh quay cả nhà làm bánh mì từ bốn giờ sáng rồi tất bật xếp bánh mang đi giao nhà hàng và những đứa nhỏ chuẩn bị sách vở đi học, thật sinh động, cả về chiếu sáng, động tác máy và cỡ cảnh…

Ba nhân vật, ba hoàn cảnh sống khác nhau nhưng cùng một khát vọng tìm cha, tìm về quê cha đất tổ… Sự dồn nén tâm lý của cả ba nhân vật và người xem dường như đã đến độ cần thiết. Để chuyển tải nội dung tiếp theo, tác giả đã dành một đoạn ngắn tạo ra cuộc gặp gỡ của Tâm và Hùng với ông Nguyễn Xuân Quy, một cựu binh đầy tâm huyết với đồng đội. Đây là một phương pháp rẽ ngang rất cần thiết trong bố cục, vừa tăng thêm nội dung, bề dày của hiện thực, cung cấp cho người xem những quan hệ mới có liên quan đến chủ đề của phim, đồng thời tạo ra cho người xem sự mong mỏi muốn biết kết quả của hành trình tìm cha của ba nhân vật.

Từ nhân vật Nguyễn Xuân Quy và danh sách các liệt sĩ ở Nghĩa trang Quảng Trị, những người làm phim đã miêu tả cuộc gặp của Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Minh Hùng với một gia đình đi tìm mộ liệt sĩ. Đối thoại của ông Quy, Tâm và Hùng với thân nhân liệt sĩ đã gợi mở cho người xem một cảm nhận thiên về tâm linh. Không thấy khốc liệt, chỉ thấy khát khao, khát khao tìm hài cốt liệt sĩ từ phương Bắc vào chiến đấu, và khát khao tìm cha cũng đang ở miền Bắc… Hai hướng đi ngược chiều, nhưng phản ánh nét đẹp rất riêng của đạo lý phương Đông. Đồng thời cũng phản ánh một mảng hiện thực của chiến tranh, của tình yêu trai gái trong bom đạn, của những chiến sĩ 18, 20 tuổi từ miền Bắc với các cô gái ở chảo lửa Cửa Việt. Có thể coi đây như đỉnh điểm của phần một trong bố cục của phim.

Phần hai của bộ phim được bắt đầu từ Nguyễn Thị Bé. Đặt hoàn cảnh Nguyễn Thị Bé vào đoạn này, tác giả đã tạo cho người xem cảm nhận vừa mừng vui, vừa buồn đến đau xót.

Ấy là gương mặt đầy ưu tư của Nguyễn Thị Bé trước những bức thư của cha.

Trong một bức thư ông viết cho con gái “Ba mươi năm nay, bố không được gặp vì chiến tranh xô đẩy bố đi… Bố cũng biết rằng mẹ con quá vất vả vì con. Bố sinh ra con mà không có công nuôi dưỡng. Giờ đây con đã khôn lớn, trưởng thành, thì bố còn mặt mũi nào mà dám vào nhận con nữa… Dù mẹ con và con không tha thứ cho bố, thì bố cũng sẽ vào một lần để thăm lại nơi bố đóng quân…

Bố chuẩn bị đi chiến dịch Hồ Chí Minh… Khi bố lên xe hành quân, mẹ con chỉ biết nhìn và giơ tay vẫy chào, mà bố thì nuốt lệ”.

Giọng đọc của nghệ sĩ Phú Thăng ở đoạn này quả đã tạo cảm xúc và ấn tượng cho người xem, không uỷ mị, không thiên về diễn tả tâm lý mà hơi chút lạnh lùng khách quan…

Người xem phim thấy cái đẹp của mối tình thời chiến, thấy cái buồn của chia ly, thấy cái vui của kết quả tìm kiếm, lại đồng cảm với nỗi đau chờ đợi ngày gặp bố của Nguyễn Thị Bé và tự đặt câu hỏi: Vì sao, vì sao người chiến sĩ quả cảm trong chiến tranh và say đắm trong tình yêu lại không vượt qua được rào cản tâm lý, hoàn cảnh để vào nhận con, vào lại nơi đã in dấu một thời trai trẻ, tình yêu và lửa đạn!?

Đây cũng là một hiện thực hầu như chưa tác giả phim tài liệu và rất ít trong văn học nghệ thuật đề cập, thể hiện… Dù không đi tới cùng của hoàn cảnh, nhưng bằng những cận cảnh gương mặt của Nguyễn Thị Bé, bàn tay run run cầm bức thư của người cha rồi những đôi mắt ngây thơ của những đứa con nhìn qua ô cửa, hướng về con đường trước nhà ngóng đợi: “Hơi ấm của người cha, người ông, bao giờ lấp đầy con ngõ này”.

Tạo ra sự bâng khuâng, dằn vặt của người xem, tác giả đã gợi mở và đánh thức trách nhiệm của mỗi người, cả người cha với người con và ngược lại, cả những ai đã có hoàn cảnh như vậy, phải dũng cảm vượt qua sự ngăn trở cả tâm lý và hoàn cảnh, để có được sự thanh thản trong những năm tháng tới của cuộc đời.

