Bí mật trong phim

Bí mật trong phim là gì ?

(TGĐA) - Trong những bài viết của Thạch Lam về quà Hà Nội, tôi cứ nhớ mãi “ một thứ quà rong đặc biệt được gọi là bánh bật cười”. Bạn bỏ ra một xu để mua hai phong bánh gói giấy đẹp đẽ, đến khi mở ra khoe thì chỉ thấy bay ra …hai con ruồi, nó bay đi mất.


Tựa như điều bất ngờ được người bán hàng gói gém bên trong chiếc bánh, những bí mật là quyền được có để mỗi bộ phim trở nên hấp dẫn. Những người giữ bí mật, những kẻ phát hiện ra bí mật, những bi kịch nảy sinh từ trong bí mật, những bí mật làm mọi hành động dù điên rồ được thông cảm…Vâng, chúng ta - khán giả vẫn chứng kiến những điều này trong hầu hết các bộ phim.

Cảnh trong phim Old Boy

Trong cuộc sống, mỗi chúng ta đều có cho riêng mình những bí mật. Bí mật của cuộc sống có thể chỉ là điều nhỏ li ti ta yên tâm cất giấu trong nhật kí nhưng bí mật của phim phải là cái gì đó thực sự quan trọng và khủng khiếp. Khi xuất hiện, bí mật góp phần tạo ra sự bất ổn cần thiết cho các câu chuyện phim bằng cách thiết lập được một hệ thống hành động, trạng thái phụ thuộc.

Hãy lấy bí mật trong phim làm trung tâm kiểu như vị trí của mặt trời trong hệ của nó, sẽ thấy quay xung quanh bí mật là: che đậy, lo lắng, nghi vấn, dối trá, sơ hở, bại lộ, khủng hoảng, …Đây hoàn toàn là những chất liệu tốt cần được khai thác trong kịch bản.

Xin đưa ra một số mô-tuýp bí mật mà chúng ta thường thấy theo thể loại phim: Đối với phim tâm lý, tình cảm: bí mật về huyết thống, nguồn gốc, bí mật về sự ngoại tình, bí mật giới tính…Đối với phim hình sự: bí mật về tội ác, hung thủ hoặc thân thế điệp viên…Đối với phim chiến tranh: bí mật quân sự, kế hoạch, thời gian địa điểm các trận đánh…Đối với các phim phiêu lưu: bí mật về kho báu. Đối với các phim hài: bí mật về thân phận kiểu gái đóng giả trai hoặc ngược lại hoặc xuất thân giàu, nghèo…

Cảnh trong phim Thelma & Louise

Vì sao phải tạo ra bí mật cho nhân vật ?

Khi người kể chuyện trao cho nhân vật một bí mật với mệnh lệnh: “Này cô, hãy giấu kín nó bằng cả mang sống nhé” thì cũng có nghĩa một lớp chuyện quan trọng đã xuất hiện. Nó giống như một con sóng hung hăng nằm ngầm dưới lòng sông. Dòng sông ấy sẽ trở nên bí ẩn, hấp dẫn biết bao với những tay chèo thuyền ưa mạo hiểm. Như vậy, tạo ra bì mật cho nhân vật là tạo môi trường kịch tính trong phim. Ngoại trừ bí mật về câu thần chú mở một cái hang chứa rât nhiều của lả ( nếu có) còn những bí mật khác, tôi tin luôn làm nhân vật khổ sở.

Liệu có ai khổ sở hơn một người phụ nữ kiêu hãnh giữ cho mình bí mật danh dự. Đó là Hanna Schmitz trong phim The Reader. Được chuyển thể từ tiểu thuyết thành công của nhà văn Bernhard Schlink, The Reader của đạo diễn Stephen Daldry là câu chuyện về sự phóng thích tội lỗi trong quá khứ. Bí mật tình cảm với một thanh niên bằng nửa số tuổi của mình, bí mật của sự mù chữ từ một dân tộc thượng đẳng, bí mật của sự bẽ bàng tội lỗi diệt chủng… đã tạo ra bi kịch cho “ một cuộc đời mà những lúc vùng dậy là những cuộc rút lui hiên ngang, những chiến thắng là những thất bại che đậy.” (Người đọc- NXB Phụ nữ- tr 116). Cuộc đời của Hanna tuy bé nhỏ nhưng giúp chúng ta thây được hằng số lớn lao của nhân loại. Cách người ta sống với quá khứ như thế nào? Che đậy một cách khốn khổ những bí mật ra sao? Như vậy vấn đề của Người đọc ( The Reader ) chính là vấn đề về cái nhìn vào bí mật - một di chứng cuả quá khứ- để nhận ra những chiều kích khác nhau của mỗi sự vật, sự việc.

