Cách mạng Tân Hợi - Khi bom tấn lại xịt!

(TGĐA Online) - Cách mạng Tân Hợi (còn có tên là 1911) là một trong những bộ phim có kinh phí lớn nhất của điện ảnh Hoa ngữ thời gian gần đây và được gửi đi tham dự nhiều LHP trên thế giới. Là phim cổ trang làm về thời kỳ cận đại, giai đoạn có nhiều biến đổi quan trọng quyết định bước chuyển hướng của đất nước Trung Quốc, Cách mạng Tân Hợi được kỳ vọng sẽ là một bộ phim làm hài lòng đông đảo khán giả cả về cách thức kể chuyện và số phận nhân vật. Nhưng dường như hi vọng bao nhiêu lại càng dễ thất vọng bấy nhiêu, bộ phim thứ 100 của tài tử Thành Long đã không mang lại cho khán giả những trải nghiệm cần có.

Những khán giả may mắn (hay không may) được theo dõi bộ phim từ những ngày đầu công chiếu đã phải thừa nhận, vài trong nhiều nguyên nhân khiến bộ phim trở thành nỗi thất vọng bom tấn tiếp theo của điện ảnh Hoa ngữ chính là:

Thanh_Long_va_Ly_Bang_Bang_trong_Cach_mang_Tan_Hoi

Các ngôi sao cùng nhau…mờ nhạt

Sau Đại nghiệp kiến quốc, Kiến đảng vĩ nghiệp, Cách mạng Tân Hợi cũng là một bộ phim làm về đề tài chính trị huy động đội ngũ đông đảo các ngôi sao điện ảnh Hoa ngữ đễn từ Đại Lục, Hồng Kông, Đài Loan. Có thể kể đến lần này là các gương mặt vừa có sức hút truyền thông vừa đã từng đạt những giải thưởng đáng chú ý như Thành Long, Triệu Văn Tuyên, Lý Băng Băng, Triệu Bản Sơn, Hồ Ca, Ninh Tịnh…Có điều, không như những lần trước, các ngôi sao tham gia trong phim thường chỉ lấy một khoản cát –sê tượng trưng, thậm chí không lấy tiền để đóng góp cho thành công chung của bộ phim, các diễn viên tham gia phim lần này đều đăng ký nhận mức thù lao tương đối với danh tiếng của mình. Thành Long, ngôi sao hàng đầu của điện ảnh giải trí Hoa ngữ không chỉ thể hiện vai nam chính – tướng quân Huỳnh Hưng mà còn là tham gia giám chế bộ phim. Điều này đã khiến tác phẩm điện ảnh kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tân Hợi có một kinh phí khổng lồ, mà phần lớn kinh phí đó, không để thực hiện các đại cảnh chiến đấu hoàng tráng hay tái hiện chi tiết các sự kiện lịch sử mà lại để trả tiền cho dàn diễn viên ngôi sao. Tốn kém là vậy nhưng phần do đất diễn quá ít, phần xuất hiện trên màn ảnh vì vai vế trong nghề và quan hệ với nhà sản xuất, một số diễn viên đã không hợp vai và không thể phát huy khả năng diễn xuất của mình. Lý Băng Băng bị mờ nhạt và trở nên quá trẻ cho vai diễn hồng nhan tri kỷ của tướng quân Huỳnh Hưng. Phùng Tổ Danh – con trai ngoài giá thú của Thành Long và Hồ Ca – hoàng tử phim thần tượng quá non nớt cả về ngoại hình, khí chất, bản lĩnh chiến đấu khi vào vai những danh tướng thời Dân quốc. Các diễn viên đã trở thành những hình nhân minh họa cho những diễn biến trong phim mà không tạo nên một ấn tượng rõ rệt nào trong lòng khán giả.

