16 câu chuyện ở LHP Việt Nam lần thứ XVI

Nói gì thì nói, xét cho cùng khán giả vẫn là những người không được vui lắm.

(TGĐA) - Một số phim mang được mang được một vài giải quốc tế về, cứ như được dán mác “sự đảm bảo bằng uy tín nước ngoài”, chắc chắn sẽ làm khó cho những người chấm giải. Không biết mác ngoại nào hơn mác ngoại nào? Chỉ thấy một điều, thông tin về nguồn gốc lý lịch các giải này khá không rõ ràng.


LHP lần thứ XV tại Nam Định

1. Ở các LHPQT, phim muốn được tham dự ở vòng chung kết hay ở các hạng mục khác, thường phải qua vòng sơ tuyển tương đối khắt khe của các chuyên gia điện ảnh. Song ở nước ta, cụ thể là ở LHP XVI này, Cục điện ảnh có nhã ý mời tất cả các phim ra đời trong 2 năm vừa qua tham dự bởi trong khoảng thời gian từ LHP lần trước ( Tháng 11 năm 2007) đến lần này ( Tháng 12 năm 2009) nước ta mới sản xuất được khoảng 30 bộ phim điện ảnh. Giá thành sản xuất cao, nhiều phim phát hành “không một tiếng vang”. Và hơn nữa, là ngày hội nên “càng đông càng vui”. Song nhiều hãng lại tỏ ra dè dặt với nhã ý của cục. Đây là một điều lạ. Nếu tìm hiểu nguyên nhân, chắc sẽ có nhiều. Song hình như có một nguyên nhân chủ quan là “tham dự chưa chắc có giải, thà ngồi nhà cho xong”, hay do kinh phí hạn hẹp? Hay do thiếu lòng tin hoặc nghi ngờ tế nhị?

2. Trong số các phim tham dự, người ta thấy sự hiện diện nổi trội của 3 dòng phim (tạm gọi là dòng cho dễ phân biệt). Một là dòng phim do nhà nước sản xuất như: Đừng đốt, Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi… Hai là dòng phim Việt kiều như: Huyền thoại bất tử, Mười bốn ngày… Ba là dòng phim tư nhân như: Duyên trần thoát tục, Giải cứu thần chết…

Ở dòng phim nhà nước, ta thấy quan niệm làm phim đã cởi mở khá nhiều. Trước đây, nhà nước chỉ tài trợ cho việc sản xuất những phim tuyên truyền, đường lối, chủ trương của Đảng, nay nhà nước đã tài trợ cho cả những phim khá riêng tư như phim của Bùi Thạc Chuyên. Điều đó cho thấy phim nhà nước đâu chỉ toàn những: “công_ nông_ binh” nữa mà đã khá… “chơi vơi” rồi.

3. Tuy nhiên đến LHP, tư cách và “dáng đi, dáng đứng” của các dòng phim trên khá khác biệt. Phim nhà nước dù sao vẫn khá kềnh càng. Những câu chuyện lớn mang tính chất đại tự sự, ham triết lí nhân sinh. Những phim Việt kiều, mấy năm trước còn có chút gì lạ lẫm trong việc khám phá đất nước theo cái nhìn của người xa xứ thì có lẽ do lâu dần, cái nhìn lạ lẫm yếu ớt đó đã dần bị “đồng hóa” chăng? Cái còn lại làm nên nét riêng của dòng phim Việt kiều này là sự kỹ lưỡng, công phu trong dàn dựng, quay phim, dựng phim, âm thanh… so với phim nhà nước. Tức là phong cách phim rõ ràng hơn. Còn phim tư nhân thì vẫn thuần túy giải trí vui mấy ngày Tết là chính. Như thế thì cũng… phí phạm. Bởi tôi nhớ một lần ở phòng chiếu phim hội Điện ảnh Việt Nam, nhà sản xuất phim người Mỹ Bill Mechanic sau khi xem Những cô gái chân dài của Việt Nam, ông so sánh với phim Người đàn bà đẹp ( Pretty woman) của Mỹ. Ông Mechanic nói, đại ý phim của chúng tôi dù giải trí thuần túy vẫn mang đến cho khán giả cách thay đổi nào đó về sự nhìn nhận và ứng xử trong cuộc sống và tình yêu. Song, nên thú nhận một cách công bằng thì phim của ta cả ba dòng trên đều có điểm chung là ý tưởng còn nghèo nàn và cũ kỹ. Nếu đưa thông điệp và triết lý vào phim thì lại thường thẳng thắn và trực diện quá mức.

4. Trong số những phim tham dự LH, có phim nào mà bạn phải kỳ công xem đến hai lần không? Bởi xem một lần không đã? Tôi tin số phim mà khán giả phải bỏ công quyết xem bằng được lần thứ hai rất ít. Thậm chí không có. Bởi có cảnh nào, trường đoạn nào đập mạnh vào trái tim khán giả không? Hay nhiều phim vừa xem vừa nhắn tin vừa nghe điện thoại mà vẫn không cảm thấy tiếc? Nói vậy để thấy một điều, phim của chúng ta cả đến cách kể chuyện cũng cũ nhàm hoặc hời hợt nên hầu như khán giả và kể cả những người nghiên cứu cũng không có nhu cầu xem lại.

