Bảo hiểm cho phim, diễn viên - Luật bỏ ngỏ!

Cách đây 2 tháng, “Bảo hiểm cho phim và thành viên đoàn làm phim” là 1 trong 9 nội dung mà Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã thẩm tra và cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.

Trong tổng dự toán sản xuất phim không có khoản nào cho bảo hiểm, nên đoàn phim đã phải “cấu” vào một khoản trong chi phí làm phim để đưa diễn viên đi bệnh viện, trả viện phí, thù lao cảnh diễn (cho dù không thành công) và các chi phí hỗ trợ khác.


Đây là vấn đề đã được các nhà làm phim đề cập từ nhiều năm qua. Nói cách khác là “kêu nhiều”... nhưng kết quả vẫn phải tiến hành sản xuất phim trong điều kiện “không bảo hiểm”. Và, tại bản dự thảo mới nhất về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh đang trình tại kỳ họp Quốc hội lần này, vấn đề bảo hiểm cho phim và cho nghệ sĩ vẫn chưa được đề cập.

Tai nạn như... “cơm bữa”

Đoàn làm phim Rừng đen đang thực hiện những cảnh quay

Vẫn biết, để có một bộ phim ra rạp là cả một quá trình sáng tạo đầy gian nan của một tập thể nghệ sĩ. Nhưng không phải ai cũng biết, để có những cảnh quay ấn tượng, những cảnh diễn đầy sức thuyết phục, các nghệ sĩ đã phải đối mặt với không ít nguy hiểm.

Đơn cử là trường hợp “gãy chân, giập xương sườn” của nhà quay phim K’Linh do té ngã từ độ cao trên 10 m khi anh đang loay hoay trên vách núi tìm góc đặt máy lúc đang quay phim Lục Vân Tiên. Hay, trường hợp phải “khâu 8 mũi ở tay” của đạo diễn Bảo Trung trong quá trình làm phim Đẻ mướn. Cùng “chịu nạn” với đạo diễn ở bộ phim này là hoa hậu Hà Kiều Anh. Diễn viên Quốc Tuấn khi đóng Đường thư thì bị trượt dốc trong một cảnh rượt đuổi, toàn thân bị cây rừng cào xước... Thế vẫn là may, vì lúc đó, cả đoàn phim chỉ lo diễn viên bị chấn thương sọ não...

Với những phim đề tài chiến tranh,diễn viên gặp nhiều nguy hiểm. Đơn giản, vì không đâu như ở VN- sử dụng các vật liệu chiến tranh thật để chế tác thành đạo cụ sử dụng trong phim. Vì thế, chỉ cần sơ sẩy là đã đẩy diễn viên vào thế nguy hiểm trong các cảnh quay có bom rơi, đạn nổ. Ở bộ phim Vùng ven một thời con gái (đạo diễn Trần Vịnh), diễn viên Bá Thi và Nhật Lệ trong vai 2 chiến sĩ đã bị những mảnh đá găm sâu vào đùi, máu chảy loang lổ. Nguyên do là sức ép của quả nổ (cài dưới đất) quá mạnh làm đất đá văng quá tầm kiểm soát của đoàn phim.

Diễn viên Trung Dũng (phim Người Bình Xuyên) thì bị “bắn thủng đùi” vì đạn giả (làm bằng hỗn hợp sáp giấy) có vẻ như “quá liều” nên bắn mạnh chẳng khác gì đạn thật. Cũng vì thuốc nhồi quá liều nên đoàn làm phim Đừng đốt đã phải hủy một cảnh quay dàn dựng khá công phu do quả nổ đặt trong áo diễn viên nổ quá mạnh, xé toạc áo, phơi ra trên khuôn hình cả mớ dây nhợ và miếng tôn “bảo hiểm” trước ngực diễn viên. Phim Đô la trắng cũng đã cướp đi một con mắt của diễn viên cascadeur trong một pha quay cảnh bắn nhau...

