Cách làm cho nhân vật thêm thiện cảm

Đọc lên, ta thấy hình ảnh một cô gái ăn mặc nền nã, dịu dàng và trên đầu đội chiếc nón quai thao. Chiếc nón ấy làm tăng thêm nhiều nét nữ tính của cô gái. Cô đội nón quai thao trong quyến rũ hơn. Đội nón quai thao khiến cô cười ý nhị hơn, mắt nhìn vui hiền hơn. Đội nón quai thao đi lại nhẹ nhàng, duyên dáng hơn. Đội nón quai thao khiến gương mặt cô có vẻ tạo hình hấp dẫn hơn. Và chắc chắn còn nhiều lợi thế hơn nữa. Trong kho tàng ca dao, dân ca của dân tộc ta còn rất nhiều câu tương tự.

(TGĐA) - Trong khi làm phim, để các nhân vật chiếm được cảm tình của khán giả nhiều hơn, ngoài việc xây dựng những tính cách của nhân vật sao cho khán giả cảm thấy gần gũi, các nhà điện ảnh giàu kinh nghiệm còn khuyên chúng ta một vài mẹo vặt để nhân vật trở nên đáng yêu hơn.


Như chúng ta đều biết, từ xưa đã có câu ca dao: “Ai làm chiếc nón quai thao/ Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”.

Phim Cái trống thiếc

Điều đó cho thấy, từ xa xưa, sự cảm thụ cái đẹp của dân tộc ta rất tinh tế. Cha ông ta đã nhìn người con gái dưới vành nón quai thao có vẻ đẹp kỳ lạ và khác biệt. Nào thắt lưng bao xanh, nào áo mớ bẩy mớ ba, song tất cả đều không bằng chiếc nón quai thao. Nó che đi những khuyết tật không những của một con người mà còn khiến hàng trăm cô gái “muôn người như một”.

Trong kho tàng văn học dân gian thế giới, chúng ta yêu Cô bé quàng khăn đỏ người Pháp bởi nhiều lý do song lý do đầu tiên là về ngoại hình là cô bé có chiếc khăn đỏ, đi đâu cũng quàng. Chiếc khăn đỏ ấy là dấu hiệu để người ta nhận ra cô và cũng là vật trang sức riêng biệt của cô.

Trong lĩnh vực tạo hình, các họa sỹ cũng để lại nhiều chân dung được nhiều thế hệ yêu thích bằng cách trang điểm cho chân dung của họ những vật thể riêng. Bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của danh họa Tô Ngọc Vân là một ví dụ. Cô gái cúi đầu, sửa lọn tóc mai trở nên đoan trang, tinh khiết và cao đẹp hơn nhờ sắc màu và vóc dáng của những bông hoa trang nhã đang vươn về phía cô. Một gương mặt thiếu nữ tuy nhìn nghiêng nhưng bộc lộ đầy đủ vẻ đẹp của tâm hồn và tính cách. Những bông hoa ấy còn tạo ra sự cân đối của bố cục cổ điển.

Trong điện ảnh thế giới, tài năng vô song của nhà biên kịch, kiêm đạo diễn, kiêm diễn viên kiêm nhà sản xuất Chapli Chaplin đã chinh phục từ thế giới nhà nghề Hollywood đến những khán giả của một bộ lạc nguyên thủy nào đó ở châu Phi xa xôi. Người ta nhớ, người ta yêu tất tần tật mọi thứ của người nghệ sỹ tài ba vĩ đại này. Song, cây gậy và chiếc mũ bình thường từ khi rơi vào tay ông đã được ông tạo cho chúng có một đời sống riêng, một phong cách không lẫn vào đâu được, và nói không ngoa, chúng cũng nổi tiếng ngang với tên tuổi của ông.

Trong bộ phim Cái trống thiếc (Tin Drum) của đạo diễn người Đức Volker Chlondorff (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Gunter Grass), khán giả thấy kỳ lạ không những bởi hình ảnh cậu bé Oscar không chịu lớn, có biệt tài mỗi khi hét lên là các cửa kính đều vỡ mà còn bởi những nghệ sỹ sáng tạo ra nhân vật này còn trang bị cho cậu bé chiếc trống bằng thiếc. Đạo cụ này đã giúp Oscar bộ lộ thêm nhiều khả năng và tính cách, là bạn đồng hành không thể thiếu được của nhân vật và thời đại suốt từ những năm trước đại chiến Thế giới thứ II (1924) đến tận ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh (9-1945). Cái trống thiếc đã trở thành một phần không thể thiếu được của nhân vật, đồng thời nó cũng có những giá trị riêng, mang nổi sức nặng của tác phẩm và sự cá biệt của nhân vật.

Trong điện ảnh Việt Nam, có những lúc chúng ta đã làm được điều này. Có thể sự sáng tạo hoàn toàn vô thức của nhà văn Nguyễn Văn Thông khi trang bị cho bé Nga một đạo cụ vô giá là Con chim vành khuyên. Cùng thời đại, có rất nhiều em nhỏ tham gia hoạt động cách mạng, song chỉ riêng bé Nga được nghệ sỹ Nguyễn Văn Thông tặng cho con chim non nho nhỏ. Con chim ấy là hình ảnh bé Nga lúc còn sống. Con chim ấy cũng là hình ảnh hương hồn bé Nga lúc em trút hơi thở cuối cùng. Linh hồn bé bỏng ấy từ trong túi vạt áo ướt của một thể xác vừa ngã xuống ven sông đã vỗ cánh về trời. Đôi mắt Nga nhìn theo cánh chim. Và khi cánh chim chỉ còn là một chấm nhỏ, lẫn vào mây trắng trời xanh, ánh mắt ấy từ từ khép lại. Cái chết ấy nhẹ nhàng bao nhiêu. Và cái vết thương giặc bắn bé Nga đang còn rỉ máu trong lòng khán giả đã được cánh chim mềm mại và ấm áp ấy băng bó phần nào. “Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu” (Huy Cận).