5. Một số phim mang được mang được một vài giải quốc tế về, cứ như được dán mác “sự đảm bảo bằng uy tín nước ngoài”, chắc chắn sẽ làm khó cho những người chấm giải. Không biết mác ngoại nào hơn mác ngoại nào? Chỉ thấy một điều, thông tin về nguồn gốc lý lịch các giải này khá không rõ ràng. Dư luận đã lên tiếng phê phán cái sự nửa kín nửa hở này. Thiết nghĩ, thời buổi thông tin toàn cầu hóa thế này việc gì phải úp úp mở mở thế? Tội nghiệp!

Cảnh trong phim Chơi vơi

6. Lại nói chuyện hội nhập. Nhiều phim chiếu trong nước không có khán giả. Nhưng khi được LHPQT nào đó mời thì đạo diễn lại nói rằng, phim của mình được nước ngoài được nhắc đến như thế coi như đã thành công lớn lắm rồi vì họ đã… quảng bá không công cho mình. Phải xét đến khía cạnh “thắng lợi tinh thần” kiểu AQ đó chứ? Triết lý kiểu AQ đầu thế kỷ XX thế này không biết có thuyết phục được người nào không? Mới đây, đạo diễn Nga Andrey Zvygintsev đã nói rằng làm phim chỉ để chạy theo thị hiếu các LHP nước ngoài là một sự bế tắc.

Lại nói về phim nghệ thuật và phim thị trường. Có đạo diễn ở một hội thảo kêu gọi không nên phân chia hai loại phim này mà chỉ có hai loại khác là phim hay và phim dở. Nhưng khi phim anh làm ra khán giả không xem thì anh lại nói rằng phim tôi chỉ dành cho loại khán giả đặc biệt. Ai muốn kiếm hai cái clip đó, đưa lên mạng để khán giả bình luận? Lại nhớ ông Mechanic đưa ví dụ, nếu một phim thương mại có 200 khán giả ngồi kín 1 phòng chiếu nhỏ và một phim nghệ thuật chỉ có một khán giả xem từ đầu đến cuối, bạn chọn phim nào? Và ông kết luận: đừng phân chia phim thương mại, nghệ thuật hay gì gì đó mà phim phải có tác động đến khán giả.

7. Phim Việt Nam có tiến bộ về nghệ thuật không? Có những phim mà đạo diễn khen kịch bản tuyệt vời. Tôi thử xem mà nhiều lúc nhắm mắt lại mà vẫn hiểu cả mười mấy phút phim. Thoại quá nhiều, hơn cả phim TV. Nếu được phép “dọn vườn” hay “nhặt sạn” cho phim, tôi tin rằng có nhiều bạn có thể cắt những đoạn phim yếu một cách sơ đẳng, để tập hợp thành một phim có độ dài… 90 phút như ai.

8. Trong thời gian LHP, phim Việt Nam chắc sẽ chiếu miễn phí cho khán giả. Song nếu cũng giờ ấy, ngày ấy, có rạp nào đó ở TPHCM chiếu phim nước ngoài mà bán vé thu tiền, liệu có khán giả không? Nếu có phóng viên nào làm vài cuộc phỏng vấn khán giả theo tinh thần “Người Việt dùng hàng Việt” là yêu nước hay vọng ngoại là… không có tinh thần dân tộc, chắc chắn những khán giả này sẽ có câu trả lời hết sức thẳng thắn và chính xác về điện anh nước nhà.

9. “Giám khảo thế nào giải thưởng như thế!” Không biết nghệ sỹ nào, chắc trong lúc tức khí, đã phát minh câu nói nổi tiếng này, khiến nó trở thành câu đùa vui mà các nghệ sỹ trong ngành ai cũng biết. Ẩn ý câu này chắc ai cũng hiểu. Song tại sao chúng ta không đặt vẫn đề ngược lại, chẳng hạn: “Phim thế nào thì giám khảo như thế!” hoặc “Phim thế nào thì khán giả như thế!”. Ít ra công bằng hơn chút xíu.

Poster phim Đừng đốt

10. Phim Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ điện ảnh thế giới? Nếu xét ở tầm châu lục, những điểm nổi bật của điện ảnh di chuyển từ Nhật Bản sang Trung Quốc đến Iran và bây giờ là Hàn Quốc ( riêng điện ảnh Hồng Kông và Ấn Độ thuộc “phạm trù” đặc biệt). Nhìn sang các nghệ thuật khác như âm nhạc, sân khấu luôn học hay và làm cũng vậy. Đạo diễn Vinh Sơn khi tham dự LHPQT ở Dubai về kể, người ta cứ nhầm mình với Trung Quốc. Khi giới thiệu mình là người Việt Nam, họ hỏi lại: Thật không? Thật Việt Nam không? Có đạo diễn khác kể, khi giới thiệu mình là người Việt Nam, một đồng nghiệp nước ngoài hỏi: “Ở Việt Nam có điện ảnh à?” Không biết lỗi tại ai? Tại mình quá khiêm nhường hội nhập hay người nước ngoài quá quan liêu?