Cach_mang_Tan_Hoi

Chọn lối kể chuyện thiếu hấp dẫn

Một trong những yếu tố cộng hưởng khiến dàn sao diễn viên không thể hiện được khả năng diễn xuất vốn có chính là bởi bộ phim đã chọn lối kể chuyện cũ kỹ, không có những đột phá cần thiết. Vẫn biết đây là phim cổ trang lịch sử với hệ thống nhân vật phỏng thực đông đảo nhưng phim không tạo nên được một tuyến truyện chính đủ mạnh để xuyên suốt mọi diễn biến. Gần 70 diễn viên thể hiện các nhân vật có thật, ngoài vai diễn Tôn Trung Sơn do Triệu Văn Tuyên đảm nhận thực sự là vai nam chính nhưng cũng lại không có nhiều đất diễn vì phải chia sẻ câu chuyện cho 62 nhân vật nhân vật – rất khó có thể gọi là phụ khác. Bộ phim muốn cho khán giả thấy được toàn cảnh của cuộc cách mạng nổi tiếng Tân Hợi năm 1911 nhưng với lối kể chỉ có sự kiện mà thiếu chú trọng vào nhân vật như thế đã khiến cho bộ phim đơn thuần là sự lắp ghép cơ học các sự kiện.

Hơn nữa, là một bộ phim làm về thời cận đại nhưng phim lại thiếu đi nhiều đại cảnh chiến đấu hoành tráng đã khiến cả yếu tố nghe nhìn của bộ phim cũng giảm đi nhiều sự hấp dẫn cần có. Mối tình của Huỳnh Hưng (Thành Long đóng) và Từ Tôn Hán (Lý Băng Băng đóng), dù có nhiều trường đoạn miêu tả nhưng không được chăm chút về bối cảnh, trang phục đã mất đi nền cảnh ấn tượng của chiến tranh để tô đậm ý nghĩa của cuộc tình này.

Một điểm trừ nữa trong cách kể chính là việc đạo diễn và nhà sản xuất đã đưa vào quá nhiều những đoạn kể ngoài hình bằng phụ đề thay thế cho diễn biến trên màn ảnh. Đây là một cách kể đã quá cũ của điện ảnh Hoa ngữ nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung, làm giảm sức mạnh của hình ảnh và xé bộ phim ra thành những mảnh nhỏ thiếu sự liên kết.

Canh_trong_phim

Quảng bá quá nhiều đâm phản tác dụng

Ngay từ khi còn ở giai đoạn chuẩn bị, Cách mạng Tân Hợi đã là một trong những bộ phim được quảng bá rầm rộ cả về quy mô sản xuất đầu tư và bảo chứng chất lượng nhờ nhiều gương mặt tên tuổi. Hơn nữa, đây lại là một bộ phim về đề tài chiến tranh sử thi hoành tráng nhằm kỉ niệm 100 năm cách mạng Tân Hợi, tái hiện lại lịch sử Trung Quốc trong giai đoạn "Lật đổ chế độ quân vương và thiết lập nền dân chủ", do đó bản thân cốt truyện phim đã có những yếu tố kịch tính hấp dẫn thu hút người xem.

Suốt thời gian sản xuất bộ phim, hình ảnh và thông tin về đoàn quay cũng được cập nhật đều đều đã tạo nên một ấn tượng trong lòng khán giả về một bộ phim không chỉ có những cuộc chiến khói lửa khốc liệt mà còn khiến cho người xem cảm động về một mối tình trong sáng nhưng khắc cốt ghi tâm của hai chiến sỹ cách mạng Huỳnh Hưng và Tôn Hán. Việc kỳ vọng quá lớn vào bộ phim đã khiến nhiều khan giả trông đợi cảm thấy mình bị phản bội với những gì họ được theo dõi trên màn ảnh. Điều này đã tạo nên hiện ứng truyền thông “lan truyền phòng chiếu” khi nhiều người đến xem đã miêu tả nỗi thất vọng về bộ phim làm nhiều người chưa xem đã không muốn đến rạp.

Đầu tư lớn nhưng không được đánh giá cao và thất bại về doanh thu phòng vé, Cách mạng Tân Hợi lại là một bom tấn xịt của điện ảnh Hoa ngữ, cảnh báo tiếp theo về lối làm phim trông đợi quá nhiều vào hiệu ứng ngôi sao và đầu tư quảng bá thay vì chăm chút đến nghệ thuật kể chuyện của phim.

Hàn Thủy