Ngược trở lại với những bộ phim cũ hơn, chúng ta cùng khảo sát tác dụng của việc tạo ra bí mật cho nhân vật. Trước hết, bí mật thúc đẩy nhân vật hoạt động. Khi nhân vật có một bí mật, anh ta rơi vào trạng thái không an toàn. Bí mật đó sẽ làm đau đớn người tôi yêu nhất, tội ác của tôi bị bại lộ, tính mạng của tôi bị đe doạ, danh dự của tôi bị tổn thất…Vì thế tôi phải tìm mọi cách để che đậy.

Bộ phim “Bao giờ cho đến tháng mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh bắt đầu bằng việc nhân vật Duyên thăm chồng ngoài chiến truờng trở về với tin dữ chồng cô đã hy sinh. Sợ người bố chồng đau buồn mà bệnh tình thêm trầm trọng, Duyên đã giữ lại tin xấu cho riêng mình và tìm mọi cách để biến nó thành bí mật. Từ đây xuất hiện hai bi kịch: Một là nỗi đau đớn tột cùng mà cô phải âm thầm chịu đựng. Chồng hy sinh, muốn gào khóc nhưng cô phải nuốt nước mắt, cười nói như không. Hai là để giữ bí mật, cô phải tạo ra những bằng chứng giả. Cô đến nhờ thầy giáo Khang viết hộ những lá thư thay người chồng đã mất. Vì thế đã gây nên những hiểu lầm…Câu chuyện phim nhờ đó được diễn xuất. Nhiệm vụ giữ bí mật của Duyên trở thành sự hy sinh mang tính nhân văn.

Bí mật trong phim không gì khác chính là một thủ pháp tạo ra sự hồi hộp cho khán giả. Sẽ luôn xuất hiện những khoảnh khắc bí mật “ suýt” bị tiết lộ. Cầu mong bí mật sớm được hé lộ hay thót tim cùng người giữ bí mật, tất cả giống như cảm giác nhấp nhổm, dồn nén, hưng phấn… lúc bạn ngồi trên sân vận động cổ vũ cho đội bóng mà mình yêu mến. Tôi nhớ tới cảm giác khi xem bộ phim Mỹ Dấu ấn ô nhục ( chuyển thể từ tiểu thuyết Chữ A màu đỏ nổi tiếng của Nathaniel Hawthorne) cách đây lâu rồi. Hester Prynne, vì có một đứa con hoang đã chịu hình phạt của tội ngoại tình là đeo một chữ A màu đỏ đến hết đời. Không ai ngờ rằng bố của đứa con hoang ấy lại chính là Arthur Dimmesdale, một vị giáo sĩ trẻ tài năng, được các con chiên ngưỡng mộ như một vị thần. Hester chịu đựng nỗi nhục nhã đau đớn. Arthur bị dày vò khủng khiếp. Và khi chồng của Hester – một kẻ dị dạng ,khô lạnh - đã sống cuộc đời lang bạt, nay trở về thấy vợ bị ô nhục thì bi kịch thực sự xảy ra. Buộc vợ thề không bao giờ lộ ra tung tích, lão bắt đầu một cuộc săn tìm kẻ tình địch để báo thù. Cuộc săn tìm bí mật ấy đã trao cho tôi trọn vẹn cảm xúc hồi hộp, lo lắng. Cảm xúc của một người giữ bí mật mà Demmi More đã thể hiện thành công khi vào vai nàng Hester.

