Bi hài chuyện thu âm phim Việt

Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, việc thu âm đồng bộ cho phim là chuyện tất yếu, tuy đắt giá nhưng sống động. Còn ở Việt Nam thì trào lưu này đang ngày càng phát triển.

Không lạ gì chuyện đoàn phim đang quay ngon lành, bỗng dưng cứ nghe tiếng cắt của đạo diễn vang lên, bởi lý do: Tiếng chó sủa, mèo kêu, hoặc vài ba đứa trẻ cứ khúc khích cười ở cuối đoàn phim!


Bi hài chuyện thu âm phim Việt
Chuyên viên thu âm của đoàn phim Chuyện tình đảo ngọc

Thu tiếng trực tiếp “hất cẳng” lồng tiếng

Việc thu âm trực tiếp ở nước ta bắt đầu từ những bộ phim được chiếu trên giờ vàng của hãng phim Lasta. Đây là nơi tiên phong ở lĩnh vực mới này, khởi đầu cho hàng loạt các bộ phim của hãng. Dần dần thu âm trực tiếp đã trở nên phổ biến hơn bởi những tiện ích mà nó đem lại.

Lồng tiếng là công việc rất phức tạp do một êkip chuyên môn đảm trách. Người lồng tiếng phải biết biểu đạt cho đúng tâm trạng, tình cảm nhân vật sao cho “khớp” với diễn viên. Hầu hết các nhân vật đóng phim đều nhờ vào “đội quân” trong bóng tối này để "cứu vớt" phần nào cho bộ phim nhờ vào giọng nói “vàng” của mình.

Bi hài chuyện thu âm phim Việt
Diễn viên Hoàng Anh trong một cảnh quay có thu âm trưc tiếp

Có thể nói người diễn viên lồng tiếng đã mang lại linh hồn cho những “hình nhân” trên màn ảnh. Nhưng lắm khi cũng chính họ làm “hạ nhiệt” khán giả vì sự lồng tiếng … không hợp vai.

Tuy nhiên theo lời đạo diễn Việt Linh: “Dù điêu luyện đến đâu, hiệu quả lồng tiếng vẫn không thể bằng thu tiếng đồng bộ. Nó thiếu sự tươi tắn, sống động, tinh tế của âm thanh đời sống, người xem vẫn có cảm giác “giả”. Do vậy điện ảnh tiên tiến trên thế giới dường như không còn tiếng động tái tạo.

Việc thu âm đồng bộ rất phức tạp. Nó đòi hỏi ở người diễn viên phải có giọng nói chuẩn, đạo diễn phải thật tinh ý, nhạy cảm ở hiện trường quay thì mới có một kết quả hoàn hảo. Thu âm trực tiếp rút ngắn thời gian quay hơn vì thu âm tái tạo phải lo phần hậu kỳ và phải lệ thuộc rất nhiều vào đội quân lồng tiếng trong bóng tối, đó là chưa tính phải mất thời gian và kinh phí cho giai đoạn này.

Nhưng điều lo ngại có thể sẽ xảy ra một khi phim ảnh Việt Nam đồng bộ thu âm trực tiếp thì lực lượng những người lồng tiếng này sẽ có nguy cơ… thất nghiệp?

Bi hài chuyện thu âm phim Việt
Các chuyên viên thu âm luôn cực lực trong phim Bẫy rồng

Những khó khăn thường trực

Khi một số phim đã bắt đầu chú trọng hình thức thu âm trực tiếp thì giọng nói của người diễn viên luôn là tiêu chí quan trọng hàng đầu để được giao vai diễn. Có nhiều diễn viên diễn xuất rất tốt, ngoại hình lý tưởng nhưng đạo diễn đành ngậm ngùi nói “lời chia tay” chỉ vì tiếng nói ngọng nghịu, không chuẩn. Ngược lại, một số diễn viên tuy không có ngoại hình bắt mắt nhưng nhờ “giọng nói vàng” nên họ luôn là ưu tiên cho thể loại mới này.

Tại trường quay, việc thu âm đồng bộ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố: thời tiết, con người và cả máy móc.

Giai đoạn bấm máy rất dễ làm mọi bộ phận trong đoàn phim phải “quýnh quáng” lên vì không khí khẩn trương chuẩn bị, từ chuyên viên hóa trang, đạo cụ, ánh sáng, âm thanh đến diễn viên và nhất là đạo diễn. Bởi lúc này đạo diễn là người căng óc nhất, cùng lúc phải quan sát, chỉ đạo nhiều thứ như diễn xuất của diễn viên, lời thoại, cảnh trí, khung hình nên đòi hỏi đạo diễn gần như tập trung 100%.

Bi hài chuyện thu âm phim Việt
Các khán giả nhí này luôn là nỗi ám ảnh trong lúc thu âm

Với những cảnh quay ở ngoài trời, đoàn phim gặp khá nhiều khó khăn. Những lúc trời mưa, tiếng mưa rơi tí tách tưởng chừng là một âm thanh trữ tình lãng mạn, nhưng với việc thu âm trực tiếp thì mưa lại là “kẻ thù” bởi cả đoàn phim phải nghỉ quay, làm hao phí thời gian và tổn thất tiền bạc.