11. Liên hoan phim mà không có hội chợ phim, không có cảnh mua bán phim dù chúng ta có dự kiến mời một số đoàn nước ngoài tham dự. Đây quả thực là một điều rất đáng buồn với điện ảnh Việt Nam. Cần nhớ một số hội chợ phim Hồng Kông gần đây, phim Việt Nam, kể cả phim điện ảnh và truyển hình mang chào hàng không ai mua hoặc mua một vài phim với giá rẻ mà thôi. Trong khi đó các nhà mua bán phim của BHD và Thiên Ngân mất một ngày đêm bay tới để tìm mua được những phim mới nhất của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… về phục vụ khán giả nhà.

12. Có diễn viên nào nổi bật, là ngôi sao thu hút được khán giả tại LHP lần này không? Câu trả lời là không dám chắc. Nhiều người bảo, một nền điện ảnh mà không có một ngôi sao thì phim khó hay lắm! Song có nhiều ý kiến phản bác, rằng phim ta đâu phải như phim tư bản cần sao này sao nọ, phim ta quan trọng nhất là “ăn theo đề tài”.


Cảnh trong phim Giải cứu thần chết

13. Nhìn vào các tên phim và đọc qua nội dung chúng ta thấy thế giới tự nhiên ở LHP lần này thật phong phú. Thử liệt kê nào lửa, trăng, chim, rừng, đĩ điếm, Phật, thần chết, lâm tặc, ca sỹ, xã hội đen, thằng khùng… Nếu có người hỏi ai là nhân vật chính của cuộc sống hôm nay? Nông dân trồng lúa, nuôi cá đâu? Công nhân xây dựng nhà máy đâu? Doanh nhân thành đạt đâu? Câu trả lời là những người tốt thường không có kịch tính trong đời nên khó làm phim.

14. Các đề tài nóng bỏng như môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu, chất độc da cam, đô thị rạn vỡ, tham nhũng, tôn giáo và dân tộc thiểu số… Hình như đó là những đề tài của báo chí chứ điện ảnh là một nghệ thuật sang trọng quan tâm đến những vấn đề vĩnh cửu, có tầm thế giới chứ đâu màng đến mấy thứ thời sự ấy. Hơn nữa, những đề tài này nhạy cảm lắm, động đến nhiều người, nhiều ngành cụ thể, mình đâu nỡ. Làm nghệ sỹ điện ảnh kể cũng sướng. Chỉ nên khai thác những nỗi buồn sang trọng.

15. Thi phim ở Việt Nam thật khó. Vì đi thi ai cũng muốn mình có giải. Được giải cao thì hỉ hả. Giải thấp thì cằn nhằn, không được giải thì lầu bầu nguyền rủa thiên hạ. Làm giám khảo thật khó. Trao nhiều giải như liên hoan sân khấu vừa qua cũng khổ, bị giễu tơi bời. Trao giải kiểu Vedan vừa rồi không khéo mất chức như chơi, mà trao ít giải thì mang thù chuốc oán. Ôi! Ghế nóng! Ghế nóng! Chi bằng mời ban giám khảo toàn người nước ngoài cho yên. ( Bóng đá phát triển vì mời huấn luyện viên và trọng tài nước ngoài không sợ mang tiếng vọng ngoại).

16. Thế nào là một câu chuyện Việt Nam? Các nhà làm phim Việt kiều như Trần Anh Hùng, Tony Bùi, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, mỗi người ở phim đầu tay của mình đều tìm được cho mình một cốt truyện thuần Việt nhưng được kể theo cách đương đại. Song, như Trần Anh Hùng sang phim điện ảnh thứ 2 thì bản sắc mất dần. Các đạo diễn trong nước lại gặp phải vấn đề khác theo chiều ngược lại. Phim của họ hầu như không ra khỏi biên giới. Tức là cả hai bên đều gặp phải cái gọi là “tính khu biệt” của người Việt, ngôn ngữ Việt, phim Việt… LHP lần này là một dịp để chúng ta xem lại mình và làm cách nào phá vỡ cái vòng kim cô mà bấy lâu nay chúng ta tự quàng vào đầu mình. Tức là phim truyện Việt Nam, phim tài liệu Việt Nam và phim hoạt hình Việt Nam, người nước ngoài xem rất khó hiểu nếu không có kiến thức tốt về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Phim Việt Nam thật bí ấn như tâm lý người Việt.

Đoàn Tuấn