Cần thiết phải đưa vào luật

Không xa chúng ta, các nền điện ảnh Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đều rất quan tâm đến vấn đề bảo hiểm cho phim và cho nghệ sĩ. Trị giá bảo hiểm thân thể của diễn viên Quách Phú Thành và Trịnh Y Kiện (phim Phong vân) lên đến 110 triệu đài tệ, trong lúc cả hai chỉ bị thương nhẹ trong một cuộc giao đấu. Và ngay tại VN, đoàn phim Người Mỹ trầm lặng khi vào VN sản xuất đã ký với một công ty bảo hiểm và trong suốt thời gian quay, một nhóm nhân viên bảo hiểm luôn đi cùng đoàn, có quyền can thiệp vào việc sản xuất nếu thấy nguy cơ thiếu an toàn.

Từng tham gia vào quá trình làm phim Người Mỹ trầm lặng quay tại VN, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN, cho biết: “Ở các nước, việc bảo hiểm cho đoàn phim, người làm phim cũng như diễn viên là điều cần thiết. Mỗi bộ phim tùy theo tính phức tạp, nguy hiểm, đề tài chiến tranh hay đời thường sẽ có đánh giá mức độ nguy hiểm rủi ro riêng để quyết định hình thức mua bảo hiểm cho đoàn phim. Tất cả các biểu mẫu dự toán sản xuất phim nước ngoài đều có thêm mục kinh phí bảo hiểm. Nhưng ở VN hiện nay, người quản lý tài chính hay người duyệt tổng dự toán phim đều không hoặc chưa hiểu về bảo hiểm, đôi khi đánh đồng bảo hiểm làm phim với bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm xã hội đã mua tại cơ quan v.v...”.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khẳng định: “Nếu không đưa nội dung bảo hiểm cho nghệ sĩ và cho phim vào luật, cũng có nghĩa mục chi này không có trong tổng dự toán phim. Mà đã không được chi thì khi xảy ra tai nạn, nếu không linh động “cấu” vào phim để hỗ trợ cho diễn viên thì trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến hầu tòa và cho dù ra đến tòa thì cũng vẫn là tranh cãi không lối thoát . Đơn giản là đơn vị sản xuất và đạo diễn không có lỗi. Luật có đòi chúng tôi phải mua bảo hiểm cho nghệ sĩ đâu”.

Đấy là nỗi lo của những người làm phim bằng ngân sách Nhà nước cấp. Còn với tư nhân, những người bỏ tiền làm phim thì nỗi lo lớn hơn nhiều. Nhà sản xuất Phước Sang nói: “ Chúng tôi bỏ ra hàng chục tỉ đồng làm phim, nếu chẳng may diễn viên dính xì-căng-đan mà phim không được duyệt thì hãng phim chỉ còn nước phá sản. Vì thế, cần thiết phải đưa vấn đề bảo hiểm cho phim vào luật”.

Ban dự thảo luật không quan tâm?

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh có nêu: “Trên thực tế, để sản xuất một bộ phim thì việc phải tổ chức quay phim tại hiện trường là khâu dễ xảy ra tai nạn đối với thành viên đoàn làm phim. Bên cạnh đó, trong sản xuất phim dễ xảy ra hiện tượng một bộ phim có nội dung tốt, có tính nghệ thuật cao nhưng vì một yếu tố khách quan nào đó (ví dụ vấn đề trở nên nhạy cảm trong thời điểm sản xuất phim hay diễn viên trong bộ phim vi phạm pháp luật hoặc gây dư luận không tốt trong xã hội...) mà nhà sản xuất phải ngừng quay hoặc không được phép phổ biến gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Đây là những yếu tố rủi ro nằm ngoài sự kiểm soát của nhà sản xuất. Đề nghị dự án luật tiếp tục nghiên cứu để có những quy định về bảo hiểm đối với phim và cá nhân tham gia đoàn làm phim”. Thế nhưng, vấn đề này chưa được ban dự thảo quan tâm.

Theo Người Lao Động