Phim Người tình

Còn nhớ trong phim Người tình của đạo diễn Pháp Jean – Jacques Annaud có căn phòng nhỏ của đôi tình nhân Hoa – Pháp giữa Chợ Lớn. Đạo diễn tài ba đã trang bị cho cô gái người Pháp Margueritd Duras một cây cảnh. Khi họ đến căn phòng này lần đầu tiên, cái cây cảnh ấy bị khô héo từ bao giờ, đang dần chết. Sau khi làm tình, lúc đi tắm, cô gái Pháp đã mang cây ra tưới. Lần thứ hai, họ đến đây để yêu nhau, cô gái Pháp cũng nhớ đến cái cây. Khi đã thỏa mãn rồi cô cũng tưới tắm cho cây. Khán giả thấy cây đã xanh trở lại. Lần thứ ba, cũng là lần cuối cùng, cô hẹn anh đến để cùng nhau gặp gỡ lần cuối trước khi anh cưới vợ. Hôm đó là một ngày mưa. Cô khoác áo mưa đến. Căn phòng trống vắng. Các tấm ga trải giường đã bị lột. Nắng chiếu soi vào những tấm đệm trống trải trên giường. Anh người Hoa không đến. Cô gái Pháp vẫn mặc áo mưa ngôi trên giường, đầu cúi thấp. Có tiếng trẻ con hàng xóm khóc. Cô đứng dậy. Đi về phía trong, cô mang chậu cây cảnh ra tưới. Bây giờ cây đã xanh tươi ở lại. Đặt cây vào chỗ cũ, cô mở cửa bước ra ngoài. Có thể nói, khán giả yêu cô gái, chia sẻ và thương yêu cô hơn bởi cô khác những cô gái khác. Đơn giản bởi cô có tình yêu với cái cây. Và cái cây đó giúp cô nói nhiều điều có ý nghĩa sâu xa với người xem.

Những vật dụng bé nhỏ ấy, nếu các nhà làm phim biết cách đặt đúng chỗ và đúng lúc cho nhân vật thì vẻ đẹp của nhân vật càng sâu đậm trong lòng khán giả. Trong phim Hoa hướng dương (Under Sun Toscan), các nhà làm phim Mỹ đã xử lý một cách rất có duyên với cách làm này. Khi thiếu phụ Fransesca vừa ly dị, sang Italia du lịch. Đến Toscan, cô ra phố dạo. Trên phố, cô ghé vào một đám đông bên đường. Tại đó, cô gặp một phụ nữ Italia da trắng nuột nà trong bộ váy nhung đen mịn đang âu yếm ôm một chú vịt con tí xíu mới nở. Người phụ nữ Italia đẹp lộng lẫy kia đang mỉm cười đầy ý vị khi hai tay nâng cuộn lông tơ vàng mịn lên cổ, cái mỏ tí xíu của chú vịt cứ tìm mồi một cách đáng yêu dọc cái cổ cao ba ngấn trắng ngần của cô. Và chú vịt tí xíu ấy như một tín hiệu gọi mời người phụ nữ Mỹ Fransesca vừa từ nơi xa đến làm quen với người đàn bà Italia dễ thương kia. Chưa hết, trong phim còn có trường đoạn khi Fransesca làm quen với chàng thanh niên Ý tên là Lombardo. Anh này mời Fransesca về nhà mình bên bãi biển. Khi họ đi dạo trên cát, các nhà làm phim đã trang bị cho Lambardo một chú mèo nhỏ. Chú mèo đi theo họ. Và Lombardo chạy hình chữ chi đùa giỡn với chú mèo. Anh còn ôm chú mèo lên âu yếm. Cử chỉ đó đã khiến Fransesca có cảm tình ngay với Lombardo và chỉ vài bước nữa, cô đã rơi vào vòng tay tình ái khỏe mạnh và rắn chắc của chàng trai bản xứ trẻ tuổi hơn mình.

Và, để kết thúc bài viết, tôi muốn nhắc đến cảnh cuối cùng trong phim Đàn sếu bay (Đạo diễn Kalatodov). Ngày chiến thắng, cô gái Veronhica cùng mọi người đi đón những người thân yêu trở về. Nhưng chàng Borit của cô không về nữa. Bạn bè tặng hoa cho cô. Đẫm trong nước mắt và nụ cười, Veronhica mang hoa tặng lại bao người. Và lúc đó, trên bầu trời bỗng xuất hiện đàn sếu “Những đàn sếu bay đi sương mù và khói tỏa/ Trên Mạc Tư Khoa lại đã thu rồi” (Onga Bergol – Bằng Việt dịch). Cô nhìn lên. Đàn sếu bay theo đội hình. Có một chỗ trống. Chúng bay đi mang theo nỗi buồn, sự mất mát của cô, của triệu triệu người dân Xô-Viết. Nhà phê bình Nga X.Freylic đã viết: “Veronhica chỉ có một mình, đàn sếu bay qua trên đầu cô, và điều đó tạo cho chúng ta cảm giác mới về cuộc đời đã qua... Và bất chợt chúng ta thấy chính các nhân vật gắn liền với mặt đất từ tầm cao của đàn sếu”.

Đoàn Tuấn