10 năm thi hành Luật điện ảnh: Dần tháo gỡ những vướng mắc

(TGĐA) - Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật điện ảnh khu vực phía Bắc đã diễn ra tại Hà Nội sáng ngày 1/12/2016. Tham dự hội nghị có ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH – DL, đạo diễn – NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Hoàng Minh Thái - Cục Trưởng Cục Pháp chế, và Tiến sỹ Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục điện ảnh cùng đại diện các Bộ, ban ngành, các Sở VH-TT, Trung tâm Phát hành phim chiếu bóng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc...

10 nam thi hanh luat dien anh dan thao go nhung vuong mac Cục điện ảnh lên tiếng: Bụi đời Chợ Lớn vi phạm Luật điện ảnh!
10 nam thi hanh luat dien anh dan thao go nhung vuong mac Một thập kỷ điện ảnh Việt Nam: Nhiều bất cập và ưu tư….

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Vương Duy Biên đánh giá cao việc điện ảnh là ngành nghệ thuật duy nhất soạn thảo và ban hành Luật riêng nhằm tạo cơ sở, hành lang pháp lý để ngành hoạt động, phát triển. Tuy nhiên, đến nay, Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số bất cập với những điều khoản không còn tương thích với sự phát triển và thay đổi mạnh mẽ của thực tiễn ngành. Trước tình hình đó, Hội nghị tổng kết sẽ lấy ý kiến, góp ý để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nhằm giúp Luật phù hợp hơn với tình hình hiện nay.

10 nam thi hanh luat dien anh dan thao go nhung vuong mac
Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật điện ảnh khu vực phía Bắc

Trong Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật điện ảnh, Tiến sĩ Ngô Phương Lan đã nêu bật các thành tựu đã đạt được từ khi ban hành Luật điện ảnh. Cụ thể, ngành điện ảnh đã xây dựng nhiều văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật điện ảnh về cơ bản là phù hợp với các cam kết quốc tế và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, đã tương đối hoàn chỉnh đảm bảo công tác quản lý và điều chỉnh được hầu hết các hoạt động điện ảnh. Chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã tạo tiền đề tốt để phát triển, tăng cao số lượng và chất lượng phim, tạo nên sự sôi động, tăng trưởng cho doanh thu chiếu rạp. Chính sách phát triển điện ảnh cũng giúp giảm khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ điện ảnh giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thông qua mạng lưới, hệ thống các đội chiếu bóng lưu động… Các thông tư, quy chế, chính sách đặt hàng, chỉ định thầu được ghi nhận qua thành công của một số phim do nhà nước đặt hàng. Luật cũng tạo cơ sở, hành lang pháp lý để có những đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị đặc biệt qua hệ thống máy chiếu cho các đội chiếu bóng lưu động. Chính sách xã hội hóa mang lại diện mạo mới cho điện ảnh, với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các hãng phim tư nhân và chất lượng phim do các hãng tư nhân sản xuất đã tốt hơn rất nhiều… Tính đến cuối năm 2016 đã có tới 450 hãng phim tư nhân được cấp phép phát hành, sản xuất phim nâng tỷ lệ phổ biến, phát hành phim lên 30%, vượt chỉ tiêu chiến lược đề ra.

Bên cạnh những thuận lợi, thành tựu, sau 10 năm ban hành, Luật điện ảnh tồn tại một số hạn chế như Thông tư hướng dẫn, đặt hàng sản xuất phim có hỗ trợ kinh phí của Nhà nước không khả thi, khó vận dụng và chưa có được thông tư liên bộ để khai thông nguồn vốn, cản trở đến hoạt động sản xuất phim. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa được thực hiện do thiếu nguồn thu. Một số chính sách, chế độ đối với các đội chiếu bóng lưu động, xây rạp ở các tỉnh, vùng sâu, vùng xa còn chưa sát và đi vào thực tiễn. Công tác xã hội hóa điện ảnh cũng khiến một số hãng phim tư nhân sa vào lợi nhuận và nghiệp dư hóa hoạt động sản xuất dẫn đến hạ thấp thị hiếu khán giả. Các hãng phát hành còn thiên nhập về phim hành động, giải trí đơn thuần mà thiếu những phim nghệ thuật có chiều sâu… Việc phổ biến phim trên internet có nhiều diễn biến tiêu cực nhưng luật chưa có đủ biện pháp để quản lý hữu hiệu…

Bên cạnh đó, sau 10 năm, nhiều cam kết quốc tế, những thay đổi về công nghệ đã khiến Luật điện ảnh có những khoản, điều trở nên bất cập, không còn phù hợp.

Từ những thực tế trên, ở góc độ quản lý ngành, Cục Điện ảnh đề xuất một số sửa đổi, bổ sung một số điều luật điện ảnh, định nghĩa lại thuật ngữ Phim, tác phẩm điện ảnh qua đó dễ dàng trong cách hiểu, cách quản lý. Bổ sung các nguồn gây quỹ phát triển điện ảnh. Sửa đổi, bổ sung các quy định về ưu đãi đối với các hoạt động điện ảnh để thu hút thêm các nguồn lực đầu tư cho ngành. Sửa đổi, bổ sung cấp giấy phép đối với các bộ phim có yếu tố nước ngoài, quy chế, thông tư đặt hàng, sản xuất phim, khai thác phim trên Internet, lưu trữ, lưu chiểu…

Các đại biểu tham dự hội nghị là đại diện các Bộ, ban ngành, các Sở VH-TT, Trung tâm Phát hành phim chiếu bóng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc... cũng đã góp ý kiến từ thực tế hoạt động sản xuất, phát hành, hợp tác làm cơ sở để Cục điện ảnh tổng hợp, đề xuất sửa đổi luật. Trong đó, nhấn mạnh việc cần có chính sách bảo vệ, hỗ trợ việc sản xuất, phát hành phim trong nước cũng như tập trung đào tạo nguồn nhân lực cao cho điện ảnh, qua đó chuyên nghiệp dần các công đoạn, các khâu từ sản xuất đến phát hành. Các đại biểu cũng nhấn mạnh cần có quỹ phát triển điện ảnh để khuyến khích, tài trợ tài năng trẻ, tác phẩm đầu tay hay phim thể nghiệm…Công tác phát triển hệ thống rạp cũng nhận được nhiều sự quan tâm khi hiện tại hệ thống, mạng lưới phát hành phim ngoại đã chiếm tới 60%. Nếu không có chính sách hỗ trợ, tương lai, tỷ lệ sẽ còn bị thu hẹp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, phát hành phim trong nước…

Ngày 7/12 tới, Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Điện ảnh sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh lấy ý kiến góp ý của các đại biểu ngành khu vực phía Nam.

10 nam thi hanh luat dien anh dan thao go nhung vuong mac Cục điện ảnh lên tiếng: Bụi đời Chợ Lớn vi phạm Luật điện ảnh!

P.V