Đạo diễn tại hiện trường làm phim

Vậy là Nguyễn Thị Bé đã tìm được cha, nhưng cuộc gặp của hai cha con vẫn là sự mong đợi.

Khác với Bé, cha của Nguyễn Thanh Tâm đã chủ động đưa vợ con từ xã Nghĩa Phương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc vào tìm gặp con, cháu.

Đặt hai hoàn cảnh đối nghịch nhau, tác giả đã tạo cho người xem cảm nhận về tình người, tình đời, đa dạng, phức tạp, buồn nản và mừng vui, hạnh phúc.

Đương nhiên, cuộc gặp cha của Nguyễn Thanh Tâm diễn ra trước lúc những người làm phim bắt tay xây dựng bộ phim - vấn đề đặt ra ở đây là, tìm cớ nào để tạo ra cuộc gặp mới, chân thật, xúc động, không đóng diễn gượng gạo?

Tác giả quả đã khá tinh tế khi mở đầu trường đoạn này bằng cảnh vợ chồng, con cái Tâm nhận được tin bà nội ốm nặng: “Người già như chuối chín cây, không biết thế nào. Vợ chồng Tâm thu xếp đi ngay”.

Tiễn gia đình Tâm ngược đường ra Bắc, có Hùng, “Hùng ao ước một ngày nào đó, được như Tâm, cũng sẽ lên một chuyến tàu ngược Bắc mà đích đến là một ngôi nhà, một ngôi làng và những cánh tay chào đón”.

Tầu đi, khác với gương mặt hồ hởi của vợ chồng Tâm, Hùng thẫn thờ đứng dưới sân ga… Cảnh quay ở đây khá chi tiết và đầy đủ, thoả mãn người xem về một cuộc chia tay đầy tâm trạng và kịch tính… Bàn tay vẫy của Tâm, con tầu đi, gương mặt của Hùng trong tiếng bánh tầu xiết trên đường sắt - bóng Hùng nhỏ dần trên sân ga…

Thật cảm động khi cảnh đầu tiên gia đình Tâm về với quê nội, tác giả miêu tả cảnh vợ chồng, con cái anh đến bên giường, nơi bà nội ốm đang nằm.

Dường như Vương Khánh Luông có chủ ý, bắt đầu mọi đoạn phim anh đều khai thác khía cạnh văn hoá, văn hoá cội nguồn, một nét đẹp của người Việt Nam.

Cảnh đối thoại giữa bà nội và vợ chồng con cái Tâm cảm động không chỉ ở nội dung mà còn ở những góc máy và cỡ cảnh, của nhà quay phim Nguyễn Anh Dũng, chân thật, giản dị như sinh hoạt thường thấy ở nông thôn.

Trong trường đoạn này, đạo diễn đã khắc họa nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, bằng lời kể và công việc của bà - người mà Tâm gọi là mẹ, vợ của cha mình.

Để giải quyết tới cùng tâm lý, cảm nhận của người xem, tác giả đã thể hiện mối quan hệ gia đình ông Phái, cha Tâm, khi đón Tâm về. Từ những hoạt động và lời tâm sự của ông Hiền, em ruột ông Phái, người mà vợ chồng Tâm gọi bằng chú ruột, một lần nữa tác giả lại thể hiện nét đẹp trong ứng xử: “Bà nội sống với chú Hiển. Theo phận quê, thì con Tâm phải gọi là ông trẻ. Ông trẻ Hiền sau khi thấy bà chị dâu rộng lòng đón bố con nhà Tâm về làm trưởng, thì hiểu ngay thằng Cu Đen là người quan trọng, dù chả nghe được tiếng Quảng Trị bao nhiêu để hiểu Cu Đen muốn gì. Đời người thấm thoắt thoi đưa, chả mấy chốc Cu Đen sẽ lên chức trưởng họ. Lấy lòng bậc trưởng, kể cả là cháu, xưa nay vẫn là cách nhìn xa trông rộng của người nhà quê”.

Những cảnh hướng dẫn Tâm làm chổi đót, cảnh bà mẹ đưa con dâu đi chợ, cảnh đi bắt cua ở suối, cảnh những đứa trẻ con Tâm chơi với các anh, các chị em đã không chỉ giới thiệu bối cảnh làng quê trung du mà còn tạo cảm giác sự hoà nhập thân thiết, gắn bó của gia đình Tâm với quê nội, hạnh phúc của sự đoàn tụ từ sự vượt qua rất nhiều rào cản bằng lòng nhân ái.

Chăm chút từng hình ảnh, từng câu lời bình, từng lời tự sự của nhân vật, đạo diễn Vương Khánh Luông đã khắc họa hình ảnh của một gia đình nông thôn ấm áp, yên bình, tình nghĩa, trước sau, trên dưới thuận hoà, nền tảng bền vững của văn hoá làng quê Bắc Bộ.