Cảnh trong phim The Reader

Bí mật còn giúp bộ phim trở nên hấp dẫn hơn ở tính bất ngờ. Những bí mật càng được người này dụng công che đậy thì lúc tiết lộ sẽ càng gây bất ngờ sửng sốt với người kia. Vào thời điểm bí mật bị phanh phui cả bộ phim phải rung lên và chao đảo như xuất hiện một cơn động đất. Hoặc chí ít sự thật vừa phát hiện phải có tác dụng như một mũi dao mổ lách vào cái nội tạng chưa kịp gây mê. Ví dụ với bộ phim thriller nổi tiếng Old Boy của đạo diễn Park Chan Won. Khi nhân vật Dae – su phát hiện ra bí mật về quá trình mình bị bắt cóc là kết quả của sự trả thù dã man, bản thân ông dưới sự sắp xếp của kẻ thù đã yêu và ngủ với chính cô con gái thì phim vốn dĩ đã gai góc, bạo lực đến đây lại thêm dữ dội, sặc sụa máu và nứơc mắt hơn. Đỉnh điểm của sự căng thẳng, Dae – su đã dùng kéo để cắt lưỡi của mình. Còn với nhân vật Han woo jin, khi bí mật về quyết tâm phục thù dành cho Dae – su được ngã ngũ thì hắn cũng đau đớn đưa súng vào thái dương và tự bóp cò. Như vậỵ thời điểm tiết lộ bí mật chính là cao trào hay những bước ngoặt trong phim.

Bí mật gắn liền với nhân vật vì thế nó sẽ bộc lộ con người thực của nhân vật. Bí mật làm nhân vật đáng tin, đáng thông cảm hơn. Trong truờng hợp trên bí mật thuộc về quá khứ của nhân vật. Thường là những quá khứ đen tối gây ám ảnh. Bí mật loại này chính là động cơ để nhân vật thực hiện mục đích hay giải thích hành động, cách hành xử của anh ta. Norman Bates đóng giả mẹ mình để bắt và giết các khách trọ vì truớc đó anh ta đã giết chết mẹ và người tình của bà sau khi phát hiện ra họ ngủ với nhau. ( phim Psycho –đạo diễn Alfre Hitchcock). Louise sẵn sàng bóp cò kết liều kẻ cưỡng hiếp Thelma vì lúc nhỏ chính cô ta từng bị lạm dụng tình dục ( phim Thelma & Louise – đạo diễn Ridley Scott). Seymour Parrish người thợ rửa ảnh hiền lành đáng mến trở thành hung thủ nguy hiểm đe doạ cặp ngoại tình vì trước đó ông ta luôn thầm lặng theo dõi, ao ước cuộc sống hạnh phúc của gia đình người đàn ông phản bội. ( phim One hour Photo – đạo diễn Mark Romanek) ….Như vậy qua bí mật, khán giả hiểu đuợc nhân vật một cách rõ ràng hơn. Nó sẽ trả lời câu hỏi anh ta là ai? Tại sao anh ta lại hành động như thế ?

Từ khả năng làm rắc rối sự việc, nhân vật trong phim truyện ta xét đến tính dài hơi mà bí mật mang đến trong những bộ phim truyền hình. Vì một bí mật dẫn đến lời nói dối, rồi lời nói dối dẫn đến sự hiểu lầm, dẫn đến những tổn thương, nhân vật này đau khổ, nhân vật kia nháo nhác giải quyết…Chuyện nảy sinh ra chuyện, rồi một chuyện khác lại hình thành... Khán giả sẽ còn cái gì đó hấp dẫn để theo dõi hết ngày này sang ngày khác chừng nào người ta chưa tiết lộ bí mật. Đây được coi như một “mánh” thường áp dụng vào việc thiết kế kịch bản phim truyền hình ở cả dạng tiểu thuyết lẫn tình huống. Nếu dạng phim truyền hình tiểu thuyết, bí mật làm chuyện nảy ra chuyện như đã nói thì ở dạng phim tình huống, bí mật lại là đặc điểm chung để xâu chuỗi các tình huống riêng biệt. Ví dụ như bí mật về khả năng siêu nhân của anh chàng Clark Kent trong series phim truyền hình Smallville đã được giấu từ phần một sang các phần tiếp theo, kéo dài hàng trăm tập.