Việc thu âm trực tiếp đòi hỏi việc lựa chọn cảnh quay cũng làm đạo diễn điên đầu không kém. Điện ảnh nước nhà còn nghèo, kinh phí cho phim thấp, phim trường ít và quá mỏng manh, từ việc thương lượng với nhà dân, xin giấy phép chính quyền do một tay chủ nhiệm “đảm đang”, nhưng chẳng ai dám bảo đảm sẽ không có… bất trắc xảy ra

Bi hài chuyện thu âm phim Việt
Bi hài chuyện thu âm phim Việt
Có khán giả thì vui, nhưng đôi lúc lại là áp lực cho đạo diễn vì sự ồn ào

Đến hiện thực phim trường

Có “xâm nhập” thực tế hiện trường mới biết những người trong đoàn phim phải vất vả như thế nào khi thực hiện bộ phim có thu âm đồng bộ.

Khi đoàn phim Tham vọng của đạo diễn Xuân Cường đến Quận 7 để quay ngoại cảnh, quay phim đang chuẩn bị ghi hình thì những người hâm mộ đã vây kín cả trường quay. Bất ngờ vì sự yêu mến của công chúng mê điện ảnh, ban đầu đạo diễn cũng tỏ ra vui vẻ; nhưng chính sự yêu mến ấy đã trở thành áp lực khi đám đông này cứ vô tư bình luận gây ồn ào. Thông thường trong đoàn phim chỉ có hai, ba người làm nhiệm vụ giữ yên lặng cho hiện trường quay nhưng lúc này đoàn phim phải tăng cường đến cả chục người ra “hô hào” giúp. Câu cửa miệng của những người làm nhiệm vụ này luôn là: “Xin bà con giữ im lặng trong năm phút. Xin cảm ơn nhiều”. Cứ mỗi lần giọng nói “oanh vàng thỏ thẻ” ấy cất lên là bọn trẻ con thay anh đọc nốt phần còn lại rồi bật cười ra vẻ khoái trá. Mọi biện pháp từ năn nỉ ỉ ôi đến đe dọa đều được đem ra áp dụng hầu đem lại một hiện trường im lặng là điều… nan giải!

Bi hài chuyện thu âm phim Việt
Chuyên viên thu âm luôn có mặt tại hiện trường

Cảnh quay Minh Đạt đi bộ ngoài bờ sông, trông rất trữ tình, cứ tưởng mọi việc sẽ ổn thỏa, vì khu vực đó rất kín, cây cối um tùm che kín lại được quay từ rất sớm nên bà con sẽ khó phát hiện. Tiếng đạo diễn vang lên: “ Máy! Diễn! Minh Đạt nhập vai với từng bước chân nhẹ nhàng… bỗng đạo diễn hô “cắt”. Mọi người đưa mắt nhìn nhau chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra, anh liền chỉ tay lên trời: “Máy bay, máy bay ồn ào quá!" Thì ra chính anh là người đầu tiên phát hiện ra tiếng ồn từ trên trời!

Khi chọn cảnh quay ở quán cà phê trên đường Quận 7, ai nấy đều hí hửng vì bối cảnh quá tuyệt vời. Nhưng lúc đoàn đổ quân tới thì mới phát hiện hai căn nhà kế bên, một bên là xưởng cưa, một bên là…. thợ hàn sắt, lục đục suốt cả ngày, khiến đoàn phim gần như nín thở bởi tiếng động không mời mà tới. Cứ mỗi lần quay là mỗi lần năn nỉ, xin họ dừng 5 phút để quay phim. Văn Huỳnh một nhân viên có khá nhiều kinh nghiệm trong việc xin im lặng ở hiện trường mếu máo kể: “ Có lần, một ông chạy honda vào thẳng khu vực quay. Thấy em chặn lại, không những không ngừng mà ông ấy còn đâm thẳng vào người, rồi miệng la: "cướp cướp", báo hại cả đoàn phim ngẩn ngơ không biết chuyện gì, còn đạo diễn thì giậm đất kêu trời vì… tức!

Bi hài chuyện thu âm phim Việt
Bi hài chuyện thu âm phim Việt
Các thiết bị thu âm luôn được cài đặt khéo léo ở khắp nơi

Đôi khi sự cố không phát sinh từ chủ quan đạo diễn, lúc diễn viên quên lời thoại, máy quay lại “nhõng nhẽo”… , từ sự cố này phát sinh nhiều sự cố khác làm đạo diễn đôi khi “cười ra nước mắt”. Do tính chất của việc thu âm đồng bộ nên yêu cầu đạo diễn phải luôn tinh thông, thật sự nhạy cảm, mọi dây thần kinh đều phải hoạt động, quan sát tất cả mọi động tĩnh cả trên trời dưới đất.

Bi hài chuyện thu âm phim Việt
Thu âm tiếng xe, tưởng dễ nhưng không dễ chút nào

Cảnh đoàn phim Mùi ngò gai quay ở thác Giang Điền – Đồng Nai, cứ ngỡ tiếng thác “reo” sẽ là âm thanh thích hợp cho đôi tình nhân tâm sự. Ai ngờ, khi cảnh quay diễn ra thì tiếng ve bắt đầu râm ran… bất tận!” Cả đoàn phải chia nhau ném sỏi lên cây để các chú ve im lặng, khi hiện trường im lặng đoàn phim vừa bấm máy thì các chú ve lại tiếp tục kêu. Cuộc chiến âm thanh ồn ào này chỉ được dẹp khi đạo diễn cử các anh bảo vệ hiện trường leo lên cây rung liên tục để ve sợ mà đừng… kêu!

Biết bao tình huống bi hài nảy sinh trong quá trình khởi quay, biết bao chuyện để kể… Ấy thế mà những nhà làm phim giống như những con ong cần mẫn góp mật cho đời, để những bộ phim thu âm đồng bộ đạt được chất lượng thật sự.


Theo Zing