Dường như để khẳng định một hiện thực khác bên cạnh những trận chiến đấu của người lính, ấy là chuyện tình cảm bởi hầu hết khi ấy họ mới 18, 20 tuổi, đạo diễn đã hình thành một đoạn ngắn, sinh động và rất mang chất… lính, ấy là đoạn mấy người đồng ngũ ngồi với nhau kể về chuyện tình cảm của mình với những người con gái vùng đất lửa… “Chuyện thế nào cũng tới thời trai trẻ. Tuyền cánh đàn ông với nhau, có gì phải giấu, cứ sau lưng các bà là được”.

Thật thà và hóm hỉnh nhưng tạo được không khí khi những thanh niên miền Bắc hừng hực khí thế “Nước còn giặc còn đi giết giặc” và cũng hừng hực tình cảm trai tráng, yêu đương.

Cảnh hai cha con ông Nguyễn Quốc Phái và Nguyễn Thanh Tâm ngồi với nhau, là một cảnh khó. Khó cả nội dung và cách thể hiện. “Quê cha đất tổ thiêng liêng với mỗi đời người. Giờ cũng là lúc để cha con Tâm mở lòng với nhau…”.

Đêm, trong ngôi nhà gỗ rất quê, tác giả đã miêu tả đoạn đối thoại của hai bố con ông Phái. Đây cũng là sự thấu đáo trong khai thác nội dung, một cách làm, cách nghĩ rất cần thiết của người làm phim tài liệu. Không bỏ qua những cái thấy cần thiết để nội dung sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn, có sức thuyết phục hơn.

Từ đối thoại của hai bố con, người xem biết được nguyên nhân của sự muộn màng tìm con của ông Phái, và rồi từ đó tác giả trở lại không gian: “sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị đã là lịch sử. Người lính Nguyễn Quốc Phái nói với con trai, ba mươi năm sau những ngày máu lửa “đúng thì đúng rồi, sai thì sai rồi…”. Ngày ấy những người con gái Quảng Trị chiến đấu hy sinh. Ngày ấy người con gái Quảng Trị đã yêu người lính quê từ miền Bắc chiến đấu giải phóng quê hương họ bằng cả trái tim…”

Cảnh trong phim Đất tổ quê cha

Từ những bức ảnh thời chiến ở Quảng Trị, những bức ảnh có hình những người con gái Quảng Trị bên các anh bộ đội từ miền Bắc. Bức ảnh chụp trước hay sau trận đánh không biết, chỉ thấy những khẩu súng, những gương mặt và những nét cười rất trẻ, rất đáng yêu. Tác giả đã khai thác sự liên hệ nội tại của hai không gian, hai đối tượng, đưa người xem về với nhân vật Nguyễn Thị Bé, Bé ngồi với những bức thư, cả thư của cha và thư của chị viết cho cha rồi giữ lại: “Cha thương yêu của con. Kể từ ngày con nhận được lá thư đầu tiên của cha đến nay đã hơn bốn năm. Trong hơn bốn năm dằng dặc ấy, con luôn mong cha quay về tìm con, nhưng không thấy bóng dáng cha. Cha không muốn nhận lại đứa con gái tội ngiệp này sao cha?!...”.

Từ lời thư của Bé, đạo diễn thể hiện hình ảnh xây dựng cầu Cửa Việt và sự xuất hiện của nhân vật Hùng, nhân vật thứ ba, chưa biết gì về người cha của mình . “Ít ngày nữa thôi cây cầu chắc chắn sẽ nối làng Hà Tây với bờ Bắc. Có điều gì đó cứ thôi thúc Hùng tới đây”. “…Một tiếng gọi cha cho Hùng mới khó khăn làm sao. Một tiếng gọi ông nội cho những đứa con của Hùng mới thiêng liêng làm sao!...”

Bộ phim kết ở tâm trạng của Hùng đã tạo ra một câu hỏi lớn đeo đẳng trong tư duy của người xem. Cha Hùng còn hay đã ngã xuống ở chiến trường nào? Bao giờ Hùng tìm thấy quê cha, nghe tin về người cha của mình, và bao giờ hai cha con của Bé gặp nhau?

Chiến tranh không đơn giản chỉ là sự hy sinh dũng cảm trên chiến trường, cũng không chỉ có những nét đẹp hào hùng của chiến thắng! Có bao nhiêu góc khuất của cuộc chiến mà văn học nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh cần để tâm khai thác.

Đi vào một đề tài mới và khó nhưng “Đất tổ quê cha” với phương pháp tiếp cận và thể hiện, không quá mải mê theo nội dung cụ thể của câu chuyện mà xuất phát từ nền tảng văn hoá cội nguồn để khai thác, đạo diễn Vương Khánh Luông và những người cộng sự đã có một bộ phim tốt, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc, nhiều tâm trạng - một yếu tố rất cần thiết để chinh phục khán giả, đồng thời nâng cao vị thế của phim tài liệu trong nghệ thuật điện ảnh nói riêng và trong văn học nghệ thuật nói chung.

Nguyễn Sỹ Chung