Cảnh trong phim The Scarlet Letter

Tạo bí mật cho nhân vật như thế nào ?

Nguyên tắc để xây dựng bí mật cho nhân vật là bí mật càng quan trọng thì nhân vật càng khó để che đậy. Người kể chuyện sẽ phải dụng công tạo ra nhân vật thật thông minh hay có một đời sống tâm lý thật phức tạp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hay đi tìm bí mật.

Chúng ta chưa quên anh chàng Do Thái Guido với khả năng giữ bí mật tuyệt diệu trong phim “Cuộc sống tươi đẹp” của đạo diễn Roberto Benigni. Giống như lời thách thức của ảo thuật gia David làm biến mất tượng Nữ thần tự do, Guido đã làm biến mất cuộc thế chiến thứ 2 trong mắt đứa con trai nhỏ Giosue. Bị bắt vào trại tập trung và buộc lao động khổ sai, hết lần này đến lần khác, nhờ vào khiếu hài hước, thông minh, nguời cha đã giữ cho nguời con một cuộc sống tươi đẹp khi coi tất cả chỉ là trò chơi mà phần thuởng cho ngưòi thắng cuộc là một chiếc xe tăng…Bí mật của Guido đã thể hiện tình cảm gia đình sâu sắc cùng niềm lạc quan đáng ngạc nhiên của con ngưòi trong khốn khổ. Ngay khi cái chết cận kề, Guido với dáng điệu hồn nhiên và nụ cười hóm hỉnh vẫn bảo vệ trọn vẹn bí mật của mình trước ánh mắt xoe tròn ngây thơ của con trai.

Có câu: “cây kim trong bọc cũng có lòi ra”. Những bí mật thường được tiết lộ bằng một cảnh phục hiện, bằng lời tự thú, bằng việc nghe lỏm…Nhưng cách tôt nhất để thể hiện nó là bạn cần tung những chi tiết, những sơ hở đủ để người khám phá bằng tư duy của mình ghép nối và tự phát hiện. Bộ phim The Departed của đạo diễn Martin Scorsese thể hiện rất thành công cuộc đấu trí căng thẳng, khủng hoảng để giữ kín thân phận giữa Billy (Leonardo DiCaprio) một nội giám của FBI trong vai một gangster với Colin (Matt Damon) một gangster được ông trùm Costello( Iack Nichoson) cài vào đội ngũ cảnh sát, song cũng thật tài tình khi tạo ra một cái kết nghiệt ngã trong việc phát hiện bí mật. “ Kĩ thuật cài cắm” được sử dụng một cách khéo léo qua chi tiết chữ “CITIZEN” viết trên bì giấy. Một chi tiết nhỏ ấy thôi nhưng bí mật thân phận của Colin bị gỡ tung dưới mắt của Billy.

Cảnh trong phim Volver

Bạn cũng có thể chẳng bao giờ tiết lộ một bí mật nào cả dù trong phim của bạn, ai cũng mang một bí mật nặng như đeo đá. Đó là trường hợp bí mật bị giấu kín, bị kìm lại và không bao giờ đuợc tiết lộ trong phim Volver của đạo diễn Almodóvar . Những bí mật ở đây lại đóng vai trò là cái cớ để kéo gần những người phụ nữ bất hạnh, họ không cần kể cho nhau hay khán giả nghe về những bí mật của mình, họ cần xích gần hơn để đủ sức giữ lại những bí mật trong lòng.

Bí mật giống như password dưới mỗi cái nickname chỉ có điều: password mở ra một thế giới ảo còn bí mật mở ra thế giới trung thực của chính bạn. Sự trung thực mà nhiều người dù nhắm mắt xuôi tay nhưng vẫn không thể tiết lộ. Bạn hãy mang những bí mật của mình vào phim. Tôi tin, khi người ta làm một bộ phim cũng có nghĩa là đang tiết lộ bí mật nào đó của chính mình.

Vũ Ánh Dương